Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tác động của sự gia tăng những bất ổn chính trị tới an ninh năng lượng trên thế giới hiện nay (Phần 3)

Tác động của sự gia tăng những bất ổn chính trị tới an ninh năng lượng trên thế giới hiện nay (Phần 3)

03:38 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

Một trong những điểm nóng thu hút sự chú ý ở khu vực là tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tranh chấp Biển Đông là tranh chấp phức tạp, có nhiều bên tham gia, nhiều nước quan tâm nhất. Bởi vì trữ lượng dầu mỏ ở Biển Đông khoảng 17,7 tỷ tấn,  so với trữ lượng 13 tỷ tấn của Kuwait. Ngày 11 tháng 3 năm 1976, lần đầu tiên công ty dầu Philippines phát hiện một mỏ dầu ngoài khơi đảo Palawan. Mỏ dầu này đang cung cấp 15% lượng dầu mỏ tiêu thụ hàng năm ở Philippines. Một số nguồn khác cho rằng, trữ lượng dầu mỏ xác minh trong Biển Đông là 7,5 tỷ thùng. Trung Quốc gọi Biển Đông là "vịnh Ba Tư thứ hai". Tập đoàn Khai thác dầu khí ngoài khơi Trung Quốc (CNOOC) dự tính chi 200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 30 tỷ USD) trong vòng 20 năm để khai thác dầu khí trên khu vực Biển Đông, với độ sâu lên đến 2000 mét trong 5 năm tới với sản lượng khai thác 25 triệu tấn dầu và khí21. Vì vậy, Việc Trung Quốc cử hàng loạt tàu đánh cá cỡ lớn ra hoạt động tại Biển Đông, tiến hành tập trận, điều tàu chiến đến các vùng có tranh chấp, bắn cháy tàu cá của Việt Nam... là bước tiếp nối kế hoạch dài hạn nhằm khẳng định những “tuyên bố chủ quyền” của họ và tiến tới kiểm soát Biển Đông. Có thể thấy, Trung Quốc đã và đang theo đuổi một chiến lược bành trướng dài hạn tại Biển Đông. Những hành động này của Trung Quốc gây quan ngại trong cộng đồng quốc tế. Việc xác định chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là đi ngược lại Luật biển 1982 của Liên hợp quốc được nhiều nước thông qua và những mưu đồ của Trung Quốc ở Biển Đông đang ngày càng đe dọa cho an ninh ở khu vực, trong đó có an ninh năng lượng . Tranh chấp Biển Đông trở nên quyết liệt hơn khi có sự hiện diện của rất nhiều nước và nó mang tính địa - chiến lược hơn là các vấn đề thuần túy về chủ quyền và lợi ích kinh tế. Đến năm 2018, ASEAN và Trung Quốc đạt được thỏa thuận đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) cũng là một trong những tín hiệu tốt trong tổng thể bức tranh an ninh - chính trị thế giới. Đây là một bước tiến quan trọng hướng tới việc thu hẹp sự khác biệt giữa các bên. Văn bản này là cơ sở cho các cuộc đàm phán COC trong tương lai và hai bên cũng đã thống nhất các phương thức chính cho các cuộc đàm phán COC trong thời gian tới. Tiến trình đàm phán COC đã diễn ra trong hơn một thập niên qua, với nhiều khó khăn về các điều khoản cũng như tốc độ của các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, trong những năm gần đây đã có những dấu hiệu rõ ràng về sự thống nhất quan điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông.

Năm 2018, quan hệ Mỹ - Trung Quốc chứng kiến những sóng gió chưa từng thấy trong lịch sử quan hệ hai nước. Về bản chất, những căng thẳng này xuất phát từ sự cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc, khi Tổng thống Mỹ D. Trump muốn khôi phục vai trò của Mỹ trên trường quốc tế, trong khi Trung Quốc ngày càng mạnh lên, đe dọa vị thế cường quốc số một thế giới của Mỹ. Mỹ đã “nổ phát súng” đầu tiên trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc từ hồi tháng 7-2018 và tổng cộng cho tới nay, Mỹ đã áp thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc và đe dọa chuyển sang giai đoạn 3 với việc áp thuế lên khoảng 267 tỷ hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Đáp trả, Trung Quốc đã áp thuế đối với 110 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và cảnh báo về các biện pháp bổ sung có thể ảnh hưởng tới các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc. Giữa lúc chiến tranh thương mại leo thang, Tổng thống Mỹ D. Trump và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đầu tháng 12-2018 đã gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G-20) diễn ra tại Argentina, trong đó hai bên nhất trí tạm “đình chiến” về thương mại trong vòng 90 ngày để đàm phán, tạm ngưng kế hoạch áp thuế bổ sung từ ngày 01-01-201922. Thế giới đang chờ đợi kết quả từ các cuộc đàm phán này để xem hai nền kinh tế “khổng lồ” có thể đi đến một giải pháp đôi bên cùng có lợi hay không. Bên cạnh đó, cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc còn thể hiện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và an ninh năng lượng. Không chỉ có chiến tranh thương mại, quan hệ Mỹ - Trung Quốc còn xung đột ở một loạt vấn đề khác. Việc Trung Quốc đẩy mạnh tầm với và sức ảnh hưởng toàn cầu thông qua chiến lược “Vành đai, Con đường” đã khiến Mỹ đặc biệt lo ngại, nhất là tại những quốc gia vốn được coi là đồng minh của Mỹ. Mỹ đã bắt đầu triển khai các biện pháp nhằm cạnh tranh với dự án này của Trung Quốc, trong đó có việc phát động một chương trình hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng ở các nước đang phát triển.

Khu vực Bắc Phi

Năm 2011 là năm đầy biến động của thị trường dầu thế giới. Giá dầu đạt ngưỡng cao kỷ lục. Dầu WTI tăng tới hơn 100USD/thùng, trongkhi dầu Brent chạm mức 120USD/thùng, mức cao nhất kể từ thời điểm bắt đầu khủng hoảng tài chính toàn cầu 9/2008. Nguyên nhân là do cuộc nội chiến Lybia. Sản lượng khai thác của Lybia giảm hơn một nửa do bạo động và sự mất kiểm soát của Chính quyền tổng thống Cadafi đã đẩy các mỏ dầu mỏ và khí đốt ở đây vào tay phe đối lập. Lực lượng đối lập đã kiểm soát các cổng xuất khẩu dầu mỏ quan trọng Tobruk và Duetina. Với sản lượng khai thác 1,8 triệu thùng/ngày, Lybia xuất khẩu 90% lượng dầu khai thác, xuất khẩu sang nhiều nước châu Âu, trong đó có nhiều nước đang bên bờ khủng hoảng chính trị. Sự thiếu hụt dầu mỏ ở Lybia khiến các công ty dầu khí sẽ phải tìm nguồn cung tương tự của các nước có chất lượng dầu tốt tương tự Lybia như Nigeria, Angieri và vùng Biển Bắc để thay thế. Phương án này có thể làm tăng giá của các loại dầu chất lượng cao23. Hiện nay, quốc gia Bắc Phi Lybia sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ Tổng thống Muammar Gaddafi vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang, khi tồn tại hai chính quyền ở miền Đông và miền Tây, với lực lượng vũ trang riêng.

Ngoài các điểm nóng trên, những mâu thuẫn nội tại tại một số nước có thể sẽ đạt đến đỉnh điểm vào năm tới, kéo theo những hệ lụy đáng kể. Ví dụ, khủng hoảng kinh tế tại Venezuela có thể sẽ diễn tiến xấu hơn trong năm 2019. Với lý do ngày 28/1/ 2019 Mỹ công bố loạt biện pháp cấm vận nhằm vào tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA), bao gồm đóng băng 7 tỷ USD tài sản của PDVSA ở Mỹ và giới hạn các giao dịch của tập đoàn này. Lệnh trừng phạt không cấm Mỹ nhập khẩu dầu Venezuela nhưng yêu cầu tiền mua hàng phải chuyển vào tài khoản mà Chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro không thể tiếp cận,… Các quan chức Mỹ ước tính, lệnh trừng phạt có thể khiến Venezuela mất 11 tỷ USD từ xuất khẩu dầu mỏ trong năm tới. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, những đánh giá đó là quá mức. ..Venezuela sản xuất khoảng 1,1 triệu thùng dầu mỗi ngày, theo Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Với lệnh cấm vận, Venezuela sẽ phải tìm thị trường khác cho 500.000 thùng dầu họ chuyển đến Mỹ hàng ngày24.

Sự ổn định chính trị nội bộ của Ả rập Xê-út sau vụ mật vụ nước này sát hại một nhà báo tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng là vấn đề đáng chú ý. Với phương Tây, đảm bảo tăng trưởng kinh tế và giải quyết những mâu thuẫn xã hội cũng là thách thức đối với Chính phủ các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức…

Như vậy, năng lượng và an ninh năng lượng từ lâu đã trở thành nhân tố tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội hầu hết các quốc gia trên thế giới. Sự phân bố, mất cân bằng trong kết cấu năng lượng thế giới đã dẫn đến sự mất cân bằng trong khai thác, sử dụng năng lượng các quốc gia. Hiện tại, dầu mỏ, than đá và khí đốt vẫn là nguồn năng lượng chủ yếu, tác động đến mọi sinh hoạt, đời sống nhân loại. Tuy nhiên, các nguồn tài nguyên này có nguy cơ cạn kiệt trong 50 năm tới. Vì vậy, vấn đề nan giải và trong một vài thập niên tới là khả năng phát hiện và đưa vào sử dụng các nguồn năng lượng mới của thế giới. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, vẫn chỉ ở mức dự án tiền khả thi. Do vậy, sức ép về thiếu hụt năng lượng lại tiếp tục gia tăng, dù có nhiều quan điểm lạc quan, nhưng vấn đề an ninh năng lượng đối với nhân loại vẫn là vấn đề căng thẳng ít nhất là trong 3/4 thế kỷ XXI. Bên cạnh đó, vấn đề năng lượng và an ninh năng lượng vẫn không chỉ là vấn đề chuyên môn kỹ thuật thuần túy mà là vấn đề chính trị xã hội, vấn đề quan hệ quốc tế. Các cuộc xung đột thế kỷ XX đều gắn chặt với vấn đề năng lượng và an ninh năng lượng, tình trạng này càng rõ nét và căng thẳng hơn trong quan hệ quốc tế thập niên đầu thế kỷ XXI. Cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn tiếp tục được dự báo, thậm chí mang tính phức tạp hơn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam càng cần phải xây dựng một chiến lược hiệu quả về an ninh năng lượng cho quốc gia đến 100 năm tới25./.

Tài liệu tham khảo

1. Đỗ Minh Cao (2006), Chiến lược Năng lượng của Trung Quốc những năm đầu thế kỷ XXI, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, Số 64

2. An ninh quốc tế trong thời đại toàn cầu hóa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Daniel Yergin (2008), Dầu mỏ, tiền bạc và quyền lực, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Hương Giang, Khủng hoảng dầu mỏ không còn xa nữa, Báo Công Thương, ngày 20/6/2010.

5. Kim Ngọc (2003), Dầu mỏ, xung đột và kinh tế thế giới, Tạp chí Những vấn đề kinh tế thế giới, Số 3.

6. Nguyễn Anh Tuấn (2016), Cuộc khủng hoảng giá dầu hiện nay: Xu hướng, nguyên nhân, tác động và giải pháp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.


22 Đỗ Văn Chất, Phan Thị Thu Dung, Bộ Công an, “Đôi nét về bức tranh an ninh - chính trị thế giới năm 2018”, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=54391&print=true

24 Phương Vũ, “Tác động của lệnh trừng phạt Mỹ áp đặt với tập đoàn dầu khí Venezuela”, https://vnexpress.net/the-gioi/tac-dong-cua-lenh-trung-phat-my-ap-dat-voi-tap-doan-dau-khi-venezuela-3875689.html

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục