Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Sản xuất cao su tự nhiên của Ấn Độ

Sản xuất cao su tự nhiên của Ấn Độ

06:10 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Sản xuất cao su tự nhiên của Ấn Độ

Nguyễn Tuấn Quang*

Tại Ấn Độ, những người Anh đã đưa cây cao su có nguồn gốc từ Nam Mỹ vào trồng và đã nỗ lực trồng loại cây này với mục đích thương mại vào năm 1873 tại Vườn Bách thảo Calcutta. Nhưng tới năm 1902, trang trại sản xuất cao su mang tính thương mại đầu tiên mới được thành lập tại Thattekadu, Bang Kerala. Những năm sau đó, cao su được trồng mở rộng sang các Bang Karnataka, Tamil Nadu và Đảo Andaman và Nicobar.

Hiện nay, cây cao su được trồng chủ yếu tại các bang miền Nam và Đông Nam và là một trong những cây công nghiệp quan trọng của nước này. Cao su trồng tại bang Kerala chiếm 78% sản lượng cả nước với diện tích trồng là 550.000 ha. Các bang truyền thống trồng cao su là Kerala và Tamil Nadu. Các bang không truyền thống là Karnataka, Goa, Andhra Pradesh, Orissa, Punjab, Maharashtra, Tripura, Đảo Andaman và Nicobar.

Ấn Độ là nước xếp thứ sáu trên thế giới (sau Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Trung Quốc và Malayssia) về sản xuất cao su tự nhiên và là nước tiêu thụ lớn thứ ba sản phẩm này. Tổng hợp cả cao su tự nhiên và cao su tổng hợp, Ấn Độ xếp thứ tư trên thế giới về tiêu thụ sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản..

1. Sản xuất

Ấn Độ cũng là nước chế biến các sản phẩm cao su từ năm 1920. Việc trồng và chế biến cao su tăng mạnh trong nhiều thập niên qua đã đưa công nghiệp trồng và chế biến cao su trở thành ngành công nghiệp có vị trí đáng kể. Trong những năm qua, sản lượng cao su tự nhiên của Ấn Độ tăng liên tục.

Diện tích và sản lượng cao su tự nhiên của Ấn Độ

Nguồn: Bộ Nông nghiệp Ấn Độ

Năm 2009/10, sản lượng cao su tự nhiên đạt 831.400 tấn. Năm 2010/11, sản lượng đạt 861.950 tấn, tăng 3,7% so với năm trước. Năm 2016/17, diện tích trồng cao su khai thác mủ là 586.000 ha và sản lượng là 691.000 tấn. Từ tháng 4 – 6/2017, sản lượng cao su tự nhiên là 143.000 tấn.

Về chế biến các sản phẩm cao su, đến nay Ấn Độ có 30 doanh nghiệp quy mô lớn; 300 doanh nghiệp quy mô vừa và 5.600 doanh nghiệp quy mô nhỏ. 75% lượng cao su nguyên liệu tại Ấn Độ là dạng mủ tờ xông khói (RSS), tiếp đến là dạng khối cứng (SBR) và latex. Sản lượng 700.000 tấn hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và chế biến trong nước, nên phải nhập khẩu gần nửa triệu tấn/năm.

Các doanh nghiệp lớn sản xuất các sản phẩm từ cao su: Apar Industries, Hyderabad; Apcotex Industries, Mumbai; SRK Industries, Mumbai; Rubfila International, Kerala; Gujarat Reclaim & Rubber Products, Gujarat; Pix Transmission, Maharashtra; Puneet Resins; Somi Conveyor; Rishiroop Rubber; Vamshi Rubber.

Ấn Độ là nước lớn sản xuất và tiêu thụ cao su tự nhiên. Sản lượng tăng trung bình hàng năm 8%. Công nghiệp sản xuất các sản phẩm cao su tại Ấn Độ chủ yếu là phục vụ sản xuất trong nước và tiêu thụ nội địa. Trong những năm gần đây, Ấn Độ xuất khẩu cao su nguyên liệu và sản phẩm cao su.

Với dân số đông thứ hai thế giới 1,2 tỷ người, nước này đang nổi lên là thị trường rộng lớn cho các sản phẩm cao su, kể cả việc nhập khẩu. Mức tiêu thụ bình quân đầu người mới là 1 kg, trong khi tại Mỹ, EU và Nhật Bản mức tiêu thụ bình quân là 14 kg.

Ngành công nghiệp cao su của Ấn Độ có quy mô 80.000 Crore Rupee (khoảng 13,13 tỷ USD) với mức tăng trung bình 10% hàng năm. 35.000 loại sản phẩm từ cao su phục vụ cho những lĩnh vực then chốt như sản xuất ô tô, xe máy, quốc phòng, hàng không, khai khoáng, nông nghiệp, y tế...

Tỷ trọng của cao su tự nhiên và cao su tổng hợp là 75/25, trong khi tỷ trọng này của thế giới là 44/56. Sản phẩm ngành công nghiệp cao su tại Ấn Độ chủ yếu là cao su khô, phù hợp với thị trường trong nước.

Ấn Độ là thị trường tiêu thụ tiềm năng. Nhiều công ty nước ngoài đã thành lập và đang xem xét để lập các cơ sở sản xuất tại đây. Sản xuất các sản phẩm cao su ngoài xăm lốp ô tô và xe máy, đặc biệt là các sản phẩm kỹ thuật có giá trị cao đã được tăng cường đầu tư.

Sản lượng cao su nhân tạo năm 2016/17 đạt 222.744 tấn, tăng 11,5% so với mức 199.845 tấn của năm trước. Tỷ trọng cao su styrene butadiene và cao su poly – butadiene là 43,3% và 52,3% tương ứng trong năm 2016/17.

2. Tiêu thụ

Năm 2009/10, lượng tiêu thụ cao su tự nhiên là 930.565 tấn. Năm 2010/11 là 947.715 tấn. Năm 2016/17, con số này là 1,044 triệu tấn, tăng 5% so với mức 0,944 triệu tấn cùng kỳ năm trước.

Tiêu thụ cao su tại Ấn Độ

                                                                                 Đơn vị: tấn

Nguồn: Hội đồng cao su Ấn Độ

Tiêu thụ cao su nhân tạo là 599.000 tấn năm 2016/17, tăng 1,7% so với mức 553.000 tấn của năm trước. Cũng trong năm này, tỷ trọng tiêu thụ giữa cao su tự nhiên và cao su nhân tạo là 64/36.

Các trung tâm mua bán cao su tại Ấn Độ là Kottayam, Kochi, Kozhikode và Kannur.

Sản xuất săm lốp cao su của Ấn Độ tăng khá nhanh trong những năm qua do nhu cầu tiêu thụ trong nước rất lớn. Năm 2015/16, nước này sản xuất 1.52 triệu bộ săm lốp. Năm 2016/17 (từ tháng 4 – 12/2017) sản xuất 1,27 triệu bộ.

Về cơ cấu sản phẩm, lốp xe 2 – 3 bánh chiểm tỷ lệ 53%, xe con và xe du lịch 26%, xe thương mại 17%, máy kéo 4% và nhu cầu khác 1%.

3. Xuất khẩu và nhập khẩu

Ấn Độ có xuất khẩu cao su và sản phẩm cao su, nhưng khối lượng xuất khẩu không lớn và khối lượng sụt giảm trong những năm gần đây. Hơn nữa, do nhu cầu sản xuất các sản phẩm tăng nên nước này phải nhập cao su nguyên liệu.

Các nước xuất khẩu cao su vào thị trường Ấn Độ gồm Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Sri Lanka.

Xuất khẩu và nhập khẩu cao su của Ấn Độ

                                                                                      Đơn vị: tấn

Nguồn: Hội đồng cao su Ấn Độ

Trong những năm qua, xuất khẩu cao su của Ấn Độ giảm mạnh. Từ mức cao 73.830 tấn năm 2005/06 giảm xuống chỉ còn 865 tấn năm 2015/16. Năm 2016/17, xuất khẩu đã tăng lên nhưng vẫn ở mức thấp 20.920 tấn, gồm 363 tấn RSS, 6.508 tấn ISNR, 13.023 tấn latex và 136 tấn các loại khác. Các nước chính nhập khẩu cao su tự nhiên từ Ấn Độ là Đức, Brazil, Mỹ, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ, Trung Quốc, Ai Cập, Hà Lan, Malaysia, Pakistan, Nepal và U.A.E.

Nhập khẩu vẫn duy trì trong mức 360.000 tấn đến 430.000 vào năm 2016/17. Năm 2015/16 có mức nhập khẩu cao nhất là 458.000 tấn.

Ngành cao su Ấn Độ có nhiều thuận lợi (truyền thống lâu năm trồng cao su, nhân công lao động sẵn và rẻ, chính phủ trợ giá và các biện pháp khuyến khích sản xuất và xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài...), nhưng hiện cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn: sản lượng trong nước giảm, thuế nhập khẩu cao, giá thành sản xuất cao, thiếu cơ chế hỗ trợ sản xuất và chế biến trong nước, cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh, nhất là từ các quốc gia sản xuất cao su tại Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Sri Lanka.

Sản xuất cao su tự nhiên của thế giới năm 2016 đạt 12,4 triệu tấn, tăng 1,1% so với mức 12,27 triệu tấn của năm trước. Tại các nước sản xuất chính, sản lượng giảm như Thái Lan, Trung Quốc và Malaysia, trong khi đó, sản xuất tăng tại Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia.

Năm 2016, Ấn Độ tiếp tục là nước thứ 6 trên thế giới về sản xuất cao su tự nhiên với tỷ trọng là 5% sản lượng toàn cầu. Việt Nam là nước có năng suất cao nhất, tiếp theo là Ấn Độ trong số các nước sản xuất chính.

Sản xuất cao su trên thế giới

                                                                         Đơn vị: ngàn tấn

                       Nguồn: Tổ chức nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG)

Tiêu thụ cao su tự nhiên của thế giới tăng 3,8% lên mức 12,6 triệu tấn năm 2016 so với mức 12,14 triệu tấn năm trước. Tiêu thụ tại Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia tăng tương ứng 3,9%; 4%; 8,2%; 14,5% và 4,7%.

Tiêu thụ cao su nhân tạo tăng 2% năm 2016, đạt 14,94 triệu tấn so với mức 14,64 triệu tấn năm 2015. Tỷ lệ tiêu thụ cao su tự nhiên và cao su nhân tạo thế giới năm 2016 là 46/54 trong khi con số này năm trước là 45/55.

Dự báo năm 2020, mức tiêu thụ cao su toàn thế giới là 36,7 triệu tấn, trong đó 16,4 triệu tấn là cao su tự nhiên.  Các nước Châu Á – Thái Bình Dương cung cấp 91% cao su tự nhiên. Xu hương tăng trưởng nhanh của ngành công nghiệp ô tô trên thế giới sẽ thúc đẩy ngành cao su phát triển mạnh trong những năm tới./.

*Nguyên Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ

Nguồn:

Cùng chuyên mục