Triển vọng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” (Phần 3)
GS, TS Mạch Quang Thắng*
Với khối ASEAN, thương mại hai chiều Ấn Độ - ASEAN đã tăng từ 12 tỷ USD năm 2001 lên 70 tỷ USD năm 2017. Khối ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ. Ấn Độ cũng tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng kết nối Ấn Độ với Đông Nam Á, đặc biệt là Đông Nam Á lục địa. Các dự án đã được đặt ra, như Đường cao tốc Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan cùng với Hành lang kinh tế Đông - Tây và Hành lang kinh tế phía Nam sẽ kết nối Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam), Phnôm Pênh (Campuchia), Bangkok (Thái Lan) với Yangon (Myanmar) và New Delhi thúc đẩy thương mại, phát triển kinh tế, văn hoá và quốc phòng trong khu vực. Việc lãnh đạo của cả mười nước ASEAN đều có mặt tại Ấn Độ tham dự lễ kỷ niệm Ngày Cộng hoà 26-1-2018 là sự kiện chưa từng có và đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ hợp tác xuyên Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Việc Ấn Độ, trên thực tế, nếu sẽ là thành tố quan trọng trong Chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở” thì chắc chắn mở ra triển vọng tốt đẹp cho nguồn lực mới để tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Nếu như vậy thì Việt Nam cũng chắc chắn được hưởng lợi từ sự hợp tác song phương Việt Nam - Ấn Độ trên cơ sở Ấn Độ có sức mạnh mới.
Hai là, vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ càng được quốc tế hóa.
Việc này càng có lợi cho Việt Nam và Ấn Độ. Trung Quốc thì không bao giờ muốn quốc tế hóa vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, mà chỉ muốn có quan hệ tay đôi để dễ bề thao túng. Việc quốc tế hóa vấn đề tranh chấp Biển Đông chắc chắn sẽ làm cho hàng hải của cả khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được thông thoáng hơn, thấm và sát hơn với nghĩa của từ khóa “tự do”, “rộng mở” có trong tên gọi của Chiến lược, không bị một thế lực nào khống chế, nhất là từ đường hàng hải, rất có thể Trung Quốc sẽ khống chế cả đường không với vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)[1].
Có thể nói rằng, cộng đồng ASEAN càng ngày càng có sức hút mạnh mẽ đối với các nước trên thế giới trong quan hệ đối tác toàn diện, cả chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Việt Nam có vai trò ngày càng lớn trong cộng đồng ASEAN. Theo một số nhà nghiên cứu quốc tế thì ASEAN hiện nay đóng vai trò như trái tim của Chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở”[2]. Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald J. Trump tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở thành phố Đà Nẵng (Việt Nam) tháng 11-2017 mở đầu bằng việc bày tỏ sự vinh hạnh được “hiện diện tại Việt Nam - trái tim của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”[3]. Trong suốt chuyến đi châu Á gần hai tuần của mình, Tổng thống Mỹ Donald J. Trump liên tục sử dụng khái niệm này như ý tưởng về chiến lược mới của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trên thực tế, Việt Nam đang hợp tác với nhiều quốc gia để giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông, không để Trung Quốc lái về quan hệ tay đôi. Điều này hoàn toàn phù hợp với lợi ích của Ấn Độ và của Mỹ cũng như của nhiều nước khác muốn biến nơi đây thành khu vực hòa bình, thông thương hàng hải theo đúng thông lệ quốc tế, ghi rõ trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). ASEAN chính là “sự hợp lưu của hai đại dương” theo hình ảnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nói. Đây có thể được coi là khu vực đa dạng nhất về văn hoá, chính trị, tôn giáo và hình thái xã hội với ảnh hưởng sâu rộng trải dài qua các châu lục từ cổ xưa đến đương đại.
Sự hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ về mọi mặt, đặc biệt là về quốc phòng, sẽ được đẩy lên một bước mới tích cực hơn nếu hai nước tham gia Chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở”. Ấn Độ sẽ được hưởng lợi hơn trong thế phát triển khi thực hiện Kế hoạch hướng Đông, đặc biệt là để thông thương hàng hải cũng như tạo thế mạnh khi giải quyết tranh chấp lãnh thổ đất liền với các nước láng giềng. Việt Nam cũng được tạo thêm lực lượng khi hợp tác với nước lớn là Ấn Độ để tạo thế và lực mới trong quan hệ quốc tế, tuy rằng Ấn Độ vẫn chưa phải là một thành viên của Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Nhưng, có một điều có thể sẽ xẩy ra nếu khi Việt Nam chấp nhận sự hợp tác với Ấn Độ trong Chiến lược này là sự va chạm của Việt Nam giữa Chiến lược này với Sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc. Việt Nam có sự lựa chọn hay không lựa chọn giữa Chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở” và Sáng kiến “Vành đai và con đường” thì vấn đề này vẫn chưa rõ ràng. Việt Nam đang tham gia Sáng kiến “Vành đai và con đường” nhưng ở mức độ cầm chừng, không mặn mà. Vậy nên, bàn về triển vọng của quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong khuôn khổ của Chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở” vẫn còn vấn đề ở phía trước. Tôi cho rằng, phức tạp thì có, nhưng sự hưởng lợi của hai nước Việt Nam và Ấn Độ thì nhiều hơn.
4. Kết luận
Thế giới hiện đại là thế giới của sự cạnh tranh khốc liệt, cũng là thế giới của cả hai hiện trạng vừa hợp tác vừa đấu tranh. Các hình thức hợp tác trên thế giới sẽ còn tiếp tục xuất hiện do sự vận động không ngừng của các mối bang giao quốc tế. Chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở” vừa mới manh nha, nhưng nó nhận được sự quan tâm khá lớn của nhiều nước có liên quan. Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia nằm trong khu vực của Chiến lược này. Hơn nữa, Ấn Độ còn được coi là một trong bốn trụ cột của nó. Việt Nam có tham gia Chiến lược này hay không, vấn đề này đang còn bỏ ngỏ với tư cách một quốc gia độc lập, nhưng với tư cách là một thành viên có vị trí và vai trò quan trọng của cộng đồng ASEAN, Việt Nam chắc là sẽ không đứng ngoài Chiến lược này. Ấn Độ sẽ được hưởng lợi từ sự tham gia Chiến lược. Đã đành là như thế, nhưng cả Việt Nam nữa, nếu nằm trong vòng chế định của Chiến lược này thì sẽ có lợi trong các mối quan hệ quốc tế. Vậy là, đặt mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh thực thi Chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở” thì đây là triển vọng tốt đẹp cho cả hai nước./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập (2011), tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (2010), Đảng Cộng sản Việt Nam 80 năm xây dựng và phát triển, Nhà xuất bản Chính trị - Hành chính, Hà Nội.
4. Moto F (1997), Hồ Chí Minh - Giải phóng dân tộc và đổi mới, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997.
5. Thanh Huyền (2016), Chiến lược “Tái cân bằng” ở châu Á- Thái Bình Dương sẽ tiếp tục dưới thời Donald Trump?, Tạp chí Thế giới toàn cảnh, số 74 (11).
6. Kiều Tỉnh (2016), “Hạt nhân lãnh đạo” Tập Cận Bình: Nấc thang quyền lực mới, Tạp chí Thế giới toàn cảnh, số 74 (11).
7. Một số website:
https://vov.vn/the-gioi/bai-1-can-ky-vong-thuc-te-voi-chien-luoc-an-dothai-binh-duong-749516.vov
https://baomoi.com/asean-voi-chien-luoc-an-do-thai-binh-duong-tu-do-va-rong-mo/c/25539292.epi
http://baoquocte.vn/an-do-thai-binh-duong-cach-tiep-can-moi-cho-chien-luoc-cu-65468.html
https://thanhnien.vn/the-gioi/vung-nhan-dien-phong-khong-tren-bien-dong-duong-9-doan-phien-ban-20-729895.html
[1] Tác giả Alexander L. Vuving, trong bài viết đăng trên The National Interest (Mỹ, ngày 25-7-.2016) cho biết ngay trong ngày Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố thành lập ADIZ (vùng nhận diện phòng không) trên biển Hoa Đông hồi cuối năm 2013, phát ngôn viên Bộ này cũng công khai tuyên bố: "Trung Quốc sẽ thiết lập các vùng nhận diện phòng không khác vào thời điểm thích hợp sau khi hoàn tất việc chuẩn bị" (Theo https://thanhnien.vn/the-gioi/vung-nhan-dien-phong-khong-tren-bien-dong-duong-9-doan-phien-ban-20-729895.html
[2] https://news.zing.vn/an-do-thai-binh-duong-ky-nguyen-moi-cua-canh-tranh-dia-chien-luoc-post827551.html
[3] Như trên.
* Giáo sư, Tiến sĩ sử học, Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
** Bài tham luận Hội thảo khoa học quốc tế "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở" tổ chức tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày 24/8/2018.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục