Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Thương mại điện tử Ấn Độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới

Thương mại điện tử Ấn Độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới

Với doanh thu bán lẻ trực tuyến năm 2016 là 681 tỷ USD, Trung Quốc là thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, tiếp theo là Hoa Kỳ nhưng Ấn Độ lại là nước có tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh nhất.

06:40 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Chúng ta hiện đang sống trong một thế giới nơi mà các cuộc giao tiếp thường được thực hiện thông qua điện thoại di động nhiều hơn là hình thức trực tiếp mặt đối mặt. Mọi người liên lạc với nhau, mua sắm, đặt hàng,… tất cả đều được thực hiện bằng điện thoại smartphone.

Và thực tế này đang ngày càng lan rộng hơn. Theo một nghiên cứu mới của công ty Forrester Research, tính đến năm 2021 tại châu Á – Thái Bình Dương, gần 1/5 tổng số sản phẩm bán lẻ sẽ được thực hiện trực tuyến, với 78% giao dịch đó sẽ thực hiện qua điện thoại, tăng so với 63% vào năm 2016. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, bán lẻ trực tuyến qua điện thoại sẽ tăng với một tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) 15,6% mỗi năm, từ 539 tỷ USD năm 2016 lên 1000 tỷ USD năm 2020. 

Tại sao lại tập trung vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương? Theo Forrester, khu vực này tiếp tục là khu vực bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới. Số liệu của họ cho thấy, với 681 tỷ USD doanh thu bán lẻ trực tuyến năm 2016, Trung Quốc vẫn là thị trường thương mại điện tử toàn cầu lớn nhất, tiếp theo là Mỹ; nhưng Ấn Độ mới là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất thế giới.

Trung Quốc và Ấn Độ?

Trung Quốc chiếm gần 80% doanh số bán lẻ trực tuyến tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, và Forrester dự đoán nó sẽ trở thành thị trường đầu tiên đạt doanh thu bán lẻ trực tuyến lên tới 1000 tỷ USD vào năm 2020. Hơn 19% tổng doanh số bán lẻ ở Trung Quốc diễn ra trực tuyến, và nó sẽ đạt 24% vào năm 2021.

Thị trường Ấn Độ dự tính đạt 64 tỷ USD vào năm 2021, tăng với mức tăng trưởng kép trong 5 năm là 31,2%.

Nhưng chuyên gia phân tích của Forrester Research, Satish Meena, đã đưa ra cảnh báo, Ấn Độ sẽ phải mất hơn 10 năm để đạt đến cấp độ thị trường trực tuyến của Mỹ và Trung Quốc. Ông cho biết, “Khoảng 70% dân số Ấn Độ vẫn sống trong các thành phố thứ ba (dưới 1 triệu người) và thấp hơn thế. Các khách hàng của chúng ta thì khác: Họ sẽ phát triển theo tốc độ riêng của họ, trong vòng 10 năm tới với mức thu nhập khả dĩ hơn”. Ông còn nói thêm rằng, Trung Quốc hiện đang có một thị trường chín muồi. 

Ông Satish còn phân tích: “Nếu so sánh thì sự thâm nhập của internet và thương mại điện tử vẫn còn rất nhỏ tại Ấn Độ. Điều này cũng tương tự với dân số cũng như doanh thu bán lẻ. Vì vậy, việc so sánh Trung Quốc và Ấn Độ là không công bằng. Chúng ta sẽ không phát triển đủ nhanh để vượt qua Trung Quốc”.

Tuy nhiên vẫn có hy vọng

Ấn Độ có những điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại điện tử. Tại Trung Quốc, Alibaba đã cất cánh vào những năm 2000, khi mà kinh tế toàn cầu đang không ở đỉnh cao. Trong khi đó, phải sau năm 2010 thì Ấn Độ mới bắt đầu gia nhập thị trường thương mại này, khi mà GDP cho thấy một sự tăng trưởng bền vững và thu nhâp của người dân đang tăng lên.

Theo ông Satish, khi nói đến thương mại điện tử, tất cả các nước đều theo con đường tương tự nhưng ở tốc độ khác nhau. Họ bước vào kênh trực tuyến thông qua phương tiện và nội dung truyền thông xã hội, tiếp theo là mua sách và âm nhạc.

Ông cho rằng, “Ở Ấn Độ, mọi người bắt đầu chi tiêu thoải mái vào quần áo và giày dép hơn. Tuy nhiên, đó còn là do sự thúc đẩy nhân tạo với COD (thanh toán bằng tiền mặt), các chính sách hoàn trả không cần hỏi, và quan trọng nhất là các đầu tư mạo hiểm mạnh mẽ vào thương mại điện tử ở đây". Trong khi đó, Amazon lại không có những đầu tư như thế tại Mỹ vào những năm 1990.

Khách hàng thành thục

Quần áo hiện nay là loại mặt hàng lớn nhất sử dụng hình thức bán lẻ trực tuyến trên toàn thế giới. Tiếp theo đó là các sản phẩm điện tử tiêu dùng và phần cứng máy tính. Tuy nhiên, các sản phẩm tạp hóa, mỹ phẩm và làm đẹp, đồ gia dụng và đồ đạc lại là những ngành hàng tăng trưởng nhanh nhất, thể hiện sự trưởng thành ngày càng tăng của mua sắm trực tuyến khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, độ chín của ngành này lại chưa thể hiện trên phương diện thanh toán. Đa số những người mua sắm trực tuyến ở Ấn Độ lại thích hình thức trả tiền trực tiếp (CoD) hơn là thông qua dịch vụ trả tiền trực tuyến – mặc dù lệnh cấm tiền tệ gần đây đã khiến hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhưng ông Satish tin rằng, sự gia tăng trong thanh toán số sẽ không còn xa nữa với quốc gia Nam Á này. Ông nói, “Để mua những món hàng chất lượng có giá khuyến mại, người tiêu dùng bắt buộc phải sử dụng duy nhất hình thức thanh toán online. Đây là những người hầu hết sử dụng phương thức chuyển tiền ngân hàng trực tuyến, nhưng phần còn lại những người mua sắm trực tuyến thì không muốn chuyển theo hướng này. Trong 4 năm tới, ít nhất 100 triệu người sử dụng sẽ mua sắm trực tuyến, các công ty thương mại điện tử sẽ phải thu hút họ thông qua CoD”.

Hiểu về khách hàng của bạn

Cơ sở khách hàng ở Ấn Độ không đồng nhất: một số trong số họ cảm thấy thoải mái khi thanh toán trực tuyến vì họ đã mua hàng trực tuyến trong 5-6 năm. Họ muốn tận hưởng trải nghiệm tốt nhất dành cho khách hàng - bao gồm giao hàng nhanh chóng nếu không giảm giá mạnh. Bên cạnh đó, có những khách hàng săn hàng giảm giá, tìm kiếm hoặc mua các sản phẩm rẻ hơn; họ không quan tâm đến việc giao hàng nhanh. Họ không trung thành với công ty nào và lựa chọn những nơi mà họ nhận được giảm giá tốt nhất. Do đó, các nhà kinh doanh thương mại điện tử ở Ấn Độ sẽ phải theo đuổi nhiều đối tượng khách hàng với những mong muốn khác nhau.

Ông Satish nói: "Hiện tại, Amazon là mô hình tốt. Một khi Flipkart và Snapdeal tăng ngân sách, họ sẽ phát huy được nhiều hơn mà cần giảm giá lớn. Vẫn còn quá sớm để khẳng định lợi nhuận. Chỉ có một thị trường lớn mới có thể mang lại lợi nhuận ". Ông còn cho rằng, mặc dù hiện tại có những hạn chế về mặt pháp luật, nhưng chính phủ sẽ tiếp tục mở rộng lĩnh vực bán lẻ. Ấn Độ hiện không cho phép đầu tư FDI vào các mô hình bán lẻ trực tuyến hàng tồn kho. Cục Chính sách và xúc tiến công nghiệp của Ấn Độ (DIPP) cũng hạn chế các công ty thương mại điện tử không được kiếm nhiều hơn 25% doanh thu từ một nhà cung cấp.

Ngành thương mại điện tử của Ấn Độ sẽ phát triển hơn nếu gặp ít rào cản và va chạm. Tuy nhiên, chắc chắn một điều là nó vẫn đang tiến về phía trước.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ dịch

Nguồn: https://yourstory.com/2017/02/e-commerce-forrester-research/

Nguồn:

Cùng chuyên mục