Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Thay đổi hành vi của người tiêu dùng sau Covid

Thay đổi hành vi của người tiêu dùng sau Covid

Câu hỏi lớn trong việc mô hình hóa hành vi của người tiêu dùng là: Liệu những thói quen được hình thành trong thời kỳ đại dịch sẽ tiếp tục, hay người tiêu dùng sẽ quay trở lại thói quen cũ khi các điều kiện thay đổi?

06:13 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Đại dịch COVID-19 đang thay đổi cuộc sống của chúng ta theo nhiều cách - những cách mà xã hội chúng ta sẽ thử nghiệm, hiểu và chấp nhận trong nhiều năm sau kể từ bây giờ. Nó đã thay đổi cách chúng ta làm việc, ăn uống, mua sắm, kinh doanh và thậm chí là cách chúng ta bỏ phiếu. Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, hành vi của người tiêu dùng thay đổi trong thời kỳ khủng hoảng. Các dịch bệnh trong quá khứ, chẳng hạn như SARS và MERS, cho thấy xu hướng tiết chế tiêu dùng, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu và tập trung phần lớn vào các mặt hàng thiết yếu. Cùng với việc tiết chế tiêu dùng, chúng ta cũng quan tâm nhiều hơn đến giá cả và xuất xứ của sản phẩm, thời khủng hoảng không chỉ định hình người tiêu dùng mua gì mà còn cả nơi họ mua hàng.

Tiêu dùng không chỉ theo thói quen mà còn theo ngữ cảnh. Các vấn đề về bối cảnh và các thảm họa đặc biệt như động đất, bão, chiến tranh và đại dịch như hiện tại được xếp vào danh mục quan trọng nhất và ít có khả năng dự đoán đúng nhất. Cùng với các yếu tố như nhận thức rủi ro và thái độ rủi ro, có ba yếu tố chính dẫn đến việc hình thành các thói quen mới. Đó là chính sách công, công nghệ và nhân khẩu học. Chính sách công có xu hướng định hình sự dễ dàng mà người tiêu dùng có thể mua bất kỳ sản phẩm cụ thể nào và tham gia vào bất kỳ giao dịch mong muốn nào. Nó cũng xác định xem có lựa chọn thay thế nào có sẵn hay không. Một trong những lợi thế chính của việc di chuyển bằng đường hàng không - đó là tính hiệu quả của nó - có thể sẽ không còn là lợi thế do thời gian tăng để chuẩn bị cho việc đi lại bằng đường hàng không, kiểm tra an ninh, kiểm tra COVID, v.v. đặc biệt là khi di chuyển trong khoảng cách ngắn. Những thay đổi trong công nghệ liên tục biến đổi mong muốn thành nhu cầu. Điện thoại di động và Internet không chỉ trở thành nhu cầu của riêng cá nhân mà còn đang thúc đẩy một loạt các hành vi mới như mua sắm trực tuyến, thanh toán hóa đơn trực tuyến, chơi game, định vị GPS, v.v. Thay đổi nhân khẩu học định hình hành vi của người tiêu dùng. Ví dụ, dân số già của các nền kinh tế tiên tiến sẽ có các mô hình chi tiêu khác nhau cho việc giải trí, giữ gìn của cải và sức khỏe so với nhóm dân số có tuổi trung bình thấp hơn.

Những thói quen mới này và các yếu tố dẫn đến việc hình thành chúng được điều chỉnh bởi các đặc điểm tính cách, văn hóa, địa lý và khoảng thời gian. Khả năng duy trì thói quen được xác định bởi mức độ mà một người tiếp xúc với môi trường cụ thể. Mất khoảng từ 18 đến 254 ngày, trung bình là 66 ngày, để hình thành một thói quen mới.

Nghiên cứu được thực hiện trong lĩnh vực này chỉ ra một số xu hướng hành vi của người tiêu dùng đang hình thành trong đại dịch. Xu hướng chính đang nổi lên là tốc độ áp dụng kỹ thuật số đang tăng nhanh. Việc mua sắm được số hóa nhiều hơn với việc sử dụng nhiều hơn các điểm tiếp xúc thương mại điện tử. Điều này có vẻ sẽ tăng lên khi các quy định về di chuyển vật lý và giãn cách xã hội được duy trì. Các nền tảng công nghệ và phương tiện kỹ thuật số được thiết lập để đóng một vai trò lớn hơn trong việc tiếp cận với người tiêu dùng, tạo ảnh hưởng, tạo thuận lợi cho các giao dịch và giữ chân khách hàng. Sự thiếu hụt hàng hóa và những rào cản bắt buộc đã khiến người tiêu dùng tối ưu hóa chi tiêu trong khả năng. Thông qua các giải pháp sáng tạo như vậy, những cách tiêu dùng mới được phát minh và những cách thức truyền thống cũ sẽ bị loại bỏ. Ngoài ra còn có sự thay đổi theo hướng mua đơn giản hơn do người tiêu dùng tập trung vào các nhu cầu cơ bản và thiết yếu hơn là hàng xa xỉ. Ngay cả những người khá giả hơn cũng bày tỏ sự không đồng tình với việc tiêu dùng quá mức và tìm đến những dịch vụ bền vững và mang tính địa phương hơn. Nhu cầu tăng vọt là một xu hướng tiêu dùng khác xuất hiện trong thời kỳ khủng hoảng. Người tiêu dùng trì hoãn việc mua sắm, đặc biệt là các loại hàng hóa có độ bền lớn, như ô tô, sau đó sẽ mua trở lại bất cứ khi nào điều kiện trở nên bình thường hơn hoặc người tiêu dùng có thời gian hồi phục sau khủng hoảng.

Đại dịch đã buộc tất cả chúng ta phải có những cách làm mới, sửa đổi các hoạt động hiện có, và biến đổi toàn bộ hệ sinh thái, và thay đổi trong một khoảng thời gian dài đáng kể. Do đó, câu hỏi lớn tiếp theo trong việc mô hình hóa hành vi của người tiêu dùng là: Liệu những thói quen được hình thành trong thời kỳ khủng hoảng sẽ tiếp tục hay người tiêu dùng sẽ quay trở lại thói quen cũ khi các điều kiện thay đổi? Người tiêu dùng sẽ chuyển sang những cách làm mới nếu chúng thuận tiện hơn, giá cả phải chăng và dễ tiếp cận hơn. Các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix, Disney và Prime là những ví dụ về sự thay đổi như vậy trong hành vi của người tiêu dùng với một giải pháp thay thế tốt hơn và dễ tiếp cận hơn sắp ra mắt. Trong cuộc khảo sát được thực hiện bởi Numerator Insights Data (2021) về thói quen tiêu thụ thực phẩm hậu Covid, 32% số người được hỏi cảm thấy rằng, họ sẽ đến các quán bar và nhà hàng thường xuyên hơn so với thời điểm trước Covid, trong khi 23% mong đợi tiếp tục duy trì thói quen được hình thành trong giai đoạn Covid, tức là ít đi ăn nhà hàng hơn. Liên quan đến việc sửa đổi thói quen đặt hàng hoặc mua thức ăn mang về, 18% cảm thấy rằng, họ sẽ tiếp tục với tần suất lớn hơn, trong khi 19% tin rằng, thói quen của họ sẽ thay đổi và trở lại mô hình của thời kỳ trước Covid.

Một khía cạnh thú vị của hành vi tiêu dùng là sự quay trở lại của những thói quen hoặc nhu cầu thiết yếu trước đây được coi là thú tiêu khiển hoặc sở thích nhưng bị từ bỏ do đjai dịch. Rất có thể các hoạt động hàng ngày trong thế giới hiện tại của chúng ta như mua sắm tại cửa hàng, đi làm, ăn uống tại nhà hàng, v.v. có thể được chuyển đổi thành các hoạt động vui chơi, giải trí. Sẽ rất thú vị và quan trọng khi xác định thói quen nào trong số những thói quen này tương đương với những thú tiêu khiển như đi săn hay đi câu thời trước Covid, để theo dõi con đường mà xã hội loài người sẽ đi trong kịch bản hậu Covid.

Tác giả: Tiến sĩ Aditi Madan, Viện Phát triển Con người và Điều phối viên tại Viện Quản lý Thiên tai Quốc gia; và Siddharth Sawhney, chuyên gia nghiên cứu truyền thông

Nguồn: https://www.orfonline.org/expert-speak/changing-consumer-behaviour-post-covid-scenario/

Bấm vào đây để đọc bản tiếng Anh của bài viết này/Click here to read the English version of this article

Nguồn:

Cùng chuyên mục