Thông tin chuyên đề: “Giao lưu nhân dân Việt Nam - Ấn Độ: Triển vọng trong phát triển du lịch”
Ngày 18/03/2024, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức buổi thông tin chuyên đề “Giao lưu nhân dân Việt Nam - Ấn Độ: Triển vọng trong phát triển du lịch”, với phần trình bày của diễn giả Đại sứ, Tiến sĩ Tôn Sinh Thành, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội.
Tham dự buổi thông tin chuyên đề, về phía khách mời Ấn Độ có ông Subhash Gupta, Phó Đại sứ Ấn Độ; Tiến sĩ Monica Sharma, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda, Đại sứ quán Ấn Độ.
Về phía Việt Nam, có TS Nguyễn Mạnh Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, bà Phan Lan Tú, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội, các Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Viện Thông tin Khoa học, Viện Quan hệ quốc tế, Viện Văn hoá và phát triển thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cùng nhiều khách mời trong và ngoài hệ thống Học viện.
Trong phần phát biểu khai mạc, ThS. Vũ Thế Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ khẳng định sự phát triển trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực. Việc nhìn lại những thành tựu, thách thức của mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, đồng thời đánh giá những triển vọng hợp tác là vấn đề rất cần thiết, đặc biệt trong việc tăng cường giao lưu nhân dân và phát triển du lịch hai chiều.
Trong phần trình bày chính, Đại sứ, Tiến sĩ Tôn Sinh Thành, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội, chia sẻ về những thuận lợi lớn, là tiền đề cho phát triển du lịch và giao lưu nhân dân giữa Việt Nam - Ấn Độ. Trong đó, Đại sứ nhấn mạnh sự đột phá về kết nối, đặc biệt là kết nối hàng không với nhiều đường bay giữa Việt Nam - Ấn Độ, đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai quốc gia. Đại sứ cũng nhắc tới hãng hàng không VietJet như một ví dụ điển hình trong các hoạt động táo bạo và hiệu quả cao, thành công trong việc tiên phong mở nhiều đường bay thẳng giữa hai nước. Du lịch Việt Nam còn rất nhiều dư địa phát triển để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực, như Thái Lan và Singapore, những quốc gia đã mở đường bay thẳng với Ấn Độ và đón hàng triệu khách du lịch Ấn Độ mỗi năm.
Đại sứ, Tiến sĩ Tôn Sinh Thành cũng đề cập đến các điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch và giao lưu nhân dân Việt Nam - Ấn Độ, trong đó bao gồm mối quan hệ hữu nghị lâu đời giữa hai dân tộc và quan hệ chính trị tốt đẹp, độ tin cậy chính trị ngày càng cao giữa hai nước. Đại sứ, Tiến sĩ cho rằng, sự ủng hộ kiên định, đồng cảm lẫn nhau của hai quốc gia trong suốt cuộc đấu tranh chống thực dân đế quốc là tiền đề vững chắc cho mối quan hệ chính trị tốt đẹp này. Thêm vào đó, hai dân tộc còn có nhiều sự tương đồng trong văn hóa: đều thuộc nền văn hóa phương Đông, coi trọng cộng đồng, tập thể, nói ít hiểu nhiều, giàu ngữ cảnh, chuộng hòa bình, tránh đối đầu gay gắt. Sự tương đồng ấy là sợi dây khăng khít kết nối hai dân tộc, hai đất nước lại gần nhau hơn.
Đại sứ, Tiến sĩ Tôn Sinh Thành cũng giới thiệu đến khán giả cuốn “Cẩm nang du lịch Ấn Độ” do chính ông biên soạn. Cuốn sách là tập hợp những chia sẻ thú vị, chân thực và chi tiết về những nét đẹp văn hóa và du lịch Ấn Độ, qua đó đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa và du lịch Ấn Độ của bạn đọc, góp phần làm cầu nối thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa hai quốc gia.
Trong phần thảo luận, Đại sứ, Tiến sĩ Tôn Sinh Thành và một số khán giả trao đổi về vấn đề du lịch tâm linh ở Ấn Độ. Đại sứ cho biết du lịch tâm linh là một phần đặc trưng của du lịch Ấn Độ nhưng cũng chỉ là một phần nhỏ bé trong tổng thể các sản phẩm du lịch. Các khách mời cũng chia sẻ về sự đa dạng phong phú trong các phong cách ẩm thực của Ấn Độ và tàn dư của hệ thống phân biệt đẳng cấp ở Ấn Độ tới dịch vụ du lịch.
Tiến sĩ Monica Sharma, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda nhận xét: “Những thông tin chia sẻ của Đại sứ giải quyết được rất nhiều những vấn đề và giúp cho nhân dân hai nước hiểu nhau hơn. Rất nhiều người Việt Nam và Ấn Độ hiện nay mong muốn tìm hiểu về nhau để tìm thấy sự đồng cảm và tin cậy lẫn nhau thông qua giao lưu nhân dân.”
Ông Subhash Gupta, Phó Đại sứ Ấn Độ nhấn mạnh sự cần thiết trong việc tìm hiểu văn hóa của hai quốc gia Việt Nam và Ấn Độ. Ông đánh giá cao tầm quan trọng của văn hóa và du lịch là một trong những trụ cột trong việc phát triển quan hệ giữa hai quốc gia. Mặc dù giữa Việt Nam và Ấn Độ có rất nhiều văn hóa khác biệt nhưng cũng có những điểm tương đồng, đó chính là yếu tố giúp mối quan hệ hai nước trở nên gắn kết hơn.
Buổi thông tin chuyên đề góp phần thúc đẩy sự hiểu biết, hợp tác và phát triển giữa hai dân tộc, củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia, đồng thời là hoạt động hướng tới kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, và 75 năm thành lập Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục