Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tình hình các Đảng Cộng Sản ở Nepal

Tình hình các Đảng Cộng Sản ở Nepal

Chủ nghĩa bè phái trong nội bộ đảng đã làm suy yếu chính phủ từng mạnh nhất Nepal trong nhiều thập kỷ.

03:46 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Cho đến khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017, không ai ở Nepal tin rằng, những người cộng sản sẽ có thể nắm được quyền lực và sẽ chứng tỏ là một lực lượng không có đối thủ. Vì vậy, khá bất ngờ khi liên minh giữa Đảng Cộng sản Nepal - Chủ nghĩa Mác-Lê-nin thống nhất (CPN-UML), do ông KP Sharma Oli lãnh đạo, và Đảng Cộng sản Nepal – Theo chủ nghĩa Mao (CPN-MC), do ông Pushpa Kamal Dahal lãnh đạo, đã giành được gần hai phần ba (64%) số ghế tại Hạ viện thuộc Quốc hội Nepal (HoR) gồm 275 nghị sĩ. Những người cộng sản đã củng cố sức mạnh hơn nữa sau khi hai đảng cộng sản lớn - CPN-UML và CPN-MC - hợp nhất để thành lập một đảng mới, Đảng Cộng sản Nepal (NCP), vào tháng 5/2018.

Những người cộng sản không chỉ thành lập được chính quyền ở cấp liên bang mà còn ở sáu trong số bảy tỉnh trên toàn quốc và ở phần lớn trong số 753 cơ quan chính quyền địa phương, các hội đồng làng và thành phố. Nhờ chiến thắng chưa từng có của Đảng Cộng Sản trong các cuộc bầu cử, KP Sharma Oli đã nổi lên như một trong những Thủ tướng có uy tín mạnh nhất của Nepal, xếp ngang hàng với Thủ tướng Jung Bahadur Rana (1846-1877) và Thủ tướng BP Koirala (1950 -1960).

Tuy nhiên, có một điều trớ trêu là lãnh đạo của NCP, KP Sharma Oli, bị mất uy tín chỉ trong vòng ba năm rưỡi, mặc dù ông có nhiệm vụ điều hành chính phủ trong 5 năm. Điều này đã được xác nhận sau khi Tòa án tối cao của Nepal, trong phán quyết lịch sử vào đầu tháng 7/2021, bổ nhiệm Sher Bahadur Deuba, lãnh đạo Đảng Quốc hội Nepal, làm Thủ tướng của đất nước Nepal và tái thiết Quốc hội đã bị ông Oli giải tán vào tháng 5/2021.

Theo hiến pháp Nepal, ông Sher Bahadur Deuba tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng vào ngày 13/7/2021. Ngay sau đó, ông cũng giành được phiếu tín nhiệm trong Quốc hội gồm 271 thành viên vào ngày 18/7/2021. Mặc dù ông chỉ cần sự ủng hộ của 138 nghị sĩ trong Quốc hội, nhưng có tới 165 nghị sĩ đã bỏ phiếu cho ông, và chỉ có 83 nghị sĩ bỏ phiếu cho Oli. Khi bỏ phiếu tín nhiệm, ngoài 61 nghị sĩ của Quốc hội Nepal, 48 nghị sĩ của Đảng CPN-MC, 32 nghị sĩ của Đảng Janata Samajbadi, 22 nghị sĩ của Madhav Kumar thuộc phái CPN-UML, 8 nghị sĩ thuộc nhóm trung thành với ông Oli, và 3 nghị sĩ độc lập cũng bỏ phiếu cho Deuba.

Một trong những yếu tố chính dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền cộng sản ở Nepal là quyền lực tuyệt đối mà KP Sharma Oli được hưởng do ông nắm giữ đảng, chính quyền cấp Trung ương, chính quyền cấp tỉnh và các cơ quan địa phương. Sau khi trở thành Thủ tướng Nepal vào năm 2018, ông Oil đã tập trung mọi quyền lực vào tay mình bằng cách đưa các cơ quan bảo hiến trở thành các đơn vị trực thuộc Văn phòng Thủ tướng. Mặc dù đã có sự thỏa thuận giữa Thủ tướng Oli và cựu Thủ tướng Pushpa Kamal Dahal, là hai đồng chủ tịch của NCP, để mỗi người được đứng đầu chính phủ trong hai năm rưỡi, nhưng Thủ tướng Oli vẫn từ chối bàn giao ghế cho cựu Thủ tướng Pushpa khi kết thúc thời gian làm Thủ tướng như trong thỏa thuận.

Do đó, trong cuộc tranh giành quyền lực tối cao trong NCP, cựu Thủ tướng Dahal đã thành lập một số nhóm liên minh không chính thức với một nhà lãnh đạo quyền lực khác trong đảng, cựu Thủ tướng Madhav Kumar Nepal, để loại Oli khỏi ghế Thủ tướng. Chủ nghĩa bè phái ngày càng gia tăng trong Đảng NCP, mặt khác là nạn tham nhũng ở tất cả các cấp chính quyền đã làm xói mòn hình ảnh của chính quyền. Trong bối cảnh đó, vụ chia tách NCP quan trọng nhất đã xảy ra khi Tòa án tối cao ra phán quyết rằng, việc hợp nhất giữa CPN-UML và CPN-MC vào tháng 5/2018 là không hợp pháp. Sau phán quyết này, hai phe của các Đảng Cộng sản - CPN-UML do Oli lãnh đạo và CPN-MC do Dahal lãnh đạo - đã phục hồi tình trạng như trước khi sáp nhập và lại là hai đảng chính trị riêng biệt.

Tuy nhiên, chủ nghĩa bè phái trong CPN-UML vẫn chưa dừng lại. Một lãnh đạo cấp cao của đảng này, Madhav Kumar Nepal, cảm thấy như thể ông đã bị phân biệt đối xử trong đảng khi những người thân tín của ông bị gạt ra ngoài lề trong các vị trí quyền lực của đảng. Lợi dụng tình hình này, Thủ tướng Sher Bahadur Deuba đã cố gắng làm suy yếu đảng đối lập CPN-UML. Ông đã đưa ra một sắc lệnh cho phép bất kỳ phe phái nào trong các đảng phái chính trị có thể tách ra thành đảng riêng nếu có được sư ủng hộ của tối thiểu 20% thành viên của đảng Nghị viện hoặc trong Ủy ban Trung ương.

Trước đó, bất kỳ phe phái nào trong một đảng chính trị phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất 40% thành viên của đảng Nghị viện và trong Ủy ban Trung ương mới có thể tách ra thành đảng riêng. Vì vậy, việc chia tách đảng trước đây là khó, nhưng việc này đã trở nên dễ dàng hơn nhiều sau khi sắc lệnh mới có hiệu lực. Theo quy định của sắc lệnh này, phe do Madhav Kumar Nepal đứng đầu trong CPN-UML đã đăng ký thành lập một đảng mới - CPN (Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất) - với Ủy ban Bầu cử vào ngày 26/8/2021, với sự ủng hộ của 29 nghị sĩ và 55 thành viên Ủy ban Trung ương.

Nếu không có sự chia rẽ trong nội bộ Đảng Cộng Sản Nepal NCP, thì Đảng đã có thể nắm chính quyền trong thời gian dài. Nhưng do sự khác biệt trong nọi bộ, họ đã đánh mất chính quyền Trung ương và tiếp tục bị phân tán thành các đảng nhỏ hơn. Điều này chủ yếu là do cái tôi và chủ nghĩa bè phái tồn tại trong số các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, tổn thất lớn hơn đối với họ là họ đã đánh mất uy tín của người dân do không xử lý được tình trạng tham nhũng đang gia tăng ở các cấp chính quyền và không kiểm soát tốt tình hình đại dịch COVID-19 ngày càng trầm trọng. Họ rất ít quan tâm đến phúc lợi của người dân khi họ tham gia vào cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Với một số diễn biến như vậy, không thể loại trừ nội bộ các Đảng Cộng Sản sẽ còn chia rẽ thêm nữa. Sự chia rẽ như vậy trong khối Cộng sản đã làm suy yếu phong trào cộng sản trong nước của Nepal, trong Chính quyền và Quốc hội Nepal khi các cuộc bầu cử đang tới. Tuy nhiên, Nepal vốn đã khôi phục và ổn định chính trị trong thời gian dài, hiện có nguy cơ bất ổn chính trị vì khó có đảng chính trị nào có cơ hội giành được đa số trong cuộc bầu cử sắp tới.

Tác giả: Hari Bansh Jha, Giảng viên Kinh tế, Đại học Tribhuvan, Nepal, nghiên cứu viên tại Viện ORF, Ấn Độ.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn: https://www.orfonline.org/expert-speak/the-fall-of-communism-in-nepal/

Nguồn:

Cùng chuyên mục