So sánh vấn đề xây dựng hệ thống đồng minh, đối tác trong chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Phần 1)
ThS Nguyễn Thị Tú Hoa*
TÓM TẮT
Các đồng minh, đối tác có vai trò quyết định đối với chiến lược toàn cầu của Mỹ, “tạo ra lợi thế bất đối xứng bền vững mà không đối thủ nào có thể sánh được”. Họ cùng với Mỹ “bảo vệ tự do, ngăn chặn chiến tranh, duy trì luật lệ trong trật tự quốc tế tự do và rộng mở”. Cả hai chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AĐD - TBD) đều đồng nhất quan điểm xây dựng một mạng lưới đồng minh, đối tác khu vực phù hợp với các giá trị và lợi ích của Mỹ, có khả năng đối phó với những thách thức trong một thế giới đang thay đổi, giải quyết những vấn đề khu vực và toàn cầu.
Trong cả hai chiến lược, Ấn Độ nổi lên là một đối tác quan trọng, có vai trò ngày càng tăng đối với hòa bình, an ninh khu vực. Mỹ mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược lâu dài với Ấn Độ để nước này trở thành “mỏ neo kinh tế và trụ cột an ninh ở khu vực”. Trong chiến lược AĐD - TBD, Ấn Độ được đẩy lên vị trí cao hơn, đóng vai trò trung tâm của chiến lược. Chính quyền Trump mong muốn hợp tác với Ấn Độ trong khuôn khổ tứ giác Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Australia.
Sự khác biệt lớn nhất giữa hai chiến lược là vấn đề Trung Quốc. Chính quyền Obama muốn tăng cường hợp tác với Trung Quốc vì lợi ích của nhau cũng như khu vực và toàn cầu, coi Trung Quốc phát triển như một phần của hệ thống mở và trên cơ sở luật pháp, xử lý sự cạnh tranh trên cơ sở luật pháp và các chuẩn mực quốc tế, tránh đối đầu. Trong khi đó, Chính quyền Trump có quan điểm cứng rắn hơn, thẳng thắn coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh, là một trong ba thách thức cơ bản của Mỹ và cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách thay thế Mỹ ở AĐD - TBD. Mỹ cũng lên án mạnh mẽ hoạt động của Trung Quốc ở AĐD - TBD như quân sự hóa ở Biển Đông, đe dọa chủ quyền của nhiều nước,…
***
Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực “trải dài từ tiểu lục địa Ấn Độ đến bờ Tây châu Mỹ”[1], còn AĐD - TBD là khu vực “trải dài từ bờ Tây Ấn Độ đến bờ Tây nước Mỹ”[2]. Cả hai tên gọi này đều chỉ khu vực có hai đại dương rộng lớn là Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, một khu vực có ý nghĩa chiến lược và kinh tế đối với Mỹ, gắn liền với sự thịnh vượng và an ninh của Mỹ. Đó là thực tế mà các nhà hoạch định chính sách của Mỹ không thể bỏ qua. Chính quyền Obama đã thừa nhận thực tế này bằng chiến lược đối ngoại được cho là có tầm nhìn xa và đầy tham vọng với tên gọi “tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương” (“xoay trục” châu Á). Đó là cam kết “tái cân bằng” nguồn lực với châu Á - Thái Bình Dương, tăng cường can dự khu vực về kinh tế, ngoại giao, an ninh trên cấp độ song phương và đa phương. Tuy nhiên, Chính quyền Trump đã từ bỏ chiến lược này và thay thế bằng chiến lược AĐD - TBD tự do và rộng mở. Khác nhau về tên gọi nhưng cả hai đều là khuôn khổ và công cụ tích cực của chiến lược châu Á với mục tiêu duy trì vai trò lãnh đạo và những cam kết của Mỹ, tập trung hóa chương trình nghị sự an ninh và kiểm soát sự chi phối của Trung Quốc trong khu vực này. Những khác biệt giữa hai chiến lược về cơ bản nằm ở phương thức tiếp cận. Trong khuôn khổ nhất định, bài viết giới hạn ở việc so sánh chiến lược ngoại giao đối với khu vực bao gồm chủ trương xây dựng hệ thống đồng minh/ đối tác, chính sách đối với hai cường quốc khu vực chủ chốt là Ấn Độ và Trung Quốc.
1. Xây dựng hệ thống đồng minh, đối tác trong khu vực
* Chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương
Trong chiến lược ngoại giao “dàn trận trước” (forward - deployed), Chính quyền Obama xác định 6 định hướng hành động cơ bản, trong đó có “củng cố quan hệ đồng minh an ninh song phương, làm sâu sắc thêm quan hệ hiện có với các cường quốc mới nổi bao gồm Trung Quốc”[3]. Để có một hệ thống đồng minh thành công ở châu Á - Thái Bình Dương, Chính quyền Obama xác định ba nguyên tắc cốt lõi trong quan hệ với các đồng minh khu vực[4]: Thứ nhất, cần phải duy trì sự đồng thuận chính trị về những mục tiêu cốt lõi của các đồng minh; Thứ hai, phải đảm bảo rằng, các đồng minh đủ linh hoạt và có khả năng thích nghi sao cho họ có thể đối phó thành công với những thách thức mới và nắm bắt được những cơ hội mới; Thứ ba, cần phải đảm bảo rằng, năng lực phòng thủ và cơ sở hạ tầng viễn thông của các đồng minh luôn đủ khả năng tác chiến và hậu cần để ngăn chặn sự khiêu khích đa dạng từ phía các tác nhân quốc gia và phi quốc gia.
Quan hệ đồng minh với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Philippines, Thái Lan được coi là “điểm tựa cho sự trở có tính chiến lược khu vực châu Á - Thái Bình Dương” và cần phải “hiện đại hóa các mối quan hệ này cho phù hợp với một thế giới đang thay đổi”[5]. Quan hệ với Nhật Bản được xác định là “cơ sở cho hòa bình và ổn định trong khu vực”, cùng nhau chia sẻ “quan điểm chung về trật tự khu vực ổn định với những quy định rõ ràng từ tự do hàng hải đến thị trường mở và cạnh tranh công bằng”[6]. Mỹ tiếp tục phối hợp với Hàn Quốc để ngăn chặn và đối phó với những khiêu khích của Bắc Triều Tiên, “mở rộng quan hệ đồng minh với Australia từ quan hệ đối tác Thái Bình Dương thành quan hệ đối tác AĐD - TBD và quan hệ đối tác toàn cầu”, làm mới và củng cố quan hệ đồng minh với Philippines, Thái Lan[7].
Cùng với việc hiện đại hóa các quan hệ đồng minh, Chính quyền Obama cũng chủ trương xây dựng hệ thống đối tác mới để trợ giúp cùng giải quyết các vấn đề khu vực. “Quan hệ sâu hơn với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Singapore, New Zealand, Malaysia, Mông Cổ, Việt Nam, Brunei, các quốc đảo Thái Bình Dương là toàn bộ những nỗ lực để đảm bảo cách tiếp cận toàn diện hơn hơn đối với chiến lược và cam kết của Mỹ đối với khu vực”[8]. Trong các đối tác này, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia được coi là những đối tác quan trọng nhất trong chiến lược trở lại châu Á - Thái Bình Dương.
* Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Chính quyền Trump coi các quan hệ đồng minh, đối tác đôi bên cùng có lợi là “yếu tố quyết định đối với chiến lược của Mỹ, tạo nên lợi thế chiến lược bất đối xứng mà không đối thủ nào có thể sánh được”, họ cùng với Mỹ “bảo vệ tự do, ngăn chặn chiến tranh, duy trì các luật lệ của trật tự quốc tế tự do và rộng mở”[9]. Tại AĐD - TBD, “các đồng minh của Mỹ có vai trò quyết định trong việc đối phó với các mối đe dọa chung như vấn đề Bắc Triều Tiên và bảo vệ lợi ích chung trong khu vực”[10]. Trên tinh thần đó, Mỹ tiếp tục củng cố quan hệ với Hàn Quốc, ủng hộ vai trò lãnh đạo của đồng minh chủ chốt Nhật Bản, củng cố các thỏa thuận kinh tế, an ninh với Australia, coi Philippines và Thái Lan là các đồng minh và thị trường quan trọng đối với Mỹ[11].
Chính quyền Trump xác định New Zealand, Ấn Độ là “các đối tác chủ chốt” góp phần vào hòa bình và ổn định khu vực, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Singapore là các “đối tác an ninh và kinh tế đang phát triển”, “ASEAN, APEC đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc AĐD - TBD, là nền tảng thúc đẩy trật tự trên cơ sở tự do”[12].
Chiến lược phòng thủ quốc gia năm 2018 chủ trương hợp tác với các đồng minh, đối tác trong khu vực thành một cấu trúc an ninh kết nối: “Chúng ta sẽ củng cố quan hệ đồng minh và đối tác ở AĐD - TBD thành một cấu trúc an ninh được kết nối có khả năng ngăn chặn sự xâm lược, duy trì sự ổn định và đảm bảo tự do tiếp cận với các khu vực chung. Cùng với các nước chủ chốt trong khu vực, chúng ta sẽ phát triển quan hệ an ninh song phương và đa phương để duy trì hệ thống quốc tế tự do và rộng mở”[13]. (Xem tiếp phần 2)
[1] Hilary Clinton, “America’s Century”, Foreign Policy, October 2011.
[2] The White House (2017), National Security Strategy of the United States of America, p.46.
[3] Hilary Clinton (2011), Tài liệu đã dẫn.
[4] Hilary Clinton (2011), Tài liệu đã dẫn.
[5] Hilary Clinton (2011), Tài liệu đã dẫn.
[6] Hilary Clinton (2011), Tài liệu đã dẫn.
[7] Hilary Clinton (2011), Tài liệu đã dẫn.
[8] Hilary Clinton (2011), Tài liệu đã dẫn.
[9] US Department of Defense (2018), Summary of the 2018 National Defense Strategy of The United States of America, p.8.
[10] The White House (2017), National Security Strategy of the United States of America, p.46
[11] The White House (2017), National Security Strategy of the United States of America, p.46
[12] The White House (2017) , National Security Strategy of the United States of America, p.46
[13] US Department of Defense (2018), Summary of the 2018 National Defence Strategy of The United States of America, p.10
* Viện Quan hệ Quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
** Bài tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế: “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở” tổ chức ngày 24/8/2018 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục