Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tác động của sự gia tăng những bất ổn chính trị tới an ninh năng lượng trên thế giới hiện nay (Phần 2)

Tác động của sự gia tăng những bất ổn chính trị tới an ninh năng lượng trên thế giới hiện nay (Phần 2)

03:39 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Ngày 15/7/2016, âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ là minh chứng cho thấy cuộc khủng hoảng ở Trung Đông đang lan rộng và xa hơn. Hậu quả của nó đã khiến ít nhất 260 người thiệt mạng và 2.196 người bị thương. Sau cuộc binh biến bất thành, tại Thổ Nhĩ Kỳ gần như tất cả những nguyên tắc nền tảng của tự do - dân chủ truyền thống phương Tây đã bị vô hiệu hóa. Một nền chuyên chính đã chi phối mọi sinh hoạt trong đời sống chính trị tại quốc gia này. Chính quyền Erdogan ngày càng tạo ra hố sâu ngăn cách với các đồng minh chiến lược của mình. Mặc dù không phải nước sản xuất dầu lớn trên thế giới nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại tập trung nhiều đầu mối đường ống dẫn dầu từ khu vực Trung Đông, Trung Á và Nga sang châu Âu. Đặc biệt, nước này nắm “yết hầu” là eo biển Bosporus trên đường vận chuyển dầu từ Biển Đen qua biển Marmara, ra biển Aegea rồi ra Địa Trung Hải, tới châu Âu và đi xa hơn nữa. Trong bối cảnh thị trường dầu khí đầy bất ổn như hiện nay, với giá cả lên xuống thất thường do tác động của vô vàn yếu tố, thì cuộc khủng hoảng chính trị với âm mưu đảo chính vừa qua đã ảnh hưởng không ít đến sản xuất, chế biến, vận chuyển quá cảnh dầu khí ở Thổ Nhĩ Kỳ12.

Trong bức tranh toàn cảnh về sự bất ổn tại Trung Đông không thể không đề cập đến sự trỗi dậy mạnh mẽ của Tổ chức IS tự xưng từ tháng 6/2014. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khi còn đương chức đã nhận định rằng, IS vượt xa những nhóm khủng bố thông thường, kết hợp giữa ý thức hệ và chiến thuật tinh vi về quân sự, có nguồn lực tài chính dồi dào13. Có thể thấy, IS cũng chính là nhân tố khiến cho cục diện cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm qua leo thang cực kỳ phức tạp, khi đã lôi kéo sự can thiệp trực tiếp của các quốc gia ngoài khu vực can dự sâu hơn vào cuộc nội chiến, đứng đầu là Mỹ, Nga và một số nước phương Tây.

Góp lửa cho lò nhiệt Trung Đông còn phải kể đến cuộc khủng hoảng ngoại giao bắt đầu từ ngày 5/6/2017 khi Ả rập Saudi, Ai Cập, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Bahrain đồng loạt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Tiếp đó, một loạt các nước Yemen, Libya, Gabon, Mauritania, Maldives gia nhập những quốc gia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc nước này “bảo trợ khủng bố”. Mặc dù nguy cơ về một cuộc “chiến tranh vùng Vịnh” mới khó có thể xảy ra, song tình trạng mất đoàn kết trong các nước Ả Rập và vùng Vịnh sẽ làm suy yếu những nỗ lực giải quyết các vấn đề nóng tại đây và đặc biệt ảnh hưởng tới cuộc chiến chống khủng bố. Xung đột ngoại giao sẽ đẩy Qatar vào thế cô lập cả về ngoại giao và kinh tế trong khu vực, trong khi những quốc gia liên quan cũng khó tránh khỏi bị ảnh hưởng. Từ các yếu tố bất ổn đang hiện hữu như: nội chiến, mâu thuẫn sắc tộc, cạnh tranh ảnh hưởng giữa các quốc gia trong khu vực và sự nổi lên của IS khiến cho tình hình khu vực Trung Đông thời gian qua tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự đoán. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ, 72% lượng khí đốt xuất khẩu của Qatar đi đến châu Á qua đường biển. "Tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy, các nước láng giềng của Qatar muốn leo thang cuộc khủng hoảng bằng cách chặn các tàu của họ"14. Đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong quan hệ các nước vùng Vịnh kể từ khi Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) thành lập từ năm 1981 tới nay. Căng thẳng của Qatar với các nước vùng Vịnh chắc chắn sẽ làm căng thẳng hơn tình hình khu vực Trung Đông, vốn đang đối mặt với nhiều thách thức như dư cung dầu mỏ, khủng bố, xung đột Syria,… GCC là một tổ chức khu vực bao gồm những quốc gia có tầm ảnh hưởng, tọa lạc ở khu vực chiến lược vùng Vịnh, với eo biển Hormuz trọng yếu nơi thông thương 30% lượng dầu mỏ thế giới giao dịch qua đường biển. Mâu thuẫn giữa Qatar và các nước GCC cũng làm phức tạp các nỗ lực giải quyết khủng hoảng Syria của cộng đồng quốc tế, gây chia rẽ sâu sắc hơn tới nội bộ các nước vùng Vịnh vốn có mâu thuẫn ngầm15. Cuộc khủng hoảng vùng Vịnh đang có nguy cơ nóng thêm, trong bối cảnh các nước trong khu vực vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp tẩy chay đối với Qatar. Ngược lại, Qatar cũng không có ý định nhân nhượng. Hai bên đã có những biện pháp trừng phạt kinh tế lẫn nhau. Trong những ngày cuối năm 2018, Qatar cũng tuyên bố sẽ rút khỏi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Về khu vực Trung Á

Khu vực này được coi là trọng tâm của các chương trình nghị sự ngoại giao toàn cầu do vị trí địa chính trị quan trọng, đã và đang là nơi tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc, đặc biệt là Mỹ, Nga và Trung Quốc. Đây là một khu vực kinh tế năng động, trữ lượng dầu mỏ, khí đốt dồi dào, các nước trong khu vực cũng có vai trò đặc biệt trong việc thực hiện chiến lược chống chủ nghĩa khủng bố. Trong những năm gần đây, khi nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của thế giới tăng mạnh, đặc biệt trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ thì Trung Á ngày càng thu hút sự có mặt và cạnh tranh gay gắt của các nước lớn. Giới phân tích cho rằng, ai giành được quyền kiểm soát nguồn dầu mỏ tại đây, người đó sẽ đứng vững ở Trung Đông, Trung Á cũng như các khu vực khác trên thế giới16. Chính vì vậy, thời gian qua, Trung Á cũng là điểm đến thăm thường xuyên của nhiều nhà lãnh đạo thế giới. Khu vực này cũng không hề yên ả khi những nước như Kazakhstan, Azerbaijan, Tajikistan và Ukraine đã trải qua xung đột nội bộ ở những mức độ khác nhau. Khó khăn kinh tế khơi dậy sự bất mãn của người dân đối với các chế độ độc tài ở Trung Á, làm tăng khả năng dẫn tới sự mất ổn định xã hội và kích động những tổ chức cực đoan, quá khích. Theo nhật báo Sankei của Nhật Bản ngày 3/2/2016, sự hỗn loạn đang ngày càng lan rộng tại những quốc gia Trung Á vốn duy trì chế độ độc tài hơn 20 năm, cùng với giá dầu thô trên thị trường thế giới hiện ở mức rất thấp và nước Nga phải đối mặt với khả năng bị khủng hoảng kinh tế. Mặt khác, vốn là các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ và nền kinh tế nước Nga, những nước trong khu vực Trung Á cũng gặp phải nhiều khó khăn. Cụ thể, tại Kazakhstan đang xuất hiện ngày càng nhiều hành động chống đối chính phủ bất thường, liên quan tới việc đồng nội tệ của nước này mất giá quá nhanh. Chỉ trong vòng một năm, đồng nội tệ của Kazakhstan mất giá tới 50% so với đồng Dollar. Nền kinh tế của Uzbekistan và Tajikistan, phụ thuộc vào nguồn ngoại tệ từ lực lượng lao động tại Nga gửi về, cũng lao đao do nguồn ngoại tệ giảm, nguyên nhân là bởi nền kinh tế Nga gặp khó khăn và đồng Ruble mất giá. Tajikistan, nước có nguồn tiền từ lực lượng lao động tại nước ngoài (chủ yếu là tại Nga) gửi về chiếm tới 40% GDP, phải hứng chịu thiệt hại nặng nề khi tổng số tiền lao động gửi về trong năm 2015 giảm tới 40% so với năm 2014. Lượng tiền gửi về Uzbekistan cũng giảm tới 50%. Đồng tiền của Tajikistan mất giá 40%. Tỷ giá chính thức của đồng nội tệ Uzbekistan ổn định, song tỷ giá thực tế tại thị trường đã giảm tới hơn 5%17.  Khủng hoảng chính trị cũng dẫn tới cuộc nội chiến ở Ukraine và sự ra đời của 2 nước Cộng hòa tự xưng là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) đã khiến người ta phải chú ý đến một số phong trào đòi độc lập hoặc đòi sát nhập ở các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Quan hệ giữa Nga và Ukraine đã xấu đi đáng kể kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 và quan hệ Nga - Ukraine “nóng” trở lại khi ngày 03-12-2018, Tổng thống Ukraine P. Poroshenko trình Quốc hội một dự luật khẩn về việc chấm dứt Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và đối tác giữa Nga và Ukraine. Trước đó, ngày 25-11-2018, các tàu Nga đã nổ súng và bắt ba tàu hải quân Ukraine cùng thủy thủ đoàn ở eo biển Kerch, nối biển Đen và biển Avoz, gần Crimea, với cáo buộc tàu hải quân Ukraine vi phạm lãnh hải Nga, phớt lờ các yêu cầu dừng lại và thực hiện những hành động nguy hiểm. Ukraine đã ban hành thiết quân luật 30 ngày, kêu gọi các đồng minh phương Tây ủng hộ và gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga. Vụ việc cũng dẫn đến hàng loạt động thái căng thẳng khác, gây ra lo ngại về cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai nước láng giềng18.

Hiện nay Cuộc tranh giành ảnh hưởng và cuộc chiến năng lượng tại Trung Á vẫn đang diễn ra và sẽ càng khốc liệt hơn trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi các nền kinh tế bắt đầu hồi phục và phát triển

Về  khu vực Đông Á

Các điểm nóng ở khu vực này như vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên,… vẫn đang tiếp tục diễn ra căng thẳng trong những năm gần đây.

Một trong những vấn đề nổi cộm của khu vực đang được cả thế giới quan tâm là cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Cuộc khủng hoảng diễn ra từ những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX nhưng đến nay vẫn chưa tìm được lối thoát. Đây là vấn đề liên quan đến lợi ích cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước lớn như Mỹ, Nhật, Trung Quốc và Liên bang Nga. Những năm gần đây, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không ngừng leo thang khi quốc gia này thể hiện quyết tâm phát triển vũ khí hạt nhân, và kèm theo hàng loạt vụ thử tên lửa. Các quốc gia Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều không mong đợi việc phải dùng đến biện pháp quân sự bởi rất có thể nó sẽ trở thành một “cuộc chiến thảm họa”. Nhưng ngày 12/6/2018 tại Singapore diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Hai nhà lãnh đạo đã cam kết vượt qua những căng thẳng và thù địch trong nhiều thập kỷ qua giữa hai nước để mở ra một tương lai mới, xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên… Hai nhà lãnh đạo đã ký bản tuyên bố chung, đánh dấu thời khắc lịch sử - một chiến thắng ngoại giao quan trọng của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Sau cuộc gặp lần đầu tiên này, Triều Tiên đã dừng thử vũ khí nhưng hai nước không đạt được tiến bộ đáng kể trong đàm phán phi hạt nhân hóa do bất đồng trong cách hiểu về khái niệm này. Đó cũng chính là lý do Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội vào ngày 27 - 28/219. Đến với Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội, Triều Tiên đã đề xuất những bước đi đầu tiên trong lộ trình phi hạt nhân hóa với một số cơ sở hạt nhân của nước này, đồng thời yêu cầu Mỹ có bước đi tương ứng bằng cách xóa bỏ một phần lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, phía Mỹ lại yêu cầu Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa toàn bộ mới tính tới việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, hay nói cách khác là Washington vẫn giữ trừng phạt như “cây gậy” để áp đặt điều kiện tiên quyết với Bình Nhưỡng trong vấn đề hạt nhân. (Xem tiếp phần 2)


12 S. Phương, “Năng lượng mới”, ttps://petrotimes.vn/vi-the-dau-khi-cua-tho-nhi-ky-thoi-hau-dao-chinh-451641.html

13 Ben Wolfgang & Maggie Ybarra (2014), “Hagel’s ominious terror warning: Beyond anything we’ve seen”, http://www.thedesertreview.com/hagels-ominous-terror-warning-beyond-anything-weve-seen/.

14. Hồng Vân, Theo The Washington Post, “Khủng hoảng Qatar ảnh hưởng đến kinh tế và cuộc sống hàng triệu người”, https://dantri.com.vn/kinh-doanh/khung-hoang-qatar-anh-huong-den-kinh-te-va-cuoc-song-hang-trieu-nguoi-20170607122255673.htm

15 Cựu Đại sứ Nguyễn Quang Khai: Vụ cô lập ngoại giao Qatar là "giọt nước tràn ly", http://kinhtedothi.vn/cuu-dai-su-nguyen-quang-khai-vu-co-lap-ngoai-giao-qatar-la-giot-nuoc-tran-ly-289980.html

16 Trường Sơn, “Cuộc chiến năng lượng ở Trung Á ngày một khốc liệt”, http://toquoc.vn/cuoc-chien-nang-luong-o-trung-a-ngay-mot-khoc-liet-9993696.htm

17 Hằng Phạm (Tổng hợp), (2016), “Kinh tế khó khăn, Trung Á ngày càng hỗn loạn”, http://baoquocte.vn/kinh-te-kho-khan-trung-a-ngay-cang-hon-loan-27186.htlm.

18 Đỗ Văn Chất, Phan Thị Thu Dung, Bộ Công an, “Đôi nét về bức tranh an ninh - chính trị thế giới năm 2018”, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=54391&print=true

 

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục