Tin tưởng quan hệ Ấn Độ - Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ
Tại Hội thảo khoa học quốc tế “Hợp tác phát triển Việt Nam, ASEAN - Ấn Độ: Thực trạng và triển vọng” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vừa tổ chức, hơn 100 đại biểu Việt Nam và Ấn Độ đã đi sâu phân tích và dự báo triển vọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược giữa hai nước. Xin trân trọng trích giới thiệu với bạn đọc ý kiến phát biểu của một số học giả và bạn bè Ấn Độ tại Hội thảo này.
Ông G.Sa-ma, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn - Việt bang Tây Ben-gan:
Bác Hồ - thần tượng của tôi !
Việt Nam và Hồ Chí Minh là hai cái tên nổi tiếng nhất và phổ biến trong nhân dân Ấn Độ. Hồ Chí Minh từng là tâm điểm trong giới nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động chính trị kể từ nửa sau của thế kỷ XX, nhất là từ giữa những năm 50 đến 70. Đây là giai đoạn có rất nhiều bài viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau của Ấn Độ về Hồ Chí Minh, nhất là ở Tây Ben-gan, nơi có nhiều tác phẩm thơ và bài viết ca ngợi Người. Thực tế, Việt Nam và Hồ Chí Minh đã trở thành cụm từ đồng nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người bạn vĩ đại của Ấn Độ. Quan hệ hữu nghị sâu sắc giữa Ấn Độ và Việt Nam do Thủ tướng Gia-oa-hác-lan Nê-ru và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng xây dựng vững chắc đã phát triển thông suốt đến ngày nay. Các chuyến thăm của Người tới Ấn Độ vào các năm 1946 và 1958 đã để lại nhiều dấu ấn không phai mờ và chạm tới trái tim của người Ấn Độ. Có thể học được rất nhiều từ kinh nghiệm của Hồ Chí Minh để thực hiện mục tiêu độc lập, tiến bộ và hòa bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại không còn, nhưng tư tưởng và triết lý của Người đã trở thành bất tử. Đó chính là di sản của nhân loại.
GS C.Nai-đu, ĐH Gia-oa-hác-lan Nê-ru:
Nhiều cơ hội lớn để thúc đẩy quan hệ song phương
Đánh giá quan hệ Ấn Độ - Việt Nam cần được xem xét trong bối cảnh những thay đổi lớn mà Đông Nam Á chứng kiến cả về an ninh và kinh tế. Chúng ta đều biết rõ, về lịch sử không có khu vực nào gây được sự chú ý đối với các cường quốc bên ngoài khu vực nhiều như Đông Nam Á vì hai lý do.
Một là, do vị trí địa chiến lược có hai đại dương của thế giới gặp nhau, là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Hai là, nhờ có nguồn tài nguyên khổng lồ. Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, sự cạnh tranh ảnh hưởng Đông Nam Á lại nổi lên, với sự trỗi dậy và khát vọng thể hiện vai trò và ảnh hưởng ngày càng lớn hơn của một số nước trong khu vực tương xứng sự phát triển của nền kinh tế cũng như tiềm năng của các nước đó.
Đông Nam Á vẫn là một điểm sáng trong những năm tới, và chuyển biến mạnh mẽ không chỉ vì mối quan hệ ràng buộc giữa Đông Nam Á và Đông Bắc Á đang được củng cố, mà còn do sự phụ thuộc lẫn nhau đang tăng lên nhanh chóng và sự giao cắt giữa khu vực Tây Thái Bình Dương và Đông Ấn Độ Dương. Mặt khác, một sự phát triển đáng chú ý là sự tăng cường đáng kể hợp tác và hội nhập nội vùng Đông Á. Trong bối cảnh này, với bất kỳ góc độ nào thì Đông Nam Á vẫn là trung tâm của những phát triển này, do ASEAN dẫn dắt. Chính bởi khía cạnh này mà Ấn Độ và Việt Nam, với tư cách là những quốc gia gắn bó truyền thống, có những cơ hội lớn để thúc đẩy quan hệ song phương, đồng thời đóng góp cho sự ổn định khu vực.
TS R.Pan-đa, chuyên gia cao cấp Ấn Độ:
Việt Nam có vị trí đặc biệt trong tầm nhìn của Ấn Độ
Chính sách của Ấn Độ nhằm tăng cường hội nhập kinh tế, hợp tác chính trị với các nước châu Á - Thái Bình Dương đã có từ thời Chính phủ Liên minh tiến bộ thống nhất (UPA) với tên gọi “Chính sách hướng Đông”, đã được Chính phủ Liên minh dân chủ quốc gia (NDA) hiện nay do Thủ tướng N.Mô-đi đứng đầu chuyển thành là “Hành động hướng Đông”.
Mối quan hệ của Ấn Độ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nguồn gốc lịch sử sâu sắc và đã bước sang một chiều hướng mới trên các lĩnh vực chiến lược và kinh tế những năm gần đây để đáp ứng sự thay đổi thực tế của địa chính trị ở khu vực này. Theo giới phân tích, chính địa lý chiến lược gắn kết các quan hệ song phương và đa phương. Ấn Độ và Việt Nam hoàn toàn thuộc phạm trù nhân tố địa lý chiến lược mà ở đó những lợi ích cốt lõi và giá trị của hai nước trùng khớp với chủ quyền quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ và chính sách tăng trưởng toàn diện vì lợi ích của nhân dân.
Câu chuyện phát triển quan hệ Ấn Độ - Việt Nam được hiểu rõ nhất trong bối cảnh châu Á đang trở thành động lực tăng trưởng và phục hồi kinh tế của thế giới. Khi Ấn Độ cam kết làm sâu sắc thêm sự gắn bó của mình với ASEAN thì Việt Nam có một vị trí đặc biệt trong tầm nhìn ngoại giao của Ấn Độ. Về phần mình, Việt Nam cũng xác định mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với Ấn Độ. Với tư cách là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam sẵn sàng đi đầu trong mối quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Ấn Độ.
(Theo http://www.nhandan.com.vn/)
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục