Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của Ấn Độ (Phần 1)

Sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của Ấn Độ (Phần 1)

06:05 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của Ấn Độ

Nguyễn Tuấn Quang*

Diện tích gieo trồng và sản lượng

Lúa là một trong những cây lương thực chủ yếu của Ấn Độ, phục vụ trên một nửa dân số sử dụng trong bữa ăn hàng ngày. Lúa được gieo trồng tại nhiều vùng của Ấn Độ với diện tích canh tác vào khoảng 45,6 triệu ha, sản lượng 99,37 triệu tấn và năng suất trung bình 2,17 tấn/ha trong niên vụ 2008/09. Đến niên vụ 2016/17, Ấn Độ đạt sản xuất mức kỷ lục 109,15 triệu tấn lúa trong đó gần 90% sản lượng được tiêu dùng nội địa và dự trữ.

Nói đến sản xuất lúa gạo nói riêng và sản xuất lương thực nói chung của Ấn Độ, không thể không đề cập đến cuộc Cách mạng xanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cách mạng xanh lần thứ nhất bắt đầu từ thập niên 50 và 60 của thế kỷ XX ở nhiều nước trên thế giới, thông qua các biện pháp kỹ thuật, nhất là phân bón, thuốc trừ sâu và giống mới bằng lai tạo, làm tăng năng suất đáng kể cho các loại cây trồng, nhất là lúa mì và lúa gạo.

Ấn Độ là một trong những nước đi đầu trong Cách mạng xanh vì dân số đông và phần lớn sống tại khu vực nông nghiệp, sản lượng lương thực thấp, luôn thiếu lương thực và phải đối mặt với nạn đói.

Năm 1963, Ấn Độ nhập một số chủng lúa mì mới của Mexico và xử lý chủng Sonora 64 bằng phóng xạ, đã tạo ra giống Sharbati Sonora, hàm lượng chất dinh dưỡng và chất lượng còn tốt hơn cả chủng Mexhico tuyển chọn. Ngoài các loại giống lúa mỳ, ngô, lúa,... Ấn Độ cũng nhập khẩu phân bón phục vụ cho việc nâng cao năng suất cây trồng và cải tạo hệ thống thủy nông, cung cấp lượng nước ổn định cho sản xuất nông nghiệp.

Cách mạng xanh lần hai bao gồm việc áp dụng công nghệ và kỹ thuật canh tác mới có năng suất cao, chất lượng tốt, giống mới có khả năng chống chịu dịch bệnh, thích nghi với môi trường, khí hậu khắc nghiệt; quản lý và điều phối nguồn nước tưới tiêu bằng cách chuyển nước từ miền Bắc xuống miền Tây và miền Nam. Cuộc cách mạng xanh lần hai tập trung cải thiện vật tư đầu vào, dịch vụ cho nông dân, khuyến nông và phương pháp quản lý, nhằm bảo đảm thu nhập cho người dân. Nhờ đó, Ấn Độ tăng năng suất lương thực lên gấp 2 – 3 lần.

Kết quả là từ một nước có nạn đói kinh niên, không sao vượt qua ngưỡng 20 triệu tấn lương thực, Ấn Độ đã trở thành một nước có đủ ăn và dư thừa để xuất khẩu với tổng sản lượng lương thực kỷ lục 273 triệu tấn (trong đó có 109,15 triệu tấn lúa) năm 2016/17, tạo điều kiện để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa.

Các bang chính trồng lúa là Tây Bengal, Uttar Pradesh, Andhra Pradesh, Punjab, Tamil Nadu, Odisha, Bihar và Chattisgarh. Các bang này chiếm 72% diện tích và 75% sản lượng lúa toàn Ấn Độ.

Theo Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, lúa được gieo trồng từ 1 – 3 vụ trong một năm tùy theo điều kiện thời tiết. Vụ Thu (Autumn Rice/Pre – Kharif Rice) từ tháng 6 đến tháng 10; vụ Hè (Summer Rice/Rabi Rice) từ tháng 7 đến tháng 11 và vụ Đông (Winter Rice/Kharif Rice) từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau. Vùng Đông và Nam Ấn Độ do có thời tiết thuận lợi, lúa được gieo trồng 2 – 3 vụ/năm trong khi vùng Bắc và Tây Ấn Độ chỉ có thể gieo trồng 1 vụ từ tháng 6 đến tháng 11 vì mưa và  rét nhiều vào mùa đông.

Sản xuất lương thực của Ấn Độ 2013 – 2016*

* Theo phân loại của Ấn Độ, lương thực (foodgrain) bao gồm: lúa, lúa mỳ, coarse grains và đậu.

** Coarse grains bao gồm: ngô, mạch, cao lương, hạt kê

                                                               Nguồn: Bộ Nông nghiệp Ấn Độ

Trong năm 2015/16, các bang chính gieo trồng lúa: Uttar Pradesh 13,52% diện tích toàn Ấn Độ; tiếp theo là Tây Bengal 12,59%; Odisha 9,09%; Chattisgarh 8,79%. Các bang chính về sản lượng: Tây Bengal 15,75 triệu tấn với 15,10% toàn Ấn Độ; Uttar Pradesh 12,51 triệu tấn và 11,33%; Punjab 11,82 triệu tấn và 7,65%; Tamil Nadu 7,98 triệu tấn và 7,18%; Andhra Pradesh 7,49 triệu tấn và 6,22%.

Lúa đã được trồng tại Ấn Độ từ khoảng 14.000 năm trước đây. Đến năm 1970, cả nước có 11.000 giống lúa. Nhưng do tác động của Cách mạng xanh, ngành nông nghiệp, cùng với việc thâm canh, tăng vụ, đã chú trọng hơn đến độc canh và lai vụ, nên số lượng giảm chỉ còn 600 giống lúa. Mười nhóm giống lúa hàng đầu hiện nay tại Ấn Độ: giống lúa gạo trắng, gạo nâu, gạo đỏ, lúa nếp, gạo đồ, gạo đen, basmati, gạo thơm, gạo chế biến sẵn, gạo từ lúa mọc hoang (wild rice). Ấn Độ phân chia gạo theo 2 loại basmati và phi basmati.

Sản xuất lúa gạo của Ấn Độ đã đạt được những thành công lớn trong nhiều năm qua về diện tích, sản lương và năng suất. Nhưng ngành này vẫn phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Đó là tình trạng phụ thuộc nặng vào thời tiết, mưa thất thường gây lụt và hạn hán tại nhiều địa phương, nhất là phía Đông và Tây.

Tiếp đến là các vẫn đề về ruộng đất, nhân lực và các yếu tố đầu vào như thuốc trừ sâu, phân bón, thuốc diệt cỏ. Hiện tượng đất bị chua hóa đang xảy ra tại phía Đông và phía Nam, trong khi tại miền Bắc, đất đang bị nhiễm mặn và kiềm hóa. Đất kém màu mỡ và thiếu phốt pho và kẽm cũng đang là những trở ngại cho nông nghiệp. Sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rệp, sâu cuốn lá, rầy xanh, muỗi hành…là những loại sâu thường gây thiệt hại diện tích gieo trồng, năng suất và sản lượng. Tổn thất sau thu hoạch cũng là vấn đề lớn của nông nghiệp, thường gây tổn thất 8 – 10% sản lượng.

Năm 2016/17, sản lượng lương thực Ấn Độ đạt mức kỷ lục cao 273,38 triệu tấn, tăng 8,7% so với năm trước. Trong đó, lúa gạo đạt kỷ lục 109,15 triệu tấn, tăng 4,5%; lúa mỳ tăng 5,6% đạt 97,44 triệu tấn; coarse grains tăng 15,2% đạt 44,39 tấn; một số đậu chính đạt 22,40 triệu tấn, tăng 37%. Ấn Độ là nước sản xuất lúa lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. (Xem tiếp phần 2)


* Nguyên Tham tán Thương mại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ

Nguồn:

Cùng chuyên mục