Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tọa đàm khoa học “Tác động của sức mạnh mềm trong hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ”

Tọa đàm khoa học “Tác động của sức mạnh mềm trong hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ”

Ngày 20/12/2017, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ phối hợp Viện Thông tin khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học quốc tế với chủ đề “Tác động của sức mạnh mềm trong hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ”.

03:12 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

PGS,TS Lê Văn Toan, nguyên Giám đốc sáng lập, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ; PGS,TS Trần Minh Trưởng, Viện trưởng Viện Thông tin khoa học; GS Srikanth Kondapali, Đại học Jawaharlal Nehru, đồng chủ trì Tọa đàm. Thư ký tọa đàm khoa học là TS Nguyễn Thị Phương Thảo, Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ. Về phía khách mời có đại diện các ban ngành, vụ viện, khoa trong hệ thống Học viện và đại diện Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, gần 100 các nhà khoa học trong và ngoài hệ thống Học viện, các nhà khoa học Ấn Độ. 

Phát biểu khai mạc Tọa đàm khoa học quốc tế, PGS,TS Lê Văn Toan khẳng định, Tọa đàm khoa học lần này là cơ hội tốt để các nhà khoa học hai nước trao đổi sâu hơn và đề xuất những kiến giải về tác động của sức mạnh mềm trong hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ vì sự phát triển, phồn vinh của mỗi nước; vì hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới.

Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học Việt Nam và Ấn Độ đã trình bày các tham luận xoay quanh chủ đình chính và làm rõ các thành tố của sức mạnh mềm Việt Nam và Ấn Độ. Khi đăng đàn trình bày tham luận của mình, GS Srikanth Kondapali đến từ Đại học Jawaharlal Nehru đã phân tích sâu sức mạnh mềm Ấn Độ trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, tôn giáo và văn hóa. Các đại biểu dự tọa đàm cũng được nghe những minh giải sâu sắc về thực trạng tác động của sức mạnh mềm Ấn Độ tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á trong tương quan với Hoa Kỳ và Trung Quốc của GS, TS Đỗ Tiến Sâm. Tọa đàm khoa học cũng dành nhiều thời gian lắng nghe các nhà khoa học phân tích về sức mạnh mềm của Việt Nam và Ấn Độ của các nhà khoa học như: tham luận của TS Prasant Kumar Sighn về vai trò sức mạnh mềm Ấn Độ; tham luận về chủ đề sức mạnh mềm trong chính sách đối ngoại Việt Nam từ thực tiễn của các thời kỳ cách mạng của PGS, TS Nguyễn Văn Lan; tham luận về gợi mở hợp tác phát triển khu vực Đông Bắc Ấn với Việt Nam và các nước Đông Nam Á của TS Aveivey Dahrii; tham luận về tinh thần bất bạo động của Mahatma Gandhi của PGS, TS Nguyễn Hoài Văn…

Phần trao đổi, thảo luận tại cuộc Tọa đàm khoa học đã diễn ra sôi động xoay quanh nội dung làm phong phú sức mạnh mềm và vận dụng sức mạnh mềm vào từng lĩnh vực cũng như nhiều kiến nghị đối với việc hoạch định chủ trương, chính scash của hai nước. Tiêu biểu cho phần trao đổi này là các ý kiến của các nhà khoa học Việt Nam và Ấn Độ như: GS Baladas Goshal, Tổng Thư ký Hiệp hội Ấn Độ Dương về đề xuất tăng cường hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực giáo dục, cán bộ, sinh viên hai nước cần du học ở Ấn Độ và Việt Nam. Thời gian du học đó cũng là thời gian tìm hiểu nghiên cứu về đất nước, con người và văn hóa, qua đó sẽ khắc họa tình cảm sâu đậm hơn. TS Panda, Chuyên gia cao cấp Ấn Độ, Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng New Delhi, GS Thỉnh giảng Hội đồng Quan hệ văn hóa Ấn Độ tại Đại học Reitaku, Nhật Bản, đã phân tích về sức mạnh mềm trong quan hệ đối ngoại và nhấn mạnh vì sao lại không kết nối tam giác Ấn – Việt – Nhật. TS Hồ Văn Chiểu, Chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề chính trị đương đại, đã luận giải rõ hơn bối cảnh mới của khu vực và thế giới đòi hỏi Việt Nam và Ấn Độ phải nghiên cứu sâu hơn sức mạnh mềm, đưa nó vào cuộc sống.

Sau gần 4 tiếng làm việc khẩn trương, sôi nổi, PGS, TS Lê Văn Toan đã thay mặt đoàn chủ tịch cuộc tọa đàm khoa học kết luận những vấn đề nóng hổi mà các học giả Việt Nam và Ấn Độ trình bày, trao đổi sâu trong cuộc tọa đàm. Ông cũng khẳng định rằng, những tham luận, ý kiến của các học giả trình bày trong tọa đàm đều có ý nghĩa khoa học trên cả bình diện lý luận và thực tiễn.

Tọa đàm kết thúc trong sự hồi hởi của các nhà khoa học.

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn:

Cùng chuyên mục