Trao đổi Chuyên đề thông tin về Văn hóa Ấn Độ
Nằm trong chuỗi sự kiện liên quan đến Hội thảo khoa học quốc tế “Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sáng ngày 23/8/2018, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp với Khoa Quan hệ quốc tế Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức buổi trao đổi thông tin khoa học về “Văn hóa Ấn Độ”.
PGS, TS. Lê Văn Toan đã giới thiệu Ngài TS. Ash Narain Roy, Giám đốc Viện khoa học xã hội Delhi, Chủ tịch bảo trợ Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại New Delhi với PGS, TS. Phạm Minh Sơn, Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế Học viện Báo chí và Tuyên truyền và đề nghị PGS, TS. Trưởng khoa chủ trì buổi trao đổi thông tin khoa học hấp dẫn này. Tham dự buổi thuyết trình có PGS, TS. Phạm Minh Sơn, Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế[1] cùng đông đảo các thày, cô trong khoa và sinh viên lớp chất lượng cao thuộc chuyên ngành Quan hệ chính trị và Truyền thông quốc tế cùng một số cán bộ quan tâm của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu về văn hóa - trong đó có 15 năm tác nghiệp trong lĩnh vực “báo chí - truyền thông”, buổi thuyết trình của TS. Ash Narain Roy đã thực sự trở thành buổi giao lưu, chia sẻ về học thuật, về một trong những nền văn hóa phát triển rực rỡ nhất của văn minh nhân loại với các giảng viên và sinh viên khoa Quan hệ quốc tế.
Trước rất nhiều câu hỏi của các giảng viên và sinh viên, TS. Ash Narain Roy nhấn mạnh: Trải qua hằng ngàn năm lịch sử, sự huyền bí vĩ đại của văn hóa Ấn Độ vẫn hiện hữu như “một bảo tàng dân tộc học sống” cùng 1,3 tỷ người Ấn Độ với những đặc trưng và sự tương phản lớn. Đất nước Ấn Độ; con người Ấn Độ; tính cách người Ấn Độ; tinh thần dân tộc; tinh thần hòa hợp tôn giáo; tư tưởng triết học; tín ngưỡng và phong tục truyền thống; những công trình kiến trúc nổi bật; thần linh và truyền thuyết (Ấn Độ thờ hơn 1.000.000 vị thần); thơ ca; điện ảnh; Yoga... tất cả đã tạo nên một nền văn hóa Ấn Độ vì mục tiêu: giải thoát con người, hướng tới sự tốt đẹp, hoàn thiện của con người; và đóng góp được nhiều hơn nữa vào kho tàng văn hóa nhân loại.
Kết thúc buổi thuyết trình, PGS, TS. Phạm Minh Sơn và TS. Ash Narain Roy đồng quan điểm khi bày tỏ: Dù hạn chế về thời gian nhưng buổi thuyết trình đã mở ra một không gian nghiên cứu, tìm hiểu phong phú, rộng và sâu về văn hóa - con người Ấn Độ trong tương lai nếu có được sự kết nối giữa Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Việt Nam) với Viện khoa học xã hội Delhi (Ấn Độ) trong khuôn khổ hợp tác, trao đổi thông tin về những lĩnh vực hai đơn vị nghiên cứu, giảng dạy thì sẽ gặt hái được những thành quả tốt đẹp.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
[1] Khoa Quan hệ quốc tế thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trong những cơ sở đào tạo ngành Quan hệ quốc tế có uy tín trong nước và cũng là khoa duy nhất trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đang đào tạo chuyên ngành Thông tin đối ngoại và chuyên ngành Quan hệ chính trị và Truyền thông quốc tế.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục