Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tham dự chương trình "Ngày Ambedkar Jayanti và Những lễ hội thu hoạch Ấn Độ" tại Đại sứ quán Ấn Độ
Sáng ngày 15/04/2024, lãnh đạo và cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tham dự lễ Kỷ niệm Ngày sinh của Tiến sĩ Bhimrao Ramji Ambedkar và các Lễ hội Thu hoạch của Ấn Độ năm 2024 do Đại sứ quán Ấn Độ và Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda (SVCC), Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội tổ chức.
Tham dự Chương trình, về phía Ấn Độ có ông Sandeep Arya, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam; ông Subhash Gupta, Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam; TS. Monica Sharma, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda, Đại sứ quán Ấn Độ, và các cán bộ Đại sứ quán.
Về phía Việt Nam, có sự hiện diện của bà Phan Lan Tú, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội; TS. Lê Thị Hằng Nga, Phó Tổng biên tập Tạp chí nghiên cứu Ấn Độ và châu Á, Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á ; ThS. Vũ Thế Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Nguyễn Phú Tân Hương, Khoa Chính trị quốc tế và ngoại giao, Học viện Ngoại giao Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thanh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Khảo thí ngoại ngữ và Trao đổi Văn hóa, Đại học Bách Khoa Hà Nội; bà Nguyễn Thị Thắm, Tổ trưởng tổ giao lưu văn hóa, Trung tâm Khảo thí ngoại ngữ và Trao đổi Văn hóa, Đại học Bách Khoa Hà Nội; cùng nhiều cán bộ đến từ Đại sứ quán Ấn Độ và Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda tại Hà Nội; giảng viên, sinh viên Khoa Chính trị quốc tế và ngoại giao, Học viện Ngoại giao Việt Nam.
Ngài Sandeep Arya, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam đã phát biểu khai mạc và giới thiệu sơ lược về tiểu sử của Tiến sĩ B. R. Ambedkar. Tiến sĩ Bhimrao Ramji Ambedkar (1891 - 1956) là một luật gia, nhà kinh tế, chính trị gia và nhà cải cách xã hội Ấn Độ. Ông là Bộ trưởng Bộ Luật và Tư pháp đầu tiên sau khi Ấn Độ giành độc lập, Chủ tịch Ủy ban soạn thảo Hiến pháp Ấn Độ, đồng thời là cha đẻ của bản soạn thảo Hiến pháp Ấn Độ. Bản Hiến pháp gốc sửa đổi 1947 - 1949 được xem là bản Hiến pháp quan trọng, lâu đời nhất trên thế giới, có tác động không ngừng đến mọi mặt từ chính trị, kinh tế đến các vấn đề xã hội của Ấn Độ.
Với tư cách là một nhà kinh tế, Tiến sĩ Ambedkar đã xuất bản rất nhiều cuốn sách, tư liệu quý báu giúp thúc đẩy và phát triển nền kinh tế Ấn Độ. Về cải cách xã hội, ông xuất thân từ nhóm người có nhiều khó khăn và bất lợi trong xã hội, chính vì vậy ông luôn chú trọng và đẩy mạnh giáo dục, phát triển chế độ giáo dục bao gồm các cơ sở đào tạo giáo dục ở Ấn Độ. Đặc biệt, Tiến sĩ Ambedkar còn là tác giả của nhiều tác phẩm về cuộc đời của Đức Phật, qua đó giúp truyền tải mạnh mẽ những góc nhìn, thông điệp của Đức Phật. Có xuất phát điểm từ một người dân bình thường nhưng Tiến sĩ Ambedkar đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và có những đóng góp đáng kể đến những giá trị về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội Ấn Độ, thu hút được sự ủng hộ to lớn từ các cộng đồng, trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho người dân Ấn Độ trên hành trình phát triển đất nước.
Ambedkar Jayanti (Ngày sinh của ông Ambedkar) là một lễ hội được tổ chức vào ngày 14/04 hàng năm, không chỉ ở Ấn Độ mà trên toàn thế giới. Trong số các dịp lễ kỷ niệm Ngày sinh của các vị lãnh tụ, lãnh đạo nổi tiếng ở Ấn Độ thì chỉ có 2 dịp lễ được xem là ngày lễ chính thức của Ấn Độ, đó là lễ kỷ niệm Ngày sinh của Mahatma Gandhi và Tiến sĩ Ambedkar. Điều này thể hiện niềm tôn kính sâu sắc của người dân Ấn Độ đến Ngài Ambedkar. Trong thời gian vài ngày qua, Ấn Độ đang tổ chức các ngày lễ liên quan đến chúc mừng năm mới theo lịch biểu của Ấn Độ và lễ hội mùa màng, lễ hội mùa xuân, được gọi tên là lễ hội thu hoạch. Các lễ hội hướng đến sự hạnh phúc, vui mừng giữa người dân Ấn Độ cùng đón chào một năm mới hứng khởi và thành công.
Tiến sĩ Mạch Lê Thu, Giảng viên Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có bài phát biểu tại chương trình về Tiến sĩ Ambedkar. Mở đầu bài phát biểu, Tiến sĩ Mạch Lê Thu đã đưa ra một vài con số thú vị liên quan đến gia đình, hôn nhân và cuộc đời của ông Ambedkar. Ambedkar xuất thân từ tầng lớp được cho là “không được chạm vào”: người Dalit khi ở trường không được chạm vào bình nước và phải đợi người rót nước mới được uống. Việc trực tiếp trải qua những bất công đó đã thôi thúc ông Ambedkar đóng góp vào sự cải cách, phát triển của đất nước. Ông đã đi lên bằng con đường học vấn, với 1 bằng cử nhân, 3 bằng thạc sĩ và 2 bằng tiến sĩ tại 3 trường đại học danh tiếng. Trong bản soạn thảo Hiến Pháp Ấn Độ, Tiến sĩ Ambedkar đã xóa bỏ mọi sự phân biệt đẳng cấp, trao quyền cho nhiều nhóm người trước đó chưa có quyền như phụ nữ, trẻ em và giành vị trí, công việc cho mọi tầng lớp, bao gồm cả các tầng lớp thấp như Dalit. Ông Ambedkar đã đưa vào một điều khoản đặc biệt trong Hiến pháp Ấn Độ - Điều 17 về việc bãi bỏ hủ tục cấm tiện dân chạm vào đồ dùng của tầng lớp trên, cấm thực hành hủ tục này dưới bất kỳ hình thức nào. Đây là một trong những tư tưởng mà Tiến sĩ Ambedkar đã đưa vào Hiến pháp nhằm xóa bỏ sự phân biệt đẳng cấp tồn tại ở Ấn Độ lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Mạch Lê Thu đã đưa ra các điểm tương đồng giữa tư tưởng về Đạo Phật và Karl Marx, khi cả hai hướng đến cải cách thế giới hiện tại chứ không tìm hiểu về nguồn gốc sâu xa của thế giới. Tiến sĩ Ambedkar đã vận động xã hội từ các tầng lớp thấp, thu hút khoảng 500.000 người tham gia vào phong trào cải tạo xã hội theo Đạo Phật. Ông chủ trương rằng sự không phân biệt đẳng cấp trong Đạo Phật sẽ dẫn đến một xã hội công bằng cho tất cả mọi người.
Cũng tại sự kiện, TS. Lê Thị Hằng Nga, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đã có bài phát biểu và giới thiệu về cuốn sách “Tiến sĩ B. R. Ambedkar - Người xây dựng Ấn Độ hiện đại” do chính bà biên soạn. Cuốn sách là tập hợp những câu chuyện về Tiến sĩ B. R. Ambedkar với tư cách là một nhà hoạt động công bằng xã hội vĩ đại đã có những đóng góp to lớn trên hành trình đấu tranh chống lại chế độ phân biệt đẳng cấp vốn tồn tại dai dẳng trong xã hội Ấn Độ hàng nghìn năm qua để hướng tới xây dựng xã hội mới tiến bộ hơn, nơi mà mọi tầng lớp, giai cấp không kể giàu nghèo, sang hèn đều được đối xử bình đẳng với nhau. TS. Lê Thị Hằng Nga chia sẻ, ý tưởng viết cuốn sách này đã nhen nhóm từ 3 năm trước, khi bà được Đại sứ quán Ấn Độ mời đến tham dự lễ Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Tiến sĩ Ambedkar. Từ đó, bà đã nghiên cứu về cuộc đời của ông Ambedkar, cảm thấy ngưỡng mộ con người này và có ý định viết sách về ông.
Bên cạnh đó sự kiện còn ghi dấu ấn với những tiết mục biểu diễn văn nghệ đặc sắc như tiết mục trình diễn yoga nhịp nhàng, lôi cuốn đến từ các cán bộ của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, tiết mục hát tiếng Hindi và biểu diễn múa truyền thống Ấn Độ vui tươi, sôi động do giáo viên, học viên Trung tâm văn hóa Swami Vivekananda, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội thể hiện.
Chương trình "Ngày Ambedkar Jayanti và Những lễ hội thu hoạch Ấn Độ" tổ chức tại Đại sứ quán Ấn Độ, Hà Nội đã vinh danh và đưa ra những góc nhìn mới mẻ, sâu sắc về người Ấn Độ vĩ đại - Bhimrao Ramji Ambedkar.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục