Sức mạnh mềm Ấn Độ: Gợi mở với Việt Nam
Kể từ khi Joseph S. Nye đề xướng lý thuyết về sức mạnh mềm, các quốc gia có bề dày truyền thống, ít nhiều đều phải “giật mình” vì thứ tài sản vô giá mà mình đang sở hữu.
Đối lập với sức mạnh cứng (Hard Power), sức mạnh mềm (Soft Power) hóa ra là thứ nguồn lực nảy sinh từ sự hấp dẫn về văn hoá, tư tưởng, chính sách và đời sống thực tế… của một quốc gia. Với đặc trưng phi quân sự, phi bạo lực, phi cưỡng đoạt…, sức mạnh mềm có khả năng thu hút, cảm hóa, gây ảnh hưởng tự nguyện thay vì ép buộc hay cưỡng chế. Tiếp thu sức mạnh mềm, do vậy, là một sự lựa chọn chứ không phải sự áp đặt. Biết sử dụng sức mạnh mềm, các chính phủ sẽ có thêm vũ khí để giải quyết hợp lý và bền vững các vấn đề văn hóa - chính trị - xã hội để phát triển.
Đây là lý do khiến lý thuyết về sức mạnh mềm của J. Nye lâu nay rất được ưa chuộng.
Vì mới xuất hiện vài thập niên gần đây nên sức mạnh mềm được coi là khái niệm khoa học mới. Nhưng với Ấn Độ, một trong bốn nền văn minh cổ của nhân loại, có lịch sử dài lâu đến hơn 5000 năm; một quốc gia có hơn 1,3 tỷ dân, sử dụng hàng trăm ngôn ngữ khác nhau, ưa thích đàm đạo triết học và hiện là một quốc gia mạnh về nhiều mặt, nên sức mạnh mềm Ấn Độ, trên thực tế, lại là một thực thể văn hóa - xã hội đã hiện hữu từ rất sớm, khó nơi đâu trên thế giới có thể so sánh.
Viết về sức mạnh mềm Ấn Độ, do vậy, là thách thức với tất cả những ai có ý định nghiên cứu về chủ đề này, kể cả những người đã hiểu biết sâu về Ấn Độ.
Do đó, một cuốn sách đang được bạn đọc trông đợi là cuốn “Sức mạnh mềm Ấn Độ: Gợi mở với Việt Nam” của tác giả PGS.TS. Lê Văn Toan, nhà nghiên cứu hàng đầu và cũng là Giám đốc sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Cuốn sách là những kết quả chính của một nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được Giám đốc Học viện giao. Cuốn sách được kết cấu theo 3 chương:
Chương 1. Sức mạnh mềm: từ lý luận đến thực tiễn. Trên cơ sở làm rõ các khái niệm công cụ, phân tích về quan hệ giữa sức mạnh cứng và sức mạnh mềm, chỉ ra những nội dung, đặc trưng, nguồn gốc, thành phần chủ yếu và các nguyên tắc sử dụng sức mạnh mềm, tác giả đã phác họa khá chi tiết về thực tiễn phát triển sức mạnh mềm ở các nước Mỹ, Nhật Bản, Nga, Singapore, Hàn Quốc.
Ở chương này, tác giả đã lý giải các vấn đề về việc sử dụng sức mạnh tổng hợp của các quốc gia gồm sức mạnh cứng, sức mạnh mềm và sức mạnh thông minh. Những tư tưởng và các quan điểm độc đáo của R. Cline, E. H. Carr, K. Knor, đặc biệt Josheph S. Nye đã được đề cập. Ở đây, giá trị của sức mạnh cứng đã được so sánh với sức mạnh mềm và gợi mở nhiều vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu. Quan điểm về sức mạnh mềm tổng hợp được lý giải kỹ và phân tích khá sâu ở sự phối hợp giữa sức mạnh mềm hấp dẫn và sức mạnh mềm mua chuộc. Cuốn sách còn có riêng một phần đưa ra những so sánh về quan điểm của J. Nye năm 1990 với năm 2004. Điều thú vị là, trong khi đánh giá cao lý thuyết về sức mạnh mềm của J. Nye, tác giả cũng không ngần ngại chỉ ra những hạn chế và mâu thuẫn trong bản thân lý thuyết của J. Nye. Chúng tôi đồng ý với ý kiến của tác giả cuốn sách, chỉ xin lưu ý rằng, có thể nguời đọc sẽ cảm thấy cuốn sách hơi kiệm lời khi khen J. Nye. Đây có thể là một lựa chọn của tác giả, bởi lẽ, suốt mấy thập niên gần đây hầu hết các học giả trên khắp thế giới đã không tiếc lời ca ngợi J. Nye.
Về thực tiễn phát triển sức mạnh mềm, cuốn sách đã phân tích thực tế lịch sử - văn hóa và việc sử dụng các chính sách đối ngoại của của các quốc gia Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Hàn Quốc. Đây là phần nội dung có ý nghĩa gợi mở kinh nghiệm rất đáng quan tâm.
Chương 2. Sức mạnh mềm Ấn Độ trong lịch sử. Trên cơ sở điểm lại những tư tưởng đề cao văn hóa của những nhà hoạt động xã hội, những chính khách lớn trong lịch sử Ấn độ, tác giả đã trực tiếp mô tả, phân tích và làm rõ sức mạnh mềm Ấn Độ qua các thời kỳ lịch sử - thời Cổ Trung đại, thời Cận đại và từ sau Chiến trạnh lạnh đến nay. Những tư tưởng bất hủ của M. Gandhi, J. Nerhu được nhấn mạnh. Những tư tưởng có ý nghĩa thời đại của N. Modi được phân tích. Những biểu hiện đặc thù của sức mạnh mềm trong tôn giáo, văn hóa, giáo dục, y tế… được lý giải. Bản thân sức mạnh mềm trực tiếp thể hiện trong kinh tế, trong quân sự, trong ngoại giao và trong cộng đồng Ấn kiều… được trình bày khá kỹ. Những thành công và nguyên nhân của thành công được xác định phù hợp với thực tế. Và, những hạn chế, mặc dù chỉ được trình bày không nhiều nhưng sự đánh giá và lý giải lại rất gợi mở.
Nói chung chương này thể hiện được thế mạnh của tác giả. Tất cả các nội dung đều được trình bày ở trình độ khá sâu và đầy ắp thông tin.
Chẳng hạn, về sức mạnh mềm trong quan hệ Ấn Độ - Việt Nam, tác giả cho rằng, các cam kết của Ấn Độ đối với Việt Nam về sự ủng hộ sự nghiệp độc lập dân tộc, hòa bình, tự do và phát triển của Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử cho đến nay đã luôn không thay đổi trong đường lối của Ấn Độ, cho dù bất kỳ đảng phái chính trị nào cầm quyền. Biểu tượng trung lập nhưng có lập trường rõ rệt và nhất quán của Ấn Độ đã biến Ấn Độ trở thành một đối tác tin cậy cho các quốc gia muốn tìm cách thoát ra khỏi “thế kẹt” giữa các siêu cường.
Trong các cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX, tiếng nói ủng hộ của Ấn Độ, kể cả đối với chiến tranh ở Biên giới phía Tây Nam và phía Bắc cuối những năm 70 đầu những năm 80 thế kỷ XX, đều rất trực diện, kiên quyết và đặc biệt mạnh mẽ. Theo tác giả “có thể khẳng định rằng, Việt Nam là nước duy nhất có được sự đồng thuận về cách nhìn trong tất cả các đảng tại Nghị viện đa đảng của Ấn Độ. Có thể không có nước nào ngoài Việt Nam có được sự chú ý như vậy của Nghị viện Ấn Độ”.
Chương 3. Chính sách phát huy sức mạnh mềm Ấn Độ thời đại Modi, gợi mở đối với Việt Nam. Bám sát sự biến động của chính trường Ấn Độ và thế giới giai đoạn gần đây, tác giả cuốn sách đã phân tích ý chí và thực tế phát huy sức mạnh mềm Ấn Độ trong giai đoạn mà tác giả gọi là “Thời đại Narendra Modi” - thời kỳ mà Ấn Độ được coi là có vị thế quốc tế khác nhiều so với trước đó. Đó là sự chủ đích làm giàu các giá trị văn hóa, các giá trị xã hội… rất đặc thù của Ấn Độ; sự đảm bảo duy trì các giá trị dân chủ - theo tiêu chuẩn chung của nền dân chủ nhân loại, nhưng lại rất đậm bản sắc Ấn Độ. Đó còn là sự chú trọng xây dựng các chính sách phát triển bền vững, thân thiện của Ấn Độ với các đối tác. Và, ở thời đại N. Modi, Chính phủ Ấn Độ đã và đang rất quan tâm đến việc xây dựng các chính sách đối ngoại hiệu quả cho phù hợp với tình hình thế giới hiện đại.
Theo tác giả cuốn sách, trong thời N. Modi, lợi thế của sức mạnh quốc phòng mang tính chất răn đe trong thời bình, cùng với chính sách đối ngoại hòa bình, trung lập, bất bạo động đã góp phần xây dựng hình ảnh Ấn Độ thành một cường quốc hấp dẫn. Với Việt Nam, Ấn Độ rất vô tư trong việc giúp đỡ Việt Nam nâng cao tiềm lực quốc phòng, đào tạo sĩ quan hải quân, không quân và cung ứng thiết bị quân sự cho hải quân, không quân Việt Nam… Đặc biệt với các trang thiết bị quân sự có nguồn gốc từ Nga, Ấn Độ là một đối tác rất tin cậy trong việc bảo dưỡng, sửa chữa, đào tạo thợ lành nghề. Không hề ngẫu nhiên, chính trong thời N. Modi, chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (Free and Open Indo-Pacific Strategy) của Mỹ đã được hình thành và đang thu hút sự ủng hộ của các bên và các cường quốc.
Về gợi mở đối với Việt Nam, trên cơ sở điểm lại quan hệ Việt Nam - Ấn Độ từ trong lịch sử đến nay, tác giả cuốn sách đã nêu ra những đánh giá của mình về tiềm năng sức mạnh mềm của Việt Nam.
Theo tác giả, trong suốt quá trình dựng nước và đấu tranh bảo vệ đất nước, cùng với quá trình tiếp biến văn hóa Trung Hoa, văn hóa Việt Nam cũng song hành tiếp biến với văn hóa Ấn Độ. Điều khác biệt là ở chỗ, văn hóa Trung Hoa phần lớn đi theo đoàn quân xâm lược du nhập vào Việt Nam, còn văn hóa Ấn Độ lại tiếp biến với văn hóa Việt Nam bằng con đường hòa bình. Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đến Việt Nam đã tạo nên những dấu ấn đậm nét khó phai, dù thời cổ đại hay trong thời hiện đại.
Tác giả cuốn sách khẳng định, từ sau Đổi mới, sức mạnh cứng của Việt Nam đã tăng lên đáng kể nhờ chuyển đổi thành công nền kinh tế với mức tăng trưởng ấn tượng liên tục trong hơn hai chục năm qua, nhưng sức cuốn hút của Việt Nam xưa nay chủ yếu vẫn là từ sức mạnh mềm: văn hóa, thái độ sống, ứng xử của người dân, tinh thần, ý chí kiên cường… tạo nên sức hấp dẫn, truyền cảm hứng, lôi cuốn các nước khác ủng hộ.
Do vậy từ kinh nghiệm của Ấn Độ, tác giả cho rằng, việc phát huy sức mạnh mềm Việt Nam trước hết là phát huy sức mạnh mềm về văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy tinh thần nhân văn cao cả trong văn hóa Việt Nam, làm giàu có thêm hình ảnh một Việt Nam hấp dẫn trước cộng đồng quốc tế. Cùng với điều đó, việc phát huy sức mạnh mềm thuộc thể chế chính trị, thuộc quá trình chuyển đổi thành công về kinh tế, thuộc di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, và thuộc “ngoại giao công chúng”… cũng là những điểm tích cực của sức mạnh mềm Việt Nam cần được chú trọng phát huy.
Cuối cuốn sách, tác giả đề xuất một số kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước và đối với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nơi Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ được hai nguyên thủ quốc gia Việt Nam và Ấn Độ đồng khai trương thành lập vào ngày 15/4/2014.
Chúng tôi đặc biệt chú ý đến những kiến nghị về xây dựng “Chiến lược kế thừa và phát huy sức mạnh mềm Việt Nam”, thành lập “Hội đồng Quan hệ văn hóa Việt Nam ở nước ngoài” và thành lập các “Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại Ấn Độ”. Với những kinh nghiệm và thành tựu mà Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đạt được trong những năm qua, nếu những kiến nghị của tác giả trở thành hiện thực, thì chắc chắn việc phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, việc kết nối học giả hai nước với nhau và với cộng đồng nghiên cứu Ấn Độ học và Việt Nam học sẽ có cơ hội để đạt tới những tiến bộ mới.
Tác giả: GS TS Hồ Sĩ Quý
Nguồn: Sức mạnh mềm Ấn Độ: Gợi mở với Việt Nam (baoquocte.vn)
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục