Thông tin chuyên đề “Phim tài liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Ấn Độ: bối cảnh và ý nghĩa”.
Ngày 28 tháng 12 năm 2023, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tổ chức buổi thông tin chuyên đề “Phim tài liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Ấn Độ: bối cảnh và ý nghĩa”.
Đây là sự kiện trong chuỗi các hoạt động khoa học kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ, hướng tới kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ.
Tới tham dự buổi thông tin chuyên đề, về phía khách mời, có Tiến sĩ Monica Sharma, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Vivekananda, thuộc Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội; ông Roshan Lepcha, Tham tán Chính trị, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội; Tiến sĩ Đỗ Thanh Hải, nguyên Phó Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ; bà Trần Hùng Dung, Giám đốc Công ty Media 21; và TS Phùng Thị Thảo, Trưởng bộ môn Ấn Độ học, Khoa Đông Phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Về phía Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, buổi thông tin chuyên đề có sự tham dự của Phó giáo sư, Tiến sĩ (PGS TS) Hoàng Hùng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Đào tạo; đại diện lãnh đạo và cán bộ, giảng viên Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, các Viện gồm Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Viện Thông tin Khoa học, Viện Văn hóa và Phát triển, Viện Quan hệ Quốc tế, cùng đông đảo cán bộ và học viên các hệ lớp trong hệ thống Học viện.
Diễn giả trình bày tại buổi thông tin chuyên đề là PGS TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. PGS TS Bùi Chí Trung cũng là đạo diễn, viết kịch bản, lời bình và thể hiện lời bình của bộ phim tài liệu “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ấn Độ”.
Phim tài liệu “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ấn Độ” là tác phẩm do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Công ty Truyền thông Media 21 tổ chức thực hiện năm 2021, ghi lại những câu chuyện lịch sử và tình cảm của Bác Hồ với đất nước Ấn Độ.
Bộ phim tài liệu dài khoảng 30 phút, được thể hiện bằng hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt. Năm 2022, bộ phim đã tham gia Liên hoan phim tài liệu quốc tế lần thứ 10 tại thành phố Noida, Ấn Độ.
Phim tài liệu kể về tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Ấn Độ, cũng như sự ủng hộ chí tình của Ấn Độ với Người và với Việt Nam. Trong suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ba lần đến thăm Ấn Độ. Lần thứ nhất vào năm 1911 khi Người làm phụ bếp trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville trong chuyến hải trình từ Việt Nam sang châu Âu. Lần thứ hai Người dừng chân tại Ấn Độ vào năm 1946 khi đại diện Chính phủ Việt Nam sang thăm Pháp. Lần thứ ba là năm 1958 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Ấn Độ. Tình cảm của Bác Hồ đối với đất nước và con người Ấn Độ đã đặt nền móng cho mối quan hệ truyền thống, hữu nghị hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày hôm nay.
Phim tài liệu sử dụng nhiều hình ảnh tư liệu quý về những chuyến đi của Bác tới Ấn Độ và quãng đời hoạt động của Bác ở Bỉ, nơi Bác Hồ gặp thân phụ của cố Thủ tướng Nehru. Phim cũng kết hợp nhiều hình ảnh về đất nước Ấn Độ mới, những thành tựu trong nhiều lĩnh vực hợp tác song phương Việt Nam - Ấn Độ hiện nay.
PGS TS Bùi Chí Trung chia sẻ, hình ảnh để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho đoàn làm phim là cảnh Bác Hồ ôm hôn Thủ tướng Nehru khi Người vừa xuống máy bay. Đó là biểu hiện sinh động của tình hữu nghị của những người đồng chí đặc biệt thân thiết, tuy ở hai quốc gia nhưng gắn bó trong lý tưởng chung về độc lập, giải phóng dân tộc, mang lại tự do, bình đẳng, hạnh phúc cho mọi người.
PGS TS Bùi Chí Trung cho biết, đoàn làm phim gồm những người trẻ, chủ yếu dưới 30 tuổi, những người đã mang góc nhìn tươi mới và nhiệt huyết của tuổi thanh xuân để kể lại những vấn đề lịch sử lớn lao, mang lại sự sinh động và cuốn hút cho những câu chuyện cách đây cả trăm năm. Góc nhìn của thế hệ trẻ làm nên nét đặc sắc riêng của nhiều bộ phim tài liệu về yếu nhân và lãnh tụ do Công ty Media 21 đã và đang sản xuất.
Tiến sĩ Đỗ Thanh Hải, nguyên Phó Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, phim tài liệu này được thực hiện trong những ngày tháng khắc nghiệt nhất khi đại dịch Covid-19 hoành hành. Những chuyên gia được Đại sứ quán Việt Nam mời trả lời phỏng vấn trong phim đều là những người am hiểu sâu sắc nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ấn Độ, và ủng hộ thiết thực để phát triển mối quan hệ hợp tác song phương. Phim mang lại nhiều cảm xúc cho người xem, và là công cụ hữu hiệu để truyền thông đối ngoại, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống hữu nghị của hai quốc gia.
Tiến sĩ Monica Sharma, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Vivekananda, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam cho biết, bà nhớ nhất hai hình ảnh trong phim. Thứ nhất là cuộc biểu tình chống chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, đầu thập niên 70 ở Ấn Độ, trong đó người dân hô vang khẩu hiệu “Tên bạn là Việt Nam! Tên tôi là Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam”. Tới nay, mỗi khi gặp hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, người dân Ấn Độ vẫn tự động viên bằng câu khẩu hiệu trên. Thứ hai là trích đoạn vở vũ kịch về Chủ tịch Hồ Chí Minh được diễn trên sân khấu quần chúng, sử dụng tiếng Hindi. Bà mong muốn các tác phẩm của Người, đã được dịch sang tiếng Anh, sẽ tiếp tục được dịch sang tiếng Hindi, để phổ biến hơn nữa đến cộng đồng đông đảo những người nói tiếng Hindi ở Ấn Độ và trên thế giới.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, chúc mừng đoàn làm phim và nhận xét rằng bộ phim tài liệu này là tài liệu dạy học vô cùng sinh động cho các hệ lớp trong hệ thống Học viện. Trung tâm sẽ tiếp tục là nơi cung cấp những sản phẩm nghiên cứu cập nhật và có chất lượng cao để bổ sung vào nguồn tài liệu tham khảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ấn Độ, về mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục