Tiềm năng, triển vọng hợp tác phát triển an ninh năng lượng Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực công nghiệp xi măng
Tiềm năng, triển vọng hợp tác phát triển
an ninh năng lượng Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực công nghiệp xi măng(*)
TS Nguyễn Quang Cung*
Summary
This report is generated by Dr. Nguyen Quang Cung, the President of Vietnam Cement Association (VNCA) in May 2019. It analyses the use of alternative resources as the additional essences for clinker burning process in cement production. The alternative resources may include industrial, domestic and medical wastes. The report also discusses the prospects of nano cement production, which would help to increase the strength of cement to 150%, reduce the volume of clinker, save more fuels, energies and mineral resources. The cement production industry of India has been implementing many advanced technologies to save energy. At the forum, the President of VNCA would like to further discuss and experience exchange with Indian partners about the methods to save the energy for cement production.
*******
Kính thưa các quý vị!
Trước hết thay mặt Hiệp hội Xi măng Việt Nam, tôi hoan nghênh sáng kiến tổ chức hội thảo quốc tế “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ về an ninh năng lượng trong bối cảnh mới”. Năng lượng, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu ô nhiễm môi trường thông qua tiết kiệm năng lượng là những vấn đề mà xi măng Việt Nam đang rất quan tâm.
Tính đến hết năm 2018, Việt Nam có 82 dây chuyền sản xuất xi măng bằng công nghệ lò quay phương pháp khô, với tổng công suất thiết kế 99 triệu tấn xi măng/năm. Thực tế năng lực sản xuất có thể đạt 113 triệu tấn. Việt Nam là nước có sản lượng xi măng đứng thứ 3, thứ 4 thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ, là nước xuất khẩu xi măng lớn nhất thế giới. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 32 triệu tấn xi măng, clinker. Xi măng Việt Nam đến với hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong hơn một thập kỷ qua, với sự cố gắng của nhà nước và doanh nghiệp, xi măng Việt Nam đã đầu tư, cải tạo, xóa bỏ các công nghệ lạc hậu, áp dụng các công nghệ tiên tiến. Như nhiều nước khác trên thế giới, Việt Nam xác định con đường phát triển xi măng theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, giảm sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, tăng cường sử dụng rác thải, phế thải công nghiệp, nông nghiệp, giao thông làm nhiên liệu, nguyên liệu thay thế. Theo con đường đó, xi măng Việt Nam cũng đã gặt hái được một số thành công, đã giảm được hàm lượng clinker trong xi măng từ 80 - 85% xuống trung bình khoảng 70%, một số dây chuyền sản xuất đã giảm xuống còn 60 - 50%. Việc sử dụng nhiệt khí thải để phát điện (WHR) đã được thực hiện trên 14 dây chuyền, tạo ra công suất điện tái tạo trên dưới 100 MW, thu giữ và sử dụng lại một lượng lớn bụi giảm phát thải ra môi trường, giảm đáng kể nhiệt độ khí thải ra môi trường. Nhiều dây chuyền sản xuất xi măng đã sử dụng tro, xỉ nhiệt điện, xỉ luyện kim làm nguyên liệu thay thế nguyên liệu từ tài nguyên khoáng sản, sử dụng rác thải công nghiệp, rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt, rác thải độc hại để làm nhiên liệu thay thế.
Tuy nhiên các kết quả đạt được còn kém xa so với yêu cầu và tiềm năng.
Hiện nay, xi măng Việt Nam vẫn là xi măng cacbon cao, phát thải trung bình toàn ngành vào khoảng 0,75T CO2/T xi măng, cần giảm xuống 0,50, thậm chí xuống 0,35T CO2/T xi măng vào năm 2050. Trong số hơn 40 dây chuyền sản xuất xi măng có thể lắp hệ thống phát điện từ nhiệt khí thải (WHR) thì đến năm 2021 sẽ phải lắp đặt thêm 26 dây chuyền, tạo thêm nguồn năng lượng tái tạo khoảng 200MW thay thế cho nguồn điện được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch. Với sản lượng trên 100 triệu tấn xi măng, hàng năm có thể sử dụng trên dưới 20 triệu tấn tro xỉ nhiệt điện, xỉ hạt lò cao thay thế nguyên liệu từ khoáng sản tự nhiên, giảm lượng clinker sản xuất, giảm chi phí năng lượng nung đốt tạo clinker, giảm tiêu hao nhiên liệu hóa thạch, giảm CO2 thải ra môi trường. Nhu cầu sử dụng chất đốt từ phế thải lốp xe từ ngành giao thông, phế thải từ ngành nông nghiệp, công nghiệp giấy, dệt may, rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, … có thể giúp cho xi măng giảm giá thành sản xuất, hàng năm có thể sử dụng được hàng chục triệu tấn, giải quyết tốt vấn đề môi trường. Ngoài việc sử dụng rác thải, phế thải, làm nhiên liệu, hiện nay, có thể sử dụng phụ gia trợ cháy trong công nghệ nung đốt clinker. Với giải pháp này có thể giảm 3-5% lượng than sử dụng để nung đốt, giảm khối lượng lớn than cho một ngành xi măng 100 triệu tấn hiện nay của Việt Nam. Mặt khác, nếu Việt Nam đầu tư phát triển mạnh chủng loại xi măng nano thì cường độ xi măng sẽ tăng đến 150%, có thể giảm được lượng clinker cần sản xuất, sẽ tạo ra nhiều xi măng cacbon thấp, tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng và khoáng sản. Cần phải khẳng định rằng, những việc ngành xi măng Việt Nam đang làm và sẽ tiến hành trong các năm tiếp theo, như đã nêu ở trên không chỉ vì sức ép từ môi trường, từ nhu cầu về giảm tiêu hao năng lượng, sử dụng nhiên liệu, năng lượng thay thế, bảo vệ môi trường mà còn là việc làm mang lại hiệu quả kinh tế, môi trường và công nghệ của ngành.
Về tổng thể, hiện nay, xi măng Việt Nam vẫn là xi măng có chỉ tiêu tiêu hao nhiệt để nung clinker còn cao, chi phí năng lượng nghiền nguyên liệu, nghiền xi măng vẫn còn cao. Các chỉ tiêu này cần được tiếp tục giảm xuống để tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả kinh tế. Tiềm năng phát triển của xi măng Việt Nam còn rất lớn. Việt Nam đang rất cần nhiều xi măng cho xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, đường sá, cầu cống, sân bay, bến cảng, giao thông nổi, giao thông ngầm, cần nhiều loại xi măng đặc biệt rất phù hợp với việc sử dụng các loại phế thải. Việt Nam có thể tiếp nhận triển khai có hiệu quả việc đầu tư năng lượng tái tạo, có nguồn phế thải tro, xỉ nhiệt điện, xỉ hạt lò cao rất lớn. Nguồn phế thải từ ngành giao thông như lốp xe, dầu cặn rất nhiều và ngày càng nhiều, phế thải từ nông nghiệp như vỏ dừa, vỏ hạt điều, vỏ trấu …, các loại phế thải từ ngành dệt may và rác thải sinh hoạt, rác thải y tế rất lớn. Nguồn bùn lắng các dòng sông cũng rất lớn có thể sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu cho công nghiệp xi măng. Nếu trong những năm tới, xi măng Việt Nam thay thế được khoảng 10 % nhiên liệu hóa thạch thì sẽ tiêu thụ được một khối lượng rác thải, phế thải rất lớn.
Tuy nhiên hiện nay xi măng Việt Nam còn có một số khó khăn. Đó là việc xử lý sử dụng các loại rác thải khác nhau cần công nghệ khác nhau. Nguồn rác thải, phế thải chưa được tập hợp, chế biến đảm bảo chất lượng ổn định, nguồn cung ổn định và giá cả ổn định, cơ chế, chính sách nhà nước cần rõ ràng phù hợp hơn.
Những vấn đề nêu trên là những vấn đề rất cốt lõi nhằm đưa xi măng Việt Nam trở thành một ngành kinh tế công nghiệp hiện đại, tiêu thụ năng lượng thấp. Đồng thời, những vấn đề nêu trên thể hiện nhu cầu phát triển xi măng Việt Nam không chỉ lớn về khối lượng mà rất cần đến các vấn đề giảm tiêu hao năng lượng, an toàn năng lượng, là tiềm năng cho đầu tư phát triển.
Được biết, Ấn Độ là một quốc gia có công nghiệp xi măng đứng thứ hai thế giới về công suất. Công nghiệp xi măng Ấn Độ đã và đang áp dụng nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến, giảm tiêu hao năng lượng. Có một số nhà máy đã đạt tiêu hao nhiệt năng 675Kcal/kg clinker, tiêu hao điện 73KWh/T xi măng OPC, nhờ đó giảm phát thải CO2 xuống còn 0,719T CO2/T xi măng. Ấn Độ đang thực hiện lộ trình công nghệ cacbon thấp do chương trình sáng kiến phát triển bề vững xi măng (CSI), theo đó trong tương lai phát thải CO2 của xi măng Ấn Độ sẽ giảm xuống 0,58T CO2/T xi măng vào năm 2020 và 0,35T CO2/T xi măng vào năm 2050. Ngành xi măng Ấn Độ cũng đã giảm sử dụng năng lượng hóa thạch khoảng 200MW nhờ phát điện nhiệt khí thải (WHR).
Xi măng Ấn Độ cũng đạt được nhiều kết quả trong nghiên cứu, xác lập các biện pháp tối ưu sử dụng chất thải công nghiệp, nông nghiệp, chất thải sinh hoạt để sản xuất xi măng.
Nhìn chung, Ấn Độ là nước có nhiều tiềm năng trong việc áp dụng các giải pháp công nghệ để giảm tiêu hao năng lượng trong ngành sản xuất xi măng. Đó là điều kiện rất tốt để có thể hợp tác với xi măng Việt Nam để giải quyết vấn đề an ninh năng lượng, giảm tiêu hao năng lượng trong sản xuất xi măng, nâng cao hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, môi trường.
Tôi tin tưởng những vấn đề được nêu ra trao đổi hôm nay sẽ là bước khởi đầu thuận lợi, hứa hẹn mang lại hiệu quả thiết thực trong việc hợp tác giữa hai ngành của hai nước; trong việc việc tiêu thụ và tiết kiệm năng lượng, an ninh năng lượng của hai nước nói riêng, và hợp tác phát triển giữa hai quốc gia nói chung.
Xin trân trọng cám ơn!
* Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam - President of Vietnam Cement Association (VNCA).
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục