Thành tựu hợp tác quốc phòng, an ninh giữa Ấn Độ và Việt Nam (Phần 3)
Thành tựu hợp tác quốc phòng, an ninh giữa Ấn Độ và Việt Nam
Thiếu tướng Vinod Anand*
Mở rộng Khuôn khổ Hợp tác Quốc phòng
Tất cả những bước tiến trên có thể được xem là thành tựu trong nỗ lực tăng cường và mở rộng hợp tác quốc phòng và an ninh. Điều này được phản ánh trong Tuyên bố chung sau chuyến thăm của Thủ tướng N. Modi, thể hiện sự hài lòng về những phát triển đáng kể trong hợp tác quốc phòng, bao gồm trao đổi các chuyến thăm cấp cao, đối thoại cấp cao hàng năm, hợp tác dịch vụ, các chuyến thăm tàu hải quân, đào tạo mở rộng và xây dựng năng lực, mua sắm trang thiết bị quốc phòng và chuyển giao công nghệ liên quan, hợp tác tại các diễn đàn khu vực như ADMM +.
Ấn Độ cung cấp phụ tùng của một số thiết bị có nguồn gốc từ Nga cho Hải quân Việt Nam và cung cấp các khoá đào tạo cơ bản về vận hành tàu ngầm. Ví dụ, Ấn Độ cung cấp phụ tùng cho tàu chiến Petya có nguồn gốc từ Nga và tàu tên lửa OSA-II của Hải quân Việt Nam. Việt Nam có ba phiên bản hiện đại của tàu ngầm Kilo, tiến bộ hơn phiên bản Hải quân Ấn Độ mua cách đây 2 thập kỷ. Thủy thủ Việt Nam được đào tạo về tàu ngầm chiến tranh hoặc “huấn luyện chiến đấu dưới nước” ở trường tàu ngầm INS Satavahana tại Visakhapatnam từ tháng 10 năm 2013. Khoá học này đào tạo về học thuyết và chiến thuật chiến tranh dưới biển. Tàu hải quân Ấn Độ thường xuyên dừng tại các bến cảng của Việt Nam và treo cờ cho thấy quyền được đi trên biển và tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế. Hiện nay, Không quân Ấn Độ đang cân nhắc kế hoạch đào tạo phi công không quân Việt Nam lái máy bay chiến đấu Sukhoi. Một trong những mục tiêu chính cần đạt được là xây dựng năng lực cho lực lượng vũ trang Việt Nam trong việc cải thiện môi trường an ninh.
Để tiếp tục nhanh chóng phát triển quan hệ quốc phòng an ninh, Tư lệnh Không quân Ấn Độ, ông Arup Raha (ông cũng là Chủ tịch Uỷ ban tham mưu trưởng), đã đến Hà Nội vào giữa tháng 9 năm 2015 để thảo luận hợp tác quân sự với đối tác Việt Nam. Dù an ninh hàng hải là nội dung chủ đạo trong cơ chế hợp tác Ấn-Việt, chuyến thăm của Tư lệnh Không quân Anup Raha đã phản ánh việc mở rộng các chương trình hợp tác chiến lược giữa hai nước.
Ở cấp độ đa phương, Ấn Độ đã trở thành thành viên của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM +8). Mục tiêu cơ bản của khuôn khổ này là mang lại an ninh hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, an ninh biển, chống khủng bố và các hoạt động gìn giữ hòa bình. ADMM + 8 đề xuất đẩy mạnh đối thoại và chia sẻ chuyên môn song phương và đa phương giữa các lực lượng quân sự của các quốc gia thành viên. Tổ chức nhằm chống lại các mối đe dọa và các vấn đề cụ thể như cướp biển và thiên tai thông qua diễn tập quân sự chung. Việt Nam và Ấn Độ cũng như những thành viên của cơ chế này đã hỗ trợ sáng kiến đa phương và phối hợp với các hoạt động của mình. Ấn Độ và Việt Nam đồng chủ trì Nhóm công tác chuyên gia về Hành động nhân đạo tại diễn đàn ADMM+.
Hướng tới tương lai
Dù hợp tác quốc phòng và chiến lược giữa Ấn Độ-Việt Nam đã đạt được một số bước tiến trong những năm qua, mối quan hệ này vẫn tồn tại nhiều tiềm năng để khai thác. Điều này đặc biệt đúng khi Ấn Độ xem xét các quốc gia láng giềng, nơi Trung Quốc có thể phát triển mối quan hệ rộng rãi trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Gần đây, một số tổ chức thuộc khu vực công tại Ấn Độ đã công bố ý định xuất khẩu quốc phòng. Ví dụ Bharat Dynamics (BDL) sẽ tham gia vào thị trường xuất khẩu với loạt tên lửa chống xe tăng có điều khiển (Konkur và Milan ATGM) và tên lửa đất đối không (hệ thống tên lửa Akash), v.v.. Công ty BDL được cho là đã thảo luận sơ bộ với các quốc gia, trong đó có Việt Nam để khai thác tiềm năng xuất khẩu các hệ thống vũ khí. Theo một báo cáo, Ấn Độ đã xác định được 15 hệ thống vũ khí có thể xuất khẩu, bao gồm tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn Astra, tên lửa đất đối đất Prahar, máy bay chiến đấu hạng nhẹ (LCA), tên lửa hành trình siêu âm BrahMos, hệ thống định vị bằng âm thanh, xe tăng chiến đấu Arjun Mk-2, hệ thống cảnh báo sớm trên không, radar chiến trường và các hệ thống không người lái. Năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng tuyên bố rằng 10% các hệ thống tên lửa có thể được xuất khẩu. Ước tính Ấn Độ có thể bắt đầu xuất khẩu các thiết bị quốc phòng trị giá khoảng 2 tỷ USD mỗi năm.
Với những thông tin nền trên đây, kết hợp xem xét tình hình hợp tác đa dạng với Việt Nam, có thể đề xuất một số khuyến nghị như sau:
(a) Ấn Độ và Việt Nam có thể hợp tác để phát triển lĩnh vực quốc phòng của Việt Nam, đặc biệt với những lĩnh vực là thế mạnh của Ấn Độ.
(b) Trong khi đó, Ấn Độ cũng nên cân nhắc xuất khẩu sang Việt Nam các hệ thống tên lửa (bao gồm các phiên bản khác nhau của tiên lửa BrahMos Cruise) cùng các loại máy bay không người lái và các hệ thống phòng thủ và vũ khí khác mà Ấn Độ dành riêng để xuất khẩu. Danh sách xuất khẩu có thể bao gồm máy bay giám sát Dornier, máy bay không người lái hạng nhỏ (UAV), nâng cấp xe tăng T-72 và thiết bị pháo binh sản xuất tại địa phương tùy vào yêu cầu của phía Việt Nam.
(c) Chia sẻ thông tin tình báo trong việc tăng cường các mối quan hệ chiến lược
(d) Đào tạo chuyển đổi cho phi công lái máy bay SU-30 của Không quân Việt Nam
(e) Các loại tàu ngầm Kilo của Nga vẫn đang được giới thiệu, do đó cần phải tiếp tục đào tạo cho các đoàn thuỷ thủ tàu ngầm của Việt Nam.
(f) Hỗ trợ các lực lượng của Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển hệ thống C4ISR (hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc tình báo và trinh sát).
Kết luận
Trong 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược, chúng ta đã đạt được nhiều bước phát triển nhưng vẫn chưa phát huy hết những tiềm năng vốn có. Với những thay đổi nhanh chóng và động lực chiến lược nhiều biến động ở khu vực, hai nước có chung nhận thức về bản chất của những mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống, cùng các thách thức về an ninh, do đó, sự hợp tác giữa hai nước là một yêu cầu không thể thiếu. Trong khi phát triển kinh tế vẫn là ưu tiên của cả hai nước, phát triển về năng lực quốc phòng cũng là điều cần làm, vì vậy, cần có nỗ lực từ cả hai phía. Mục tiêu chung về quốc phòng và quan hệ đối tác chiến lược giữa Ấn Độ-Việt Nam sẽ tiếp tục góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực ở cấp độ song phương và đa phương.
Dù Ấn Độ, Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, chúng ta cần thận trọng trước sự quyết liệt của Trung Quốc. Nỗ lực của Ấn Độ trong hợp tác quốc phòng với Việt Nam và các nước ASEAN đều thuộc những nỗ lực đa phương và song phương nhằm mục đích giải quyết các vấn đề chiến lược riêng của Ấn Độ ở ven Ấn Độ Dương cũng như trên Biển Đông.
Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao cần phối hợp phát triển các mối quan hệ quốc phòng và an ninh với Việt Nam và các nước thành viên ASEAN như một phần của nỗ lực toàn diện nhằm đạt được thành công trong mục tiêu chiến lược của chính sách Hướng Đông và bây giờ là chính sách “Hành động phía Đông”. Cần xem xét khai thác khả năng hợp tác ba bên như Ấn Độ, Việt Nam và Hoa Kỳ hay trong vấn đề này là Nhật Bản, Ấn Độ và Việt Nam với các mô hình và cơ sở tương tự như hợp tác ba bên hiện có giữa Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch
* Thiếu tướng Vinod Anand, Học giả cao cấp, Quỹ quốc tế Vivekananda, New Delhi, India
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục