Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Sản xuất Chè của Ấn Độ

Sản xuất Chè của Ấn Độ

06:51 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Sản xuất Chè của Ấn Độ

Nguyễn Tuấn Quang*

Ngành công nghiệp chè Ấn Độ đã có lịch sử trên 180 năm phát triển và chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Năm 1823, Robert Bruce, nhà thám hiểm người Scotland phát hiện các cây chè mọc hoang phía trên Thung lũng Brahmaputra tại phía Đông và Đông Bắc dãy Himalya. Năm 1838, lần đầu tiên, chè của vùng Assam, thuộc Đông Bắc Ấn Độ, được đưa sang Vương quốc Anh để bán cho dân chúng. Việc trồng và chế biến chè được  mở rộng sang các vùng khác của đất nước vào những năm 50 – 60 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau, chè chỉ được trồng tại một số vùng của Ấn Độ.

Chè được trồng chủ yếu tại các vùng đồi và vùng kém phát triển thuộc các Bang Đông Bắc và Nam Ấn Độ. Các vùng trồng chính tập trung tại các Bang Assam, Tây Bengal, Tamial Nadu và Kerala, cung cấp 97% sản lượng chè toàn Ấn Độ. Các bang trồng chè truyền thống với sản lượng không lớn là: Tripura, Himachal Pradesh, Uttarakhan, Bihar và Karnataka. Chè mới được trồng tại các Bang Arunachal Pradesh, Manipur, Sikkim, Nagaland và Mizoram.

Ấn Độ hiện có 10 vùng trồng chè chính. Chè có chất lượng tốt nhất là từ các vùng  Darjeeling, Assam, Nilgiris và Kangra.

Sản lượng chè của Ấn Độ 2013 – 2016

                                                                      Đơn vị : ngàn tấn

Nguồn: Bộ Nông nghiệp Ấn Độ

Năm 2016/17, sản lượng chè đạt mức kỷ lục cao nhất 1.250 tấn, tăng 1,41% so với năm 2015/16, chủ yếu do thời tiết thuận lợi tại các vùng trồng chè phía bắc. Diện tích trồng chè khoảng 600.000 ha, trong đó, miền bắc gần 500.000 ha và miền nam trên 100.000 ha.

Ấn Độ sản xuất chè CTC, Orthodox và chè xanh, trong đó chè CTC chiếm 90% sản lượng. Chè CTC chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng trong nước, Orthodox chủ yếu dùng cho xuất khẩu. Chè xanh sản xuất chủ yếu tại Bang Assam với sản lượng không đáng kể. Các nước cạnh tranh với chè xuất khẩu của Ấn Độ là Sri Lanka, Kenya, Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam.

Chủng loại chè sản xuất tại Ấn Độ

                                                                      Đơn vị: ngàn tấn

                                                                   Nguồn: Hội đồng chè Ấn Độ

Gần 1/3 tổng sản lượng chè do các hộ trồng chè quy mô nhỏ cung cấp thông qua hệ thống thu mua lá chè sau thu hoạch của các nhà máy chế biến (Bought-Leaf Factory Routes). Các hộ trồng chè quy mô nhỏ cung cấp 53% sản lượng tại Bang Tamil Nadu; 40% tại Tây Bengal và 27% tại Assam.

Tiêu thụ nội địa

Kể từ những năm 50 thế kỷ trước, tiêu dùng nội địa về chè tăng rất mạnh. Năm 1961, tiêu dùng chè nội địa là 140.000 tấn, chiếm 43,9% tổng sản lượng chè 319.000 tấn. Năm 2008, tiêu dùng nội địa là 802.000 tấn,  chiếm 82% tổng sản lượng 981.000 tấn.

Đến năm 2016/17, tiêu thụ nội địa đạt 985.000 tấn. Tiêu thụ nội địa tăng mạnh là do tăng dân số, dân số thành thị tăng, thu nhập và điều kiện sống của dân chúng tăng lên.

Tại Ấn Độ, chè không những là đồ uống mà đã trở thành sản phẩm văn hóa. Chè người Ấn Độ dùng là chè đen CTC, cho thêm sữa và gừng. Đây là loại chè đặc trưng truyền thống của nước này và tại các cộng đồng người Ấn Độ sinh sống ở bất kỳ quốc gia nào như Anh, Mỹ, Singapore…

Tiêu thụ chè tại Ấn Độ

Nguồn: Bộ Nông nghiệp Ấn Độ

Sản lượng chè của Ấn Độ thường đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, do mức tiêu thụ trong nước lớn vì dân số đông, nên xuất khẩu chè của Ấn Độ thường đứng sau các nước khác như Kenya, Sri Lanka và Trung Quốc.

Về tiêu thụ, mức tiêu thụ bình quân tính theo đầu người của Ấn Độ cũng còn rất thấp so với nhiều nước trên thế giới. Năm 2016/17, con số này của Ấn Độ là 760 gram/người, xếp thứ 27 trên thế giới. Nước có mức tiêu thụ cao nhất thế giới là Thổ Nhĩ Kỳ với 6.960 gram/người năm 2016. Tiếp đến là Ireland 4.830 gram; Vương quốc Anh 4.280 gram; Nga 3.050 gram; Morocco 2.680 gram và New Zealand 2.630 gram.

Xuất khẩu

Xuất khẩu chè là nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Ấn Độ. Vào những năm 70 của thế kỷ trước, Vương quốc Anh là nước nhập khẩu chè chính từ Ấn Độ. Từ những năm 80, Liên Xô (cũ) trở thành nước nhập khẩu chè lớn nhất từ Ấn Độ với tỷ trọng 50% lượng xuất khẩu của Ấn Độ cho đến năm 1991. Tuy nhiên, với sự sụp đổ của Liên Xô và hủy bỏ cơ chế bao cấp về mua hàng, xuất khẩu chè từ Ấn Độ bị ảnh hưởng nặng nề từ năm 1992.

Từ năm 1993, xuất khẩu chè sang Cộng đồng các Quốc gia độc lập và Nga (C.I.S/Rusia) được khôi phục trên cơ sở Chương trình trả nợ bằng đồng  Rupee và Hiệp định dài hạn về chè được ký giữa Ấn Độ và Nga.

Tuy nhiên, từ năm 2001, xuất khẩu chè sang Nga lại bị ảnh hưởng năng nề do cơ cấu tiêu dùng của thị trường thay đổi từ chè CTC sang chè Orthodox. Lý do quan trong khác là các nước Trung quốc, Indonesia, Việt Nam chào bán chè giá thấp hơn giá của Ấn Độ bán sang Nga.

Các nước cạnh tranh chính về chè trên thế giới là Sri Lanka, Kenya, Trung Quốc và Indonesia. Trung Quốc là nhà sản xuất chính chè xanh, Sri Lanka và Indonesia sản xuất chè Orthodox. Kenya  sản xuất chè CTC là chính. Trong khi Ấn Độ phải đối mặt với cạnh tranh từ Sri Lanka và Indonesia đối với việc xuất khẩu chè Orthodox và từ Trung Quốc đối với việc xuất khẩu chè xanh, sự cạnh tranh với Ấn Độ từ Kenya và một số nước Châu Phi khác đối với việc xuất khẩu chè CTC ngày một tăng lên. Chè là đồ uống chính và rẻ tiền nhất của người dân Ấn Độ. Ngành công nghiệp chè cung cấp việc làm cho hơn 1 triệu lao động, chủ yếu là các vùng nông thôn và vùng có thu nhập thấp.

Năm 2016/17, Ấn Độ xuất khẩu 222.930 tấn chè, giảm so với mức 232.920 tấn của năm trước do Pakistan và Nga giảm mua.

Xuất khẩu chè của Ấn Độ

                                                  Đơn vị: ngàn tấn

Nguồn: Bộ Nông nghiệp Ấn Độ

Các nước nhập khẩu chè chính từ Ấn Độ là Nga, U.A.E., Vương quốc Anh (UK), Iran, Kazakhstan, Afghanistan, Mỹ, Pakistan..., trong đó Nga là nước nhập khẩu lớn nhất với khoảng 20 – 25 % lượng hàng xuất khẩu của Ấn Độ. Do bị cạnh tranh mạnh tại thị trường Nga và Trung Đông, Ấn Độ đang tìm cách mở rộng xuất khẩu sang các thị trường không truyền thống ở Mỹ La tinh, Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS).

Các thị trường xuất  khẩu chính

Nguồn: Hội đồng chè Ấn Độ

Sản xuất và xuất khẩu chè trên thế giới

Sản lượng chè trên thế giới năm 2015 tăng 109.000 tấn so với năm 2014. Sản xuất chè đen đều giảm ở tất cả các nước trừ Ấn Độ. Tại Trung Quốc, sản lượng tăng 182.000 tấn. chủ yếu là chè xanh.

Các nước sản xuất chè lớn trên thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ, Kenya, Sri Lanka, Indonesia, Việt Nam…​

Nguồn: Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC)

* Nguyên Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.

Nguồn:

Cùng chuyên mục