Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Triển vọng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” (Phần 1)

Triển vọng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” (Phần 1)

03:26 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

GS, TS Mạch Quang Thắng*

1. Đặt vấn đề

Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia đang có mối quan hệ hợp tác chiến lược, lại là hai điểm nhấn khá quan trọng ở hai đại dương sát liền nhau: Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trong quan hệ quốc tế đan xen tại khu vực này, có rất nhiều mối quan hệ quốc gia đã và đang vận hành, chúng bộc lộ nhiều kết quả và bắt đầu cho thấy triển vọng khác nhau, trong đó có chiến lược với tên gọi “Ấn Độ - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở”. Quan hệ Việt Nam và Ấn Độ sẽ phải nhìn nhận ra sao với nhãn quan hướng véctơ lực nhằm tới sự an ninh, thịnh vượng không những cho bản thân nước mình mà còn cho cả các nước trong khu vực và trên thế giới? Đạt được điều này không dễ dàng bởi lợi ích cụ thể được chế định từ chủ nghĩa dân tộc của mỗi quốc gia trong khu vực còn khác nhau. An ninh, tự do hàng hải ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, xét cho cùng, là vì sự cường thịnh của mỗi nước. Nhưng, mỗi nước trong thời đương đại lại phải đặt trong sự vận động phức tạp của các quan hệ nhiều hơn con số hai quốc gia.

2. Sự khởi đầu

Thực tế của mấy thập niên đầu thế kỷ XXI đã chứng minh cho sự đúng đắn của những dự đoán từ thế kỷ trước rằng, thế kỷ XXI là thế kỷ của biển, nghĩa là không gian sinh tồn của con người còn là biển cả, nơi chiếm tới 3/4 diện tích bề mặt trái đất, nơi chứa rất nhiều tài nguyên tự nhiên và là các nguồn lực vô tận cho sự phát triển của nhân loại. Tất nhiên, con người là một thực thể không cam chịu bó hẹp trong một không gian sống nào đó, mà còn tìm cách chinh phục vũ trụ, để có thể “di dân” lên các hành tinh khác trong tương lai. Tại đây cũng có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các cường quốc chạy đua vũ trang lên vũ trụ. Năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald  J.Trump tuyên bố tại cuộc họp với Hội đồng Không gian quốc gia Mỹ rằng, Mỹ “phải làm chủ không gian, vì vậy, tôi yêu cầu Lầu Năm Góc lập tức bắt đầu quá trình thành lập quân chủng thứ sáu với vai trò tác chiến trên vũ trụ. Chúng ta đã có không quân và giờ đây sẽ có thêm lực lượng không gian riêng biệt. Đây sẽ là một quân chủng rất quan trọng”[1]. Đấy là “sân chơi” của các cường quốc vũ trụ. Còn không gian biển vẫn luôn là địa bàn sinh kế không những của các quốc gia có biển mà còn là của những quốc gia không có biển được quyền quá cảnh để thông thương với các quốc gia khác trên thế giới.

Ấn Độ - Thái Bình Dương là khái niệm được mượn từ lĩnh vực địa - sinh học chỉ vùng nước nhiệt đới trải từ tây Ấn Độ Dương tới bờ Tây và Trung Tây Thái Bình Dương[2]. Thoạt tiên, khái niệm này xuất hiện từ phía học giả chứ không từ các chính khách. Học giả đầu tiên sử dụng thuật ngữ này là tiến sĩ Gurpreet S. Khurana, giám đốc Quỹ Hàng hải quốc gia tại New Delhi (Ấn Độ) trong một cuộc sinh hoạt khoa học giữa Ấn Độ và Nhật Bản. Năm 2007, khi nhìn nhận về quan hệ Ấn Độ - Nhật Bản, tiến sĩ Gurpreet S. Khurana cho rằng, các lợi ích chung và cốt lõi của Ấn Độ và Nhật Bản về hàng hải sẽ khó có thể được bảo đảm nếu Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương bị chia rẽ trong nhận thức chiến lược. Do đó, thuật ngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” đã ra đời như là một tầm nhìn chiến lược mới trong khu vực. Và, thực tế, dần dần thuật ngữ này, vốn là từ lĩnh vực địa - sinh học, đã được chính trị hóa. Cùng năm 2007, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong nhiệm kỳ đầu của mình, đã có bài phát biểu trước Nghị viện Ấn Độ về “sự hợp lưu của hai đại dương" như là “sự kết nối năng động của hai vùng biển tự do và thịnh vượng” ở châu Á. Vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sau đó đã được giới chức cũng như học giả Ấn Độ và Nhật Bản ủng hộ, coi là nền tảng của hợp tác toàn diện vì lợi ích chung của hai nước trong thế kỷ XXI.

Thời kỳ do Obama làm Tổng thống, Chính phủ Mỹ thực hiện Chiến lược xoay trục sang châu Á. Rồi từ năm 2010, các Ngoại trưởng Mỹ trong hai nhiệm kỳ Chính phủ Obama bắt đầu để ý đến việc xây dựng “Hành lang kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Đối với nước Mỹ, với vai trò “lãnh đạo thế giới” (tự phong hay tất yếu?), châu Á - Thái Bình Dương vẫn là một khu vực ưu tiên trong các chính sách quan hệ quốc tế. Do vậy, dù bằng hình thức gì đi nữa thì Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald J. Trump vẫn hướng về đây trong xây dựng các chính sách quan hệ quốc tế của mình. Có thể nói rằng, nơi đây hiện diện rất rõ sự đan xen nhau rất phức tạp của những lực thuận và lực cản trên con đường phát triển của Mỹ. Đó là một Trung Quốc đang trỗi dậy một cách mạnh mẽ; một Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ấp ủ những nguy cơ vũ khí hạt nhân; một khối đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia; một cộng đồng hợp tác đầy triển vọng tốt đẹp với ASEAN; những vùng đại dương đầy ắp các nguồn lợi nối với nhau bằng các đường hàng hải tấp nập nhưng không kém phần phức tạp, rắc rối, đầy rủi ro với những thiên tai, nhân tai cộng hưởng với nhiều chính sách quốc gia vị kỷ.

Chính vì thế, tháng 11-2017, tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở thành phố Đà Nẵng (Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald J. Trump nêu lên ý tưởng xây dựng một Chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở”. Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 31 tại Philippines, khái niệm này một lần nữa được Tổng thống Mỹ Donald J. Trump nhấn mạnh cùng với lời cam kết rằng, Mỹ sẽ cùng với các nước Ấn Độ, Nhật Bản và Australia tích cực đóng góp vào việc duy trì ổn định và thịnh vượng của khu vực. Có nhiều cách giải thích về nội dung Chiến lược này. Phía Mỹ thì cho rằng, Ấn Độ - Thái Bình Dương là một khu vực có các quốc gia độc lập có quyền phát triển trong tự do và hòa bình trên cơ sở tuân thủ các luật quốc tế. Tháng 12-2016, trong cách tiếp cận và thể hiện của Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ, thì khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trở thành khu vực được chú ý nhất trong hệ quy chiếu với lợi ích của Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng nhìn thấy ở khu vực này vai trò rất quan trọng trong việc đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác chiến lược quốc phòng với Ấn Độ, Nhật Bản, Australia.

Một khía cạnh đặc biệt quan trọng cần nêu lên ở đây là ở chỗ, việc đề ra và thực thi Chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở”, ngoài ba mục tiêu chủ yếu như (1) Tránh tạo cảm giác đối đầu trực diện với Trung Quốc; (2) Làm sống lại liên minh chiến lược Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Australia; (3) Nhấn mạnh vai trò của Mỹ và Ấn Độ trong khu vực, thì còn có mục tiêu rất chủ yếu là (4) Phát đi thông điệp tự do hàng hải là trụ cột cho an ninh khu vực.

Chính phủ Mỹ không ngần ngại để lộ một điều rằng, làm như thế là để Mỹ tăng cường hợp tác với các nước khu vực này, nhất là Ấn Độ, nhằm đối trọng với Trung Quốc. Trên thực tế, một điều tưởng lạ nhưng không lạ là tất cả, từ các chính khách cho tới các học giả trên thế giới, khi bàn luận về Chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở”, đều không đề cập đến Trung Quốc, một quốc gia vốn là một nước lớn ở trong khu vực này, lẽ ra là một thành viên chủ yếu của Chiến lược.

Thật có lý để đưa ra nhận định về sự đối trọng của Chiến lược này bởi vì đang có sự án ngữ ngăn cản từ hàng loạt mưu toan của Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, trong đó có cái gọi là “Con đường tơ lụa”, Sáng kiến “Vành đai và con đường” (BRI), “Giấc mơ Trung Hoa”,… Tôi có thể nói rằng, phương thức “Cái gậy và củ cà rốt” vốn sinh ra từ Mỹ, song ở những thập niên đầu thế kỷ XXI này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ lãnh đạo Tập Cận Bình, đang là bậc thầy của việc phát triển sử dụng phương thức đó. Trung Quốc phô trương và thực thi sức mạnh của mình với truyền thống ngàn xưa và với tham vọng cực lớn để đứng trung tâm thế giới. Chiến lược của Trung Quốc cũng đã gặt hái được một số thành công. Riêng đối với Đông Nam Á, Trung Quốc đã làm phân tán được sức mạnh cộng đồng ASEAN, làm khuynh đảo Biển Đông và rốt ráo thực thi mưu đồ làm bá chủ thế giới. Lấy một vài thí dụ đối với Campuchia, Malaysia. Riêng ở Malaysia, suốt 9 năm cầm quyền của Chính phủ do Najib Razak làm Thủ tướng, Malaysia rất tích cực tham gia cái gọi là BRI của Trung Quốc với các giao dịch trị giá lên tới 34,2 tỷ USD; và không ngạc nhiên chút nào khi nhiều nhà quan sát quốc tế cho rằng, ông Najib Razak đã đưa Malaysia đến rất gần với Trung Quốc[3]  -  điều mà Chính phủ mới thay thế qua cuộc bầu cử năm 2018 đưa ông Mahathia Mohamat 92 tuổi trở lại làm Thủ tướng đã phê phán. Đặc biệt, Trung Quốc đã tăng cường “đầu tư” vào Trung Đông và châu Phi. Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất trong năm 2016 vào Saudi Arabia với gần 30 tỷ USD bằng vốn đầu tư trực tiếp (FDI). Tháng 7-2017, Trung Quốc đưa vào sử dụng chính thức căn cứ quân sự chiến lược nước ngoài đầu tiên ở Djibouti, gần lối vào Biển Đỏ. Trung Quốc coi Iran là mắt xích quan trọng của BRI nhằm hưởng lợi từ nguồn dầu lửa của Trung Đông[4]. Trong những năm gần đây, với BRI, Trung Quốc đã đầu tư ồ ạt vào xây dựng cơ sở hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường biển ở các nước Trung Á, Nam Á và châu Phi để mở rộng ảnh hưởng của mình. Nhiều dự án làm dấy lên hoài nghi và sự lo ngại ở nhiều nước, đặc biệt là các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Nhật Bản, một số nước ASEAN và Ấn Độ. BRI bị nhiều nước phương Tây phê phán là thiếu minh bạch, nó xâm phạm lãnh thổ và làm nhiều nước nghèo chìm sâu trong nợ nần. Tuy nhiên, vẫn có sự tham gia ở mức độ khác nhau của không ít nước trong khu vực vào BRI đã cho thấy sức ảnh hưởng ngày một gia tăng không thể xem thường của Trung Quốc. (Xem tiếp phần 2)


* Giáo sư, Tiến sĩ sử học, Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

[1] Theo https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/quan-su/trump-ra-lenh-thanh-lap-quan-chung-vu-tru-my-3765649.html

[2] Nhiều chính khách, học giả Nhật Bản và Ấn Độ có cái nhìn vùng biển này mở rộng hơn, đến tận bờ biển Đông châu Phi.

[3] Theo http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Tai-sao-phai-so-Trung-Quoc-Moi-giao-dich-thua-lo-voi-Trung-Quoc-phai-ket-thuc-post187266.gd

[4] Theo https://vov.vn/the-gioi/bai-1-can-ky-vong-thuc-te-voi-chien-luoc-an-dothai-binh-duong-749516.vov

** Bài tham luận Hội thảo khoa học quốc tế "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở" tổ chức tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày 24/8/2018.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục