Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

So sánh vấn đề xây dựng hệ thống đồng minh, đối tác trong chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Phần 3)

So sánh vấn đề xây dựng hệ thống đồng minh, đối tác trong chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Phần 3)

03:09 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

ThS Nguyễn Thị Tú Hoa*

* Chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương

Quan hệ với Trung Quốc là một trong những quan hệ song phương phức tạp, nhiều thách thức nhất đối với Mỹ, đòi hỏi cách xử lý “thận trọng, vững vàng, linh hoạt, một cách tiếp cận gắn liền với thực tế, tập trung vào kết quả và phù hợp với các nguyên tắc và lợi ích” của Mỹ. Trong chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương, Chính quyền Obama coi Trung Quốc “là một trong những đối tác mới nổi bật nhất”, “là một phần trong hệ thống mở và trên cơ sở luật pháp mà Mỹ trợ giúp xây dựng và duy trì”[1] và khẳng định, “một nước Mỹ thịnh vượng sẽ tốt cho Trung Quốc và một nước Trung Quốc thịnh vượng sẽ tốt cho Mỹ” và hai nước “có lợi từ sự hợp tác nhiều hơn là xung đột”[2]. Đối với Mỹ, Trung Quốc là một cường quốc đang lên trong khu vực mà Mỹ cần phải hợp tác, đặc biệt là trong việc đối phó với những thách thức khu vực và toàn cầu. Chiến lược an ninh quốc gia năm 2015 nêu rõ: “Mỹ hoan nghênh sự trỗi dậy của một đất nước Trung Quốc ổn định, hòa bình và thịnh vượng. Chúng ta cố gắng phát triển quan hệ có tính xây dựng với Trung Quốc nhằm mang lại lợi ích cho cả hai nước và thúc đẩy an ninh, thịnh vượng ở châu Á và trên toàn thế giới. Chúng ta tìm kiếm sự hợp tác để đối phó với những thách thức khu vực và toàn cầu như biến đổi khí hậu, y tế cộng đồng, tăng trưởng kinh tế và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”[3].

Cạnh tranh là mặt khó tránh khỏi trong quan hệ giữa hai nước lớn và quan điểm của Mỹ là giải quyết cạnh tranh trên tinh thần tuân thủ luật pháp quốc tế và cố gắng tránh đối đầu: “Khi phải cạnh tranh, chúng ta loại bỏ sự đối đầu. Đồng thời, chúng ta xử lý sự cạnh tranh trên quan điểm sức mạnh, đòi hỏi Trung Quốc phải tuân theo các quy định, chuẩn mực quốc tế trong các vấn đề từ an ninh hàng hải đến thương mại và nhân quyền”[4]. Với quan điểm đó, Chính quyền Obama cố gắng tăng cường tính minh bạch và làm giảm những tổn hại từ tính toán sai lầm về quân sự hai bên, theo sát quá trình hiện đại hóa quân sự và tăng cường hiện diện của Trung Quốc ở châu Á. Mỹ hy vọng Trung Quốc sẽ cùng thúc đẩy đối thoại quân sự lâu dài, củng cố đối thoại an ninh chiến lược để các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự thảo luận các vấn đề nhạy cảm như an ninh hàng hải, an ninh mạng[5].

Trên thực tế, Mỹ đã mở rộng các lĩnh vực có lợi ích chung, làm việc với Trung Quốc để xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau, khuyến khích Trung Quốc nỗ lực giải quyết các vấn đề toàn cầu. Mỹ đã khởi động Đối thoại Chiến lược và kinh tế, một cơ chế đàm phán sâu rộng giữa hai chính phủ nhằm thảo luận các vấn đề song phương cấp thiết nhất từ an ninh, năng lượng đến nhân quyền.

Quan hệ với Trung Quốc trên tinh thần hợp tác không những vì lợi ích của Mỹ mà còn vì lợi ích khu vực và toàn cầu. Phó tổng thống Joe Biden cho rằng: “Chúng tôi làm việc để tạo lập mối quan hệ đúng mực với Trung Quốc theo những tiêu chuẩn đúng đắn. Đó không chỉ vì lợi ích của chúng tôi, vì lợi ích khu vực và toàn cầu mà chúng tôi cố gắng xây dựng mối quan hệ đúng đắn với Trung Quốc”[6]. Một trong những dấu hiệu thành công của chiến lược tái cân bằng được cho là khi nó có khả năng hỗ trợ cho sự hình thành và xuất hiện một trật tự và cấu trúc khu vực tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của một Trung Quốc tuân thủ các “luật đi đường”, góp phần vào sự ổn định, an ninh và thịnh vượng khu vực và toàn cầu[7].

* Chiến lược Ấn Độ Dương  - Thái Bình Dương

Cách nhìn nhận Trung Quốc của Chính quyền Trump đối lập hoàn toàn với Chính quyền Obama, thể hiện rõ nét trong Chiến lược an ninh quốc gia năm 2017. Tài liệu này đã đặt Mỹ vào một tình thế mới trong quan hệ với Trung Quốc, bộc lộ quan điểm cứng rắn hơn so với chính quyền tiền nhiệm. Mỹ cho rằng, việc tin tưởng, ủng hộ sự trỗi dậy và hòa nhập vào trật tự thế giới thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh của Trung Quốc đã không đưa đến một Trung Quốc tự do hóa như kỳ vọng. Thay vào đó là một đất nước Trung Quốc “tăng cường sức mạnh bằng chủ quyền của nước khác”, “thu thập và khai thác dữ liệu trên quy mô không gì sánh được, truyền bá các đặc trưng của hệ thống độc đoán bao gồm tham nhũng và kiểm soát”, “xây dựng quân đội tinh nhuệ và được tài trợ tốt nhất thế giới” (sau Mỹ). Nghiêm trọng là, một phần hiện đại hóa quân sự và mở rộng kinh tế là do Trung Quốc “tiếp cận với nền kinh tế sáng tạo của Mỹ bao gồm các trường đại học tầm cỡ thế giới của Mỹ”[8] .

Chiến lược an ninh quốc gia 2017 coi Trung Quốc là “cường quốc xét lại”, là một trong ba thách thức cơ bản Mỹ (ba thách thức đó là: các cường quốc xét lại Trung Quốc/Nga; các nước bất hảo Iran và Bắc Triều Tiên, các tổ chức khủng bố xuyên quốc gia). Mỹ cho rằng, Trung Quốc (và Nga) muốn xây dựng một thế giới đối lập với những giá trị và lợi ích của Mỹ. Trung Quốc đang tìm cách thay thế Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, mở rộng mô hình kinh tế do nhà nước chỉ đạo, lập lại trật tự khu vực có lợi cho mình”[9]. Mỹ lên án mạnh mẽ mưu đồ chính trị của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương:"Việc đầu tư cơ sở hạ tầng và chiến lược thương mại của Trung Quốc nhằm củng cố tham vọng địa - chính trị của họ. Nỗ lực của Trung Quốc trong xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông đe dọa dòng chảy tự do thương mại, đe dọa chủ quyền của các quốc gia khác và làm xói mòn sự ổn định khu vực. Trung Quốc tăng cường chiến dịch hiện đại hóa quân sự nhằm hạn chế sự tiếp cận của Mỹ với khu vực, để Trung Quốc được toàn quyền hành động hơn ở đây. Trung Quốc luôn thể hiện mong muốn vì lợi ích các bên nhưng sự khống chế của họ đang gây xói mòn chủ quyền của nhiều nước ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”[10].

Mặc dù có quan điểm cứng rắn như vậy nhưng Mỹ cũng “giữ vững quan điểm sẵn sàng hợp tác trong các lĩnh vực có lợi ích chung” với Trung Quốc[11].   

Cách tiếp cận cứng rắn trên đây cho thấy sự thay đổi rõ rệt của Chính quyền Trump trong vấn đề Trung Quốc so với các chính quyền tiền nhiệm. Với những ngôn từ mạnh mẽ đó, có thể Mỹ sẽ gây áp lực mạnh lên các chính sách kinh tế ưu tiên khu vực nhà nước cũng như những tuyên bố lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc. Với những nội dung này, Chiến lược an ninh quốc gia 2017 đã tái khẳng định những cam kết tranh cử của Tổng thống Trump rằng, Mỹ sẽ không còn nhắm mắt làm ngơ trước sự xâm lược của bất kỳ quốc gia nào.

Như vậy, hai chiến lược đều khẳng định tính cấp thiết phải xây dựng và củng cố hệ thống đồng minh, đối tác khu vực trong đó các đồng minh giữ vai trò hạt nhân. Trong các đối tác, Ấn Độ được xác định là đối tác khu vực chủ chốt của Mỹ và trở nên quan trọng hơn trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với vị trí trung tâm. Có sự khác biệt lớn giữa hai chiến lược về vấn đề Trung Quốc. Trong khi Chính quyền Obama coi Trung Quốc là đối tác chủ chốt cần hợp tác vì lợi ích hai bên cũng như khu vực và toàn cầu thì ngược lại, Chính quyền Trump có quan điểm cứng rắn hơn, coi Trung Quốc là đối thủ và một trong những thách thức cơ bản của Mỹ./.


[1] Hilary Clinton (2011), Tài liệu đã dẫn.

[2] Hilary Clinton (2011), Tài liệu đã dẫn.

[3] The White House (2015), National Security Strategy, p.24

[4] The White House (2015), National Security Strategy, p.24

[5] Hilary Clinton (2011), Tài liệu đã dẫn.

[6] The White House (2013), “Remarks by Vice President Joe Biden on US - Korea Relations and the Asia-Pacific”,  http://www.whitehouse.gov/the-press-office/2013/12/06/remarks- vice-president-joe-biden-us-korea-relations-and-asia-pacific.

[7] Rebalancing the Rebalance: Resourcing US Diplomatic Strategy in the Asia-Pacific Region, A Majority staff report prepared for the use of the Committee on Foreign Relations United States Senate, 113th Congress, 2d Session, April 17, 2014, US Government Printing Office, Washington, 2014, p.21

[8] The White House (2017), National Security Strategy of the United States of America, p.25

[9] The White House (2017), National Security Strategy of the United States of America, p.25

[10] The White House (2017), National Security Strategy of the United States of America, p.46

[11] The White House (2017), National Security Strategy of the United States of America, p.25.


* Viện Quan hệ Quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

** Bài tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế: “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở” tổ chức ngày 24/8/2018 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn:

Cùng chuyên mục