Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tư duy triết học Ấn Độ cổ đại thể hiện trong Phật giáo và ý nghĩa của nó trong thời đại ngày nay (Phần 2)

Tư duy triết học Ấn Độ cổ đại thể hiện trong Phật giáo và ý nghĩa của nó trong thời đại ngày nay (Phần 2)

Nền văn hóa, triết học, đời sống tâm linh tôn giáo của người dân vùng tiểu lục địa Ấn Ðộ được “phô diễn” với một hỗn hợp phong phú đến kinh ngạc mà cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa khám phá hết được những kiến giải về vũ trụ và con người trong kho tàng các điển kinh cổ của người Ấn Độ. Nền văn hóa Ấn Độ cũng được xem là một nền văn hóa thiên về “trời” vì các ý tưởng, hành vi và phong tục xã hội nhuốm mầu huyền bí và khá rắc rối, là nơi sản sinh ra nhiều loại hình tôn giáo nhất trên thế giới như Bà La Môn giáo, Đạo Vê đa, Ấn Độ giáo/Hinđu giáo, Phật giáo, đạo Giai na, đạo Sikh.

02:36 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 1)

Tư duy triết học Ấn Độ cổ đại thể hiện trong Phật giáo và ý nghĩa của nó trong thời đại ngày nay

                                                                                

                                                                                    PGS. TS. Đỗ Lan Hiền*

Trong bối cảnh lịch sử, khi mà phần lớn các tôn giáo đều chủ trương cho rằng con người và mọi hiện hữu trên thế gian này là tạo vật của thượng đế, cuả đấng toàn năng vô hạn siêu nhiên vô hình nào đó, thì Phật giáo lại chủ trương coi con người là chủ nhân của tất cả. Mỗi con người là một thế giới, một tiểu vũ trụ, và quan trọng hơn hết, mọi sự khổ đau và hạnh phúc của họ đều do chính họ quyết định, do đó, luật nhân qủa, suy cho cùng, cũng chính là thứ “định mệnh” mà mỗi con người đã tự tạo ra cho mình bằng sự tích tụ tất cả thiện nghiệp hay ác nghiệp trong quá khứ, và tương lai. Lý thuyết nhân quả đó đã hối thúc con người ta trở về với trách nhiệm luân lý, đạo đức, trách nhiệm trong tư duy, trong hành động, trong ứng xử với tự thân, với tha nhân và với xã hội để loại trừ được nghiệp báo và nhân quả

Thứ năm, lý thuyết vô thường của Phật giáo cho rằng, không có vật gì thường tồn vĩnh cửu hay có thể ở mãi trong một trạng thái, nên Phật không thừa nhận một đấng vĩnh hằng, mặc dù Phật có phân chia sinh giới ra làm 6 loại: trời, người, A-tu-la, súc sinh, ngọa quỉ, điạ ngục, nhưng trời không phải là tối hậu, không phải là đấng phạm thiên như trong các triết thuyết khác, mà tất cả đều phải tuân theo luật nhân – duyên, mà theo quan điểm duyên sinh thì không có vật thể nào có thể tồn tại độc lập mà chúng phải nương tựa vào nhau để tồn tại, vật này có, cho nên vật khác có, cái này không thì cái kia cũng không, vật này sinh, cho nên vật khác sinh, mà cái này diệt thì cái kia cũng diệt...

Những gì đã phân tích ở trên cho thấy, giới thuyết của Phật giáo là coi trọng thực hành. Trong Kinh Niết bàn chép lại rằng, khi ông Ca Diếp nhắc nhở các Tỳ Kheo phải  tụng kinh hàng ngày, phải tọa thiền, phải giữ giới luật, và làm bố thí, thì Phật nói rằng: nếu những vị Tỳ Kheo mà tu hành như thế, chẳng những không lợi ích gì cho mình mà cũng chẳng lợi ích gì cho chúng sinh cả [1]. Khi nói đến Phật giáo với tư cách là một tôn giáo, chúng ta khó tránh khỏi việc liên tưởng tới tính chất thần linh, siêu thực, xa vời, thậm chí là mê tín, mê muội vốn là thuộc tính của các tôn giáo, nhưng Phật giáo nguyên thủy không viện đến các khả năng siêu nhiên, mà chú trọng tối đa vào việc thực nghiệm của chính bản thân mình. Truyền thuyết kể lại rằng: Một hôm, trên đường thuyết giảng Phật đang định nhờ người chèo đò chở mình qua một khúc sông nhỏ thì tình cờ gặp một thầy Bà La Môn. Để biểu thị tài năng của mình, thầy Bà La Môn đã biểu diển khả năng đi bộ trên mặt nước qua sông trước mặt Phật. Phật điềm đạm hỏi: thầy Bà La Môn tu luyện bao lâu mới có được phép đi trên nước như vậy? thầy Bà La Môn trả lời: ta học pháp này hết 40 năm. Sau khi nhờ ngưòi lái đò chở sang sông, Phật mới quay lại nói với thầy Bà la môn rằng: ta chỉ tốn có hai xu mà cũng làm được một chuyện mà nhà ngươi đã phải khổ luyện tới tận 40 năm.

Thế nhưng, không ai có thể biết được chính xác những ngày đầu khi Shidhartha Gautama thuyết pháp có dính dáng gì đến những hình thức thờ cúng, lối sống đạo như Phật giáo hiện thời hay không, mặc dù tượng Phật[2], chuông mõ, chùa chiền, kiến trúc, tranh ảnh, đồ cũng lễ… đều là những thứ rất quan trọng trong quá trình phát triển và hoằng dương Phật pháp. Tuy nhiên, các bậc cao tăng, các ngôi sao sáng trong làng thiền xưa kia lưu hành Phật pháp trong thế gian thường không mấy quan tâm đến việc xây cất chùa chiền to đẹp, hoành tráng, tượng Phật không cần sơn son thếp vàng, họ thường tìm đến những nơi thâm sơn cùng cốc để thiết lập thứ tôn giáo ẩn tu, tự “giác”, tự “ngộ”, đi tìm sự giải thoát, nhưng vẫn làm nên những biệt tác về thiền học, vẫn làm cho Phật giáo lan tỏa khắp nhân gian. Ngay cả thời Phật thuyết pháp cũng là tùy duyên hóa độ, không cứng nhắc vào giáo điều, kinh kệ, thế rồi, những kinh sách sau này được coi là lời Phật dạy do các đệ tử ghi chép lạị, chắc chắn không tránh khỏi những sai lệch do trình độ tư duy và tín ngưỡng của họ hoặc chủ đích chỉnh sửa theo ý chủ quan của mình để rồi đi đến tranh cãi, phân ly thành nhiều hệ phái khác nhau.

Nói cho cùng, Phật pháp đã tồn tại trên hai nghìn năm trăm năm, triết thuyết của nó đã thấm sâu vào nhiều nền văn hóa và chi phối tới đời sống xã hội cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Tuy nhiên, đức tín và sự thực hành hay trải nghiệm tâm linh/tôn giáo có muôn nghìn cách khác nhau, điều quan trọng là chúng ta cần xác lập lại xem giá trị của Phật giáo trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như thế nào, nếu không, giá trị của nó sẽ bị xóa nhòa đi giữa bao giá trị và quyền lực chính trị, kinh tế khác và cả quyền lực xã hội của những người nhân danh tôn giáo.

Gần đây, con người ta đang rơi vào cảm giác “khủng hoảng" bởi nền văn minh vật chất bất tương xứng phát triển đến cùng cực, những “căn bệnh thời đại”,  những hành vi lệch chuẩn (tự sát, giết người hàng loạt), sự đảo lộn mọi giá trị truyền thống… đang đè nặng lên tâm trí con người. Nếu chiếu theo triết lý nhà Phật, mọi sự khủng hoảng trong các hình thái của nền văn minh nhân loại (từ tinh thần cho đến vật chất), xét cho cùng, là biểu hiện của một cuộc khủng hoảng có tính chất nền tảng và sâu xa là khủng hoảng tâm thức ngay từ bên trong con người, và chính từ sự khủng hoảng này đã tác động trở lại đối với chính con người theo luật nhân – quá, báo ứng.

Không lý gì, vào các thập niên cuối của thế kỷ XX, Phật giáo với tinh thần “vô ngã” lại có có thể thâm nhập vào được những xã hội vốn được xem là  mảnh đất dung dưỡng cho chủ nghĩa duy vật chất và chủ nghĩa cá nhân, của tinh thần duy lý khoa học đến mức cao nhất. Sự lan truyền của Phật giáo sang châu Âu không phải bằng con đường “cưỡng bức” từ trên xuống hay từ bên ngoài vào, cũng không phải bằng những hệ thống khái niệm có tính chất triết lý tư biện trừu tượng vốn là đặc thù của tư duy phương Tây. Trái lại, nó được đón nhận một cách tự nguyện, với một niềm say mê, một sự nhận thức đầy xác tín và trải nghiệm tâm linh thực tiễn của chính bản thân giới thức giả châu Âu như Schipenhauer, Nietzsche, Michel Hulin[3], Jean - Claude Zandman[4]…điều này tất phải có lý do nội tại của nó.

Albert Einstein – cha đẻ của thuyết tương đối, một thời, từng nhạo báng tôn giáo, với ông “Danh từ Chúa không gì khác ngoài sự thể hiện và là sản phẩm của sự yếu đuối của loài người, Kinh thánh là tập hợp những điều đáng kính, nhưng vẫn còn nguyên sơ, huyền ảo và khá ngây ngô…Tôi không tin vào một vị Chúa đã được nhân cách hóa và tôi không bao giờ phủ định điều này… Nếu có thứ gì đối với tôi được gọi là tôn giáo thì đó là sự thán phục vô tận dành cho cấu trúc thế giới mà khoa học của chúng ta có thể khám phá ra”[5]. Nhưng với Albert Einstein,  nếu có một tôn giáo nào mà có thể thoả mãn được các đòi hỏi của khoa học thì nó chính là Phật giáo, bởi vì, Phật giáo có những đặc tính mong muốn cho một tôn giáo phổ dụng của tương lai: Nó vượt quá khả năng thượng đế, tránh khỏi các giáo điều và các thần linh; nó bao hàm cả bản năng và tinh thần, và nó dựa trên nhận thức tôn giáo đòi hỏi mãnh liệt từ kinh nghiệm của vạn vật, của bản năng và của tinh thần, như là một sự thống nhất đầy ý nghĩa. Tức là, theo Albert Einstein, Phật giáo là một khoa học, là một triết thuyết vô thần và duy vật, và có lẽ nó thuyết phục con người đầy lý tính ngày nay bởi những ý nghĩa đó.

Tất nhiên, để giải quyết có hiệu quả các vấn nạn xã hội, cần phải áp dụng nhiều biện pháp có giá trị khoa học khách quan. Song, cũng cần tham chiếu và trở về với những "giải pháp" mà nhà Phật đưa ra, trong đó đặc biệt chú ý đến tinh thần Vô Ngã – xem đó là cuộc “cách mạng” trong chính nội tâm con người, hóa giải những vấn nạn mà con người đang gặp phải.

Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


[1] Phật học vấn đáp, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2008, tr.14.

[2] Truyền thuyết ghi lại rằng, khi Phật nhập diệt, những người kính ngưỡng Phật đã lấy hoa sen tiêu biểu cho sự thanh tao tinh khiết, trong sạch để thờ, hoặc thờ lá Bồ đề với ý nghĩa là sự giác ngộ của Phật. Thời cổ, người ta chỉ thờ biểu tượng, chứ chưa thờ hình người vì họ nghĩ rằng làm tượng hình người dù có giống đến mấy cũng không thể diễn tả được nhân cách siêu tuyệt của người được tôn thờ một cách trọn vẹn.

Cho đến đầu Công lịch, sử sách chép lại rằng, vua xứ Vu Điền (là một vương quốc Phật giáo nằm trên nhánh “con đường tơ lụa” chạy dọc theo rìa phía nam của sa mạc Taklamakan tại lòng chảo Tarim - nay thuộc Tân Cương, Trung Quốc) vì quá kính ngưỡng Phật, nên ông ao ước được một lần tận mắt trông thấy hình tướng của Ngài. Tấm lòng thành của ông đã được một vị thánh tăng thời đó đáp ứng bằng cách trong giấc chiêm bao, đã đưa ông lên tận Niết Bàn cho ông thấy Phật đang thuyết pháp cho chư thiên. Và từ đó, trở lại nhân gian, nhà vua  đã cho người tạc tượng Phật bằng vàng giống như ông thấy trong giấc mộng, gọi là kim thân Phật tổ. Và ở Trung Quốc, có Hán Minh Đế ngủ mơ thấy tượng Phật vàng từ Ấn Độ bay sang Trung Quốc. Ông liền cho sứ giả đi sang Ấn Độ tìm thỉnh kinh Phật và tượng Phật mang về Trung Quốc thờ.

 Bắt đầu từ đó, người ta mới tạo tượng Phật để tôn thờ, nhưng không theo kiểu mẫu cố định, mà chỉ tạc theo niềm tin của con người để tạo những bức tượng đẹp nhất có thể làm được. Vì vậy, người Ấn tạc tượng Phật giống người Ấn, người Miến Điện tạc tượng Phật giống người Miến Điện, người Thái Lan tạc tượng Phật giống người Thái Lan. Người Trung Quốc, người Nhật Bản, người Việt Nam tạc tượng Phật cũng thế, chúng ta thấy tượng Phật của mỗi quốc gia tôn thờ đều mang dáng dấp của người dân quốc gia đó.

[3] Giáo sư giảng dạy bộ môn triết học tỷ giảo tại Đại học Sorbonne (Pháp). triết học tỷ giảo là  môn khoa Học về tôn Giáo, mục đích là nghiên cứu tìm hiểu các tôn giáo trên thế giới, hướng đến sự khoan dung, không cố chấp, hòa đồng giữa các tôn giáo với đức tin chung là chỉ có một Đấng Thượng Đế (qua nhiều danh từ) chứ không phải đa thần như thời thượng cổ. Nghieenc ứu tôn giáo trong sự so sánh các khía cạnh: nguồn gốc, đặc điểm, ngôn ngữ, giáo chủ, triết lý, tổ chức, định luật, kinh sách, dị, đồng để đi đến nhận định tổng quát vạn giáo nhất lý... 

[4] Bác sĩ tâm thần, người đã thực tập Thiền định Phật giáo trong suốt cuộc đời.

[5] Hawking, Stephen W. (2001), The universe in short, Bantam Books, tr. 26,

Nguồn:

Cùng chuyên mục