Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tìm hiểu các Đảng Cộng Sản tại một số quốc gia trong khu vực Nam Á

Tìm hiểu các Đảng Cộng Sản tại một số quốc gia trong khu vực Nam Á

03:51 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nam Á (còn gọi là tiểu lục địa Ấn Độ) là thuật ngữ dùng để chỉ khu vực miền nam của châu Á, gồm các quốc gia vùng hạ Himalaya và lân cận. Về mặt địa hình, mảng Ấn Độ chi phối Nam Á, nằm về phía nam dãy Himalaya và Hindu Kush. Nam Á có Ấn Độ Dương bao quanh ở phía nam, trên đất liền giáp với Tây ÁTrung ÁĐông Á và Đông Nam Á. Nam Á bao gồm Afghanistan, Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Maldives, Nepal, Pakistan và Sri Lanka. Nam Á có diện tích khoảng 5,2 triệu km², chiếm 11,71% diện tích châu Á và chiếm 3,5% diện tích bề mặt đất liền của Trái Đất. Dân số Nam Á là khoảng 1,749 tỉ người vào năm 2013, chiếm khoảng một phần tư dân số thế giới, và đây là khu vực địa lý đông dân nhất cũng như có mật độ dân số cao nhất trên thế giới. Về tổng thể, Nam Á chiếm khoảng 39,49% dân số châu Á, hơn 24% dân số thế giới, và có nhiều dân tộc.

Hầu hết các quốc gia Nam Á có hệ thống chính trị đa đảng, trong đó mỗi quốc gia đều có Đảng Cộng Sản. Có những quốc gia có đa đảng Cộng Sản, như Ấn Độ có hai Đảng Cộng Sản. Có những quốc gia Đảng Cộng Sản lên cầm quyền điều hành đất nước trong thời gian gần đây, như tại Nepal; hay Đảng Cộng Sản lên cầm quyền ở cấp bang suốt từ khi thành lập nhà nước đến nay, như tại bang Kerala, miền Nam Ấn Độ. Nhìn chung, các Đảng Cộng Sản này đề có thiện chí đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam, đối với đất nước và con người Việt Nam, thể hiện qua những chuyến thăm viếng của các lãnh đạo đảng tới Việt Nam và sự hợp tác thân thiện, có hiệu quả với các cơ quan, tổ chức, cá nhân đại diện của Việt Nam.

Văn hóa chính trị là một hệ giá trị văn hóa được con người lựa chọn tiếp nhận và biểu hiện ra trong quá trình hoạt động chính trị. Trước hết, đó là trình độ giác ngộ khoa học về chính trị, tức là sự nắm vững các tri thức, giúp con người nhận thức đúng bản chất của lợi ích và quyền lực chính trị, biết phân biệt sự khác nhau, động cơ, thái độ và hành vi trong hoạt động chính trị. Sự giác ngộ về văn hóa chính trị được hình thành từ hai nguồn tri thức khoa học lý luận và từ kinh nghiệm thực tiễn. Cần hiểu văn hóa chính trị là chất lượng tổng hợp của tri thức và kinh nghiệm hoạt động chính trị, là tình cảm và niềm tin chính trị của mỗi cá nhân tạo thành ý thức chính trị, động cơ thúc đẩy họ vươn tới những hành động chính trị một cách tự giác phù hợp với lý tưởng chính trị của xã hội.

Việc tìm hiểu các Đảng Cộng Sản ở khu vực Nam Á, cụ thể là tìm hiểu văn hóa chính trị của các đảng này, có ý nghĩa lớn trong việc thể hiện tình đoàn kết quốc tế giữa Đảng Cộng Sản Việt Nam với các Đảng Cộng Sản trên thế giới, tạo điều kiện cho việc xây dựng mối thiện cảm, tương trợ lẫn nhau giữa các tổ chức đảng Cộng Sản, thúc đẩy sự hợp tác đi vào thực chất, mang lại cuộc sống hòa bình, ổn định cho nhân dân và sự phát triển mạnh hơn trong đảng.

Tại Ấn Độ

Ấn Độ hiện còn hai Đảng Cộng Sản là Đảng Cộng Sản Ấn Độ CPI, và Đảng Cộng Sản Marxist Ấn Độ CPI(M). Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI) là một đảng chính trị quốc gia ở Ấn Độ. Trong phong trào cộng sản Ấn Độ, có quan điểm khác nhau về thời điểm chính xác về thời gian Đảng cộng sản Ấn Độ được thành lập. Ngày được duy trì là ngày thành lập của CPI là 26 tháng 12 năm 1925. Đảng Cộng sản Ấn Độ (Marxist) (Communist Party of India (Marxist), viết tắt CPI (M)) là một đảng chính trị cộng sản ở Ấn Độ theo triết lý của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đây là một trong những đảng quốc gia của Ấn Độ. Đảng này hình thành sau khi tách ra khỏi Đảng Cộng sản Ấn Độ vào năm 1964. CPI (M) được hình thành tại Calcutta. Kể từ năm 2018, CPI (M) thắng trong nhiều cuộc bầu cử chính quyền cấp địa phương và hiện đang nắm chính quyền ở bang Kerala, và có đại diện trong các hội đồng lập pháp ở các bang KeralaTây BengalTripurati, RajasthanHimachal PradeshOdisha và Maharashtra. Sau khi rút sự ủng hộ Chính phủ liên minh do Đảng Quốc đại Ấn Độ đứng đầu, số ghế mà CPI và CPI-M giành được tại Quốc hội giảm đáng kể. 

Ấn Độ quản lý đất nước theo kiểu phân quyền, mỗi bang được chọn chính quyền riêng, theo xu hướng chính trị khác nhau. Điều đặc biệt, có một bang do Đảng Cộng Sản lãnh đạo. Đó là bang Kerala, có 35 triệu dân. Đảng cộng sản Kerala lên nắm chính quyền từ năm 1957. Đây là mảnh đất phì nhiêu vùng Tây Nam Ấn Độ, có gần 600 km bờ biển nhìn ra biển A-rập, theo đạo Phật gốc từ xa xưa vẫn mộ đạo đến ngày nay, chuộng từ bi hỷ xả, cứu nhân độ thế thành nếp sống và nếp tư duy văn hóa cao quý.

Hai định hướng quan trọng, Đảng cộng sản Kerala tập trung lãnh đạo khi lên nắm chính quyền là: Thứ nhất, Giáo dục phát triển từ mầm non đến đại học, trên đại học. Kết quả từ năm 1957 đến nay, Kerala luôn dẫn đầu về giáo dục và là bang có trình độ giáo dục cao nhất Ấn Độ (96%), văn minh nhất & cởi mở nhất với LGBT, nữ quyền, bình đẳng giới. Thứ hai, xã hội chăm lo sức khỏe cho toàn dân một cách bình đẳng, rộng rãi, có chất lượng cao nhất, không mất tiền.

Về kinh tế tuy không đứng nhất nhưng theo thống kê chung toàn Ấn Độ, Kerala là bang mũi nhọn, thuộc top bang thịnh vượng, tỉ lệ đói nghèo thấp nhất nước (7%, so với 21% trung bình cả nước). Kerala còn là bang sản xuất hồ tiêu và cao su quan trọng của Ấn Độ. Cùng với hoạt động khai thác thủy sản nhờ đường bờ biển dài gần 600 km, thì dừa, chè, cà phê, hạt điều và các loại gia vị chiếm vai trò lớn trong nền nông nghiệp của bang. Kerala có ngành truyền thông phát triển với các đầu báo phát hành bằng 9 thứ tiếng, chủ yếu là tiếng Anh và tiếng Malayalam. Kerala cũng là địa điểm du lịch nổi tiếng của Ấn Độ với những hồ nước, đầm phá, bãi biển đẹp, cảnh quan nhiệt đới xanh tươi và hình thức du lịch chữa bệnh bằng y học cổ truyền Ấn Độ.

Kerala là bang cực Nam của Ấn Độ hiện là bang duy nhất tại Ấn Độ do Đảng Cộng sản (CPI – M) lãnh đạo. Kerala có 580 km bờ biển, khí hậu ôn hòa với nhiệt độ trong năm từ 20 đến 32oC. Với vị trí địa lý và khí hậu thuận lợi, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là thế mạnh và trụ cột kinh tế của bang. Các cây trồng chính của Kerala là cao su (chiếm trên 50% sản lượng cao su của Ấn Độ), cà phê và chè, hạt điều, dừa, gừng và hạt tiêu. Kerala cung cấp các loại gỗ có giá trị như gỗ mun, gỗ trắc và gỗ tếch; tre, bột gỗ, than củi, gôm và nhựa; đứng đầu về sản lượng thủy sản của Ấn Độ.

Tại cuộc hội thảo do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức vào tháng 11/2021, Thủ hiến bang Kerala khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục với Việt Nam để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam Ấn Độ, đặc biệt trong dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và mông muốn được đón lãnh đạo Việt Nam thăm bang Kerala trong chuyến thăm Ấn Độ.  Đại sứ Phạm Sanh Châu cám ơn sự đón tiếp trọng thị của Thủ hiến bang và cho biết sẽ chỉ đạo các bộ chức năng trong sứ quán thành lập các nhóm công tác phối hợp với các cơ quan trong nước, cơ quan chức năng của bang Kerala để thúc đẩy, hỗ trợ và hiện thực hóa các kiến nghị, đề xuất đưa ra trong buổi hội thảo.

Tại Nepal

Trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017, không ai ở Nepal tin rằng, những người cộng sản sẽ có thể nắm được quyền lực và sẽ chứng tỏ là một lực lượng không có đối thủ. Vì vậy, khá bất ngờ khi liên minh giữa Đảng Cộng sản Nepal - Chủ nghĩa Mác-Lê-nin thống nhất (CPN-UML), do ông KP Sharma Oli lãnh đạo, và Đảng Cộng sản Nepal – Theo chủ nghĩa Mao (CPN-MC), do ông Pushpa Kamal Dahal lãnh đạo, đã giành được gần hai phần ba (64%) số ghế tại Hạ viện thuộc Quốc hội Nepal (HoR) gồm 275 nghị sĩ. Những người cộng sản đã củng cố sức mạnh hơn nữa sau khi hai đảng cộng sản lớn - CPN-UML và CPN-MC - hợp nhất để thành lập một đảng mới, Đảng Cộng sản Nepal (NCP), vào tháng 5/2018.

Những người cộng sản không chỉ thành lập được chính quyền ở cấp liên bang mà còn ở sáu trong số bảy tỉnh trên toàn quốc và ở phần lớn trong số 753 cơ quan chính quyền địa phương, các hội đồng làng và thành phố. Nhờ chiến thắng chưa từng có của Đảng Cộng Sản trong các cuộc bầu cử, KP Sharma Oli đã nổi lên như một trong những Thủ tướng có uy tín mạnh nhất của Nepal, xếp ngang hàng với Thủ tướng Jung Bahadur Rana (1846-1877) và Thủ tướng BP Koirala (1950 -1960).

Tuy nhiên, có một điều trớ trêu là lãnh đạo của NCP, KP Sharma Oli, bị mất uy tín chỉ trong vòng ba năm rưỡi, mặc dù ông có nhiệm vụ điều hành chính phủ trong 5 năm. Điều này đã được xác nhận sau khi Tòa án tối cao của Nepal, trong phán quyết lịch sử vào đầu tháng 7/2021, bổ nhiệm Sher Bahadur Deuba, lãnh đạo Đảng Quốc hội Nepal, làm Thủ tướng của đất nước Nepal và tái thiết Quốc hội đã bị ông Oli giải tán vào tháng 5/2021.

Theo hiến pháp Nepal, ông Sher Bahadur Deuba tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng vào ngày 13/7/2021. Ngay sau đó, ông cũng giành được phiếu tín nhiệm trong Quốc hội gồm 271 thành viên vào ngày 18/7/2021. Mặc dù ông chỉ cần sự ủng hộ của 138 nghị sĩ trong Quốc hội, nhưng có tới 165 nghị sĩ đã bỏ phiếu cho ông, và chỉ có 83 nghị sĩ bỏ phiếu cho Oli. Khi bỏ phiếu tín nhiệm, ngoài 61 nghị sĩ của Quốc hội Nepal, 48 nghị sĩ của Đảng CPN-MC, 32 nghị sĩ của Đảng Janata Samajbadi, 22 nghị sĩ của Madhav Kumar thuộc phái CPN-UML, 8 nghị sĩ thuộc nhóm trung thành với ông Oli, và 3 nghị sĩ độc lập cũng bỏ phiếu cho Deuba.

Một trong những yếu tố chính dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền cộng sản ở Nepal là quyền lực tuyệt đối mà KP Sharma Oli được hưởng do ông nắm giữ đảng, chính quyền cấp Trung ương, chính quyền cấp tỉnh và các cơ quan địa phương. Sau khi trở thành Thủ tướng Nepal vào năm 2018, ông Oil đã tập trung mọi quyền lực vào tay mình bằng cách đưa các cơ quan bảo hiến trở thành các đơn vị trực thuộc Văn phòng Thủ tướng. Mặc dù đã có sự thỏa thuận giữa Thủ tướng Oli và cựu Thủ tướng Pushpa Kamal Dahal, là hai đồng chủ tịch của NCP, để mỗi người được đứng đầu chính phủ trong hai năm rưỡi, nhưng Thủ tướng Oli vẫn từ chối bàn giao ghế cho cựu Thủ tướng Pushpa khi kết thúc thời gian làm Thủ tướng như trong thỏa thuận.

Do đó, trong cuộc tranh giành quyền lực tối cao trong NCP, cựu Thủ tướng Dahal đã thành lập một số nhóm liên minh không chính thức với một nhà lãnh đạo quyền lực khác trong đảng, cựu Thủ tướng Madhav Kumar Nepal, để loại Oli khỏi ghế Thủ tướng. Chủ nghĩa bè phái ngày càng gia tăng trong Đảng NCP, mặt khác là nạn tham nhũng ở tất cả các cấp chính quyền đã làm xói mòn hình ảnh của chính quyền. Trong bối cảnh đó, vụ chia tách NCP quan trọng nhất đã xảy ra khi Tòa án tối cao ra phán quyết rằng, việc hợp nhất giữa CPN-UML và CPN-MC vào tháng 5/2018 là không hợp pháp. Sau phán quyết này, hai phe của các Đảng Cộng sản - CPN-UML do Oli lãnh đạo và CPN-MC do Dahal lãnh đạo - đã phục hồi tình trạng như trước khi sáp nhập và lại là hai đảng chính trị riêng biệt.

Tuy nhiên, chủ nghĩa bè phái trong CPN-UML vẫn chưa dừng lại. Một lãnh đạo cấp cao của đảng này, Madhav Kumar Nepal, cảm thấy như thể ông đã bị phân biệt đối xử trong đảng khi những người thân tín của ông bị gạt ra ngoài lề trong các vị trí quyền lực của đảng. Lợi dụng tình hình này, Thủ tướng Sher Bahadur Deuba đã cố gắng làm suy yếu đảng đối lập CPN-UML. Ông đã đưa ra một sắc lệnh cho phép bất kỳ phe phái nào trong các đảng phái chính trị có thể tách ra thành đảng riêng nếu có được sư ủng hộ của tối thiểu 20% thành viên của đảng Nghị viện hoặc trong Ủy ban Trung ương.

Trước đó, bất kỳ phe phái nào trong một đảng chính trị phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất 40% thành viên của đảng Nghị viện và trong Ủy ban Trung ương mới có thể tách ra thành đảng riêng. Vì vậy, việc chia tách đảng trước đây là khó, nhưng việc này đã trở nên dễ dàng hơn nhiều sau khi sắc lệnh mới có hiệu lực. Theo quy định của sắc lệnh này, phe do Madhav Kumar Nepal đứng đầu trong CPN-UML đã đăng ký thành lập một đảng mới - CPN (Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất) - với Ủy ban Bầu cử vào ngày 26/8/2021, với sự ủng hộ của 29 nghị sĩ và 55 thành viên Ủy ban Trung ương.

Nếu không có sự chia rẽ trong nội bộ Đảng Cộng Sản Nepal NCP, thì Đảng đã có thể nắm chính quyền trong thời gian dài. Nhưng do sự khác biệt trong nọi bộ, họ đã đánh mất chính quyền Trung ương và tiếp tục bị phân tán thành các đảng nhỏ hơn. Điều này chủ yếu là do cái tôi và chủ nghĩa bè phái tồn tại trong số các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, tổn thất lớn hơn đối với họ là họ đã đánh mất uy tín của người dân do không xử lý được tình trạng tham nhũng đang gia tăng ở các cấp chính quyền và không kiểm soát tốt tình hình đại dịch COVID-19 ngày càng trầm trọng. Họ rất ít quan tâm đến phúc lợi của người dân khi họ tham gia vào cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Với một số diễn biến như vậy, không thể loại trừ nội bộ các Đảng Cộng Sản sẽ còn chia rẽ thêm nữa. Sự chia rẽ như vậy trong khối Cộng sản đã làm suy yếu phong trào cộng sản trong nước của Nepal, trong Chính quyền và Quốc hội Nepal khi các cuộc bầu cử đang tới. Tuy nhiên, Nepal vốn đã khôi phục và ổn định chính trị trong thời gian dài, hiện có nguy cơ bất ổn chính trị vì khó có đảng chính trị nào có cơ hội giành được đa số trong cuộc bầu cử sắp tới.

Đối với Việt Nam, Đảng Cộng Sản Nepal, Nhà nước Nepal và Nhân dân Nepal luôn dành cho Đảng Cộng Sản Việt Nam, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam những tình cảm chân thành, sự ủng hộ tích cực cả trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước trước đây cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đặc biệt, ngày 15/5/1975, sau khi nước Việt Nam được thống nhất, Việt Nam và Nepal đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó đến nay, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước không ngừng được củng cố, tăng cường và phát triển trên tất cả các lĩnh vực, nhất là chính trị-ngoại giao và kinh tế-thương mại.

Trong chuyến thăm Việt Nam, tháng 5/2019, Bí thư Đảng Cộng Sản Nepal, Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli đã có chuyến thăm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Phát biểu tại buổi lễ đón tiếp, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện nói: “Việt Nam và Nepal - hai quốc gia đang phát triển ở châu Á, chia sẻ nhiều điểm tương đồng về vai trò của đảng cầm quyền, về văn hóa và lịch sử, mối quan tâm chung về hòa bình, phát triển và thịnh vượng ở khu vực và thế giới. Cá nhân ngài Thủ tướng cũng như Đảng cầm quyền và Nhân dân Nê-pan luôn dành cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam tình cảm chân thành, ấm áp, thắm tình hữu nghị, đặc biệt là tình cảm sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu cũng như Trường Đảng Cao cấp mang tên Người! Cuộc đến thăm Học viện hôm nay của ngài Thủ tướng là một bằng chứng sinh động cho tình cảm đó”.

Tại Sri Lanka:

Đảng Cộng Sản Sri Lanka đang tham gia trong liên minh cầm quyền. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Sri Lanka hiện nay là G. Weerasinghe. Đảng Cộng Sản Sri Lanka có mối quan hệ sâu sắc và thiện chí với Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam.

Đảng Lanka Sama Samaja cũng là một Đảng Cộng Sản hoạt động ở Sri Lanka.  Hòa thượng Baddegama Samitha Thero, Ủy viên Ban chấp hành Đảng Lanka Sama Samaja, đồng thời là Ủy viên Hội đoàn kết Sri Lanka - Việt Nam, đã sang thăm Việt Nam năm 2016 và diện kiến nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. Tháng 5/2021, Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka Hồ Thị Thanh Trúc cảm ơn các vị lãnh đạo Đảng Cộng sản Sri Lanka, Hội Đoàn kết Sri Lanka - Việt Nam, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, vẫn thu xếp dâng hoa, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ kính yêu không chỉ của nhân dân Việt Nam mà còn là lãnh tụ của phong trào giải phóng dân tộc khắp nơi trên thế giới, thể hiện tình cảm sâu sắc của nhân dân Sri Lanka đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung.

Tại Bangladesh:

Sự độc lập của Bangladesh vào năm 1971 đã mở ra một chương mới trong lịch sử của Đảng Cộng sản Bangladesh. Đảng bắt đầu hoạt động hợp pháp và công khai. Đảng thành lập Trung tâm Công đoàn nhằm mục đích vận động các tổ chức Công đoàn và các phong trào hoạt động theo đường lối cách mạng. Trong cuộc bầu cử năm 2018, Đảng Cộng Sản Bangladesh được 4 ghế tham gia cùng liên minh cầm quyền.

Trên đây là khái quát về 7 Đảng Cộng Sản tại 4 quốc gia Nam Á. Tuy các Đảng Cộng Sản này đã duy trì ảnh hưởng suốt nhiều thập kỷ qua, ngay cả đối với các đảng tham chính, số lượng đại biểu của đa phần các đảng này vẫn chỉ chiếm tỷ lệ thiểu số trong quốc hội. Thời gian cầm quyền của các đảng không ổn định, không lâu dài, một số đảng không giữ vững được quyền lãnh đạo hay duy trì sự hiện diện trong cơ cấu quyền lực đất nước. Sau những chấn động và thoái trào, nhiều đảng cộng sản, đảng công nhân đã bắt đầu khôi phục lại được vai trò, vị trí trong đời sống chính trị - xã hội các nước, biểu hiện qua những kết quả đáng khích lệ, quan trọng đạt được tại các cuộc bầu cử toàn quốc và địa phương. 

Đảng ta luôn đổi mới và sáng tạo trong mọi hoàn cảnh. Trước đây, chúng ta chỉ có mối quan hệ với các quốc gia cùng phe xã hội chủ nghĩa. Từ quan hệ hợp tác toàn diện với Liên Xô, với Lào và Campuchia, với các nước khác trong Hội đồng tương trợ kinh tế, đến nay, Việt Nam đã xác lập mối quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, là đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với gần 30 quốc gia. Đã đến lúc cần có nghiên cứu tổng hợp một cách có hệ thống về các Đảng Cộng Sản trên thế giới và hoàn cảnh, mức độ hoạt động, phạm vi ảnh hưởng của các đảng này, để từ đó có cách ứng xử, hợp tác phù hợp. Bài thu hoạch này tìm hiểu 7 Đảng Cộng Sản ở khu vực Nam Á, cùng với những hoạt động hợp tác giữa các đảng này với Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Tại cấp độ tiểu bang, Đảng Cộng Sản cầm quyền tại Kerala, Ấn Độ, là một ví dụ điển hình mối thiện cảm và lòng tin giữa Đảng Cộng Sản Ấn Độ đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam. Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, Phạm Sanh Châu khẳng định Việt Nam có vị trí đặc biệt trong trái tim Kerala, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ở trong tâm trí người Kerala. Nhấn mạnh Kerala luôn ở bên Việt Nam trong cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập của Việt Nam trước đây với khẩu hiệu 'Tomar naam aamar naam Vietnam' (‘Tên anh, tên tôi, Việt Nam’) cũng như trong công cuộc phát triển đất nước hiện nay, Thủ hiến Pinarayi Vijayan mong muốn hai bên tăng cường hợp tác, trao đổi giữa các ngành và giữa bang Kerala với các tỉnh, thành của Việt Nam, cho biết việc chia sẻ các kinh nghiệm thành công của Việt Nam trong nông nghiệp, thủy sản có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển tương lai của Kerala trong các lĩnh vực này.

Văn hóa chính trị của các Đảng Cộng Sản ở khu vực Nam Á rất gần gũi với văn hóa chính trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam, hướng tới đời sống ổn định, hòa bình, đoàn kết và phát triển. Hệ tư tưởng và lý luận trong các Đảng Cộng Sản ở Nam Á cũng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng, và một số bang cũng học tập tư tưởng Hồ Chí Minh. Đảng Cộng Sản đã xây dựng được uy tín cao và lên cầm quyền ở một số tiểu bang. Đây là cơ hội cho những nhà nghiên cứu lý luận của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, khái quát hóa thực tiễn, trao đổi đoàn, trao đổi các sản phẩm khoa học về Đảng Cộng Sản với các đối tác theo cộng sản và thân thiện với chủ nghĩa cộng sản ở khu vực Nam Á. 

Chú thích ảnh: Thủ tướng Nepal thăm và làm việc tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tháng 5/2019

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục