Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Thực trạng và triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam - Ấn Độ (Phần 2)

Thực trạng và triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam - Ấn Độ (Phần 2)

Ấn Độ hiện nay nằm trong số 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và kim ngạch hai chiều giữa 2 nước đã đạt 8 tỷ USD trong năm 2015, dự kiến tăng lên 15 tỷ USD vào năm 2020. Đây là một triển vọng rất tươi sáng mà nhân dân hai nước cần đẩy mạnh hợp tác nhiều hơn nữa. Chúng tôi tin tưởng một tương lai hợp tác sán lạn giữa Việt Nam và Ấn Độ.

06:49 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Thực trạng và triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam - Ấn Độ

                                                   PGS, TS Lê Quốc Lý*

(Tiếp theo phần 1)

Đồ thị 2:  Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ 2008-2014

Đồ thị 2 cho thấy, trong những năm vừa qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ tăng mạnh, có bước phát triển vượt bậc, từ 389 triệu USD lên 2,9 tỷ USD năm 2013 và khoảng 2,5 tỷ USD năm 2014, tăng 7,4 lần trong 7 năm.

Ngoài các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ là máy móc, phụ tùng và thiết bị điện tử thì cao su là mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 3 trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ. Mặt hàng cao su xuất khẩu sang Ấn Độ đã tăng trưởng đều đặn qua các năm tính từ 2008 đến nay. Tổng kim ngạch xuất khẩu cao su đạt trên 412 triệu USD trong 5 năm qua và đứng sau 02 mặt hàng là điện thoại các loại và linh kiện; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng. Kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ đạt trên 212 triệu USD năm 2012, tăng 95% so với năm 2011. Việt Nam là quốc gia sản xuất cao su tự nhiên đứng thứ 5 trên thế giới, trong khi nhu cầu về cao su tự nhiên của Ấn Độ là rất lớn vì để đáp ứng việc sản xuất lốp xe ôtô do ngành công nghiệp sản xuất ôtô của Ấn Độ rất phát triển. Do đó, đây là một mặt hàng xuất khẩu hết sức tiềm năng của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ (có thể quan sát bảng 1 về 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất trong tháng 8 năm 2013).

Bảng 1: 10 nhóm hàng có gái trị xuất khẩu cao nhất trong 8 tháng 2013

STT Nhóm hàng Giá trị kim ngạch (triệu USD) Tăng trưởng (%)
1 Điện thoại các loại và linh kiện 641,64 +152
2 Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 162,69 +86
3 Cao su 135,73 +29,2
4 Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 135,21 -12
5 Cà phê 47,63 +14,4
6 Hóa chất 41,36 +14,5
7 Xơ, sợi dệt các loại 39,16 +75,3
8 Gỗ và sản phẩm gỗ 34,31 +18,2
9 Hạt tiêu 29,05 -17
10 Giày dép các loại 20,89 +11,5
  Tổng 1.287,6  


Trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ, nhóm hàng khoáng sản bao gồm 02 mặt hàng chính là than đá; quặng và khoáng sản khác. Mặt hàng than đá cũng là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Ấn Độ trong 5 năm qua. Tổng kim ngạch xuất khẩu của than đá trong 5 năm qua đạt 227 triệu USD, đứng thứ 6 trong các mặt hàng. Trong năm 2010, mặt hàng này là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2, sau điện thoại các loại và linh kiện, đạt xấp xỉ 79 triệu USD, tăng tới 350% so với năm 2009.Nhóm hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam là nhóm hàng có kim ngạch lớn thứ 2 trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ. Ấn Độ mỗi năm xuất khẩu hơn 500.000 tấn gia vị các loại với tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt hơn 1,7 tỷ USD. Vì vậy, Ấn Độ cần nhập các mặt hàng nông sản của Việt Nam như cà phê, hạt tiêu, hạt điều,… để chế biến và thêm phần giá trị gia tăng, sau đó sẽ tái xuất. Đây là nhóm hàng có lợi thế và năng lực cạnh tranh trong dài hạn của Việt Nam, mặc dù giá trị gia tăng còn thấp. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam các mặt hàng thuộc nhóm hàng nông sản, thủy sản sang Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng tốt và ổn định: mặt hàng cà phê năm 2008 có kim ngạch đạt 9,74 triệu USD, tuy nhiên, đến năm 2012, đã tăng đến 6 lần, đạt 57,5 triệu USD. Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất cho Ấn Độ. Trong 5 năm 2008 - 2012, mặt hàng hạt tiêu, có kim ngạch tăng 4,5 lần và tăng cao nhất trong năm 2011.

Bên cạnh việc xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ ngày một tăng mạnh và song song với đó là hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ cũng tăng tương ứng thì vấn đề FDI của Ấn Độ vào Việt Nam cũng được tăng trưởng đáng kể. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế đến tháng 3, Ấn Độ có 95 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 324 triệu USD và xếp thứ 30/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Quy mô vốn bình quân một dự án của Ấn Độ khoảng 3,4 triệu USD/dự án. Hiện nay, các nhà đầu tư Ấn Độ đã đầu tư vào 13/18 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Đa phần các dự án của Ấn Độ tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với 39 dự án và 204 triệu USD tổng vốn đầu tư, chiếm 41% tổng số dự án và 63% tổng vốn đăng ký của Ấn Độ tại Việt Nam. Ngành khai khoáng đứng thứ hai  với 3 dự án và 86 triệu USD vốn đầu tư (chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư của Ấn Độ tại Việt Nam). Ngành nông lâm thủy sản đứng thứ 3 với  22,2 triêu USD tổng vốn đầu tư (chiếm 6,8% tổng vốn đầu tư của Ấn Độ tại Việt Nam). Ngoài ra, dự án FDI của Ấn Độ vào các ngành như: bán buôn, bán lẻ, thông tin truyền thông, xây dựng,…

Đầu tư của Ấn Độ đã có mặt tại 23 tỉnh, thành phố của Việt Nam như Tuyên Quang (3 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 45 triệu USD), Bắc Ninh (2 dự án với 40,5 triệu USD), thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thu hút được nhiều dự án của Ấn Độ, tuy nhiên, quy mô dự án nhỏ nên tổng vốn đầu tư vào các địa phương này cũng rất khiêm tốn (thành phố Hồ Chí Minh có 34 dự án và 7,2 triệu USD tổng vốn đầu tư, Hà Nội có 15 dự án và 7,2 triệu USD tổng vốn đầu tư). Ngoài ra, đầu tư của Ấn Độ cũng rải rác ở một số địa phương như: Bình Dương, Ninh Thuận, Tây Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai. Riêng trong quý I năm 2015, Ấn Độ  đã đầu tư 2 dự án mới (vốn đăng ký cấp mới là 24,6 triệu USD), đứng thứ 10/33 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư FDI vào Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2015. Tập đoàn Tata Group và Bộ Công nghiệp-Thương mại Ấn Độ (MoIT) đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để sớm triển khai dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 2. Đầu tư của Tata Group vào dự án này thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng của các công ty Ấn Độ vào tiềm năng của thị trường Việt Nam.

Triển vọng hợp tác kinh tế giữa hai nước rất to lớn. Quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện Việt Nam - Ấn Độ đang phát triển hết sức tốt đẹp. Tuy nhiên, tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước còn rất lớn, Chính phủ và nhân dân hai nước cần triển khai hợp tác mạnh mẽ, đạt được kết quả cao hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch; nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp, tiềm năng, lợi thế và mong muốn của hai bên. Hai nước cần khai thác đầy đủ tiềm năng kinh tế đang gia tăng của mỗi nước. Mức độ bổ trợ về kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ rất lớn. Ấn Độ là nước có khả năng nhập khẩu hàng tiêu dùng, đồ điện tử, nông-hải sản và đồ gỗ của Việt Nam.

Trong hợp tác kinh tế, hai nước cần quan tâm đặc biệt đến tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, cơ khí, hóa chất, dược phẩm, chế biến thực phẩm và nhiều lĩnh vực liên quan khác. Bên cạnh đó, ngành dệt là một lĩnh vực có tiềm năng hợp tác lớn đối với hai nước. Ấn Độ có thể thay thế Trung Quốc xuất khẩu sợi cho ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Ấn Độ cần giảm thuế quan để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Ấn Độ. Việt Nam cũng cần đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu để mở rộng sang thị trường Ấn Độ. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam hiện chủ yếu tập trung vào khoáng sản, sản phẩm hóa học, sản phẩm rau màu và máy móc. Việt Nam có tiềm năng để gia tăng số lượng sản phẩm vào “giỏ hàng hóa xuất khẩu” này.

Trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt du lịch tâm linh và văn hóa, Việt Nam khuyến khích các công ty của Ấn Độ mở chi nhánh, các văn phòng đại diện để thúc đẩy các hoạt động kinh tế trong lĩnh vực này. Các lĩnh vực dầu khí, phát triển điện, hạ tầng, du lịch, dệt may, giày dép, y tế, dược phẩm, công nghệ thông tin, điện tử, nông nghiệp, hóa chất, công cụ máy móc được hai nước coi là những lĩnh vực ưu tiên hợp tác giữa hai nước. Lĩnh vực khai thác dầu khí đang được hai nước quan tâm đặc biệt.

Ấn Độ hiện nay nằm trong số 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và kim ngạch hai chiều giữa 2 nước đã đạt 8 tỷ USD trong năm 2015, dự kiến tăng lên 15 tỷ USD vào năm 2020. Đây là một triển vọng rất tươi sáng mà nhân dân hai nước cần đẩy mạnh hợp tác nhiều hơn nữa. Chúng tôi tin tưởng một tương lai hợp tác sang lạn giữa Việt Nam và Ấn Độ./.

* Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn:

Cùng chuyên mục