Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong bối cảnh mới

Triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong bối cảnh mới

03:38 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu rất rõ đối ngoại gồm ba trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân. Đây là ba kênh đối ngoại Trung ương - lực lượng nòng cốt đấu tranh ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế cả về vật chất, tinh thần trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước. Đáng chú ý, cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, đối ngoại quốc phòng-an ninh tiếp tục khẳng định là kênh quan trọng đóng góp vào quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, góp phần trực tiếp xây dựng lòng tin chiến lược, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh không ngừng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực quốc phòng, quân sự, kinh tế, khoa học và công nghệ, đồng thời phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Việt Nam đã có quan hệ, hợp tác về quốc phòng, an ninh với các đối tác chủ chốt, phù hợp với các quan hệ song phương theo các khuôn khổ của đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác hợp tác toàn diện, tập trung vào những lĩnh vực phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm. Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ quốc phòng với hơn 80 quốc gia và tổ chức quốc tế; có 50 nước đặt tùy viên quân sự tại Việt Nam. Quân đội đã cử cán bộ, sỹ quan tham gia Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan và sắp tới tiếp tục cử thêm sỹ quan thực hiện nhiệm vụ này.

Bên cạnh hợp tác quốc phòng song phương, Việt Nam còn tham gia nhiều hoạt động đối ngoại quốc phòng đa phương của ASEAN và một số diễn đàn đa phương khác, trong đó có Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á, Diễn đàn Hương Sơn. Bảo vệ Tổ quốc từ xa là kế sách lớn, là chiến lược giữ nước ngày nay. Quán triệt và thực hành tốt kế sách giữ nước trong thời bình là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Việt Nam.

Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo; hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, các nước lớn vẫn sẽ chi phối các quan hệ quốc tế; chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, khủng bố, bất ổn chính trị - xã hội vẫn diễn ra ở nhiều nơi; tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, biển, đảo, ngày càng gay gắt; Hiệp hội các nước ASEAN tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên phạm vi toàn thế giới. Những thành tựu, kinh nghiệm của công cuộc đổi mới đã tạo ra cho đất nước ta thế và lực mới. Tuy nhiên, đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước với những âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt; các yếu tố an ninh phi truyền thống, nhất là đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi toàn quân, trực tiếp là Hải quân và các lực lượng tác chiến trên biển cần phải giữ gìn và phát huy truyền thống của “Đoàn tàu không số” năm xưa; quán triệt sâu sắc, thực hiện hiệu quả quan điểm, mục tiêu: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước” mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định.

Trong bối cảnh mới, cần thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng. Sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển, đảo là sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố và là sự kết hợp chặt chẽ trên tất cả các mặt trận, các lĩnh vực hoạt động: Quốc phòng, an ninh, kinh tế, chính trị, ngoại giao, pháp lý; trong đó, đối ngoại quốc phòng có vai trò hết sức quan trọng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, muốn bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bên cạnh việc phát huy tinh thần tự lực, tự cường phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nêu cao tính chính nghĩa, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, tăng cường hợp tác, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế, “tạo sự đan xen lợi ích”, “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”. Các lực lượng cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đã xác định. Thực hiện nhất quán phương châm vừa hợp tác, vừa đấu tranh; kiên định, kiên trì nguyên tắc chiến lược; linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, đối ngoại quốc phòng phải thực sự là một trong những trụ cột quan trọng của ngoại giao Nhà nước, góp phần xây dựng lòng tin, tạo thế cân bằng chiến lược giữa các nước lớn, được triển khai linh hoạt, thiết thực, hiệu quả, phù hợp thực tiễn đất nước, khả năng của từng lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đặc điểm của từng đối tác với mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia dân tộc trên biển, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để đất nước phát triển và hội nhập. Đồng thời, chủ động nắm, dự báo sớm tình hình, nhất là sự điều chỉnh chiến lược, sách lược của hải quân các nước lớn và các nước trong khu vực; đề xuất sáng kiến duy trì an ninh, an toàn hàng hải, hòa bình, ổn định ở Biển Đông, cũng như phối hợp hoạt động ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, hỗ trợ nhân đạo, bảo vệ môi trường biển,... kịp thời báo cáo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng để tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác đối ngoại quốc phòng cũng như xử lý các vấn đề trên biển; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế, không để bị động, bất ngờ hoặc bị cô lập về ngoại giao trong giải quyết những vấn đề liên quan đến biển, đảo, nhất là Biển Đông.

Từ bài học kinh nghiệm trong lịch sử chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các nước trên thế giới nói chung, nhất là bài học về sự thất bại trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu trước đây; biến động chính trị - xã hội tại các nước Trung Đông - Bắc Phi 10 năm về trước nói riêng là hồi chuông cảnh tỉnh cho các nước xã hội chủ nghĩa còn lại trong thế giới đương đại, trong đó có Việt Nam vẫn giữ nguyên tính thời sự. Bất kể khi nào, ở đâu, các đảng cộng sản và công nhân cùng nhà nước xã hội chủ nghĩa không chủ động và không có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa thì khi đó, ở đó sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc gặp khó khăn, thậm chí thất bại. Trong bối cảnh hiện nay, một trong những phương thức tốt nhất, hiệu quả nhất được coi là thượng sách giữ nước là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, ngăn ngừa không để xảy ra xung đột và chiến tranh dưới bất kỳ hình thức, quy mô nào. “Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” được xác định là sự lựa chọn thông minh nhất, phù hợp nhất, có lợi nhất. Đó còn là vấn đề hệ trọng liên quan đến sự tồn tại và phát triển của đất nước.

Chú thích ảnh: Việt Nam và Ấn Độ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục