Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tổng thuật các tham luận tại Hội thảo khoa học "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ Văn hóa, Xã hội, Giáo dục, Đào tạo" (Phần 1)

Tổng thuật các tham luận tại Hội thảo khoa học "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ Văn hóa, Xã hội, Giáo dục, Đào tạo" (Phần 1)

Ngày 30/6/2015, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ Văn hóa, Xã hội, Giáo dục, Đào tạo”. Hội thảo đã nhận được 75 tham luận của gần 100 học giả trong và ngoài nước, gồm các nhà lãnh đạo, quản lý, học giả Việt Nam và Ấn Độ. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu “Tổng thuật các tham luận tại Hội thảo khoa học” của PGS. TS. Lê Văn Toan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ.

02:53 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

 

TỔNG THUẬT

Các tham luận tại Hội thảo khoa học
“HỢP TÁC PHÁT TRIỂN VIỆT NAM - ẤN ĐỘ:
TIẾP CẬN TỪ GÓC ĐỘ VĂN HÓA, XÃ HỘI, GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO”

 

PGS. TS. Lê Văn Toan
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Kính thưa GS. TS. Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện!

Kính thưa Bà Preeti Saran, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam!

Kính thưa các vị khách quý, các học giả Việt Nam và Ấn Độ!

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của GS. TS. Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện, trong năm đầu tiên, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ đã triển khai đồng loạt các hoạt động, đặc biệt, Trung tâm rất chú trọng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học. Hội thảo khoa học lần thứ nhất, được tổ chức thành công vào tháng 5/2015, cùng với Hội thảo khoa học lần này để tiến tới Hội thảo khoa học quốc tế lớn hơn vào tháng 8/2015 là một minh chứng cho điều ấy.

Ban Tổ chức đã nhận được 75 bài tham luận của gần 100 học giả Việt Nam và Ấn Độ. Có bài là của riêng từng tác giả, có bài là của nhóm tác giả. Sự tham gia nhiệt tình, đông đảo của các chính khách, các nhà lãnh đạo, quản lý, các học giả trong và ngoài nước chứng tỏ sự hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam - Ấn Độ; sự quan tâm sâu sắc của mọi người đến Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đến Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ và do chủ đề Hội thảo khoa học “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: tiếp cận từ góc độ văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo” do Ban Tổ chức nêu ra đáp ứng yêu cầu rất cấp thiết của cuộc sống.

Với kết quả bước đầu này, thay mặt Ban Tổ chức và Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, chúng tôi chân tình cảm ơn các vị khách quý, các học giả đã dành cho Hội thảo khoa học nhiều tình cảm, trí tuệ. Kính chúc tất cả quý vị đại biểu, các nhà khoa học mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc Hội thảo khoa học của chúng ta thành công rực rỡ.

Kính thưa các vị khách quý, các nhà khoa học!

Hơn 70 bài tham luận của các học giả Việt Nam - Ấn Độ trong Hội thảo này đều chú trọng luận giải rõ những nội dung chủ yếu thuộc chủ đề Hội thảo.

* Về quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trên các bình diện

Các học giả đã đi sâu phân tích bối cảnh lịch sử và đương đại trong và ngoài nước, những nguyên nhân gốc rễ tạo nên mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, quá trình phát triển mối quan hệ qua các giai đoạn lịch sử và triển vọng hợp tác song phương trong tương lai.

GS, TS Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tiếp cận từ góc độ sử học để phân tích mối giao cảm kỳ lạ, sự tương đồng giữa trí tuệ, khát vọng lớn lao, giá trị nhân văn cao cả giữa hai nhà lãnh đạo kiệt xuất Hồ Chí Minh và Jawaharlal Nehru từ thập kỷ 20 đến những năm 70 của thế kỷ XX. Rất nhiều sự kiện lịch sử được tác giả đề cập để minh giải cho công lao to lớn của Hồ Chủ tịch và Nehru trong việc đặt nền tảng cho quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ. Tham luận cũng trình bày khái quát thực trạng, triển vọng phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Tác giả khẳng định rằng, “những gì của hôm nay và mai sau đều bắt nguồn từ hôm qua. Hồ Chí Minh đã để lại một di sản tinh thần lớn lao và vô cùng quý báu, mà một trong những giá trị đó là tình hữu nghị thắm thiết giữa hai dân tộc Việt Nam - Ấn Độ”. PGS, TS Phạm Hồng Chương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tiếp cận từ những sự kiện lịch sử, cụ thể là từ những bài viết của Hồ Chí Minh về Ấn Độ được đăng trên sách, báo trong, ngoài nước, từ phương Tây nhìn về Ấn Độ và từ phương Đông nhìn về Ấn Độ và những bài viết khi Bác Hồ ở đất nước Gandhi để khẳng định nhãn quan Hồ Chí Minh trong việc đặt nền tảng vững chắc cho quan hệ Việt - Ấn. Ngài Geetesh Sharma, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn – Việt Bang Tây Belgan, người từng được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Hữu nghị, người từng dành nhiều thời gian nghiên cứu, công bố nhiều công trình về Việt Nam – Hồ Chí Minh, trong tham luận “Bác Hồ, thần tượng của tôi” đã ngợi ca trí tuệ anh minh, đạo đức sáng trong, công lao vĩ đại của Bác và nguyện suốt đời theo Bác. PGS, TS Trương Sĩ Hùng đến từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã tiếp cận từ góc độ truyền thông, phân tích kỹ nội dung 29 tác phẩm báo chí, bao gồm các thể loại: phóng sự, nhật ký hành trình, tin ngắn, thơ ca… và 29 bức điện, thư mang tính văn kiện nhà nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc mừng sinh nhật Thủ tướng J. Nehru và các vị Tổng thống, Phó Tổng thống và nhân dân Ấn Độ liên tiếp từ năm 1954 đến thư trả lời Bà Indira Gandhi tháng 9/1968 để khẳng định luận điểm rằng, Hồ Chủ tịch đã trở thành nhân vật lịch sử vĩ đại, người gieo mầm vun đắp tình cảm hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ phát triển ngày càng sâu rộng. PGS, TS Vũ Quang Vinh, TS Nguyễn Thắng Lợi, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã vẽ lại bức tranh toàn cảnh về chuyến thăm 10 ngày chứa đầy tình cảm của lãnh đạo và nhân dân Ấn Độ dành cho Bác Hồ và Bác Hồ với lãnh đạo và nhân dân Ấn Độ, để khẳng định chuyến thăm Ấn Độ của Bác Hồ là di sản quý báu trong việc xây dựng và vun đắp quan hệ truyền thống hữu nghị giữa hai nước. Cùng quan điểm với các học giả trên, tham luận của các tác giả: ThS Nguyễn Thị Thu Hiền, Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ThS Trần Thị Thủy, Học viện Chính trị khu vực IV, ThS Nông Thị Xuân, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, ThS Vũ Đình Năm, Đại học Công nghệ giao thông vận tải, ThS Nguyễn Trọng Luyện, Học viện Chính trị khu vực I, tác giả Phạm Văn Hòa, Học viện Chính trị khu vực III, đã lược khảo bối cảnh lịch sử và thời đại, phân tích sâu chặng đường hoạt động cách mạng của Bác Hồ, những tình cảm, sự quan tâm của Bác đối với đất nước và con người Ấn Độ để khẳng định công lao, mối quan hệ bền chặt của Bác Hồ với phong trào cách mạng Ấn Độ nửa đầu thế kỷ XX; với đất nước và nhân dân Ấn Độ; khẳng định Bác Hồ là người mở đường, là người đặt nền móng cho quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ.

Đến từ một cơ quan truyền thông danh tiếng của Ấn Độ, Bà Pramonda Patel, Tổng biên tập báo Nam Today, tiếp cận từ những cứ liệu trong lịch sử và đương đại giữa Việt Nam - Ấn Độ và tác động ngoại biên, cho rằng, những cứ liệu đó là những minh chứng không thể chối cãi, khẳng định hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trên các lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, văn hóa, kinh tế, thương mại, an ninh quốc phòng đã có truyền thống từ lâu đời, vẫn thủy chung bền chặt, không ngừng vun đắp, phát triển. Tác giả nêu rõ vai trò của ngoại giao và khẳng định: “Ngoại giao như là một công cụ nhằm cải thiện sự thịnh vượng và vinh quang của một quốc gia theo nghĩa tích cực, còn theo nghĩa tiêu cực thì ngoại giao là một công cụ quyền lực sử dụng để bảo vệ nhà nước và các lợi ích quốc gia”. Tác giả Nguyễn Văn Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực Quỹ Hòa bình và Phát triển, đã lược khảo quá trình thành lập, phát triển của phong trào hòa bình đoàn kết Ấn Độ, tác động của những đóng góp to lớn phong trào này trong việc giải phóng Ấn Độ thoát khỏi chế độ thực dân Anh, những đóng góp không nhỏ của nó đối với việc tăng cường quan hệ hữu nghị Việt - Ấn. PGS, TS Lê Văn Toan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ và TS Nguyễn Trường Sơn, Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong công trình viết chung của mình đã khảo cứu sự kiện lịch sử từ 1927 – 2015, phân tích bối cảnh lịch sử liên quan đến sự phát triển hợp tác Việt - Ấn từng giai đoạn: 1927 – 1950; 1950 -1972; 1972 – 1975; 1976 -1985; 1986 – 1991; 1991 – 2007; 2008 – 2014, để khẳng định sự phát triển bền vững, không ngừng của quan hệ hữu nghị Việt - Ấn. TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, Cần Thơ, đã đi sâu phân tích chính sách đối ngoại của Việt Nam, trong đó, đi sâu nhấn mạnh đối ngoại với Ấn Độ; chính sách đối ngoại của Ấn Độ và vị trí của Việt Nam trong “Chính sách hướng Đông” để luận giải những thành tựu trong quan hệ chính trị - ngoại giao Việt - Ấn hai thập niên đầu thế kỷ XXI, và cho rằng, việc tăng cường hợp tác trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao sẽ tạo điều kiện thúc đẩy các mối quan hệ song phương khác. PGS, TS Nguyễn Quốc Phẩm, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đã tiếp cận từ thể chế chính trị Ấn Độ - một thể chế Cộng hòa theo chế độ đại nghị - và cho rằng, chính sách đối ngoại của Ấn Độ nằm trong quỹ đạo của thế chế đó. Tác giả phân tích sâu quá trình lịch sử từ năm 1950 đến nay, chỉ rõ những nội dung chủ yếu của chính sách đối ngoại của Ấn Độ, khảo cứu quan hệ hai nước trên các bình diện: chính trị, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, an ninh quốc phòng và khẳng định quan hệ Việt - Ấn đầy triển vọng trong tương lai. PGS TS Nguyễn Cảnh Huệ đến từ Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh đã phân tích sâu quan hệ Việt Nam - Ấn Độ từ năm 1945 đến nay trên nhiều bình diện, điểm xuyết những thành tựu nổi bật, chỉ rõ căn nguyên tạo nên những thành tựu đó và khẳng định: quan hệ Việt Nam - Ấn Độ dựa trên cơ sở vững chắc về văn hóa và lịch sử, có nhiều điểm tương đồng về những vấn đề lớn, then chốt của khu vực và thế giới, được thử thách qua thời gian lâu dài, giữ được sự thăng hoa, trọn vẹn. Tác giả cũng phân tích 9 điểm triển vọng trong quan hệ Việt - Ấn thời gian tới. TS M.Prayaga đến từ Đại học Sri Venkateswara, Ấn Độ đã lược khảo những cứ liệu trong lịch sử để khẳng định những điểm tương đồng giữa hai nước về địa lý, lịch sử, văn hóa và sự tác động của người láng giềng chung để khẳng định quan hệ hợp tác Việt - Ấn ngày càng tốt đẹp là lẽ đương nhiên, hợp quy luật phát triển. Hai bên cần cho nhau và cần cho cả khu vực và thế giới. Tác giả Vũ Quang Diệm, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Ấn đã tiếp cận từ góc độ tương đồng giữa Việt Nam và Ấn Độ: tương đồng về tự nhiên, lịch sử, tương đồng về đi tiên phong trong phong trào trào đấu tranh giải phóng dân tộc và tương đồng về xác định con đường phát triển trong thời đại mới, từ đó luận giải về tình đoàn kết thủy chung, trong sáng giữa hai nước Việt Nam -  Ấn Độ. TS Võ Xuân Vinh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã làm rõ những bước phát triển trong quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn từ 2007 đến nay trong sự so sánh với một số quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và quan hệ chiến lược của Việt Nam với một số đối tác khác. Tác giả cũng phân tích ý nghĩa của mối quan hệ này đối với quan hệ quốc tế của Việt Nam. 

(Xin xem tiếp phần 2)

Nguồn:

Cùng chuyên mục