Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tổng thuật các tham luận tại Hội thảo khoa học "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo" (Phần 2)

Tổng thuật các tham luận tại Hội thảo khoa học "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo" (Phần 2)

Ngày 30/6/2015, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ: Tiếp cận từ góc độ Văn hóa, Xã hội, Giáo dục, Đào tạo”. Hội thảo đã nhận được 75 tham luận của gần 100 học giả trong và ngoài nước, gồm các nhà lãnh đạo, quản lý, học giả Việt Nam và Ấn Độ. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu “Tổng thuật các tham luận tại Hội thảo khoa học” của PGS. TS. Lê Văn Toan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ.

02:50 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

TS Nguyễn Thị Phương Nam, Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực I, đã tiếp cận từ diễn trình lịch sử quan hệ hai nước Việt - Ấn, phân tích sâu cơ sở hình thành, sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của hai nước trong tình hình mới, tạo dựng năm trụ cột chính trong hợp tác phát triển, phân tích khó khăn, thuận lợi và triển vọng phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ lên tầm cao mới. Cùng quan điểm với các tác giả trên, tham luận của các tác giả: ThS Ngô Thị Thúy Hiền, Khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ThS Hoàng Văn Khải, Học viện Chính trị khu vực IV, Nghiên cứu sinh Võ Minh Tập, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, TS Nguyễn Thị Phương NamHồ Thị Bé Diểm, Đại học Thủ Dầu Một, Tác giả Lê Ngọc Hân, Học viện Chính trị khu vực IV, ThS Bùi Thị Vân, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ThS Nguyễn Văn Vỹ, Học viện Chính trị khu vực IV đã đi sâu phân tích động lực khách quan và chủ quan mà quan trọng là những nét tương đồng góp phần thúc đẩy quan hệ Việt - Ấn; khảo cứu từ truyền thống để phác thảo triển vọng quan hệ hợp tác Việt - Ấn; phân tích thành tựu quan hệ Việt Nam - Ấn Độ từ 1991 – 2014 trên nhiều lĩnh vực, từ đó dự báo triển vọng quan hệ song phương; phân tích quan hệ Việt - Ấn những năm gần đây trong tương quan quan hệ với các nước Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản; phân tích nhân tố Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ ở ASEAN từ 1991 đến nay. ThS Phạm Thái Hiệp đến từ Đại học Lương Thế Vinh và ThS Trịnh Xuân Thắng, Học viện Chính trị khu vực IV, đã biện giải kỹ những nét tương đồng về văn hóa, chính trị, coi đây như là những nhân tố quan trọng thúc đẩy triển vọng quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn. ThS Phùng Thị Thảo, Khoa Đông phương học, Đại học Khoa học xã hội & nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã phân tích tư tưởng Phật giáo trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời Nehru, đặc biệt là triết lý Trung đạo đã ảnh hưởng lớn đến chính sách đối ngoại của Ấn Độ với các nước Đông Nam Á trong cuộc chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1947-1954. ThS Đỗ Thị Thanh Hà, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đã khái quát tương đối tổng thể quá trình hợp tác giáo dục, đào tạo giữa Việt Nam và Ấn Độ, nêu rõ năm gợi mở cho hợp tác phát triển song phương về lĩnh vực này trong tương lai. PGS, TS Trần Nam Tiến và tác giả Nguyễn Thu Trang đến từ Đại học Khoa học xã hội & nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp cận từ góc độ địa chính trị để đi sâu phân tích Biển Đông trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ, nêu rõ nội dung chủ yếu và quá trình thực thi chính sách này cũng như tác động của chính sách hướng Đông đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên các bình diện chính trị và an ninh quốc phòng. TS Đỗ Xuân Tuất, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và tác giả Nguyễn Duy Thái, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, đã tiếp cận từ góc nhìn lịch sử và quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông hiện nay để đi sâu luận giải những nguyên nhân tạo tác nên tình hữu nghị Việt - Ấn như: từ sự tương đồng về lịch sử, văn hóa; từ sự đặt nền tảng của các lãnh tụ hai nước - Hồ Chí Minh và Nehru - và các nhà hoạt động xã hội khác; từ những tác động trên các góc cạnh địa lý tự nhiên, địa chính trị và tác động từ các nước ngoại biên, v.v. và khẳng định quyết tâm chính trị ủng hộ Việt Nam của Chính phủ và nhân dân Ấn Độ. Cùng nội dung hợp tác an ninh - quốc phòng Việt - Ấn được soi chiếu trong chính sách hướng Đông, các tác giả: ThS Đỗ Thanh Hà, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ThS Nguyễn Thị Thanh Vân, Vụ Tổ chức – Cán bộ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ThS Vũ Thị Thu Hiền, Học viện Chính trị khu vực IV, ThS Nguyễn Thị Minh Thảo, Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tiếp cận từ nhiều góc cạnh, phân tích những thành tựu và hạn chế trong hợp tác an ninh – quốc phòng Việt - Ấn trong bối cảnh mới; nêu rõ vị trí, vai trò của Biển Đông trong chính sách hướng Đông, chỉ rõ xu hướng vận động của chính sách hướng Đông trong thời gian tới, đặc biệt là sự nâng cấp từ chính sách hướng Đông sang Hành động hướng Đông của Ấn Độ và đề xuất một số gợi mở đối với Việt Nam.

* Về nghiên cứu văn hóa Ấn Độ và giao lưu văn hóa Việt - Ấn

Tại Hội thảo này, vấn đề văn hóa thu hút rất nhiều học giả quan tâm. GS, TS Vũ Đức Ninh đến từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, đã từ góc độ lý thuyết tiếp nhận, tiếp biến văn hóa, từ góc nhìn của anh hùng ca cổ đại để trình bày về người anh hùng Rama, về một trong bốn cái nôi văn minh sớm nhất của nhân loại, về nền văn hóa vừa huyền bí vừa anh hùng đã góp phần quan trọng dẫn đưa các vùng đất phương Đông trở thành duy linh. Đặc biệt, tác giả đã minh giải và cho rằng, chính  nền văn hóa Ấn Độ đã mang tính toàn cầu hóa, đã toàn cầu hóa từ thời cổ đại. Tác giả P.K.Nagia đến từ Thủ đô New Delhi, Ấn Độ đã đi tìm câu trả lời cho câu hỏi văn hóa Ấn Độ là gì từ những việc xem xét lại nguyên bản ban đầu và sự mở rộng của văn hóa Ấn Độ, phân tích nền tảng, nguyên tắc của nó dưới ánh sáng khoa học, thể hiện chi tiết các khía cạnh khác nhau của văn hóa. PGS, TS Đỗ Thu Hà, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã đi sâu phân tích, lý giải hai nội dung cơ bản: (1) khảo cứu giá trị văn hóa Ấn Độ từ điểm nhìn nhân quyền, phân tích kỹ các khía cạnh: giá trị văn hóa và nhân quyền, điểm hội tụ và xung đột, vị thế của người Dalits và (2) giới thiệu một số kinh nghiệm của Ấn Độ trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc trong quá trình chuyển đổi hệ giá trị trong thời đại toàn cầu hóa và những gợi mở cho Việt Nam. PGS, TS Nguyễn Thị Mai Liên, đến từ Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội đã tiếp cận từ góc độ giao thoa, tiếp nhận, tiếp biến văn hóa để lược khảo ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ tới phong tục Việt Nam trên ba bình diện: ảnh hưởng tới phong tục xã hội, ảnh hưởng tới phong tục làng xã và ảnh hưởng tới phong tục dân tộc, từ đó tác giả khẳng định rằng, khác với các nước khác, văn hóa Ấn Độ đã du nhập vào Việt Nam một cách hòa bình. TS Lê Xuân Kiêu, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đã tiếp cận từ góc độ liên ngành: địa chính trị, lịch sử, văn hóa học để phác thảo đậm nét bức tranh giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ trong lịch sử mà điển hình ở miền Bắc Việt Nam là Đạo Phật, miền Nam Việt Nam là Bàlamôn giáo. Tác giả cho rằng, văn hóa Ấn Độ vào Việt Nam là một “cuộc chinh phục của trí tuệ thông qua các biện pháp hòa bình”. Bàn về ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đến Việt Nam trên những lát cắt cụ thể, tham luận của các tác giả Nguyễn Thế Hồng, Đại học Đồng Tháp, tác giả Nguyễn Thế Anh, Học viện Chính trị khu vực IV, ThS Đoàn Trung Dũng, Học viện Chính trị Khu vực IV, tác giả Hồ Việt, Học viện Chính trị Khu vực III, ThS Kiều Anh Vũ, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, ThS Võ Thành Hùng, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, ThS Lê Thị Sáu, Học viện Chính trị Khu vực IV, đã phân tích nhiều bình diện, nhiều trường hợp, khu vực tiếp nhận sự ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ như: Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với Việt Nam qua trường hợp của dân tộc Khemer ở Đồng bằng sông Cửu Long; những ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ tới văn hóa Đông Nam Á; những ảnh hưởng của tôn giáo Ấn Độ đến văn hóa Việt Nam; văn hóa Ấn Độ trong đời sống tinh thần của người Chăm; giao lưu văn hóa Việt - Ấn từ góc độ nghệ thuật; từ góc nhìn văn hóa Ấn Độ tìm hiểu lễ tang của người Khemer Nam Bộ; Phật giáo Ấn Độ qua phong tục tập quán của người Việt. Tác giả Ngô Đăng Lợi, nhà Sử học Hải Phòng, đã tiếp cận từ góc độ địa lý tự nhiên và phương pháp sử học, Hán Nôm học để khảo cứu địa thế xứ Đông mà cụ thể là vùng Nê Lê, Đồ Sơn, khảo cứu các cứ liệu sách sử Việt Nam, Trung Quốc, các văn bia Hán Nôm vùng Tiên Lãng, Hải Phòng (15 Văn bia)[1] và nhiều cứ liệu khác để nêu lên giả thiết rằng, Phật giáo truyền đến Việt Nam đầu tiên đi qua đường biển, trước hết phải đến Nêlê, Đồ Sơn, rồi từ đây truyền lên Luy Lâu (Bắc Ninh ngày nay). Bằng chứng hiện còn ở Chùa Đót xã Kinh Lương, Tiên Lãng, Hải Phòng, nơi có cây Bồ Đề gốc Ấn Độ trên nghìn năm tuổi, đầu năm 2015, Nhà nước Việt Nam tặng Bằng “Cây di sản quốc gia” cho cây Bồ Đề này. Vùng đất Tiên Lãng còn ẩn chứa nhiều trầm tích lịch sử về giao thoa văn hóa Việt - Ấn, rất cần được nghiên cứu sâu rộng hơn. TS Nguyễn Ngọc Quỳnh, Ban Quản lý Khoa học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, đã tiếp cận từ tiến trình lịch sử hai dòng văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa ảnh hưởng đến Việt Nam để khảo cứu những công trình đi trước từ đó, nêu rõ giả thiết khoa học của mình về ảnh hưởng của Hindu giáo đến Việt Nam qua ba tộc người: Việt, Chăm và Khemer. Tác giả cũng nêu lên những kiến nghị về bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Hindu giáo ở Việt Nam.

* Về Nghiên cứu Ấn Độ cổ đại

Ấn Độ cổ đại vô cùng huyền bí. Đây là quê hương của các tôn giáo lớn (Ấn Độ giáo, Phật giáo) và là tiểu lục dung chứa nhiều tôn giáo nhất, cả tôn giáo bản địa và tôn giáo ngoại nhập (đạo Sich, đạo Janin, đạo Thiên chúa, đạo Islam…). Tất cả các tôn giáo khác nhau ở Ấn Độ đều khoan dung, chung sống hòa bình dưới vòm trời văn hóa Ấn Độ. Vì huyền bí nên nghiên cứu Ấn Độ cổ đại không phải là vấn đề dễ. Thế nhưng, trong hội thảo này chúng tôi nhận được nhiều tham luận của các nhà khoa học dày công khảo cứu.

GS, TS Nguyễn Hùng Hậu, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã dùng phương pháp luận triết học, đi sâu nghiên cứu đặc điểm tư duy của người Ấn Độ cổ. Tác giả so sánh tư duy người Ấn Độ cổ với người phương Tây trên các bình diện: nội dung tư duy, sự quan tâm của tư duy, hướng tư duy, nhận thức luận, công cụ, phương tiện nhận thức trong tư duy, tính biện chứng trong phương pháp tư duy. Tác giả chỉ rõ sự khác biệt và tương đồng trong tư duy Ấn Độ và phương Tây, trong đó, sự khác biệt là gốc rễ, căn bản. Khi so sánh tư duy Ấn Độ với tư duy Trung Quốc, tác giả cũng chỉ rõ: tư duy của người Trung Quốc thực tế quân bình âm dương, tư duy của người Ấn Độ bay bổng hơn vì người Ấn Độ không trọng cái cụ thể, hữu hạn; họ muốn thông qua cái cụ thể, hữu hạn để đến với cái tuyệt đối, vô hạn. Tác giả cũng trả lời câu hỏi: Ấn Độ gửi bức thư gì cho nhân loại? PGS, TS Đỗ Thị Lan Hiền, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã so sánh sự khác biệt giữa  Đạo Vêđa và Đạo Phật, phân tích những nội dung chính trong tư tưởng đạo Phật như: sự phủ nhận quan điểm thần thánh quyết định số phận con người, thuyết Nhị thập nhân duyên, thuyết nhân – duyên – quả (thường gọi là thuyết nhân quả), thuyết vô thường để khẳng định luận điểm cho rằng, trong Phật giáo thể hiện rất rõ nét những điều tương đối cơ bản của tư duy Ấn Độ cổ đại. Tác giả cũng nêu rõ ý nghĩa của nó thời đương đại. PGS, TS Đinh Ngọc BảoTS Nguyễn Phương Lan đến từ trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đã tiếp cận từ phương pháp luận sử học và các phương pháp liên ngành, tìm hướng đi cho công trình nghiên cứu của mình để chỉ rõ mối dây liên kết từ tư tưởng giải thoát trong triết học Phật giáo Ấn Độ, đến tư tưởng giải phóng của Hồ Chí Minh. Các tác giả đã khảo cứu tư tưởng “giải thoát” trong triết học và tôn giáo Ấn Độ cổ đại, đặc biệt là trong Phật giáo, và điểm nổi bật là, nó đại diện cho bình đẳng, khát vọng tự do, hòa bình, chính Hồ Chí Minh đã tiếp biến tư tưởng này và kết tinh tinh hoa văn hóa nhân loại phục vụ cho cách mạng Việt Nam, cho sự nghiệp xây dựng đất nước, con người Việt Nam. TS Vi Thị Hương Lan, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã phân tích sâu nguồn gốc hình thành, những nội dung chính, vị trí, vai trò của tư tưởng giải thoát trong triết học Ấn Độ cổ và chỉ rõ những tác động của tư tưởng này đến đời sống tinh thần của người Việt Nam. PGS, TS Trần Lê Bảo đến từ Đại học Sư phạm Hà Nội đã khắc họa khái quát quá trình Phật giáo truyền thừa vào Việt Nam, phân tích kỹ những phân phái Phật giáo ở Việt Nam; mối quan hệ vương quyền và Phật giáo trong lịch sử xã hội Việt Nam, trong đó chỉ rõ hệ thống đạo lý – hệ quả giữa nhà vua và Phật giáo, sự dung hợp giữa chính quyền và thần quyền để đi đến khẳng định sự gắn bó chặt chẽ máu thịt của Phật giáo Việt Nam với vận mệnh dân tộc, với Tổ quốc thiêng liêng và với từng tâm hồn con người Việt Nam. 

(Xin xem tiếp phần 3)

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục