Thẻ chỉ dẫn địa lý cho hàng hóa Ấn Độ
Di sản văn hóa của Ấn Độ được thể hiện qua nhiều loại sản phẩm bản địa và hàng thủ công mỹ nghệ. Tác giả Chinnaraja Naidu sẽ đưa chúng ta đi qua hành trình của các thẻ GI (Chỉ dẫn địa lý) và cách Ấn Độ giúp các nhà sản xuất bản địa bảo vệ và quảng bá hàng thủ công độc đáo cũng như phổ biến tri thức truyền thống Ấn Độ.
Gần đây, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thường sử dụng gamusa, một loại khăn dệt truyền thống với các đường viền màu đỏ đặc biệt và các họa tiết hoa từ bang Assam. Trang phục này đã trở thành biểu tượng đặc trưng của nền văn hóa Assam kể từ thế kỷ XVIII. Bên cạnh ý nghĩa văn hóa và lịch sử, gamusa cũng rất độc đáo vì đại diện cho phong cách dệt truyền thống ở biên giới phía đông của Ấn Độ.
Với dân số đa dạng về văn hóa như Ấn Độ, gamusa không phải là sản phẩm độc đáo duy nhất. Nó là một trong số hơn 370 sản phẩm được sản xuất độc quyền tại các vùng địa lý khác nhau của đất nước Ấn Độ. Nhằm bảo vệ, tuyên truyền và tôn vinh văn hóa Ấn Độ, thẻ chỉ dẫn địa lý (GI) đã được đưa ra từ năm 2004-2005 để khẳng định quyền sở hữu trí tuệ của cộng đồng tạo ra hàng hóa đặc trưng riêng của vùng. Sản phẩm đầu tiên được công nhận theo tiêu chuẩn này là Trà Darjeeling. Kể từ đó, danh sách đã phát triển lên tới hơn 370 sản phẩm địa phương độc đáo, và mỗi năm lại có thêm nhiều sản phẩm nộp đơn đăng ký.
Thẻ chỉ dẫn địa lý cho phép các nhà sản xuất ngăn chặn những bên khác sử dụng thẻ nếu sản phẩm không tuân theo các tiêu chuẩn áp dụng được chủ sở hữu đã đăng ký trong khu vực địa lý nhất định. Ví dụ: thực phẩm Bikaner Bhujia, một món ăn nhẹ mặn từ vùng Bikaner, Rajasthan, chỉ được sản xuất trong khu vực pháp lý được bảo hộ. Các nhà sản xuất món ăn nói trên nhưng ở vùng địa lý khác không được quyền sử dụng thuật ngữ “Bikaner”.
Bảo hộ đặc trưng bản địa
Chỉ dẫn địa lý không giới hạn về thời gian đăng ký, mang lại sự bảo vệ hợp pháp cho các sản phẩm được gắn thẻ, giúp xác định nhà sản xuất chính hãng và hợp pháp. Nhìn chung, hệ thống chỉ dẫn địa lý thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế của các nhà sản xuất trong một lãnh thổ địa lý và giúp cộng đồng phân biệt sản phẩm của họ với các sản phẩm khác cạnh tranh trên thị trường. Hệ thống chỉ dẫn địa lý giúp xây dựng thiện chí đối với các đặc sản của từng địa phương, và do đó, giá của sản phẩm có khả năng mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho những người liên quan đến sản phẩm.
Một khía cạnh khác là việc gắn thẻ chỉ dẫn địa lý đảm bảo cho hàng hóa có chất lượng cao vì quy trình sản xuất tại địa phương của các sản phẩm này được tiêu chuẩn hóa. Tất cả các sản phẩm được gắn thẻ chỉ dẫn địa lý chỉ được công nhận sau khi đáp ứng các tiêu chí chuẩn về chất lượng và tính xác thực. Tương tự, đối với người tiêu dùng, thẻ chỉ dẫn địa lý đóng vai trò như một dấu hiệu giúp họ nhận biết sản phẩm chính hãng, góp phần tăng thêm sự thịnh vượng kinh tế cho các nhà sản xuất. Đã có nghiên cứu cho thấy rằng, phần lớn người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao cho hàng hóa mà họ biết rõ nguồn gốc từ một khu vực địa lý cụ thể, được sản xuất ra theo những phương thức truyền thống, duy nhất chỉ có trong khu vực đó.
Quyền sở hữu của Ấn Độ
Chỉ dẫn địa lý là sở hữu trí tuệ, có nghĩa là thẻ GI của Ấn Độ không phụ thuộc vào những quyền sở hữu tương tự ở các quốc gia khác. Do tiềm năng thương mại của các sản phẩm có thẻ GI, việc bảo vệ pháp lý đầy đủ đối với hàng hóa GI là cần thiết để ngăn chặn hành vi chiếm đoạt thẻ chỉ dẫn địa lý. Đáng chú ý, ở cấp độ quốc tế, Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đưa ra các tiêu chuẩn tối thiểu về bảo hộ GI mà các thành viên WTO buộc phải tuân thủ trong khuôn khổ luật pháp quốc gia của họ.
Tuân thủ theo nghĩa vụ này, Ấn Độ đã ban hành Đạo luật Chỉ dẫn Địa lý Hàng hóa (Đăng ký và Bảo hộ - GIG) năm 1999. Về vấn đề này, các đơn đăng ký được gửi đến các tập đoàn đa quốc gia để bảo vệ thương hiệu của các sản phẩm Ấn Độ không chỉ trong nước mà còn cũng trên toàn thế giới. Ví dụ, Trà Darjeeling Tea là hàng hóa có thẻ GI duy nhất được đăng ký theo Quy định của EU. Tương tự, để bảo vệ thương hiệu gạo hạt dài Basmati, các cơ quan phải đối mặt với nguy cơ sẽ vấp phải nhiều vụ kiện bên ngoài Ấn Độ. Ngay cả đối với các hàng hóa có thẻ GI quốc tế, để thực thi quyền của hàng hóa đó ở Ấn Độ, các nhà sản xuất nên áp dụng theo Đạo luật GIG. Ấn Độ đã đăng ký 15 GI ở các quốc gia bên ngoài Ấn Độ, phù hợp với các tiêu chuẩn chất lượng cao, tương tự như đăng ký tại Ấn Độ.
Chỉ dẫn địa lý là bản sắc của di sản văn hóa phong phú của Ấn Độ. Các sản phẩm được gắn thẻ và những người liên quan đến quá trình sản xuất là một phần không thể thiếu trong nền văn hóa và xã hội đa dạng của Ấn Độ. Đạo luật GIG là biểu tượng cho cam kết của Ấn Độ trong việc sử dụng kiến thức hiện đại để bảo vệ truyền thống của Ấn Độ, đồng thời quảng bá di sản Ấn Độ. Việc lập hồ sơ, bảo vệ và quảng bá những sản phẩm này về bản chất, là một nỗ lực hướng tới sự phát triển trí tuệ bền vững.
Chú thích ảnh: Một thợ thủ công giới thiệu truyền thống dệt vải Ikat đơn của bang Odisha đã được gắn thẻ chỉ dẫn địa lý. Loại vải này được dùng để may Bomkai và saree santhali sọc hoặc ca rô.
Tác giả: Chinnaraja G Naidu, Phó Giám đốc chương trình đăng ký thẻ GI Ấn Độ. Naidu là một nhà truyền thông tích cực, đã xuất bản nhiều cuộc hội thảo, sách trắng và báo cáo về di sản văn hóa của Ấn Độ và việc bảo tồn di sản đó thông qua cơ chế gắn thẻ GI ở nước này.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn: Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ: Chứng khoán bùng nổ và cách bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ
Kinh tế 10:00 09-12-2024
Tập đoàn Vietravel mở rộng hoạt động tại Ấn Độ
Kinh tế 03:00 16-11-2024
Ấn Độ đạt kỷ lục trong xuất khẩu hàng hóa
Kinh tế 03:00 17-11-2024
Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và những tác động
Kinh tế 02:00 28-10-2024