Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Triển vọng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” (Phần 2)

Triển vọng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” (Phần 2)

03:23 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

GS, TS Mạch Quang Thắng*

Cách hành xử của Trung Quốc trong các quan hệ quốc tế, nhất là trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á, Ấn Độ - Thái Bình Dương, đang là điểm nhấn đáng lo lắng, thậm chí là đáng báo động, không chỉ đối với Mỹ mà là đối với cả toàn thế giới. Trung Quốc nói không đi đôi với làm, tiền hậu bất nhất, bất chấp luật pháp quốc tế trong hành xử ở Biển Đông. Trung Quốc không từ bỏ tham vọng kiểm soát Biển Đông, cải tạo, bồi đắp các đảo nhân tạo, quân sự hóa, coi thường sự phản đối của các nước có tranh chấp và có chủ quyền ở đây; đặc biệt là rất ngang ngược đối với phán quyết của Tòa Trọng tài về đường lưỡi bò. Đồng thời, Trung Quốc luôn tìm cách “bẻ từng chiếc đũa”, đưa các nước khu vực vào quỹ đạo ảnh hưởng của mình thông qua các khoản viện trợ kinh tế.

Không những chỉ tăng cường mở rộng ảnh hưởng bằng kinh tế, Trung Quốc cũng tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương, ngoài căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên ở Djibouti phía Đông châu Phi, gần lối vào Biển Đỏ, đang xúc tiến mở thêm các căn cứ không quân, hải quân khác. Trước nguy cơ lợi ích địa chính trị, kinh tế và các giá trị cốt lõi của mình trong khu vực có thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các cường quốc có liên quan đã nhận thấy cần phải có chiến lược để đối trọng với Trung Quốc.

Trong hoàn cảnh như vậy, một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở bao chứa nội dung ý tưởng của Chiến lược đã thể hiện rõ tầm nhìn đó.

3. Cái nhìn dự báo quan hệ Việt Nam - Ấn Độ

Hiện còn có sự nhận thức khác nhau về Chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở”. Có quốc gia nhấn mạnh coi đây là khu vực thương mại và đầu tư được thực hiện tự do, tức là không bị hạn chế. Không hạn chế, nhưng ai cũng hiểu chủ yếu là tự do hàng hải ở các vùng biển này theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Điều này thì lại gặp ngay sự cản trở về sự tranh chấp ở Biển Đông mà Trung Quốc cố tình không tuân thủ UNCLOS, điển hình là luôn phô diễn đường lưỡi bò cực kỳ phi lý, muốn biến hầu hết diện tích Biển Đông (khoảng 80% diện tích) thành vùng biển chủ quyền của mình.

Nhìn trong thực tế, trong Chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở”, Mỹ là nước có vai trò quan trọng nhất. Bên cạnh đó, còn có bốn nước quan trọng sau Mỹ: Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia.

Nói nhấn mạnh tới thương mại và đầu tư tự do là nói đến những nước không có tranh chấp về lãnh hải như Australia. Còn ngoài thương mại và đầu tư, còn phải đề cập lĩnh vực an ninh, quốc phòng nữa như Ấn Độ và Việt Nam cùng các nước trong ASEAN. Mỹ và một số nước, trừ Trung Quốc, muốn thông qua Chiến lược này để bổ sung cho chính sách ở châu Á - Thái Bình Dương; và, do đó, sinh ra các quan hệ song phương, đa phương mới. Hiện, Ấn Độ đã nâng cấp chính sách “Hướng Đông” thành “Hành động phía Đông”, đồng thời có sự chia sẻ lợi ích và tỏ ra sẵn sàng hợp tác hơn với Mỹ trong việc kiềm chế và ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc. Do đó, chính sách của Mỹ về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ là tiền đề cho “Tứ giác an ninh”: Mỹ - Ấn Độ - Nhật Bản - Australia.

Như vậy, Ấn Độ có lợi ích thiết thực nếu tham gia Chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở” vì nó phù hợp với chính sách và hành động hướng Đông của Ấn Độ. Với sự tham gia Chiến lược này, ít nhất Ấn Độ sẽ tích cực để đạt được những mục tiêu phát triển của mình. Đối với Việt Nam? Còn quá sớm để nhận định Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì nếu tham gia Chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở”. Cả Ấn Độ và Việt Nam - hai nước châu Á, hai quốc gia nằm trong không gian của Chiến lược này, đang tham gia vào rất nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có nhiều tổ chức chồng chéo nhau về khu vực địa lý và phạm vi nội dung bao quát, tuy mỗi tổ chức đều có những “luật chơi” khác nhau. Nhìn một cách bao quát, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ nếu được đặt trong sự vận hành của Chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở” sẽ cho thấy triển vọng sau đây:

Một là, hai nước sẽ được hưởng lợi chung trong thế phát triển của khu vực.

Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương này có hơn 1/2 dân số thế giới, là khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới. Ấn Độ Dương chiếm tới 1/9 hải cảng, 1/5 lượng hàng hóa xuất nhập khẩu thế giới; lưu lượng vận chuyển container qua Ấn Độ Dương hằng năm chiếm 1/2 lượng vận chuyển của toàn thế giới. Sự kết nối Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã tạo nên một khu vực có tới 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản), 7 trong số 8 nền kinh tế phát triển nhanh nhất và 7 trong số 10 lực lượng quân đội lớn nhất thế giới. Tuyến đường biển ở Ấn Độ Dương đóng vai trò quan trọng cho dòng chảy dầu mỏ, khí đốt và hàng hoá trên thế giới. Đây cũng là nơi có hai eo biển quan trọng nhất với tuyến vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông tới Australia và Đông Á. Trung bình mỗi ngày có 17 triệu thùng dầu mỏ được vận chuyển qua eo biển Hormuz và 15,2 triệu thùng qua eo biển Mallacca. Đây còn là vùng biển kém an toàn bởi nạn cướp biển và khủng bố hoành hành. Biển thì rộng nhưng năng lực hàng hải của nhiều nước trong khu vực vẫn còn hạn chế. Tình hình này đặt ra yêu cầu rất cấp thiết cho các nước ở đây là phải bảo đảm an ninh cho tuyến hàng hải được coi là huyết mạch cực kỳ quan trọng của kinh tế thế giới.

 Nhìn một cách tổng quát và dự lượng thì các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương có thể sẽ đóng góp khoảng 1/2 sản lượng kinh tế thế giới trong khoảng 10 năm tới. Mặc dù khi triển khai thực hiện Chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở”, Mỹ luôn có ý đồ riêng để hướng vào cái đích “Nước Mỹ trên hết”, “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” - theo tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald J. Trump - nêu cao vai trò cũng như nâng tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, việc đó, về mặt khách quan làm cho một số nước, đặc biệt là Ấn Độ, mạnh lên về kinh tế, quân sự, tạo ra vị thế chính trị của Ấn Độ với tư cách là một trong bốn trụ cột của Chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở”. Đây là những nước thành viên của nhóm “Đối thoại an ninh bốn bên” (gọi tắt là nhóm “Bộ tứ,” hay “Tứ giác kim cương”) cũng là bốn nước cường quốc về kinh tế, quân sự đóng vai trò quan trọng nhất trong việc hình thành Chiến lược này. Đây là những nước mặc dù có nhiều lợi ích chung nhưng cũng không hoàn toàn trùng khớp. Trong khi Mỹ cho rằng, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực trải từ bờ Tây nước Mỹ tới bờ Tây Ấn Độ thì Nhật Bản lại muốn khu vực này bao gồm đến tận bờ Đông của châu Phi. Tuy chưa có định nghĩa chính thức của mình nhưng Ấn Độ có quan điểm tương tự Nhật Bản. Còn cách nhìn của Australia về cơ bản giống cách nhìn của Mỹ. Một điểm chung nổi bật đó là: dù còn khác biệt về quan điểm nhưng cả bốn nước đều ủng hộ và nhấn mạnh vai trò trung tâm của Ấn Độ với chiến lược mới. Ấn Độ có tiềm năng và sẵn sàng gánh vác trách nhiệm an ninh khu vực.

Thế mạnh của Ấn Độ được nhìn nhận một cách thực tế hiện tại và trong tương lai gần. Đã có không ít đự báo rằng, Ấn Độ sẽ trở thành một siêu cường trong tương lai. Ấn Độ đã vượt Trung Quốc để trở thành nền kinh tế chủ đạo có mức độ tăng trưởng cao nhất thế giới (đơn cử, năm 2016, Ấn Độ có mức tăng trưởng 7,1% so với 6,7% của Trung Quốc). Cũng đã có dự báo đến năm 2024, Ấn Độ sẽ trở thành nước đông dân nhất thế giới và đến năm 2030, sẽ vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Ấn Độ là một trong chín nước trên thế giới sở hữu vũ khí hạt nhân và có lực lượng quân đội đông thứ hai thế giới. Sự trỗi dậy của Ấn Độ được các nước phương Tây tỏ thái độ tích cực. Điều này khác với thái độ của các nước phương Tây đối với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.

Một đặc điểm nổi rõ là, tuy là nước có diện tích lớn nhất ở Nam Á, nhưng Ấn Độ lại là khá biệt lập trong giao thương đường bộ do vùng biên giới phía bắc địa hình hiểm trở và đầy nguy cơ tranh chấp với các nước láng giềng, nhất là đối với Trung Quốc. Đặc điểm này chế định một tình hình thực tế là, có đến 95% khối lượng hàng hóa, 68% giá trị thương mại của Ấn Độ đến - đi từ Ấn Độ Dương. Do tranh chấp biên giới với hai nước láng giềng là Pakistan và Trung Quốc, cho nên Ấn Độ đã chú trọng tìm kiếm đối tác an ninh và thương mại ở khu vực Đông Á, Đông Nam Á (đặc biệt là đối với Nhật Bản và ASEAN). Nhật Bản và Ấn Độ đã đẩy mạnh phát triển mối quan hệ đối tác quân sự những thập niên đầu thế kỷ XXI với những thoả thuận cụ thể về chia sẻ thông tin, chuyển giao công nghệ và duy trì các cuộc tập trận chung. Cũng tương tự như vậy, nhưng dưới mức độ nhỏ hơn, Ấn Độ tìm đối tác, hợp tác quân sự với Việt Nam và một số nước khác trong ASEAN. (Xem tiếp phần 3)


* Giáo sư, Tiến sĩ sử học, Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

** Bài tham luận Hội thảo khoa học quốc tế "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở" tổ chức tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày 24/8/2018.

Nguồn:

Cùng chuyên mục