Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Sự trỗi dậy của hợp tác tiểu đa phương trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Sự trỗi dậy của hợp tác tiểu đa phương trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

03:07 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Giới thiệu

Thập kỷ qua đã chứng kiến ​​sự xáo trộn địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: những khái niệm mới đang được tạo ra (ví dụ: từ Châu Á - Thái Bình Dương thành Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương); những liên kết chiến lược mới đang được tạo ra; và các nhóm nhỏ như Đối thoại An ninh Tứ giác (hoặc Tứ giác - QUAD) đã xuất hiện. Các diễn đàn này là kết quả của nhiều động lực địa chính trị đang thay đổi trong khu vực, và do đó, chúng có ý nghĩa chiến lược đối với khu vực.[1]

Chắc chắn, các quan hệ đối tác liên minh do Mỹ dẫn đầu, chủ yếu là đối tác song phương, tiếp tục là yếu tố quan trọng của cấu trúc chiến lược châu Á. Tuy nhiên, các liên minh như vậy đã có những đặc điểm mới, trong đó các đồng minh và đối tác như Úc và Nhật Bản gánh vác trọng trách an ninh nhiều hơn trước. Trong khi đó, Trung Quốc đã và đang thực hiện các cam kết kinh tế chặt chẽ có nền tảng chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Căng thẳng giữa chính sách ngoại giao song song giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạo ra những thỏa thuận an ninh mới dưới hình thức các mối quan hệ tiểu đa phương trong khu vực. Việc Trung Quốc theo đuổi lợi ích quốc gia thông qua chính sách ngoại giao hiếu chiến và sử dụng, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, đã buộc các quốc gia phải tìm nhiều cách đáp trả.

Trong khung thời gian tới, có vẻ như Trung Quốc muốn đóng vai trò là bên chi phối việc định hình trật tự an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, do nước này đang có vị thế bá chủ và đang ở đỉnh cao.[2] Điều này trái ngược với tầm nhìn của các cường quốc chủ chốt ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vốn không muốn có một nước nào có quyền bá chủ ở châu Á.[3] Bản thân mối quan tâm này đã thúc đẩy các nước cùng chí hướng xích lại gần nhau trong việc hình thành một trật tự chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở và bao trùm, trái ngược với ý tưởng của Bắc Kinh về một trật tự đơn phương.[4] William Tow lập luận, có một nhu cầu thực sự, cấp bách về chính trị “an ninh truyền thống”; ông trích dẫn định nghĩa của Henrick Tsjeng về an ninh truyền thống, theo đó: “việc bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia khỏi các mối đe dọa từ cấp nhà nước từ bên ngoài và quản lý tác động của cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn.”[5] Những năm tới sẽ tiếp tục chứng kiến ​​sự phát triển liên minh dựa trên lợi ích hoặc “liên minh đặc biệt của những nước sẵn sàng tham gia”[6] ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, phản ánh những bất ổn sâu sắc đang tồn tại hiện nay.

Đặc điểm của chủ nghĩa tiểu đa phương

Các nhà phân tích cho rằng, chủ nghĩa tiểu đa phương phát triển là do có nhiều trường hợp thất bại trong việc tìm tiếng nói thống nhất, đồng thuận trong các thể chế đa phương và cách chia khu vực theo kiểu truyền thống.[7] Sự thay đổi cán cân động lực quyền lực cả ở cấp độ khu vực và toàn cầu tác động đến hiệu quả hoạt động của các thể chế đa phương lớn. Nhận thức được sự kém hiệu quả của các cơ quan đa phương chính thức trong việc đối phó với các thách thức khu vực đã thúc đẩy các nước tìm kiếm các giải pháp thay thế. 

Hơn nữa, các nhà quan sát cho rằng, các thể chế khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hoạt động trên nguyên tắc đồng thuận “giảm kết quả xuống mức thấp nhất.”[8] ASEAN từng được coi là mô hình của một thể chế hội nhập kinh tế, để đối phó với các thách thức trong khu vực. Tuy nhiên, trong những năm qua, ASEAN đôi khi không thể đưa ra các tuyên bố chung.[9] Nhóm này đã trở thành một ngôi nhà bị chia rẽ trong các vấn đề về toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền liên quan đến Trung Quốc. Sự hiếu chiến và chiến lược gây chia rẽ của Trung Quốc trong các cam kết với ASEAN đã làm tổn hại đến các nguyên tắc cốt lõi của nhóm về tôn trọng lẫn nhau đối với vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia.

Điều này không có nghĩa là các quốc gia đã ngừng đầu tư vào các thể chế đa phương và khu vực truyền thống như ASEAN, Liên hợp quốc (LHQ) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Thay vào đó, các quốc gia nhận ra giá trị của việc tham gia vào các nhóm nhỏ hơn, không chính thức, có mục tiêu cụ thể hơn, lấy nguyên tắc vì lợi ích để giải quyết các vấn đề gây tranh cãi khó giải quyết trong các diễn đàn lớn hơn.[10] Ngày càng có nhiều người nhận thức rằng, càng có nhiều các nhóm tiểu đa phương như vậy tham gia vào một số lĩnh vực kinh tế, an ninh và chiến lược, thì sẽ mang lại kết cục tốt hơn là dựa vào một tổ chức khu vực duy nhất, mang lại ít lựa chọn và giải pháp để đối phó với các thách thức lớn trong khu vực. Do căng thẳng trong khu vực có khả năng kéo dài, nhiều nhóm tiểu đa phương sẽ chỉ được tạo ra trong khu vực, với sự tham gia của các đối tác dựa trên lợi ích chiến lược lớn cũng như các chủ đề cụ thể, ví dụ như khả năng phục hồi chuỗi cung ứng ba bên. Bhubhindar Singh và Sarah Teo lập luận rằng, các thỏa thuận nhỏ lẻ xử lý những vấn đề không được giải quyết bởi chủ nghĩa song phương (cả do Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu) và chủ nghĩa đa phương khu vực rộng lớn hơn (như ASEAN), có sự tham gia của từ ba đến chín quốc gia và khá “hiệu quả, linh hoạt và có khả năng thực hiện một số chức năng cụ thể”.[11]

Chủ nghĩa tiểu đa phương đã nhận được sự ủng hộ của một số cường quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chủ yếu do nhiều nước bắt đầu đặt câu hỏi về độ tin cậy của hệ thống liên minh do Mỹ dẫn đầu trong việc quản lý các thách thức an ninh trong khu vực. Đòi hỏi về độ tin cậy đã trở thành một yêu cầu mạnh mẽ đối với các đối tác đồng minh của Mỹ trong việc thiết lập mối quan hệ chiến lược chặt chẽ hơn với các cường quốc chủ chốt khác trong khu vực. Chẳng hạn, với Úc và Nhật Bản, ngay cả khi liên minh an ninh với Mỹ là một thành phần quan trọng việc quản lý an ninh của hai nước này, thì họ vẫn theo đuổi quan hệ đối tác chiến lược chặt chẽ hơn với Ấn Độ, một ví dụ minh họa cho hợp tác tiểu đa phương đang phát triển ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhưng trong vòng vài năm, mối quan hệ đối tác được tăng cường giữa Úc, Ấn Độ và Nhật Bản đã phát triển thành nhóm Bộ từ QUAD với sự tham gia của Mỹ. Trước đây, các chuyên gia đã lập luận rằng “chủ nghĩa tiểu đa phương sáng tạo” có thể thay đổi cấu trúc và hình thức của quan hệ đối tác chiến lược để nhóm Bộ tứ này hình thành theo cách mới.[12] Sự không chắc chắn do Mỹ tạo ra, đặc biệt là trong những năm dưới thời Trump, đã làm phát sinh một số liên minh lỏng lẻo. Ví dụ, cuộc đối thoại cấp bộ trưởng ba bên Úc-Pháp-Ấn Độ, lần đầu tiên diễn ra vào tháng 5 năm 2021, bắt nguồn từ cuộc đối thoại kênh 1,5 do ba tổ chức tư vấn của ba nước điều phối.[13] Cuộc họp ba bên của Úc, Ấn Độ và Indonesia cũng bắt nguồn theo thể thức kênh 2, được tổ chức vào tháng 9 năm 2013, vài năm trước khi các quan chức cấp cao của ba nước gặp nhau lần đầu tiên vào tháng 11 năm 2017.[14]

Cũng có những lập luận rằng, để các nhóm tiểu đa phương phát triển mạnh mẽ, tốt nhất là nên tính đến yếu tố sự hội tụ của các lợi ích, nhận thức về mối đe dọa và tính khả thi thực tế của hợp tác kênh 2, và kênh 1,5 trước khi chính thức ra mắt nhóm. Tuy nhiên, đây không phải là những trở ngại đáng kể vì đây là những mạng lưới không chính thức vẫn chưa được thể chế hóa. Các nhà phân tích đưa ra lập luận này thường trích dẫn ví dụ về nhóm Quad khi mới thành lập đã nhanh chóng thoái trào do những thay đổi về nguyên thủ quốc gia ở Úc và Nhật Bản. Phản ứng của Trung Quốc chống lại nhóm Bộ tứ cũng không giúp được gì. Việc Quad đang được hồi sinh cho thấy rằng, những yêu cầu ban đầu đưa Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ đến gần nhau mới chỉ bắt đầu được tăng cường. Do đó, không cần lo ngại về về việc các nhóm này sẽ sớm suy tàn.

Một yếu tố để chủ nghĩa tiểu đa phương hoạt động hiệu quả ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là sự cân bằng trở lại trong quyền lực chính trị. Trong lịch sử, các quốc gia như Ấn Độ đã tránh không tham gia làm đối trọng quyền lực trong khu vực; tuy nhiên, việc Trung Quốc thường tham gia tranh chấp đã khiến Ấn Độ và nhiều quốc gia khác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương áp dụng cách tiếp cận thực dụng và dùng sức mạnh để hình thành trật tự khu vực.[15] Các quốc gia khác như New Zealand và Hàn Quốc ít chú ý hơn đến các động lực chiến lược đang trỗi dậy, do muốn tránh ra mặt phê phán Trung Quốc vì họ có những sức ép trong kinh tế. Tuy nhiên, điều đó có thể sớm thay đổi vì Wellington và Seoul gần đây đã bắt đầu tham gia vào các nhóm như Quad mở rộng.[16]

Hạn chế về năng lực cũng là yếu tố thúc đẩy chủ nghĩa tiểu đa phương ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trung Quốc đang tranh chấp lãnh thổ với hầu hết các nước láng giềng và làm tăng căng thẳng thông qua việc đơn phương theo đuổi các hành động như thiết lập và mở rộng vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), kiểm soát Biển Đông bằng cách thiết lập các khu vực hành chính mới có trụ sở chính ở nơi họ gọi là thành phố Tam Sa (thực chất là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), đảo đá Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam).[17] Tất cả các nước tham gia vào chủ nghĩa tiểu đa phương đều phải đối phó với hành vi hiếu chiến của Trung Quốc ở lãnh thổ của họ trong bối cảnh họ thiếu năng lực quân sự và kinh tế.[18] Cộng tất cả năng lực của một số cường quốc hàng hải lớn vẫn không bằng năng lực của Trung Quốc. Điều này cũng làm nổi bật vai trò thiết yếu của Mỹ trong các động lực chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tập trung vào Ấn Độ

Ấn Độ không phải là một quốc gia mới tham gia chủ nghĩa tiểu đa phương. Sáu năm trước, Ấn Độ đã tham gia thỏa thuận an ninh ba bên với Mỹ và Nhật Bản.[19] Vào tháng 10/2015, Nhật tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar, trước đó là tập trận hải quân song phương giữa Mỹ và Ấn Độ. Các cuộc tập trận Malabar đã được thực hiện từ năm 1992, và các quốc gia khác đôi khi cũng được mời tham gia. Cuộc tập trận Malabar năm 2015 được đặc biệt nhấn mạnh do nó diễn ra trong bối cảnh có sự phát triển đáng kể khi Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ nâng đối thoại ba bên của họ lên cấp ngoại trưởng. Kể từ đó, Nhật Bản đã trở thành đối tác lâu dài trong các cuộc tập trận Malabar, và Malabar chính thức trở thành cuộc tập trận hải quân ba bên Mỹ-Ấn-Nhật. Điều thúc đẩy quan hệ đối tác ba bên này là tất cả các quốc gia thành viên đều mong muốn duy trì tự do hàng hải và các vùng biển rộng mở, thương mại hợp pháp không bị cản trở trong các vùng biển quốc tế và tôn trọng luật pháp quốc tế. Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR) cũng là chủ đề được quan tâm trong hợp tác tiểu đa phương ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có cả quan hệ đối tác ba bên Mỹ-Ấn-Nhật. Những mục tiêu này đã trở nên đặc biệt quan trọng trong bối ngày càng có nhiều cuộc xâm nhập biên giới trên bộ, trên không và hải quân của các lực lượng vũ trang Trung Quốc vào các nước láng giềng.

Xu hướng phát triển chủ nghĩa tiểu đa phương khó có thể bị chậm lại trong bối cảnh môi trường an ninh hiện nay ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngay cả trong các cuộc khủng hoảng đa lĩnh vực do đại dịch COVID-19 gây ra, Trung Quốc vẫn có nhiều hành vi mang tính hiếu chiến với các nước láng giềng, việc này đẩy nhanh tốc độ của các thỏa thuận an ninh không chính thức. Không giống như các nền tảng đa phương nhằm mục đích duy trì “hòa nhập và không phân biệt đối xử”, các sáng kiến ​​tiểu đa phương được tạo ra giữa các nhóm nhỏ các quốc gia có chung nhận thức về cùng một mối đe dọa, cũng như có hiểu biết chung về các cách thức và phương tiện để giảm thiểu những thách thức đó. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng đồng ý với tất cả các đề xuất ngay cả trong một liên minh nhỏ. Điều này có thể được minh họa rõ nhất trong cách tiếp cận của Ấn Độ: nước này đã dần chấp nhận một số thỏa thuận trong các nhóm tiểu đa phương tuy vẫn là đối tác quyết định chậm nhất. Nhiều quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Ấn Độ, đã gặp khó khăn khi phải chọn theo phe Mỹ hay Trung Quốc mặc dù các quốc gia này tham gia các tổ chức tiểu đa phương như nhóm Tứ giác hay hợp tác ba bên, và các nhóm này cho thấy rõ lựa chọn chiến lược của họ.

Sáng kiến ​​ba bên gần đây của Ấn Độ, Pháp và Úc là một điển hình. Vào tháng 9 năm 2020, nhóm đã có cuộc họp đầu tiên với mục tiêu “xây dựng mối quan hệ song phương bền chặt giữa ba nước, chia sẻ với nhau và phối hợp sức mạnh của mỗi nước để đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình, an ninh, thịnh vượng và dựa trên luật lệ.”[20] Arindam Bagchi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ, đã đăng dòng trạng thái trên Twitter rằng, sáng kiến ​​này nhằm đạt được “những kết quả trong cách tiếp cận của chúng tôi đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và khám phá các cách thức để tăng cường hợp tác ba bên, đặc biệt là trong lĩnh vực khu vực hàng hải.”[21] Bộ ngoại giao ở mỗi nước trong ba nước trên đã đưa ra tuyên bố, nhưng thông cáo của Pháp là đặc biệt nhất, vì nó nêu bật tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, hòa bình và an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuyên bố nói rằng, cuộc họp ba bên “giúp nhấn mạnh mục tiêu đảm bảo hòa bình, an ninh và tuân thủ luật pháp quốc tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dựa trên những thành quả của quan hệ song phương giữa Pháp, Ấn Độ và Úc.”[22] Ba nước đã nâng đối thoại ba bên lên cấp bộ trưởng vào tháng 5 năm 2021. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ, S Jaishankar, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Châu Âu của Pháp, Jean-Yves Le Drian, và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Úc, Marise Payne, họp tại London bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G7. Ba bộ trưởng nhắc lại tầm quan trọng của pháp quyền, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, các giá trị dân chủ và tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời hướng tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở, bao trùm và dựa trên luật lệ.[23]

Ấn Độ cũng tham gia vào một nhóm hợp tác tiểu đa phương khác trong khu vực là Ấn Độ-Úc-Indonesia, bắt đầu từ cuộc họp các quan chức cấp cao vào năm 2017, và tính tới cuối năm 2021 đã có ba sự kiện hợp tác.[24] Tương tự như ba bên Ấn Độ-Úc-Pháp, diễn đàn này cũng tập trung vào nhiều mục tiêu phát triển ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm các chương trình hỗ trợ phát triển, các vấn đề hàng hải và các nỗ lực HADR. Ngoài ra còn có một cuộc họp quan trọng khác giữa bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng của ba quốc gia.[25] Cả ba quốc gia cùng có chung vấn đề là phải đối phó với việc Trung Quốc sử dụng vũ lực. Cụ thể là hải quân Trung Quốc xâm nhập Vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia tại quần đảo Natuna, quân đội Trung Quốc xung đột tại biên giới với Ấn Độ ở Ladakh và dọc tuyến biên giới Ấn Độ - Trung Quốc, và việc Trung Quốc sử dụng các hành vi ép buộc kinh tế và thương mại nhằm vào Úc. Nhiều vấn đề khác cũng nảy sinh thêm trong năm 2021.

Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh song phương trực tuyến vào tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Úc, Scott Morrison đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-Úc với các nước thứ ba. Tuyên bố cũng đề cập đến việc thiết lập các thỏa thuận ba bên như các nhóm Ấn Độ-Úc-Nhật Bản và Ấn Độ-Úc-Indonesia, cũng như các cam kết của họ trong các nhóm hợp tác tiểu đa phương như sáng kiến ​​Quad mở rộng với sự tham gia của New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam.[26]

Hợp tác ba bên Úc-Nhật Bản-Ấn Độ dường như đang bước lên những tầm cao lớn hơn trong chương trình nghị sự theo định hướng hành động của mỗi nước. Vào tháng 9 năm 2020, các bộ trưởng thương mại của ba nước đã nhất trí thiết lập chương trình phục hồi chuỗi cung ứng cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Quyết định được đưa ra tại một cuộc họp trực tuyến giữa các bộ trưởng Simon Birmingham của Úc, Kajiyama Hiroshi của Nhật Bản và Piyush Goyal của Ấn Độ. Đây là động thái được thực hiện do ba bên nhận ra các lỗ hổng do phụ thuộc kinh tế quá nhiều vào một nguồn cung duy nhất (là Trung Quốc). Đề xuất này nhằm tìm ra các cách thức và phương tiện để tạo ra và duy trì các chuỗi cung ứng thay thế.

Vào tháng 4 năm 2021, các bộ trưởng thương mại của ba nước đã chính thức khởi động Sáng kiến ​​khả năng phục hồi chuỗi cung ứng (SCRI) trong một cuộc họp trực tuyến ba bên. Dựa trên các cuộc tham vấn được tổ chức vào tháng 9 năm 2020, ba bộ trưởng đã xác định một số biện pháp chính sách, bao gồm “hỗ trợ tăng cường sử dụng công nghệ kỹ thuật số; và hỗ trợ đa dạng hóa thương mại và đầu tư.”[27] Hai lĩnh vực này đang được đưa vào quá trình thực hiện ban đầu của SCRI. Sáng kiến ​​còn nhằm mục đích xây dựng dựa trên các mục tiêu “chia sẻ các ví dụ điển hình về khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; và tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư và các sự kiện kết nối người mua - người bán để tạo cơ hội cho các bên khám phá khả năng đa dạng hóa chuỗi cung ứng.” Trong tương lai, bất kỳ quyết định nào để mở rộng SCRI sẽ dựa trên sự đồng thuận giữa ba quốc gia.[28]

Những tác động của chủ nghĩa tiểu đa phương trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Hợp tác trong HADR, thúc đẩy tự do hàng hải, tôn trọng pháp quyền và trật tự dựa trên luật lệ là những yếu tố quan trọng thúc đẩy chủ nghĩa tiểu đa phương trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, động lực cơ bản nhất trong việc hình thành các nhóm hợp tác tiểu đa phương này là sự thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực. Với động lực quyền lực đang và sẽ diễn ra, có thể giả định rằng, nhiều nhóm hợp tác tiểu đa phương sẽ hình thành trong những năm tới.

Trong bối cảnh đó, điều quan trọng là phải hiểu các phân nhánh có thể có của sự trỗi dậy của các nhóm hợp tác tiểu đa phương, và cách chúng có thể có khả năng thay đổi các khuôn khổ đa phương truyền thống trong khu vực. Nếu các con đường ngoại giao truyền thống không được thực hiện hiệu quả hơn, cụ thể nhất là các cuộc thảo luận khu vực và đa phương không mang lại hiệu quả, thì chủ nghĩa tiểu đa phương sẽ tiếp tục được các quốc gia sử dụng. Các nhóm hợp tác tiểu đa phương mở ra nhiều cuộc tranh luận tập trung và cần có điều phối hiệu quả để theo đuổi chương trình nghị sự thiên về hành động, cũng như tính không chính thức và đảm bảo mức độ linh hoạt nhất định. Với bản chất gây tranh cãi của các mối quan hệ quyền lực toàn cầu và những khó khăn trong việc tìm kiếm sự đồng thuận, các nhóm hợp tác tiểu đa phương mang lại lợi thế to lớn trong việc xây dựng các quan điểm chung, có thể dần dần được đưa lên các nền tảng chính thức lớn hơn, truyền thống hơn.

Yếu tố Trung Quốc cũng là nguyên do hình thành hợp tác tiểu đa phương. Hành vi của Bắc Kinh đã thu hút sự chú ý và ủng hộ việc xây dựng hợp tác tiểu đa phương ở cấp độ các quốc gia và khu vực, và các nhóm như Quad hay khu vực chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Phần lớn châu Âu đứng bên lề các diễn biến ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng thực tế là, ngày càng nhiều cường quốc ở châu Âu khu vực đó đang ra mặt ủng hộ khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là sự chứng thực cho sự phát triển của khái niệm khu vực mới, và đặc biệt là sự phát triển chủ nghĩa tiểu đa phương trong khu vực.

Trong quá khứ, Ấn Độ từng hạn chế tham gia các nhóm ba bên và các nhóm nhỏ chiến lược khác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhưng hiện nay, trong bối cảnh điều kiện an ninh đang phát triển xung quanh biên giới của Ấn Độ, và với hành động của Trung Quốc, Ấn Độ có nhiều động lực để thay đổi cách lựa chọn. Mặc dù Ấn Độ đã do dự trong việc tham gia các nhóm tiểu đa phương, nhưng hành vi của Trung Quốc trong vài năm qua đã đẩy Ấn Độ sang sự thay đổi mô hình. Những cam kết trong nhóm tiểu đa phương đã mở ra danh sách các lựa chọn chiến lược cho Ấn Độ.

Cùng với việc mở rộng phạm vi tiếp cận, New Delhi đã ký kết các thỏa thuận quân sự và hậu cần với một số cường quốc quan trọng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, những quốc gia này đã mở rộng phạm vi hàng hải của Ấn Độ ra ngoài các vùng biển trực tiếp của Ấn Độ.[29] Điều này cũng rất hữu ích trong việc tăng cường khả năng chuẩn bị quân sự và khả năng tương tác với các đối tác chiến lược cùng chí hướng. Cho đến nay, Ấn Độ đã ký thỏa thuận với tất cả các cường quốc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Pháp và Úc. Việc Ấn Độ ký 4 thỏa thuận cơ bản với Mỹ đã làm thay đổi đáng kể chất lượng của các cuộc giao tranh quân sự. Chẳng hạn, với việc ký Hiệp định Tương thích và An ninh Truyền thông với Mỹ, quân đội Ấn Độ đã có được quyền truy cập vào các hệ thống thông tin liên lạc được mã hóa để liên lạc liền mạch. Vào tháng 3 năm 2019, Hải quân Ấn Độ và Hải quân Mỹ đã ký thỏa thuận cho vay để lắp đặt hai bộ dụng cụ CENTRIXS (Hệ thống Kết hợp Trao đổi Thông tin tình báo) do hạm đội Thái Bình Dương cung cấp tại trụ sở Hải quân Ấn Độ.[30] Đây là một phần của kế hoạch tiến hành triển khai bổ sung các hệ thống như vậy tại một số địa điểm và nền tảng, điều này sẽ cải thiện đáng kể khả năng tương tác. Ấn Độ đã đầu tư đáng kể vào các mối quan hệ trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương theo các hình thức song phương, ba bên và các hợp tác tiểu đa phương khác. Đồng thời, Ấn Độ có thể đã thay đổi bản chất cơ bản của các cam kết với một số quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và Nga. Quan hệ đối tác chiến lược của Ấn Độ rất khó thay đổi về bản chất ngay cả khi Trung Quốc có sửa đổi sau xung đột Galwan. Tác động này sẽ không chỉ được cảm nhận trong bối cảnh song phương mà còn trong bối cảnh chiến lược toàn cầu và khu vực và thậm chí rộng hơn.

Tác động thứ hai có thể là về cách các hợp tác tiểu đa phương có thể mâu thuẫn và làm giảm vai trò của các thể chế đa phương khu vực như ASEAN, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị cấp cao Đông Á. Trong khi ASEAN và các thể chế liên quan vẫn giữ vị trí trung tâm đối với an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và vai trò trung tâm của ASEAN đã được một số nhà lãnh đạo Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhấn mạnh, vai trò chi phối nhiều hơn của Trung Quốc đã gây bất lợi cho quá trình đó. Trung Quốc đã lôi kéo, khiến một vài quốc gia như Lào và Campuchia, phải mềm lòng trước những ý tưởng của họ, do đó làm suy yếu tính trung lập, độc lập và tính trung tâm của các thể chế này.

Kết luận

Sự xuất hiện của hợp tác tiểu đa phương không thể được coi là một phương tiện để củng cố các thỏa thuận thể chế chính thức hiện có như ASEAN. Nó có thể đang đẩy nhanh sự rạn nứt của châu Á vốn đã bị chia rẽ, với các chính sách ngoại giao song song đang được thực hiện: một bên do Mỹ dẫn đầu, bên kia do Trung Quốc, hay bất kỳ nhóm hợp tác tiểu đa phương nào quốc gia nhỏ bên nào do cường quốc trong khu vực lãnh đạo. Nền chính trị cạnh tranh của khu vực này có thể cản trở hơn nữa quá trình hòa giải và thỏa hiệp ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, phương hại đến hòa bình, thịnh vượng và ổn định trong khu vực. Chủ nghĩa đơn phương có thể làm suy yếu chủ nghĩa đa phương nếu “những sáng kiến ​​nhỏ lẻ này trở thành nền tảng cho sự cạnh tranh quyền lực lớn”.[31]

Về bản chất, chủ nghĩa tiểu đa phương là một dấu hiệu của xung đột quyền lực ngày càng gia tăng trong khu vực, chứ không phải nguyên nhân của những xung đột đó. Mặt khác, như William Tow lập luận, hiện tượng chủ nghĩa tiểu đa phương đang gia tăng không được coi là “thay thế hoàn toàn các liên minh và thể chế hiện có mà là bổ sung cho chúng.”[32] Điều này được chứng minh là đúng, bởi vì như đã đề cập trước đó, các quốc gia vẫn tiếp tục đầu tư vào các nền tảng khu vực và đa phương mặc dù họ tham gia vào nhiều nhóm hợp tác tiểu đa phương. Thành công trong các nhóm hợp tác tiểu đa phương có thể dần dần nâng cấp nhóm lên thành nền tảng hợp tác khu vực và đa phương để thu hút sự ủng hộ của cộng đồng rộng lớn hơn. Để làm được điều đó, một số hình thức đồng thuận và phối hợp giữa một nhóm nhỏ các quốc gia là điều cần thiết trong thời đại chính trị quốc tế đầy tranh chấp và phân tán như hiện nay.

Tác giả: Tiến sĩ Rajeswari (Raji) Pillai Rajagopalan, Giám đốc Trung tâm An ninh, Chiến lược và Công nghệ (CSST) tại Quỹ Nghiên cứu Người quan sát (ORF), New Delhi.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://www.orfonline.org/research/explaining-the-rise-of-minilaterals-in-the-indo-pacific/

 

[1] Troy Lee-Brown, “Asia’s Security Triangles: Maritime Minilateralism in the Indo-Pacific,” East Asia, 35 (2018): 163–176.

[2] William T Tow, “Minilateral Security’s Relevance to US strategy in the Indo-Pacific: Challenges and Prospects,” The Pacific Review, 32:2 (2019) pp. 232-244, DOI: 10.1080/09512748.2018.1465457

[3] Bộ Ngoại giao Ấn Độ, “IISS Fullerton Lecture by S Jaishankar, Foreign Secretary in Singapore,” 20/7/2015.

[4] C Raja Mohan, “Xi, Trump, Asian Disorder,” Indian Express, 11/11/2017.

[5] William Tow, “Minilateral Security’s Relevance.”

[6] Gordon Ahl, “The Benefits of Minilateral Diplomacy,” Lighthouse Journal, University of Oxford, 18/4/2019.

[7] Vấn đề này được đề cập trong tài liệu: Amalina Anuar và Nazia Hussain, “Minilateralism for Multilateralism in the Post-COVID Age,” Policy Report, S. Rajaratnam School of International Studies, 1/2021.

[8] Prashanth Parameswaran, “The Limits of Minilateralism in Asean,” The Straits Times, 15/2/2018.

[9] Ernest Z Bower, “China Reveals Its Hand on ASEAN in Phnom Penh,” Commentary, Center for Strategic and International Studies (Washington DC), 20/7/2012; Ankit Panda, “ASEAN Foreign Ministers Issue, Then Retract Communique Referencing South China Sea,” The Diplomat, 15/6/2016,

[10] Stewart Patrick, “The New “New Multilateralism”: Minilateral Cooperation, but at What Cost?,” Global Summitry, Vol. 1, Issue 2, Winter 2015.

[11] Bhubhindar Singh và Sarah Teo, Minilateralism in the Indo-Pacific: The Quadrilateral Security Dialogue, Lancang-Mekong Cooperation Mechanism, and ASEAN (London: Taylor & Francis, 2020), tr. 2. Không có định nghĩa chung về chủ nghĩa tiểu đa phương nhưng có thể tìm hiểu chi tiết khái niệm này trong tài liệu của William T Tow, “Minilateral Security’s Relevance.

[14] Ashok Malik, “Australia, India, Indonesia: A Trilateral Dialogue on Indian Ocean,” Commentary, Observer Research Foundation, 17/9/2013; Department of Foreign Affairs and Trade, Australian Government, “The first Indonesia-Úc-India Senior Officials’ Strategic Dialogue, Bogor, Indonesia,” Press Release, 28/11/2017.

[15] Rajeswari Pillai Rajagopalan, “India’s Vision of the East Asian Order,” Asia Policy, Vol. 13, No. 2 (April 2018), tr. 39.

[16] Nhóm Quad mở rộng không phải là một nhóm bảo an; nhóm này xuất hiện trong bối cảnh đại dịch Covid-19 nhằm điều chỉnh các chính sách của mỗi quốc gia thành viên để đối phó với phục hồi kinh tế sau đại dịch, ngoại giao vắc-xin và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác. Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng nhóm này thực hiện định hướng chiến lược khác trong kịch bản hậu đại dịch. Xem Rajeswari Pillai Rajagopalan, “Towards a Quad-Plus Arrangement?,” Indo-Pacific Analysis Briefs 2020, 21/4/2020.

[17] Ian E. Rinehart and Bart Elias, “China’s Air Defense Identification Zone(ADIZ),” CRS Report, Congressional Research Service, January 30, 2015; Veerle Nouwens and Blake Herzinger, “Above the Law: Holding China to Account in the South China Sea,” Observer Research Foundation, 12/4/2021.

[18] Premesha Saha, Ben Bland and Evan A. Laksmana, “Anchoring the Indo-Pacific: The Case for Deeper Úc–India–Indonesia Trilateral Cooperation”, ORF, The Lowy Institute and CSIS Policy Report, 1/2020, tr. 31.

[19] Bộ Ngoại giao Ấn Độ, “Inaugural U.S.-India-Japan Trilateral Ministerial Dialogue in New York,” September 30, 2015; Rajeswari Pillai Rajagopalan and Sylvia Mishra, “India-Japan-U.S. Trilateral Dialogue Gains Additional Traction,” Asia Pacific Bulletin Number 327, 22/10/2015).

[20] Bộ Ngoại giao Ấn Độ, “1st Senior Officials’ India-France-Australia Trilateral Dialogue,” Chính phủ Ấn Độ, 9/9/2020

[21] Arindam Bagchi (@MEAIndia), “Reaffirming our close partnerships in the Indo-Pacific region, FS@harshvshringla co-chaired the inaugural India-France-Australia Trilateral Dialogue today.” Twitter,  9/9/2020.

[23] Ministry of External Affairs, “India-France-Australia Joint Statement.”

[24]Third India-Australia-Indonesia Trilateral Senior Officials’ Dialogue,” Phòng Đối ngoại và Thương mại, 18 December 2019; “India-Australia Bilateral Relations,” Bộ Ngoại giao Ấn Độ, 9/2019.

[25] Andrew Tillett and Emma Connors, “New Bloc of Australia, India, Indonesia Takes Shape amid China Fears,” Australian Financial Review, 4/9/2020.

[29] Rajeswari Pillai Rajagopalan, “India’s Military Outreach: Military Logistics Agreements,” The Diplomat, 9/9/2021.

[30] Dinakar Peri, “India in Talks for Logistics Pacts with Russia, UK and Vietnam,” The Hindu, 12/9/2020.

[31] Sarah Teo, “Could Minilateralism Be Multilateralism’s Best Hope in the Asia Pacific?” The Diplomat, 15/12/2018.

[32] William T Tow, “Minilateral Security’s Relevance.”

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục