Tình hình phát triển năng lượng quốc gia và năng lượng tái tạo Việt Nam (Phần 4)
5. Một số giải pháp
Để vượt qua các rào cản trên, thúc đẩy hơn nữa việc đầu tư, phát triển các dự án năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng mục tiêu về phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính mà Chính phủ đã đặt ra, cần nghiên cứu, xem xét một số giải pháp cụ thể như sau:
- Hoàn thiện khung pháp lý về năng lượng tái tạo: Để sớm hoàn thiện khung pháp lý về năng lượng tái tạo, cần xác định thứ tự ưu tiên cho các loại năng lượng tái tạo, đảm bảo đầu tư hiệu quả cho từng dạng năng lượng tái tạo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước theo từng thời kỳ, tránh đầu tư và hỗ trợ dàn trải, cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động năng lượng tái tạo một cách tổng thể, ở mức độ cao hơn như Luật/Nghị định năng lượng tái tạo để đảm bảo tính ổn định, lâu dài của các cơ chế, chính sách hỗ trợ năng lượng tái tạo, qua đó các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng yên tâm trong quá trình đầu tư và cho vay các dự án năng lượng tái tạo.
- Thành lập quỹ năng lượng tái tạo: Theo kinh nghiệm phát triển thành công của nhiều nước trên thế giới, trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển năng lượng tái tạo như hiện nay, việc thành lập quỹ năng lượng tái tạo là cần thiết (vấn đề này được nêu trong Quyết định số 2068/QĐ-TTg). Theo kinh nghiệm và tình hình thực tế tại Việt Nam, với các chính sách hỗ trợ hiện hành thông qua nguồn tín dụng phát triển nhà nước không phát huy tích cực đối với dự án năng lượng tái tạo, không thể phát triển năng lượng tái tạo mà không có cơ chế khuyến khích đồng bộ, đặc biệt là về tài chính. Cơ chế hình thành, quản lý, điều phối quỹ cần được nghiên cứu, xem xét một cách cẩn thận để đảm bảo sự hoạt động hiệu quả của quỹ năng lượng tái tạo.
- Hình thành thị trường và công nghệ năng lượng tái tạo: Xây dựng chương trình quốc gia về năng lượng tái tạo; xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; hình thành và phát triển thị trường công nghệ năng lượng tái tạo nhằm giảm giá thành thiết bị và chi phí nhân công.
- Chính sách giá điện và đảm bảo đầu tư: Xây dựng giá FIT cho các dạng năng lượng tái tạo nối lưới; các đơn vị điện lực có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo thông qua hợp đồng mua bán điện mẫu, chi phí mua điện từ năng lượng tái tạo được tính vào giá thành bán điện, dự án năng lượng tái tạo được ưu tiên đấu nối với hệ thống điện quốc gia, chi phí đấu nối và chi phí khác từ năng lượng tái tạo được tính vào phí tuyền tải, phân phối điện.
- Áp dụng cơ chế phân bổ hạn ngạch RPS (renewable porfolio standard): Đơn vị phát điện, phân phối điện phải có tỷ lệ sản xuất, mua điện từ nguồn năng lượng tái tạo nhất định.
- Xây dựng cơ chế phát triển năng lượng tái tạo dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền: Cần tuyên truyền, phổ biến để nâng cao ý thức của người dân về tác hại của ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng của khí nhà kính, lợi ích của năng lượng tái tạo, từ đó họ có thể nhận thức và ủng hộ việc phải chi trả chi phí môi trường cho quá trình sử dụng năng lượng hóa thạch của mình. Tiến tới xây dựng cơ chế người gây ô nhiễm phải trả tiền để thúc đẩy năng lượng tái tạo như thuế carbon, quota năng lượng hóa thạch, hình thành thị trường tài chính carbon trong nước, … là những giải pháp phát triển năng lượng tái tạo một cách ổn định, lâu dài thay vì cần sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước như hiện nay.
III. TÌNH HÌNH HỢP TÁC PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM - ẤN ĐỘ
Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 6,2% trong giai đoạn 2000-2017. Riêng năm 2017, Việt Nam tăng trưởng 6,81% và nửa đầu năm 2018, GDP tăng 7,08%, mức cao nhất trong 8 năm qua. Nguồn cung cấp điện ổn định và chi phí thấp là một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội những năm qua. Những công nghệ và những cải tiến mới đang tạo ra sự bền vững trong nguồn cung năng lượng và giảm lượng khí thải carbon và ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, ngành công nghiệp Ấn Độ có quy mô sản xuất và lực lượng lao động kỹ thuật lớn, đã mang lại một số mô hình thông minh trong các phân khúc khác nhau của ngành điện. Các công ty Ấn Độ mong muốn mở rộng và tiến tới một tương lai tiến bộ gắn với các công ty Việt Nam.
Việt Nam và Ấn Độ đề nghị các doanh nghiệp hai bên tìm kiếm những cơ hội đầu tư kinh doanh mới trong những lĩnh vực hợp tác ưu tiên như: khí, điện, năng lượng, năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, … tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, thăm dò dầu khí, thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng đang có những phát triển mạnh mẽ.
Về lĩnh vực dầu khí: Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Ấn Độ mở rộng hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên đất liền và tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đề nghị các doanh nghiệp Ấn Độ tích cực nghiên cứu, sớm có đề xuất với những lô dầu khí phía Việt Nam đã giới thiệu. Hai bên nhất trí tích cực thực hiện Biên bản ghi nhớ về hợp tác tìm kiếm thăm dò dầu khí ở các nước thứ 3. Phía Việt Nam ủng hộ các công ty dầu khí Ấn Độ tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực dầu khí trung nguồn và hạ nguồn tại Việt Nam.
Về lĩnh vực than: Trong bối cảnh thị trường thế giới tới với nhu cầu năng lượng tăng cao, việc Việt Nam đàm phán mua than với số lượng lớn, thời gian lâu dài cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, trong thời gian tới Việt Nam sẽ đa dạng hóa nguồn cung cấp than và tăng cường hợp tác với các nước khác để tìm kiếm các hợp đồng nhập khẩu than.
Về lĩnh vực điện lực: Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam. Việt Nam ghi nhận đề nghị của Ấn Độ về việc xem xét tích cực việc ký kết Hiệp định khung về Liên minh năng lượng mặt trời nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đến nay, Việt Nam đã và đang hợp tác với các doanh nghiệp của Ấn Độ về lĩnh vực phát triển các dự án nhiệt điện và điện năng lượng tái tạo như sau:
- Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 2, tỉnh Sóc Trăng với tổng công suất 1.320 MW (2x660 MW) do Công ty TATA Power (Ấn Độ) làm chủ đầu tư. Tiến độ dự kiến vào vận hành theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ: vận hành thương mại Tổ máy số 1 vào năm 2021, vận hành thương mại Tổ máy số 2 vào năm 2022. Đến nay, sau 27 tháng kể từ ngày ký Thỏa thuận nguyên tắc, Công ty TATA Power chưa chấp nhận cơ chế bảo lãnh chuyển ngoại tệ đã thống nhất tại Thỏa thuận nguyên tắc và chưa có ý kiến chính thức về việc chậm trễ mà lấy đó làm lý do để trì hoãn và không phối hợp để hoàn tất các thủ tục để có thể bắt đầu tiến hành đàm phán bộ Hợp đồng dự án. Lần gần đây nhất (Công văn số LP2/183/2018 ngày 26 tháng 11 năm 2018 và số LP2/184/2019 ngày 23 tháng 01 năm 2019), Công ty TATA Power giải thích đang tìm đối tác chiến lược quan tâm đến Dự án và chưa chính thức rút khỏi Dự án.
- Dự án Nhà máy điện mặt trời Adani Phước Minh, công suất 49,8 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận do Liên danh Công ty Adani (Ấn Độ) và Công ty cổ phần TSV làm nhà đầu tư: Bộ Công Thương đã phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tại Quyết định số 943/QĐ-BCT ngày 23 tháng 3 năm 2018.
- Dự án Nhà máy điện mặt trời TATA Sóc Trăng, công suất 30 MWp; Nhà máy điện mặt trời TATA Bình Phước, công suất 48,84 MWp; Nhà máy điện mặt trời TATA Bình Định, công suất 48,61 MWp do Công ty TATA Power đề xuất đầu tư: Bộ Công Thương đang xem xét, thẩm định theo quy định để phù hợp với Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019./.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục