So sánh vấn đề xây dựng hệ thống đồng minh, đối tác trong chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Phần 2)
ThS Nguyễn Thị Tú Hoa*
Chiến lược an ninh quốc gia năm 2017 xác định những ưu tiên hành động đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong đó bao trùm là quan điểm hợp tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực trên các lĩnh vực cơ bản. Về chính trị, “tăng cường cam kết với các đồng minh và đối tác đã được xác lập, mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác mới cùng tôn trọng chủ quyền, thương mại công bằng và hỗ trợ lẫn nhau, luật pháp”; “cùng các đồng minh và đối tác đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, đảm bảo không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Đông Bắc Á”. Về kinh tế, Mỹ sẽ “cùng với các đối tác xây dựng mạng lưới các quốc gia đang nỗ lực vì thị trường tự do và tránh khỏi các thế lực phá hoại chủ quyền của họ”, “tăng cường hợp tác với các đồng minh trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao”. Về an ninh, quân sự, “củng cố quan hệ quân sự lâu dài và thúc đẩy phát triển mạng lưới phòng thủ mạnh với các đồng minh và đối tác”. Một số vấn đề hợp tác có thể là: hợp tác phòng thủ tên lửa với Nhật Bản, Hàn Quốc tiến tới nâng cao khả năng phòng thủ khu vực, nâng cao ý thức thi hành pháp luật; hợp tác quốc phòng, tình báo với các đối tác Đông Nam Á để giải quyết đe dọa khủng bố đang gia tăng; duy trì quan hệ chặt chẽ với Đài Loan phù hợp với chính sách “Một Trung Quốc”; mở rộng hợp tác quốc phòng và an ninh với Ấn Độ, đối tác quốc phòng lớn của Mỹ và ủng hộ các mối quan hệ đang phát triển của Ấn Độ trên toàn khu vực; tiếp thêm sinh lực cho các đồng minh Philippines, Thái Lan; củng cố quan hệ đối tác với Singapore, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và các nước khác để giúp họ trở thành các đối tác hợp tác trên biển[1].
2. Xác định vai trò của Ấn Độ trong chiến lược khu vực
* Chiến lược “tái cân bằng” châu Á - Thái Bình Dương
Chính quyền Obama coi Ấn Độ là một trong những “cường quốc dân chủ năng động và quan trọng nhất châu Á”, một trong những “động lực của kinh tế toàn cầu”, “đối tác quan trọng của Mỹ”, “ngày càng góp phần quan trọng vào hòa bình và an ninh khu vực”, đó là quốc gia mà Mỹ muốn “theo đuổi mối quan hệ lớn hơn, sâu sắc hơn và có mục đích hơn”[2]. Mỹ tin tưởng và đánh giá rất cao vai trò của Ấn Độ trong tương lai: “…vai trò lớn hơn của Ấn Độ trên diễn đàn thế giới sẽ củng cố hòa bình và an ninh, việc mở cửa thị trường Ấn Độ ra thế giới sẽ mở đường cho sự thịnh vượng hơn trong khu vực và toàn cầu, những tiến bộ khoa học và công nghệ của Ấn Độ sẽ cải thiện cuộc sống và thúc đẩy tri thức nhân loại, nền dân chủ đa nguyên mạnh mẽ của Ấn Độ sẽ đưa lại thành quả quan trọng, mở mang cho công dân họ và khuyến khích các nước khác đi theo con đường rộng mở và khoan dung”[3]. Tài liệu“Duy trì sự lãnh đạo của Mỹ: những ưu tiên chiến lược thế kỷ XXI” xác định: “Mỹ đầu tư vào quan hệ đối tác chiến lược lâu dài với Ấn Độ để hỗ trợ khả năng nước này trở thành mỏ neo kinh tế khu vực và trụ cột an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương rộng lớn hơn”[4]. Chiến lược an ninh quốc gia năm 2015 coi việc xây dựng quan hệ đối tác với Ấn Độ là một phần quan trọng trong chiến lược tái cân bằng: “Ở Nam Á, chúng ta tiếp tục củng cố quan hệ đối tác chiến lược và kinh tế với Ấn Độ. Là những nền dân chủ lớn nhất thế giới, chúng ta cùng chia sẻ những giá trị vốn có và lợi ích chung tạo thành cơ sở hợp tác của chúng ta, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh, năng lượng và môi trường. Chúng ta ủng hộ vai trò của Ấn Độ với tư cách là trụ cột an ninh khu vực và sự tham gia của họ vào các thể chế khu vực quan trọng. Chúng ta nhìn thấy sự hội tụ chiến lược giữa chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ và chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương của chúng ta”[5].
Trên thực tế, Chính quyền Obama đã không ngừng mở rộng quan hệ đối tác với Ấn Độ, tích cực ủng hộ nỗ lực hướng Đông bao gồm đối thoại ba bên với Ấn Độ, Nhật Bản, phác thảo tầm nhìn mới cho một Nam Á và Trung Á hội nhập hơn về kinh tế, ổn định hơn về chính trị trong đó Ấn Độ giữ vai trò cốt yếu.
* Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Chính quyền Trump đã thay thuật ngữ “châu Á - Thái Bình Dương” bằng thuật ngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” để chỉ địa bàn trọng điểm trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Điều này nhằm nhấn mạnh vai trò của Ấn Độ Dương trong đó Ấn Độ đang phát triển mạnh đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề khu vực. Trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ngày 18/10/2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố: “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao gồm toàn bộ Ấn Độ Dương, phía Tây Thái Bình Dương và các quốc gia xung quanh chúng sẽ là địa bàn quan trọng nhất địa cầu trong thế kỷ XXI”.Tại cuộc họp báo ở Washington ngày 2/3/2018, Phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Alex Wong cho rằng: “Ấn Độ là quốc gia quan tâm đến trật tự tự do và rộng mở, có thể là mỏ neo cho trật tự này ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chính sách của Mỹ là bảo đảm New Delhi thực hiện vai trò đó, dần trở thành một bên có ảnh hưởng lớn hơn ở khu vực”.
Chiến lược an ninh quốc gia năm 2017 khẳng định quan điểm tăng cường hợp tác với Ấn Độ trong khuôn khổ tứ giác Mỹ - Nhật Bản – Australia - Ấn Độ:”Chúng ta hoan nghênh sự nổi lên của Ấn Độ như một cường quốc toàn cầu hàng đầu và đối tác chiến lược và quốc phòng mạnh hơn. Chúng ta sẽ nỗ lực tăng cường hợp tác bốn bên với Nhật Bản, Australia và Ấn Độ” cũng như quan hệ song phương: “Chúng ta sẽ mở rộng hợp tác quốc phòng và an ninh với Ấn Độ, đối tác quốc phòng lớn của Mỹ và ủng hộ quan hệ gia tăng của Ấn Độ trong khu vực”[6].
Một động thái nổi bật minh chứng cho sự tăng cường quan hệ với Ấn Độ là việc Mỹ nỗ lực hồi sinh “Đối thoại tứ giác an ninh” Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Australia xung quanh chủ đề “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở nhằm thúc đẩy sự hợp tác, phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh khu vực”. Bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31 tại Philippines, ngày 12/11/2017, đại diện “Tứ giác” đã nhóm họp lần đầu tiên. Trong các tuyên bố của mình, bốn nước cho biết họ cam kết đảm bảo duy trì khu vực “tự do và rộng mở”, “tôn trọng luật pháp quốc tế”, “trật tự trên cơ sở luật pháp ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Cuộc họp lần thứ hai các quan chức cấp cao “Tứ giác” tại Singapore ngày 8/6/2018, bên lề cuộc họp cấp cao ASEAN, chỉ vài ngày sau Diễn đàn Shangri La 17. Tuyên bố chung của mỗi nước đều có quan điểm chung là ủng hộ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, thịnh vượng và bao trùm”. Tuyên bố của Ấn Độ cho biết, họ sẽ tiếp tục hợp tác với tất cả các nước và các thể chế trong khu vực nhằm thúc đẩy chia sẻ quan điểm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình, an ninh và thịnh vượng[7].
Như vậy, Ấn Độ có vị trí quan trọng trong cả hai chiến lược khu vực của Mỹ. Tuy nhiên, với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Ấn Độ đã chiếm vị trí trung tâm, thể hiện ngay trong cách gọi tên khu vực mà Ấn Độ có vai trò quan trọng và việc thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ trong khuôn khổ “Tứ giác” cũng như song phương.
3. Xác định vị trí của Trung Quốc
Trong những năm gần đây, cùng với sự gia tăng tiềm lực kinh tế, Trung Quốc ngày càng thu hẹp khoảng cách quân sự với Mỹ, đang dần xói mòn vị trí siêu cường duy nhất của Mỹ. Ngăn chặn bất kỳ đối thủ nào có tham vọng truất ngôi vị này là mục tiêu không bao giờ thay đổi của Mỹ, tuy nhiên, cách tiếp cận không giống nhau giữa các chính quyền Mỹ. (Xem tiếp phần 3)
[1] The White House (2017), National Security Strategy of the United States of America, p.47
[2] Hilary Clinton (2011), Tài liệu đã dẫn.
[3] Hilary Clinton (2011), Tài liệu đã dẫn.
[4] US Department of Defense (2012), Sustaining US Global Leadership: Priorities for 21 Century Defense, p.2.
[5] The White House (2015), National Security Strategy, p.24
[6] The White House (2017), National Security Strategy of the United States of America, p.47.
[7] Ankit Panda (2018), “US, Japan, India, and Australia Hold Senior Official-Level Quadrilateral Meeting in Singapore”, The Diplomat, June 8, http://www.thediplomat.com/2018/06/us-japan-india-and-australia-hold-senior-official-level-quadrilateral-meeting-in-singapore/
* Viện Quan hệ Quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
** Bài tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế: “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở” tổ chức ngày 24/8/2018 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục