Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tác động của sự gia tăng những bất ổn chính trị tới an ninh năng lượng trên thế giới hiện nay (Phần 1)

Tác động của sự gia tăng những bất ổn chính trị tới an ninh năng lượng trên thế giới hiện nay (Phần 1)

03:40 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tác động của sự gia tăng những bất ổn chính trị tới an ninh năng lượng trên thế giới hiện nay

PGS, TS Nguyễn Thị Quế*

Tóm tắt

Hiện nay môi trường chính trị thế giới đang ngày càng trở nên bất ổn định. Bất ổn chính trị và các vụ biểu tình bạo lực liên tục bùng phát, đặc biệt là ở những quốc gia rơi vào khủng hoảng và suy thoái kinh tế hoặc ngay cả ở những quốc gia đang bị cuốn theo làn sóng dân chủ hóa “Mùa xuân Ả Rập”. Nhiều mâu thuẫn, xung đột, “điểm nóng” trước đây vẫn tồn tại, chưa được giải quyết dứt điểm, tiếp tục đe dọa an ninh, ổn định khu vực và thế giới trong đó có an ninh năng lượng.

Từ khóa: Quan hệ quốc tế, Bất ổn chính trị, An ninh năng lượng

Abstract

The global political atmosphere has been become unstable. Political upraising's and violent protests occur at the high frequency, particularly in the countries with crisis or economic downturns, or in countries being influenced by the “Arab Spring”. Many conflicts, disputes, and unstable areas are still in the status quo, that threatens the security, stability in the region and the world, including energy security.

Key word: Global political instability, energy security 

*******

Năng lượng và an ninh năng lượng từ lâu đã trở thành nhân tố tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội hầu hết các quốc gia trên thế giới. Sự phân bố, mất cân bằng trong kết cấu năng lượng thế giới đã dẫn đến sự mất cân bằng trong khai thác, sử dụng năng lượng các quốc gia. Ngoài ra sự gia tăng bất ổn ở nhiều khu vực trên thế giới là một trong những nguyên nhân tác động đến an ninh năng lượng. Cụ thể như sau: 

V khu vực Trung Đông

Cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập khởi phát tại Trung Đông cách đây gần 10 năm đang đặt ra những thách thức an ninh đối với một khu vực rộng lớn. Các nước Trung Đông vẫn chật vật giải bài toán an ninh khi bạo lực, xung đột vẫn bùng phát ở khắp nơi, từ Iraq, Syria, Yemen, Israel, Palestine. Những yếu tố dẫn tới sự mất ổn định này bao gồm sự suy yếu hoặc sụp đổ của các thể chế nhà nước; các cuộc chiến đẫm máu, leo thang và lan sang các vùng lãnh thổ lân cận; các cuộc khủng hoảng nhân đạo và sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố. Thật không may, sự can thiệp của các thế lực bên ngoài vào công việc nội bộ của các nước ở khu vực Trung Đông đã không mang lại kết quả như mong muốn mà nó còn làm suy yếu cấu trúc an ninh tại khu vực này nói chung và an ninh năng lượng nói riêng. Bởi vì một trong những đặc trưng của Trung Đông là trữ lượng dầu lửa luôn đứng hàng nhất nhì. Trữ lượng dầu lửa của khu vực này chiếm khoảng ¾ tổng trữ lượng khoảng 1.150 tỷ thùng dầu của thế giới hiện nay, trong đó, ẢRập Xêút: 264 tỷ thùng; Iran: 131 tỷ thùng; Iraq: 115 tỷ thùng và các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Côoét, mỗi nơi 98 tỷ thùng,v.v., trong khi trữ lượng của Nga, nhà xuất khẩu dầu khí khá lớn trên thế giới, cũng chỉ có 69 tỷ thùng. Cùng với dầu mỏ, ba nước ở Trung Đông, là Angiêri, Cata và Iran chiếm tới 40% trữ lượng khí đốt trên thế giới, các nước Ai Cập, Iraq, ẢRập Xêút, v.v. đều có tên trong 10 quốc gia hàng đầu thế giới sở hữu loại nhiên liệu ấy2.

Dầu khí là nguyên nhân của hàng loạt cuộc chiến tranh, xung đột trong lịch sử hiện đại ở Trung Đông, từ cuộc chiến Iran-Iraq, đến chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất (Tháng 8/1990) giữa Iraq và liên quân hơn 30 quốc gia do Mỹ lãnh đạo để giải phóng Côoét. Thời điểm này, Liên hợp quốc áp dụng lệnh cấm xuất khẩu dầu toàn phần đối với Iraq và Côoét. Chính Lệnh cấm vận này đã lấy đi của thị trường dầu mỏ thế giới gần 5 triệu thùng mỗi ngày, tạo ra cơn sốt dầu, khiến giá tăng cao, mỗi thùng dầu đắt gấp đôi chỉ trong vòng 2 tháng, từ 17 USD lên 36 USD mỗi thùng. Chỉ khi lực lượng Liên quân do Mỹ lãnh đạo đưa quân vào giải phóng Côoét, tình trạng thiếu nguồn cung mới chấm dứt và giá bắt đầu hạ3.Tiếp đó, trong Chiến tranh Vùng vịnh lần thứ hai, tình trạng bạo lực chống chiếm đóng khiến Iraq gặp khó khăn trong việc tận dụng các tài sản dầu mỏ.

Xung đột ở Dafour của Xuđăng, hoặc những lần rải thảm gươm giáo ở Kurdistan thuộc miền bắc Iraq, v.v.. Xung đột Syria không chỉ đơn thuần là mâu thuẫn và bạo lực giữa các phe phái trong lòng đất nước mà còn là cuộc đối đầu giữa các nhóm nước ở Trung Đông và một phần nào đó phản ánh sự cạnh tranh trực tiếp giữa các cường quốc5. Cuộc chiến Syria khó có thể được giải quyết sớm khi hai bên lực lượng chính phủ và phe nổi dậy không thể đánh bại lẫn nhau. Hơn nữa, mỗi bên đều có sự hậu thuẫn của các cường quốc lớn gồm: Mỹ, Nga, Iran, Saudi Arabia và hiện nay là Thổ Nhĩ Kỳ. Hoạt động can thiệp quân sự đã kéo dài cuộc nội chiến và làm tăng tình trạng bế tắc. Theo nghiên cứu của Ricardo Real P.Sousa, "nếu có sự can thiệp bên ngoài nhằm vào cả hai phía thì xung đột sẽ kéo dài hơn đáng kể”6. Cho tới thời điểm này cuộc chiến ở Syria đang dần đi đến hồi kết và Chính phủ của ông Bashar al-Assad đã giành chiến thắng. Ngoài ra, việc Mỹ rút quân khỏi Syria khiến Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm hơn trong việc triển khai binh lính để loại bỏ ảnh hưởng của người Kurd ở biên giới giữa nước này với Syria. Động thái này có thể dẫn đến bùng nổ xung đột quân sự trực tiếp giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các lực lượng người Kurd trong thời gian tới. Việc rút quân đột ngột khỏi Syria của Mỹ còn có thể khiến những tàn tích của IS ở khu vực phía Đông Syria trỗi dậy. Vì vậy, cuộc xung đột Syria vẫn là một điểm nóng tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh, trong đó ảnh hưởng tới an ninh năng lượng toàn cầu.

Thêm vào sự bất ổn của Trung Đông phải kể đến cuộc nội chiến diễn biến hết sức phức tạp ở Yemen. Nguyên nhân sâu xa của các cuộc xung đột hiện tại ở Yemen có liên quan đến một cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa người Sunni cai trị Ả Rập Saudi và người Hồi giáo Shiite nắm quyền ở Iran. Những cuộc chiến tranh không ngừng nghỉ ở đây không chỉ khiến hàng triệu dân thường bỏ mạng mà còn là trở thành nơi nuôi dưỡng cho các nhóm cực đoan. Căng thẳng trong quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran đã bùng phát thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao toàn diện khi Riyadh và các đồng minh Arab Hồi giáo dòng Shi’ite cắt đứt hoặc hạ thấp quan hệ ngoại giao với Iran. Cộng hòa Hồi giáo Iran và Vương quốc Saudi Arabia đều tự coi mình là người lãnh đạo và bảo vệ hai khối cộng đồng Hồi giáo riêng rẽ Shi’ite và Sunni, khiến dư luận cảm thấy trong mỗi cuộc xung đột, từ Liban tới Yemen hay Syria, Iraq đều mang bóng dáng một cuộc đối đầu giữa hai khối đối địch8. Cuộc đối đầu này đang làm tình hình thêm mất ổn định và gia tăng nguy cơ đối với toàn bộ khu vực. Sự căng thẳng hiện nay trong quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran chỉ là một miếng ghép nhỏ trong bức tranh cạnh tranh địa chính trị ngày càng khốc liệt tại khu vực.

Mặt khác chính phủ Iran đang phải xử lý những thách thức cả trong nước lẫn quốc tế căng thẳng nhất, ít nhất là trong vòng một thập kỷ trở lại đây. Sau khi Mỹ quyết định tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran vào tháng 11năm 2018 làm cho sản lượng xuất khẩu dầu của Iran đã giảm xuống còn khoảng một triệu thùng mỗi ngày, ít hơn đáng kể so với sản lượng 2,5 triệu thùng hồi đầu năm. Diễn tiến này đã ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế vốn phụ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ của Iran. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế, tăng trưởng của Iran chỉ đạt 1,5% trong năm 2018 và khoảng 3,5% trong năm 2019 thay vì dự báo 4% được đưa ra trước đó... khiến Chính phủ Iran phải đối mặt với một năm đầy thách thức trước mắt9. Sau khi Chính phủ Mỹ thông báo chấm dứt cấp quy chế miễn trừ mua dầu của Iran cho các nước được miễn trừ, kể từ đầu tháng 5, giá dầu mỏ trên thị trường bất ngờ tăng vọt. Điều này phản ánh tâm lý lo ngại của giới đầu tư về việc thiếu hụt nguồn cung dầu khi Iran bị siết chặt vòng vây cấm vận, ảnh hưởng rất lớn đến an ninh năng lượng trên thế giới. Theo Bloomberg, trong phiên giao dịch ngày 23-4, giá dầu WTI giao tháng 6-2019 giao dịch ở mức lên 66 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao cùng tháng tăng vọt lên 75 USD/thùng. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 11-2018, cũng là thời điểm Mỹ tái áp đặt trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran nhưng cấp quy chế miễn trừ cho 8 quốc gia và vùng lãnh thổ được phép tiếp tục mua dầu của Iran gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp10. Việc Mỹ cấm các nước nhập khẩu dầu từ Iran có thể tiếp tục có tác động lớn đến các thị trường tài chính, vì nguồn cung dầu bị ảnh hưởng lên tới 800.000 thùng/ngày. Những bất ổn xung quanh nguồn cung đã khiến thị trường dầu mỏ chao đảo và hệ quả là các thị trường khác cũng trở nên bất ổn11. (Xem tiếp phần 2)


* Nguyên Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Assoc. Prof. Dr. Nguyen Thi Que, the former Director of the Insittute of International Relations, Ho Chi Minh National Academy of Politics).

2 Phạm Phú Phúc (P/v TTXVN tại Trung Đông), “Trung Đông: Đạo Hồi, dầu lửa, chiến tranh, và… - Bài 2”, https://baotintuc.vn/ho-so/trung-dong-dao-hoi-dau-lua-chien-tranh-va-bai-2-20130608231518035.htm

3 “Các yếu tố tác động đến giá dầu thế giới”, http://www.hiephoixangdau.org/nd/kien-thuc/cac-yeu-to-tac-dong-den-gia-dau-the-gioi.html

5 Chu Đức Dũng & Nguyễn Mạnh Hùng (2014), Kinh tế và chính trị thế giới 2013, triển vọng 2014, Nxb. Khoa học xã hội, tr.141.

6 Ricardo Real P. Sousa (2014), “Effect of external interventions on conflict intensity”, http://web.isanet.org/Web/Conferences/FLACSO-ISA%20BuenosAires%202014/Archive/3052676b-944d-4b7c-8ef2-0f47459b0b84.pdf

8 Nguyệt Ánh (2016), “Trung Đông trước nguy cơ bất ổn mới”, http://baotintuc.vn/phan-tich-nhan-dinh/trung-dong-truoc-nguy-co-bat-on-moi-20160106163709840.htm, truy cập ngày 05/7/2017.

9 Hà Dung, “Dự báo những điểm nóng 2019”, http://baophapluat.vn/the-gioi/du-bao-nhung-diem-nong-2019-433151.html

10 Thanh Hằng (tổng hợp), “Mỹ siết chặt cấm vận Iran, giá dầu tăng vọt”, http://www.sggp.org.vn/my-siet-chat-cam-van-iran-gia-dau-tang-vot-588994.html

11 Kinh tế thế giới trước nỗi lo giá dầu tăng lên 100USD/thùng, https://nhipcaudautu.vn/the-gioi/kinh-te-the-gioi-truoc-noi-lo-gia-dau-tang-len-100usdthung-3328847/

Nguồn:

Cùng chuyên mục