Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học cơ sở 2022
Ngày 15/12/2022, Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học cơ sở năm 2022 “Cân bằng nước lớn và tự chủ chiến lược của Ấn Độ - Những bài học cho Việt Nam”.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao tính cấp thiết của đề tài. Do nhiều biến động về địa chính trị trong năm 2022, rất nhiều quốc gia và khu vực đang tuyên bố quan điểm về tự chủ chiến lược. Trong đó, nhiều học giả cho rằng khái niệm về tự chủ chiến lược của Ấn Độ là toàn diện hơn cả. Hoạt động thực tiễn trong đối nội, đối ngoại của Ấn Độ là minh chứng cho thấy Ấn Độ chuyển đổi mạnh mẽ từ nguyên tắc Không liên kết sang nguyên tắc Đa liên kết, tận dụng mọi sự ủng hộ, mọi nguồn lực để phát triển ổn định. Hoạt động ngoại giao cân bằng giữa Ấn Độ với các cường quốc Mỹ, Trung Quốc và Nga thể hiện năng lực ngoại giao khéo léo, linh hoạt của Ấn Độ.
Đường lối đối ngoại của Ấn Độ đang chuyển mình từ “không liên kết” sang “đa liên kết”. Điều này được ngoại trưởng Ấn Độ, Subrahmanyam Jaishankar, khẳng định trong tập sách “The Indian Way” (Con đường Ấn Độ, cách làm của Ấn Độ - Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ đã dịch). Theo đó, chính sách đối ngoại phải tập trung vào các lợi ích quốc gia cốt lõi, gạt sang một bên các cân nhắc về đạo đức, hay bất kỳ các giá trị khác do quốc tế áp đặt. Ấn Độ cần tránh xa các mâu thuẫn, nhanh chóng xác định và khai thác các cơ hội do những mâu thuẫn toàn cầu tạo ra. Chính sách tự chủ chiến lược này cho phép Ấn Độ giữ khoảng cách với những vùng xung đột giữa phương Tây với hai cường quốc đối thủ chính là Nga và Trung Quốc, đồng thời thể hiện ra hình ảnh quốc gia kiến tạo hòa bình cho thế giới, trong vai trò là một cường quốc đang lên. Cũng theo học thuyết này, giờ là lúc để Ấn Độ giao kết với Mỹ, đối phó với Trung Quốc, vun đắp quan hệ với châu Âu, trấn an nước Nga, mời gọi Nhật Bản, thu hút các láng giềng, nới rộng quan hệ láng giềng và mở rộng các nhóm hậu thuẫn truyền thống. Quan điểm của Ấn Độ, cách làm của Ấn Độ có giá trị tham khảo sâu sắc đối với những quốc gia đang muốn dồn mọi nguồn lực cho phát triển như chúng ta.
Trong bối cảnh quan hệ quốc tế hiện nay, tất nhiên Ấn Độ ưu tiên hợp tác với những nước coi trọng ảnh hưởng của Ấn Độ, ủng hộ Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế, và cảm thấy an toàn trước các hoạt động đối nội, đối ngoại của Ấn Độ. Qua việc phân tích lý thuyết cân bằng nước lớn và tự chủ chiến lược, và thực tiễn cân bằng nước lớn và tự chủ chiến lược của Ấn Độ, chúng ta rút ra những bài học và đề xuất những giải pháp cho Việt Nam trong hoạt động cân bằng nước lớn và tự chủ chiến lược và trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ.
Cân bằng nước lớn và tự chủ chiến lược có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau, và đôi khi việc này là điều kiện để thực hiện việc kia. Trong nhiều năm qua, Ấn Độ thể hiện rõ tư duy tự chủ chiến lược, đặc biệt trong cách tổ chức mối quan hệ cân bằng với các nước lớn. Ấn Độ khéo léo thúc đẩy hợp tác với từng nước trong các lĩnh vực có lợi ích, đồng thời duy trì nguyên tắc độc lập, không liên minh, liên kết, không ngại bảo vệ lập trường khi cần thiết. Ấn Độ tham gia nhóm Bộ Tứ do Mỹ khởi xướng, nhưng cũng tham gia nhóm BRICS do Trung Quốc khởi xướng. Ấn Độ công khai chia sẻ nhiều giá trị mà Mỹ thúc đẩy trong chiến lược với khu vực, giúp nâng cao vị thế quốc tế, phục vụ chính sách Hành động phía Đông, đưa Ấn Độ trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng về cơ sở hạ tầng, năng lượng, thương mại, dược phẩm cùng các cường quốc phát triển hàng đầu như Mỹ, Úc, Nhật Bản. Việc tham gia có chọn lọc vào các cơ chế do Trung Quốc khởi xướng nhằm tăng thế chiến lược trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, đồng thời, tận dụng lợi thế các nhóm có sự tham gia của Trung Quốc để đưa tiếng nói trong vấn đề chống khủng bố tại Nam Á, tăng khả năng tiếp cận thị trường châu Á của Ấn Độ.
Từ khi giành độc lập từ Anh vào ngày 15/8/1947, Ấn Độ đã từng bước trở thành quốc gia công nghiệp hóa, có lịch sử hợp tác hiệu quả với nhiều quốc gia khác. Trong quá khứ, Ấn Độ đi đầu trong phong trào không liên kết. Ngày nay, Ấn Độ chuyển mình, trở thành thành viên sáng lập của một số tổ chức quốc tế tại Liên hợp Quốc, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Phát triển mới BRICS và G-20. Ấn Độ đóng vai trò quan trọng và có ảnh hưởng trong các tổ chức quốc tế khác như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Ấn Độ cũng là thành viên của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank, viết tắt: AIIB) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Ấn Độ là thành viên của Hiệp hội Nam Á vì sự hợp tác khu vực (SAARC) và Sáng kiến vùng Vịnh Bengal về hợp tác kinh tế - kỹ thuật đa khu vực (BIMSTEC). Ấn Độ đã tham gia vào một số nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và năm 2007, đóng góp số quân nhiều thứ hai cho Liên hợp Quốc. Ấn Độ hiện đang là Chủ tịch nhóm G-20. Ấn Độ nắm giữ ảnh hưởng to lớn trong các vấn đề toàn cầu và có thể được coi là một siêu cường mới đang nổi lên.
Mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ, dựa trên nền tảng mối liên kết lịch sử và văn hóa lâu đời, các giá trị và lợi ích tương đồng, sự hiểu biết lẫn nhau cũng như cam kết chung đối với luật pháp quốc tế, có lòng tin chiến lược, đồng thời có sự chia sẻ chung về lợi ích, hỗ trợ lẫn nhau trong các cơ chế, diễn đàn khu vực và quốc tế như: quan hệ chính trị, đối tác quốc phòng và an ninh, đối tác kinh tế, đối tác phát triển, đối tác công nghệ, giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa, hợp tác đa phương và khu vực. Những hoạt động nhằm đẩy mạnh đối thoại chính trị và chiến lược, tăng cường hợp tác giáo dục và mở rộng chương trình hợp tác về quốc phòng được hai bên ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, hai bên dang thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu sau đại dịch Covid-19.
Từ lý thuyết và thực tiễn cân bằng nước lớn và tự chủ chiến lược của Ấn Độ, Việt Nam có thể quan sát và học hỏi để rút ra nhiều bài học nhằm giữ vững toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, đạt được nhiều thành tựu cụ thể trong giải quyết vấn đề phát triển. Việt Nam tranh thủ tốt hội nhập quốc tế cho phát triển kinh tế xã hội, thể hiện từ chủ trương quan hệ chính trị, hội nhập quốc tế. Chúng ta đã thu hút được nguồn lực đầu tư rất lớn, thúc đẩy thương mại, du lịch, tranh thủ về khoa học, công nghệ, giáo dục. Đồng thời chúng ta vẫn giữ được độc lập, tự chủ, trong đó có tự chủ về kinh tế. Hai bên có những thuận lợi về môi trường đối ngoại như: hoà bình hợp tác, phát triển là xu thế lớn, quá trình toàn cầu hoá và liên kết kinh tế vẫn tiếp tục, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong môi trường quốc tế và khu vực. Đặc biệt những biến động rất lớn của những thách thức an ninh phi truyền thống, mà điển hình là tác động của dịch bệnh Covid-19, xung đột vũ trang kéo dài tại Ukraina, vấn đề an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, bên cạnh những diễn biến mới hoặc vấn đề mới xuất hiện.
Trên cơ sở đó, chúng ta vẫn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại đã đem lại những thành tựu phát triển của đất nước và được sự ủng hộ rộng rãi của khu vực và cộng đồng quốc tế. Đó là đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, Việt Nam là bạn, đối tác trách nhiệm, tin cậy trong cộng đồng quốc tế; đa phương hoá, đa dạng hoá và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc dựa trên luật pháp quốc tế, bình đẳng giữa các quốc gia. Chúng ta phát huy vai trò tiên phong trong tạo dựng và gìn giữ môi trường hoà bình, tranh thủ điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển và đổi mới đất nước cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam. Chúng ta có rất nhiều tiềm năng để gia tăng ảnh hưởng sức mạnh mềm trong khu vực như tinh thần tự chủ, độc lập dân tộc, trong phát triển kinh tế và nền văn hóa đặc sắc, đa dạng. Với quyết tâm cao của lãnh đạo và sự ủng hộ của nhân dân hai nước, quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ sẽ ngày càng phát triển thực chất, hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân hai nước và vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển phồn vinh ở khu vực và trên thế giới.
Hội đồng nghiệm thu nhận xét đây là công trình khoa học nghiêm túc của tập thể tác giả. Phần lý thuyết và thực tiễn cân bằng nước lớn và tự chủ chiến lược được trình bày với dung lượng phù hợp cho đề tài cấp cơ sở.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ sẽ cỉnh sửa, bổ sung, để nhanh chóng xuất bản và xã hội hóa đề tài này trong năm 2023.
Nguồn:
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục