Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Thực trạng và triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam - Ấn Độ (Phần 1)

Thực trạng và triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam - Ấn Độ (Phần 1)

Ấn Độ hiện nay nằm trong số 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và kim ngạch hai chiều giữa 2 nước đã đạt 8 tỷ USD trong năm 2015, dự kiến tăng lên 15 tỷ USD vào năm 2020. Đây là một triển vọng rất tươi sáng mà nhân dân hai nước cần đẩy mạnh hợp tác nhiều hơn nữa. Chúng tôi tin tưởng một tương lai hợp tác sán lạn giữa Việt Nam và Ấn Độ.

06:40 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Thực trạng và triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam - Ấn Độ

                                                   PGS, TS Lê Quốc Lý*

Việt Nam và Ấn độ đã có mối quan hệ hữu nghị gắn bó lâu đời, được hình thành và phát triển trên nền tảng giao thoa về văn hóa và tương đồng nhiều mặt của đời sống, chính trị và xã hội. Hơn nữa, hai nước, hai dân tộc có tình đoàn kết trong cuộc đấu tranh chống thực dân, vì độc lập của mỗi nước. Đặc biệt, quan hệ của hai nước được thiết lập từ tình hữu nghị thắm thiết giữa các vị lãnh tụ của hai dân tộc là Hồ Chí Minh, Gandhi, Nehru,… cũng như sự dày công vụn đắp của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước. Từ năm 1972, “sau khi hai nước kiến lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ của hai nước  được nâng lên tầm cao mới, lan tỏa ra mọi lĩnh vực, cả trên bình diện song phương và đa phương từ khi hai nước xác lập quan hệ đối tác chiến lược cách đây 6 năm”[1]. Quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Ấn độ đã phát triển hết sức tốt đẹp về mọi mặt từ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học đến an ninh và quốc phòng và đã đạt được những kết quả và thành tựu quan trọng. Trong lĩnh vực kinh tế đã có những bước phát triển mới, thể hiện ở  tốc độ trao đổi ngày càng gia tăng; quy mô, lĩnh vực và phương thức hợp tác ngày càng mở rộng; chất lượng, hiệu quả ngày càng nâng cao.

Hợp tác kinh tế Việt Nam và Ấn độ được thể hiện trên nhiều mặt hoạt động nhưng chúng ta có thể quan sát hai hoạt động chính là hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước trong những năm qua và hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài của Ấn độ và Việt Nam. Nếu như năm 1995, thương mại giữa hai nước mới đạt 72 triệu USD thì đến năm 2006 thương mại giữa hai nước đã đạt hơn 1 tỷ USD, tăng gấp gần 14 lần năm 1995 và đạt tốc độ tăng trưởng gần 20%/năm. Đến năm 2009, kim ngạch thương mại song phương đã tăng lên đáng kể, đạt 2,36 tỷ USD (năm 2009) và đến  năm 2013-2014 đạt 8,03 tỷ USD. Năm 2013-2014 xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam trong đạt 5,44 tỷ USD, tăng 37,17% so với năm tài chính trước, thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy thương mại song phương. Việc hãng JetAirways của Ấn Độ mở đường bay thẳng từ New Delhi/ Mumbai tới thành phố Hồ Chí Minh sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại cũng như du lịch giữa hai nước.

Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ trong những năm gần đây đã luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, ấn tượng. Cụ thể là trong 5 năm từ 2009 đến 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ tăng với tốc độ cao (46,22%/năm) và tăng trung bình khoảng 320 triệu USD/năm. Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ còn khiêm tốn ở mức 389 triệu USD và năm 2009 là 420 triệu USD do đây là giai đoạn (năm 2008 - 2009) trước khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA) được ký kết. Đến năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ đã tăng mạnh đạt 1,778 tỷ USD .

Ấn Độ là quốc gia xếp thứ 16 trong khoảng hơn 200 đối tác thương mại của Việt Nam trên thế giới trong năm 2013. Xét riêng trong khu vực châu Á, quốc gia này là đối tác lớn thứ 11 của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong vòng 4 năm qua, Ấn Độ luôn nằm trong nhóm 20/200 quốc gia có mức xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất với Việt Nam. Tính riêng trong năm 2013, tổng trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ấn Độ đạt 5,23 tỷ USD, tăng 32,7% so với năm 2012. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng mạnh 61,6% và nhập khẩu đạt 2,35 tỷ USD, tăng 8,9%. Đáng lưu ý, trong năm 2013, cán cân thương mại trong buôn bán trao đổi giữa 2 quốc gia đã có sự đảo chiều. Nếu như trong các năm 2011 và 2012, Việt Nam phải đối mặt với mức thâm hụt khá cao trong quan hệ thương mại với Ấn Độ (lần lượt là 792 triệu USD và 378 triệu USD, chiếm tỷ trọng 50% và 21% trong tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ) thì đến năm 2013, cán cân thương mại lại nghiêng về phía Việt Nam với mức thặng dư gần 528 triệu USD.

Biểu đồ 1: Thương mại giữa Việt Nam với Ấn Độ trong giai đoạn 2011-9/2014

 Nguồn: Tổng cục Hải quan

Xét về các mặt hàng xuất, nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ có thể thấy, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ trong những năm qua chủ yếu chú trọng vào các nhóm hàng máy móc, phụ tùng và thiết bị điện tử. Trong đó, tính riêng trị giá xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện trong năm 2013 đã đạt 926 triệu USD, chiếm đến 32% tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ. Một số mặt hàng xuất khẩu chính khác bao gồm: máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; cao su,…

Các mặt hàng của Ấn Độ xuất sang Việt Nam, được các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu trong năm 2013 bao gồm: sắt thép các loại (đạt 547 nghìn tấn, trị giá 353 triệu USD); thức ăn gia súc và nguyên liệu (đạt 338 triệu USD); ngô (đạt hơn 1 triệu tấn, trị giá 304 triệu USD),… Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2014, tổng trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ấn Độ đạt 4,26 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,76 tỷ USD, giảm 3,5% và nhập khẩu đạt 2,49 tỷ USD, tăng 18,4%.  (Còn tiếp)


[1] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.


* Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục