Từ “Nhìn về hướng Đông” đến “Hành động Phía Đông”: Ấn Độ đang mở rộng và hiện thực hóa các quan hệ hợp tác khu vực từ Nam Á sang Đông Nam Á và toàn Châu Á – Thái Bình Dương (Phần 1)
Ấn Độ đã đạt được một số thành công bước đầu trong Chính sách Hướng Đông, trước hết và cơ bản nhất là nhờ đã đẩy mạnh công cuộc tự do hóa ở trong nước đi đôi với việc mở cửa thực thi chính sách hội nhập khu vực và quốc tế, trong đó Chính sách Hướng Đông là một trọng tâm.
Từ “Nhìn về hướng Đông” đến “Hành động Phía Đông”:
Ấn Độ đang mở rộng và hiện thực hóa các quan hệ hợp tác khu vực
từ Nam Á sang Đông Nam Á và toàn Châu Á – Thái Bình Dương
PGS, TS Đỗ Đức Định*
1. Ba giai đoạn của Chính sách Hướng Đông
Thuật ngữ “Nhìn về Hướng Đông” (Look East) của Ấn Độ lần đầu tiên xuất hiện trong các văn bản chính thức từ năm 1996[1], nhưng thực ra nó đã được khởi xướng từ năm 1993-1994, sau khi Ấn Độ bắt đầu triển khai cuộc cải cách sâu rộng từ năm 1991 theo hướng tự do hóa nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường ở trong nước và mở rộng các quan hệ hợp tác quốc tế, đặc biệt là khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đây là một trong những định hướng chiến lược quan trọng nhất trong chính sách ngoại giao mới của Ấn Độ gắn liền với công cuộc cải cách toàn diện của đất nước.
Trong bài phát biểu ngày 26/08/2003 dưới tiêu đề “Châu Á : Một thời kỳ thay đổi” tại Viện nghiên cứu Quân sự và Chiến lược của Singapo, Ngoại trưởng Ấn Độ Jashwant Sinha đã nói: “với việc tổ chức Hội nghị cấp cao Phnom Penh tháng 11 năm ngoái (2002), chúng tôi đã thực sự bước vào giai đoạn 2 của Chính sách Hướng Đông”. Bài phát biểu này đã xác định rõ hai giai đoạn của chính sách Hướng Đông: Giai đoạn đầu từ năm 1991 đến 2001, tập trung chủ yếu vào phát triển các quan hệ thương mại, đầu tư với ASEAN; Giai đoạn 2 bắt đầu từ năm 2002 cho đến nay nhằm mở rộng quan hệ hợp tác với các nước và khu vực từ Otraylia đến Đông Á, bao gồm cả khu vực Đông Bắc Á, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc[2], trọng tâm[3] là ASEAN và SAARC. Ngoài ra, Ấn Độ còn mở rộng các quan hệ hợp tác với Nga cùng với một số quốc gia và khu vực khác.
Đầu năm 2015, Thủ tướng Narendra Modi đã đưa ra khái niệm mới là “Hành động phía Đông” (Acting East) nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của Chính sách Hướng Đông, đưa Chính sách Hướng Đông trở thành một công cụ mới nâng cao vai trò, vị thế của Ấn Độ không chỉ ở khu vực Nam Á hay Đông Nam Á, mà cả Châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Cũng từ đây Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ bước sang giai đoạn thứ ba với quyết tâm cao hơn nhằm hiện thực hóa Chính sách Hướng Đông đã được khởi động và triển khai từ hai giai đoạn trước. Với những bước đi cụ thể nêu trên, thực tế Ấn Độ đã và đang dần dần thay thế trọng tâm của chính sách đối ngoại từ "Hướng Tây" trước đây sang “Hướng Đông” như hiện nay và có thể ngày càng được tăng cường trong tương lai.
2. Bắt nguồn từ Nam Á
Nam Á gồm bảy nước là Bănglađét, Butan, Ấn Độ, Manđivơ, Nepan, Pakixtan và Xri Lanca, tất cả đều là các thành viên của Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC). Nếu tính cả Apganixtan thì dân số các nước này hiện nay lên tới 1,44 tỷ người, dự báo sẽ tăng lên 2,5 tỷ người năm 2025, là một trong những khu vực có dân số và diện tích hàng đầu thế giới. Tuy từng là một trong những trung tâm văn hoá rực rỡ của loài người, nơi phát sinh của đạo Phật, song do thời gian dài bị thực dân nước ngoài đô hộ, bị phân chia và mâu thuẫn nhau, nên vẫn thuộc vào nhóm các nước kém phát triển. Nghèo đói, dân trí thấp (tỷ lệ mù chữ cao trung bình trên 50% cho cả khu vực), mâu thuẫn tôn giáo (giữa Ấn Độ giáo và Hồi giáo), sắc tộc (nội chiến ở Xri Lanca giữa Chính phủ và lực lượng Các Con hổ Giải phóng Tamin), lãnh thổ (Ấn Độ - Pakixtan), mâu thuẫn về nhập cư bất hợp pháp (Ấn Độ - Bănglađét)... đã làm cho Nam Á luôn là khu vực phức tạp, căng thẳng hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, các nước Nam Á đã có nhiều nỗ lực để hạn chế mâu thuẫn, xung đột, tăng cường hợp tác. Khung hợp tác của SAARC được Bănglađét đưa ra vào tháng 5 năm 1980 đã nhận được sự ủng hộ ngay lập tức của Nepan, Xri Lanca, Mandivơ và Butan, còn Ấn Độ và Pakixtan lúc đó vẫn do dự. Điều lệ của SAARC đã được cả 7 nước chính thức thông qua vào giữa năm 1985. Trong thời gian đầu, do thiếu nhiệt tình và hiểu biết không đầy đủ về lợi ích của hội nhập kinh tế khu vực nên SAARC hoạt động không hiệu quả. Cuối thập niên 1970, đầu những năm 1980, Xri Lanca là nước đầu tiên trong SAARC có những cải cách kinh tế. Đến đầu thập niên 1990, hầu hết các nước thành viên SAARC đã tiến hành cải cách đi đôi với thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực. Trong thập niên 1990, phát triển ngoại thương đã trở thành một hoạt động mang tính chiến lược chủ chốt của các nền kinh tế Nam Á. Tháng 4 năm 2006, bộ trưởng 7 nước thành viên đã họp ở Đácka để xem xét các rào cản phi thuế quan và các rào cản thương mại khác để định ra một chiến lược hạn chế chúng. Tuy nhiên, phải đến những năm 2000 các nước Nam Á mới tích cực tham gia các thoả thuận hợp tác khu vực ở Nam Á, châu Á và toàn cầu.
Mặc dù đã có các biện pháp tự do hoá được áp dụng từ thập niên 1990, nhóm các nền kinh tế Nam Á đến nay vẫn là nhóm được bảo hộ nhiều nhất trong nền kinh tế toàn cầu, kém mở cửa, kém thu hút đầu tư nước ngoài. Ngay cả thương mại nội vùng cũng được đánh giá là kém phát triển bởi một số yếu tố mang tính lịch sử như sự phát triển hạn chế của thị trường khu vực, cơ chế bảo hộ thương mại cố hữu, xung đột kéo dài giữa các nước lớn, hạn chế về giao thông vận tải và cơ sở thương mại… Việc thực thi Hiệp định Thương mại ưu đãi Nam Á (SAPTA) được ký năm 1993, có hiệu lực tháng 12 năm 1995, cũng không thu được nhiều kết quả khả quan. Mức độ tự do hoá thuế quan của SAPTA rất thấp, chủ yếu chỉ áp dụng đối với từng sản phẩm. Theo phân tích của bản thân các thành viên SAARC thì SAPTA thực chất chỉ ưu tiên cho các thành viên kém phát triển chứ chưa được coi là một thoả thuận thúc đẩy thương mại khu vực. Năm 1996, một nhóm chuyên gia Liên Chính phủ của SAARC đã được thành lập để chuyển đổi SAPTA thành Hiệp định Thương mại tự do Nam Á (SAFTA). Hiệp định này được chính thức ký kết vào tháng 1 năm 2004, thực thi từ tháng 1 năm 2006 với thoả thuận về tiến trình tự do hoá thuế quan trong vòng 10 năm nhằm thu được lợi ích lớn từ hội nhập kinh tế khu vực, nhưng kết quả thực tế đến nay vẫn thấp. Kim ngạch thương mại nội khối mới đạt 5% GDP của các thành viên, Hiệp hội hầu như chưa đóng được vai trò gì đáng kể giúp các thành viên giải quyết được những vấn đề nội bộ cấp thiết của mình.
Tuy Ấn Độ có nhiều nỗ lực để thúc đẩy SAARC, nhưng trong thực tế, ảnh hưởng của Ấn Độ đối với các nền kinh tế thành viên không lớn, bởi một số lý do như Ấn Độ có mối quan hệ không mấy hài hoà với một số nước láng giềng, Ấn Độ không phải là một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, cũng không phải là một đối tác thương mại thành công, hàng hoá của Ấn Độ không có gì nổi trội… Tình hình này chỉ được cải thiện từ khi Ấn Độ bắt đầu đạt được những thành công nhờ tiến hành các bước đi hữu hiệu trong quá trình cải cách kinh tế từ năm 1991. Đến đầu những năm 2000, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng bùng nổ và trở thành một trong ba điểm đến hàng đầu của dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ấn Độ vươn lên trở thành đối tác kinh tế quan trọng của các nền kinh tế khác ở châu Á và toàn cầu. Việc gia tăng các mối quan hệ kinh tế, thương mại giữa Ấn Độ và các nền kinh tế khác ở châu Á hứa hẹn sự liên kết và hội nhập kinh tế trong khu vực Nam Á cũng như giữa khu vực Nam Á với phần còn lại của châu Á. Từ đây vai trò của Ấn Độ trong khu vực Nam Á nói chung, trong Hiệp hội SAARC nói riêng, ngày càng tăng lên. Mặc dù đến nay SAARC chưa có ảnh hưởng nhiều trong Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ, nhưng nó là một phần không thể thiếu đối với Ấn Độ ở khu vực Nam Á. Hơn nữa, nhờ mối quan hệ giữa các nước thành viên ngày càng được cải thiện, sự hợp tác của SAARC cũng được đẩy mạnh hơn, đạt được những bước tiến quan trọng trong việc thỏa thuận giải quyêt các mâu thuẫn, bất đồng, tiến tới nhất trí xây dựng khu vực thương mại mậu dich tự do Nam Á, nâng cao hiểu biết lẫn nhau. Cùng với việc Ấn Độ vươn lên trở thành đối tác quan trọng của các nền kinh tế khác trên thế giới, vị thế và vai trò của Ấn Độ trong khu vực Nam Á, đặc biệt là trong SAARC, cũng được nâng cao dần. (Xem tiếp phần 2)
* Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
[1] Ministry of External Affairs(Govermant of India), Annual Repart 1995-1996 pp.7&118
[2] The Hindu, “Look East policy not restricted to ASEAN:Sina, Thursday, Nov6,2003.
[3] Speech by External Affairs Minister Shri Yashwant Sinha at the Institue of Defence and Strategic Studies, Singapore, Asia: aPeriod of Change, Tuesday,26 August 2003.
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục