Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Sự sụt giảm của dòng vốn FDI ở Ấn Độ

Sự sụt giảm của dòng vốn FDI ở Ấn Độ

Sự sụt giảm FDI đã diễn ra trong một vài năm. Trong năm 2022-23, dòng vốn FDI giảm 22% xuống còn 46 tỷ USD.

02:00 09-04-2024 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tăng trưởng chậm chạp trong đầu tư trực tiếp nước ngoài là mối lo ngại mới nhất đối với nền kinh tế Ấn Độ. Mặc dù là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, FDI của Ấn Độ vẫn giảm, cho thấy sự thay đổi trong triển vọng đầu tư toàn cầu. Trong khi một số nền kinh tế châu Á mới nổi tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài thì một số nền kinh tế ở các nước phát triển - đặc biệt là Mỹ - cũng chứng kiến dòng vốn FDI của tăng lên. Nhưng mọi thứ lại diễn ra khác đối với Ấn Độ bất chấp suy nghĩ chung rằng, chiến lược Trung Quốc + 1 của các nhà đầu tư hầu hết sẽ mang lại lợi ích cho Ấn Độ. Thay vào đó, các nước ASEAN như Việt Nam, Indonesia và Thái Lan đã và đang thu hút lượng lớn đầu tư nước ngoài vào các dự án mới. Trong khi đó, Ấn Độ tiếp tục phải chịu những bất ổn về chính sách khiến các nhà đầu tư nước ngoài nản lòng.

Sự sụt giảm FDI đã diễn ra trong một vài năm. Trong năm 2022-23, dòng vốn FDI giảm 22% xuống còn 46 tỷ USD. Trong giai đoạn 2023-24, cho đến tháng 12 năm 2023, dòng vốn FDI giảm 13% so với cùng kỳ xuống còn 32 tỷ USD. Con số có vẻ tốt hơn một chút khi thu nhập tái đầu tư và các hình thức vốn khác được thêm vào dòng vốn FDI; trong năm 2022-23, tổng vốn FDI giảm 16% xuống còn 71 tỷ USD, so với mức tăng 3% lên 85 tỷ USD của năm trước. Ngay cả khi Bộ tài chính đổ lỗi cho xu hướng này là do đầu tư toàn cầu suy giảm trong thời gian gần đây, trường hợp của Ấn Độ dường như có tính chất lâu dài hơn - bắt đầu từ năm 2016-2017. Trong giai đoạn 10 năm đến 2022-2023, FDI của Ấn Độ tăng trưởng với tốc độ gộp là 6,6%, so với 27% trong thập kỷ trước. Tổng vốn FDI tính theo phần trăm GDP danh nghĩa của đất nước là 2,1% trong năm 2022-23, so với 2,7% trong năm 2021-22; mức cao nhất mà Ấn Độ từng đạt được là 3,5% trong năm 2008-09.

Vì vậy, thay vì đổ lỗi cho sự sụt giảm FDI của Ấn Độ là do sự suy thoái toàn cầu, chính phủ nước này phải tìm câu trả lời ở nơi khác. Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục cảnh giác với những rào cản quan liêu, chính sách thuế không chắc chắn và khó khăn trong việc thực thi hợp đồng của Ấn Độ. Chính phủ đã công bố nhiều ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, nhưng cũng đúng là việc giải ngân những ưu đãi đó thường bị chậm trễ và thậm chí đôi khi bị từ chối vì những lý do tưởng chừng như nhỏ nhặt. Cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng trở nên khó khăn hơn khi nhiều nền kinh tế đang phát triển nhỏ hơn đang chơi bài tốt hơn. Ấn Độ cần phải chạy nhanh hơn nếu muốn quay trở lại chuyến xe đầu tư.

Nguồn:

CIS

Cùng chuyên mục