Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tình hình phát triển năng lượng quốc gia và năng lượng tái tạo Việt Nam (Phần 3)

Tình hình phát triển năng lượng quốc gia và năng lượng tái tạo Việt Nam (Phần 3)

03:07 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

II. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO VIỆT NAM

1. Tiềm năng, mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam

Năng lượng tái tạo bao gồm: gió, mặt trời, thủy điện, địa nhiệt, sinh khối (chất thải, củi gỗ, trấu, phụ phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp), khí sinh học, nhiên liệu sinh học, năng lượng thủy triều/đại dương/sóng, …. Vị trí địa lý, khí hậu và đặc thù của nước nông nghiệp đã tạo cho Việt Nam có tiềm năng dồi dào và khá đa dạng các nguồn năng lượng tái tạo có thể khai thác và sử dụng để tạo ra năng lượng như thủy điện nhỏ, gió, sinh khối, gió, mặt trời, khí sinh học, ....

Thủy điện nhỏ được đánh giá là dạng năng lượng tái tạo khả thi nhất về mặt kinh tế - tài chính hiện nay. Theo thống kê, có khoảng 1.000 địa điểm được xác định có tiềm năng phát triển thủy điện nhỏ, quy mô công suất từ 100 kW tới 30 MW với tổng công suất đặt trên 7.400 MW, các vị trí này tập trung chủ yếu ở vùng núi phía Bắc, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ngoài các dự án thuỷ điện nhỏ nối lưới, còn nhiều dự án thuỷ điện rất nhỏ ở khắp các khu vực miền núi với gam công suất dưới 0,1 MW (ước khoảng trên 50 MW) phù hợp cho điện khí hoá khu vực vùng sâu, vùng xa quy mô hộ gia đình hoặc lưới điện độc lập.

Về năng lượng gió, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng năng lượng gió khá tốt. Tiềm năng năng lượng gió của Việt nam tập trung chủ yếu ở vùng duyên hải miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, … và các đảo. Tuy nhiên, số liệu về tiềm năng năng lượng gió trong các báo cáo hiện nay còn chưa thống nhất, dao động trong khoảng từ 7.000 MW đến trên 8.700 MW. Tại các huyện đảo nơi có tiềm năng gió nhưng không có điện lưới quốc gia thì hệ thống lai ghép giữa gió - diesel hoặc gió - mặt trời - diezel được đánh giá là có khả năng khai thác hiệu quả hơn so với kéo lưới điện quốc gia tới, hoặc chỉ sử dụng diezel.

Về năng lượng sinh khối, là một nước nông nghiệp nên Việt Nam có tiềm năng khá dồi dào về nguồn năng lượng sinh khối. Các loại sinh khối chính là phế thải - phụ phẩm từ cây trồng, chất thải chăn nuôi, rác thải đô thị/công nghiệp và các chất thải hữu cơ khác. Khả năng khai thác bền vững nguồn sinh khối cho sản xuất năng lượng ở Việt Nam đạt khoảng 150 triệu tấn mỗi năm. Một số dạng sinh khối có thể khai thác được ngay về mặt kỹ thuật cho sản xuất điện hoặc áp dụng công nghệ đồng phát năng lượng (sản xuất cả điện và nhiệt) đó là trấu ở đồng bằng Sông Cửu Long, bã mía dư thừa ở các nhà máy đường, rác thải sinh hoạt ở các đô thị lớn, chất thải chăn nuôi từ các trang trại gia súc, hộ gia đình và chất thải hữu cơ khác từ chế biến nông-lâm-hải sản.

Về năng lượng mặt trời, với tổng số giờ nắng cao lên đến trên 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2/ngày theo hướng tăng dần về phía Nam, Việt Nam có tiềm năng về năng lượng mặt trời, có thể khai thác cho các mục đích sử dụng như: đun nước nóng, phát điện; các dạng ứng dụng cho sấy, đun nấu, .... Do giá thành đầu tư điện mặt trời khá cao so với mặt bằng giá đầu tư các dạng năng lượng khác ở nước ta nên trong sản xuất điện, trước mắt có thể khai thác điện mặt trời cho các khu vực sau: khu vực ngoài lưới tại những nơi sử dụng năng lượng mặt trời có hiệu quả hơn (vùng sâu, vùng xa, hải đảo) so với các phương án cấp điện khác (diezel hoặc kéo lưới); hệ thống đèn giao thông, khuyến khích các hộ gia đình, công sở tự nguyện lắp đặt và sử dụng theo cơ chế trao đổi điện năng.   

Nhận thức được tầm quan trọng trong phát triển năng lượng tái tạo để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng trong khi nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, tận dụng được nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu định hướng cho phát triển năng lượng tái tạo: “Ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện; tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (không kể nguồn thủy điện lớn và vừa, thủy điện tích năng) đạt khoảng 7% năm 2020 và trên 10% năm 2030”. Mục tiêu cụ thể nêu rõ: “Đến năm 2020, tổng công suất thủy điện vừa và nhỏ, thủy điện tích năng đạt 21.600 MW, điện gió đạt khoảng 800 MW, điện mặt trời khoảng 850 MW, tỷ trọng điện năng sản xuất từ điện sinh khối khoảng 1%. Đến năm 2025, tổng công suất thủy điện vừa và nhỏ, thủy điện tích năng đạt 24.600 MW, điện gió đạt khoảng 2.000 MW, điện mặt trời khoảng 4.000 MW, tỷ trọng điện năng sản xuất từ điện sinh khối khoảng 1,2%. Đến năm 2030, tổng công suất thủy điện vừa và nhỏ, thủy điện tích năng đạt 27.800 MW, điện gió đạt khoảng 6.000 MW, điện mặt trời khoảng 12.000 MW, tỷ trọng điện năng sản xuất từ điện sinh khối khoảng 2,1%”  (Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030).

2. Hiện trạng phát triển năng lượng tái tạo

Các dự án phát điện từ nguồn năng lượng tái tạo được nâng lên từ tỷ lệ không đáng kể trong giai đoạn trước đây, đến cuối năm 2017, đã đưa vào vận hành phát điện 245 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất khoảng 2.380 MW; 6 nhà máy điện gió với tổng công suất 190 MW và 10 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất nối lưới khoảng 212 MW. Tổng công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo chiếm 6,47 % tổng công suất toàn hệ thống. Về điện mặt trời, đến tháng 6 năm 2018 có khoảng 100 dự án được bổ sung quy hoạch với tổng công suất khoảng 5.500 MWp.

3. Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo

Nhận thức được tầm quan trọng của năng lượng tái tạo, Đảng, Nhà nước ta đã thể hiện sự quan tâm tới phát triển năng lượng tái tạo một cách xuyên suốt từ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần IX của Đảng năm 2001 tới các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Điện lực năm 2004, bổ sung, sửa đổi năm 2012; Luật Đầu tư năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng số 38/2009/QH12; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các văn bản dưới luật. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 và Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18 tháng 03 năm 2016 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030 và các cơ chế chính sách khuyến khích về năng lượng tái tạo. Cụ thể cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo có thể tổng kết như sau:

- Quy định trách nhiệm mua điện và ưu tiên huy động công suất từ nguồn năng lượng tái tạo: Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo. Các nhà máy sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo được ưu tiên khai thác toàn bộ công suất và điện năng phát phù hợp với chế độ cung cấp nhiên liệu của khu vực nhà máy. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi cho chủ đầu tư, đảm bảo họ sẽ được phát tối đa công suất và bán được toàn bộ sản lượng điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo.

- Cơ chế hỗ trợ về giá điện: Sản lượng điện sản xuất từ nguồn thủy điện nhỏ, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, chất thải rắn được mua với giá cao hơn giá mua điện từ nguồn năng lượng truyền thống (thủy điện lớn, nhiên liệu hóa thạch). Các dự án thủy điện nhỏ và điện sinh khối nối lưới được hưởng ưu đãi về giá điện theo giá chi phí tránh được. Các dự án điện gió và điện từ chất thải rắn nối lưới được hưởng ưu đãi về giá điện theo cơ chế giá feed-in (điện gió được mua với giá 1.928 đồng/kWh (áp dụng đến hết 31 tháng 10 năm 2021), điện từ chất thải rắn được mua với giá 2.114 đồng/kWh hoặc 1.532 đồng/kWh tùy theo công nghệ chuyển hóa chất thải rắn).

- Các cơ chế, chính sách khuyến khích khác: Bên cạnh các ưu đãi như trên, các dự án năng lượng tái tạo còn được hưởng trợ giá đối với sản phẩm của dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM), hưởng ưu đãi về mức vốn cho vay, thời hạn cho vay, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế sử dụng đất, thuê đất, thuê mặt nước, miễn thuế bảo vệ môi trường,… theo quy định ưu đãi về thuế.

4. Một số rào cản trong đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo

Mặc dù đã ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích song cho đến thời điểm hiện tại, tổng sản lượng điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn trong toàn hệ thống điện quốc gia. Nguyên nhân chính là do một số rào cản khi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo:

- Rào cản về giá điện: Giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo hiện còn cao hơn so với nguồn điện từ nguồn năng lượng truyền thống (nhiệt điện, thủy điện lớn, …). Nguyên nhân chính là do Việt Nam chưa phát triển được ngành công nghiệp sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo như turbin gió, tấm pin năng lượng mặt trời, các thiết bị phụ trợ khác dẫn tới suất đầu tư và chi phí vận hành, bảo dưỡng cho các dự án năng lượng tái tạo cao. Mặt khác, trong thời gian qua, mức lãi suất vay khá cao, quy mô các dự án năng lượng tái tạo nhỏ cũng làm cho giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo cao hơn so với nguồn điện từ nguồn năng lượng truyền thống.

- Rào cản về tính bất ổn định của năng lượng tái tạo: Năng lượng tái tạo như điện gió, thủy điện nhỏ, điện mặt trời, ... phụ thuộc rất nhiều vào đặc điểm địa hình, khí hậu, thời tiết như tốc độ gió, cường độ bức xạ mặt trời, lưu lượng dòng chảy, lượng mưa, .... Các yếu tố này thường xuyên biến thiên, thay đổi theo mùa do đó các nguồn này không thể khai thác, cung cấp điện cho hệ thống một cách ổn định, đặc biệt vào giờ cao điểm hay mùa khô. Đây là một trong những điểm yếu của năng lượng tái tạo, gây ra tính không ổn định đối với hệ thống điện khi nối lưới dẫn tới phải xây dựng phương án dự phòng hệ thống lớn hơn, đầu tư tốn kém và kém hiệu quả hơn so với các nguồn điện từ nguồn nhiên liệu hóa thạch.

- Rào cản về tài chính: Thiếu nguồn tài chính cho đầu tư các dự án năng lượng tái tạo trong khi nhu cầu về vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo tương đối lớn. Các dự án năng lượng tái tạo được đánh giá mang tính rủi ro cao vì phụ thuộc thời tiết, khí hậu và khả năng thu hồi vốn lâu do suất đầu tư và giá điện cao hơn từ nguồn năng lượng truyền thống. Vì vậy, các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại thường chưa sẵn sàng cho vay các dự án đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. (Xem tiếp phần 4)

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục