Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tư tưởng giáo dục Ấn Độ trong văn hóa Việt Nam: Câu chuyện của sự thẩm thấu (Phần 3)

Tư tưởng giáo dục Ấn Độ trong văn hóa Việt Nam: Câu chuyện của sự thẩm thấu (Phần 3)

03:19 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 2)

Tư tưởng giáo dục Ấn Độ trong văn hóa Việt Nam:
Câu chuyện của sự thẩm thấu

TS Nguyễn Phương Liên*

Những yếu tố này không xuất hiện đồng thời ở các giai đoạn của lịch sử văn học chúng tôi đã nêu ở trên mà là sự tích lũy suốt một thời gian dài. Và khi được đặt cạnh nhau như những thành tố có mối liên hệ hữu cơ thì chúng tạo thành một chuỗi hành động bao gồm 5 bước theo trình tự thời gian. Tất nhiên, đây chỉ là một công thức sơ lược bao gồm những phác thảo từ những ý tưởng đơn lẻ theo suốt chiều dài quan hệ văn hóa Việt Nam - Ấn Độ. Chúng tôi cũng không khẳng định những yếu tố trên ảnh hưởng trực tiếp từ Ấn Độ hay Ấn Độ là nguồn duy nhất cung cấp cho văn hóa, xã hội Việt Nam những ý tưởng nói trên để thực nghiệm các phương pháp giáo dục.

Tuy vậy, do những ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với Việt Nam là hoàn toàn theo phương thức tự nguyện, tính cách linh hoạt, dễ tiếp biến của văn hóa Việt lại lưu giữ những ý tưởng đơn lẻ ấy lâu bền hơn. Và trong những biến thiên, thăng trầm của văn hóa và chính trị, kéo theo những biến động to lớn trong việc lựa chọn hệ tư tưởng chính thống của xã hội Việt Nam trong suốt mười thế kỷ, những ý tưởng đơn lẻ về giáo dục ấy đã được tích lũy, lưu giữ lại một cách lặng lẽ. Chúng tôi gọi đó là câu chuyện của sự thẩm thấu khi nhận thấy rằng, thậm chí cả ở những tư tưởng phương Tây được cho là rất hiện đại, mới du nhập vào Việt Nam trong những thập niên gần đây, nếu truy nguyên nguồn gốc, cũng không hoàn toàn xa lạ với những tư tưởng của văn hóa, văn học Ấn Độ đã từng được giới thiệu đâu đó tại Việt Nam từ trước. Đơn cử như khi các nhà nghiên cứu nhắc đến lý thuyết tiếp nhận trong văn học, coi đó là cơ sở để xây dựng những giáo trình giảng dạy văn học nước ngoài, thì các nhà nghiên cứu văn học Ấn Độ ở Việt Nam đã chỉ ra rằng nhiều phần nội hàm trong lý thuyết này tương đồng với khái niệm Rasa và rasika của mỹ học Ấn Độ cổ điển. Hiểu rộng ra, chính việc thẩm thấu những ý tưởng về giáo dục của Ấn Độ từ trước đó có thể đóng vai trò là sự mở đường để văn hóa Việt Nam chấp nhận dễ dàng hơn những tư tưởng mới lạ từ phương Tây khi nhận thấy trong đó có những yếu tố gần gũi có thể dung hòa.

Nói theo cách của Trần Đình Hượu, “con đường hình thành bản sắc dân tộc của văn hóa không chỉ trông cậy vào khả năng tạo tác của dân tộc đó mà còn trông cậy vào khả năng chiếm lĩnh, khả năng đồng hóa những giá trị văn hóa bên ngoài” [2;tr.161]. Bởi thế, khi nghiên cứu sự ảnh hưởng của Ấn Độ đối với Việt Nam nói chung cũng như tư tưởng giáo dục Ấn Độ ở Việt Nam nói riêng, thì đây không chỉ là một minh chứng cho thấy quy luật tất yếu của văn hóa (sự ảnh hưởng, tác động to lớn của trung tâm văn hóa khu vực đối với những vùng văn hóa vệ tinh ở xung quanh) mà còn chỉ ra quy luật tiếp biến văn hóa của người Việt. Từ đó, việc khái quát hóa thành quy luật trên lý thuyết ngõ hầu có thể áp dụng vào thực tiễn cho giáo dục Việt Nam những yếu tố tích cực nhất sẽ là một điều có ích đối với ngành giáo dục Việt Nam đương đại. Thắt chặt mối giao lưu giữa hai quốc gia trên phương diện văn hóa cũng là cơ hội để Việt Nam tìm kiếm những sản phẩm văn hóa phù hợp (những bộ phim điện ảnh có ý nghĩa, những tác phẩm văn học hấp dẫn... ) để đổi mới phương pháp giáo dục, một yêu cầu bức thiết hiện nay song hành với việc mở rộng tầm nhìn cho thế hệ sau theo hướng toàn diện hơn, tránh tình trạng lấy văn hóa phương Tây làm chuẩn mực, làm trung tâm vẫn đang lan tràn trong giới trẻ hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Inrasara: Minh triết Cham, Nxb.Tri thức, H.2016.
  2. Trần Đình Hượu: Nhìn về vốn văn hóa dân tộc (Ngữ văn 12, tập II), Nxb.Giáo dục, H.2016.
  3. R. Tagore: Tuyển tập tác phẩm (Lưu Đức Trung tuyển chọn và giới thiệu), Nxb.Lao động, H.2004.

* Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nguồn:

Cùng chuyên mục