Vai trò của Phó Thủ tướng đầu tiên của Cộng hòa Ấn Độ Sardar Patel trong việc thống nhất lãnh thổ Ấn Độ
Bharat Ratna Sardar Vallabhbhai Jhaverbhai Patel, sinh ngày 31 tháng 10 năm 1875, tại thành phố Nadiad bang Gujarat, Ấn Độ, mất ngày 15 tháng 12 năm 1950, tại Ấn Độ. Ông là một luật sư chuyên nghiệp, một nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng Quốc Đại Ấn Độ và là một trong những người sáng lập ra Cộng hòa Ấn Độ.
Ông được các đồng nghiệp và tín đồ tôn là “Sardar”, một danh hiệu thể hiện sự kính trọng, trong thời kỳ đấu tranh bất tuân dân sự, bất bạo động (Satyagraha) chống lại việc tăng thuế khi nạn đói hoành hành ở Bardoli năm 1928. Ông đã tổ chức cho nông dân từ Kheda, Borsad và Bardoli ở Gujarat đấu tranh theo hình thức bất tuân dân sự, bất bạo động chống lại luật Raj của Anh áp đặt tại Ấn Độ và nhanh chóng vươn lên vị trí lãnh đạo chủ chốt tại Đại hội Đảng Quốc Đại Ấn Độ.
Năm 1930, Sardar Patel tham gia vào chiến dịch tuần hành đòi bãi bỏ thuế muối (Salt March) do Mahatma Gandhi khởi xướng. Khi Gandhi bị bắt giam, Sarder Patel là người lãnh đạo phong trào Salt March. Sardar Patel sau đó cũng bị bắt giam và được trả tự do vào năm 1931, sau thỏa thuận Gandhi-Irwin.
Năm 1942, Sardar Patel là cánh tay đắc lực cho Mahatma Gandhi trong phong trào đòi người Anh rời khỏi Ấn Độ (Quit India). Ông đã đi khắp đất nước và tập hợp lực lượng ủng hộ phong trào Quit India, và bị bắt giam lại vào năm 1942. Ông bị giam trong pháo đài Ahmednagar cho đến năm 1945 cùng với nhiều nhà lãnh đạo đảng Quốc Đại khác.
Trong vai trò là Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ dưới thời của Mahatma Gandhi, Sardar Patel nhận nhiệm vụ hợp nhất các vùng đất của các lãnh chúa vào Cộng hòa Ấn Độ. Ông là Tổng tư lệnh tối cao trên thực tế của quân đội Ấn Độ trong thời kỳ hội nhập chính trị của Ấn Độ và Chiến tranh Ấn Độ-Pakistan năm 1947.
Ông là kiến trúc sư của nước Ấn Độ độc lập và có công thống nhất các vùng đất thuộc các quyền sở hữu khác nhau về một mối, tạo thành một quốc gia Ấn Độ như ngày nay, mà không phải gây chiến tranh đổ máu. Nhà nước Ấn Độ đã truy tặng giải thưởng cao quý nhất, Bharat Ratna, cho Sardar Patel vào năm 1991.
Tại sao Sardar Patel được gọi là “Người sắt của Ấn Độ”
Sardar Patel là một nhà lãnh đạo đầy lôi cuốn, với tiếng nói từ trái tim, biết tôn trọng ý kiến của cả những người không đồng ý với mình. Ông có niềm tin mãnh liệt vào tình đoàn kết của những người Ấn Độ, tập hợp họ để cùng nhau chiến đấu với người Anh, và có khả năng phát triển con người Ấn Độ từ Người dân giành quyền độc lập “Swarajya” thành Người dân tuân thủ luật lệ của một nhà nước mới “Surajya”. Ông là một người trung thành với tư tưởng của Mahatma Gandhi, tin tưởng vào bình đẳng, ủng hộ việc trao quyền cho phụ nữ, và tin vào khả năng Ấn Độ thực hiện công nghiệp hóa.
Sự hợp nhất của 562 vùng lãnh thổ của các lãnh chúa vào Cộng hòa Ấn Độ
Với biệt tài giao tiếp khéo léo, Sardar Patel đã trủ chì nhiều cuộc đàm phán giúp hợp nhất nhiều vùng lãnh thổ độc lập vào Liên minh Ấn Độ. Di sản lớn nhất ông để lại cho Ấn Độ là thống nhất quốc gia, thể hiện tài thuyết phục, bản lĩnh chính trị, khả năng thương thuyết và đàm phán.
Đóng góp cho Hội đồng lập hiến
Sardar Patel có vai trò lớn trong việc lựa chọn các thành viên của ban soạn thảo Hiến pháp. Ông có quan điểm mạnh mẽ về các vấn đề như các quyền cơ bản, vị trí của thủ tướng, thủ tục bầu cử Tổng thống và vị thế của Kashmir. Ông cũng đã thuyết phục chủ sở hữu các lãnh thổ chấp nhận hiến pháp của Ấn Độ, đây là bước quan trọng để thống nhất Ấn Độ.
Người sáng lập Dịch vụ công trên toàn Ấn Độ
Sardar Patel có công trong việc thành lập Cơ quan Hành chính Ấn Độ và Cơ quan Cảnh sát Ấn Độ. Ông đã đề ra nhiều chính sách để bảo vệ các công chức Ấn Độ khỏi sự tấn công chính trị, ông được tưởng nhớ như một “vị tổ nghề” của các dịch vụ công tại Ấn Độ ngày nay.
Người bảo vệ vùng đất Kashmir
Vào tháng 9 năm 1947, khi Pakistan hòng xâm lược Kashmir, Sardar Patel đã kiên quyết lãnh đạo cuộc tự vệ cứu Kashmir khỏi tay Pakistan. Nhận được lệnh từ Nehru với thông báo rằng, các lực lượng ở Pakistan đang chuẩn bị để ồ ạt tiến vào Kashmir, vào ngày 26 tháng 10 năm 1947, tại một cuộc họp được tổ chức tại tư dinh của Nehru, Patel đã hứa cam kết với lãnh đạo và nhân dân Ấn Độ rằng, Ấn Độ sẽ dồn tổng lực để giữ Kashmir, vùng đất máu thịt không thể chia cắt của đất mẹ Ấn Độ.
Thủ lĩnh truyền cảm hứng của Phong trào Bất tuân dân sự, bất bạo động (Satyagraha)
Sardar Patel đã đi khắp đất nước để thuyết giảng và chiêu mộ được 300.000 tín đồ thành viên cho phong trào, và gây quỹ 1,5 triệu rupi cho Đảng của Gandhi. Sự ủng hộ của ông đối với phong trào và lý tưởng Satyagraha của Gandhi đánh dấu sự khởi đầu của sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân Ấn Độ vào cuộc đấu tranh giành tự do của người Ấn Độ.
Lãnh đạo phong trào Satyagraha khi không có Gandhi
Ông đã lãnh đạo phong trào Satyagraha ở Nagpur vào năm 1923 chống lại luật của Anh cấm treo cờ Ấn Độ. Ông là một nhà hùng biện vĩ đại, một nhà lãnh đạo mang tư tưởng thống nhất toàn Ấn Độ, người thay thế Mahatma Gandhi giữ vững tinh thần của Satyagraha. Patel đã thành công trong việc thương lượng để người dân được tự do treo cờ Ấn Độ nơi công cộng, và dàn xếp để thả các tù chính trị.
Tiếng nói mạnh mẽ chống phân biệt giai cấp
Năm 1922, trong một phiên họp của Đại hội Quốc gia Ấn Độ, khi Sardar Patel đến một khu riêng biệt dành cho người Dalit (người tầng lớp thấp trong xã hội phân chia đẳng cấp của Ấn Độ giáo), thay vì chiếm một chỗ dành riêng cho ông trong khu vực chính được ưu tiên, ông đã thẳng tiến đến khu dành riêng cho người Dalit và đọc bài phát biểu từ khu vực của người Dalit.
Lên tiếng đòi quyền cho phụ nữ
Sardar Patel đã tham khảo ý kiến của rất nhiều phụ nữ để chuẩn bị chiến lược cho phong trào Satyagraha và đưa phụ nữ tham gia chính trị. Sự ủng hộ của Sardar Patel đối với Dự luật các Bộ luật Hindu đã thể hiện cam kết của ông đối với quyền của phụ nữ và trao quyền cho họ, bảo đảm mọi công dân đều được đối xử bình đẳng.
Người ủng hộ tư tưởng Ấn Độ thế tục
Vào tháng 6 năm 1947, có nhiều luồng ý kiến cho rằng, Ấn Độ nên tuyên bố là quốc gia theo đạo Hindu, lấy đạo Hindu là tôn giáo chính thức. Sardar Patel đã bác bỏ đề nghị đó. Sardar Patel hết sức tán thành tầm nhìn của Mahatma Gandhi về một Ấn Độ thế tục vì ông cho rằng, có những nhóm thiểu số theo các tôn giáo khác, và việc bảo vệ mọi tôn giáo là trách nhiệm của Ấn Độ. Năm 1950, ông tuyên bố rằng, Ấn Độ là nhà nước thế tục và Ấn Độ không thể mang quan điểm tôn giáo vào chính trị (như cách Pakistan đang làm). Người Hồi giáo Ấn Độ có quyền công dân ngang bằng với người Hindu giáo Ấn Độ.
Bàn tay sắt trừng phạt thủ phạm ám sát Mahatma Gandhi
Sardar Patel đã cấm hoạt động của tổ chức Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS) sau vụ việc Mahatma Gandhi bị ám sát. Trong một bức thư gửi cho cựu Bộ trưởng Công-Thương Ấn Độ, Shyama Prasad Mukherjee, ngày 18 tháng 7 năm 1948, Sardar Patel cho rằng, do các hoạt động của hai cơ quan RSS và Hindu Mahasabha, những thảm kịch kinh hoàng có nguy cơ còn xảy ra. Ông tin rằng, các phần tử cực đoan của Mahasabha Hindu đã tham gia vào âm mưu ám sát. Hoạt động của RSS là mối đe dọa đối với sự tồn tại của Chính phủ và Nhà nước Ấn Độ.
Người đấu tranh cho sự hòa hợp trong cộng đồng và chống bạo lực
Năm 1949, một đám đông tấn công đền thờ Babri Masjid được xây từ thời các quân vương Hồi giáo Mughal, và đưa tượng thần Hindu Rama vào trong đền để tuyên bố đó là đền thời của đạo Hindu. Sardar Patel đã viết thư cho Thủ hiến bang Uttar Pradesh, GB Pant, rằng, không thể giải quyết những tranh chấp như vậy bằng vũ lực. Sardar Patel cho rằng, những vấn đề như vậy phải được giải quyết trong hòa bình, cần sự đồng thuận của cộng đồng Hồi giáo với Hindu giáo.
Người bạn thân thiết của nhà nông
Nông dân Ấn Độ là những người đầu tiên gọi Patel bằng danh hiệu tôn kính Sardar. Năm 1918, ông lãnh đạo chiến dịch không đánh thuế, kêu gọi nông dân không nộp thuế cho người Anh sau trận lụt gây tổn thất nặng nề ở Kaira. Năm 1928, nông dân Bardoli một lần nữa phải đối mặt với những đợt tăng thuế lớn và chính phủ do người Anh cai trị đã chiếm đoạt đất đai của nông dân Ấn Độ để trả đũa khi nông dân không còn khả năng đóng thuế. Sau các cuộc thương lượng của Patel với người Anh, các vùng đất đã được trả lại cho nông dân.
Tiếng nói đấu tranh cho quyền của người tị nạn, người yếu thế, và người ngoài lề xã hội
Trong cuộc bạo động dữ dội xảy ra do hậu quả của việc chia cắt Ấn Độ - Pakistan vào năm 1947, Sardar Patel đã lãnh đạo việc tổ chức các trại cứu trợ, cung cấp vật tư khẩn cấp và đến thăm các khu vực biên giới để khuyến khích hòa bình, động viên, thăm hỏi người tị nạn, người yếu thế và những người bị gạt ra ngoài lề.
Tầm nhìn xa về công nghiệp hóa
Chiếc máy chữ đầu tiên của bang Gujarat được Sardar Patel đặt mua vào năm 1924 và sử dụng tại thành phố Ahmedabad. Ông cũng là người ủng hộ việc chuyển đổi đất nước Ấn Độ thành cường quốc công nghiệp. Sardar Patel đã hỗ trợ việc thành lập một phòng thí nghiệm sức khỏe cộng đồng, các công trình xử lý nước Dudheshwar tại Shahibaugh.
Vào ngày 31 tháng 10 năm 2018, nhân ngày sinh của cố Phó Thủ tướng Sardar Patel, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khánh thành tượng Patel với tên gọi Tượng thống nhất khổng lồ. Tượng cao 182 mét và hiện là tượng cao nhất thế giới. Tên của ông được đặt cho sân bay quốc tế tại quê nhà, sân bay Sardar Vallabhbhai Patel bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ, cũng là bang quê hương của Thủ tướng đương nhiệm Modi.
Thủ tướng Modi đã thực hiện nhiều ý nguyện của Patel. Cải cách triệt để trong ngăn chặn tín dụng đen, xử lý tư bản thân hữu, khắc phục tình trạng quản trị kém và thất bại, đưa ra tòa xử lý những doanh nhân có dấu hiệu vi phạm, là những dấu ấn mang đậm phong cách Patel trong nhiệm kỳ của Chính phủ Modi.
Tuy nhiên, trong thuyết âm mưu gần đây, có những luồng dư luận sai trái khi cho rằng, chế độ của Modi đang lợi dụng cái bóng của Sardar Patel để ghi điểm cho mình. Họ phủ nhận công lao của Sardar Patel và chỉ nhắc tới ông như một nhà lãnh đạo tàn bạo với những biện pháp cấm RSS hoạt động từ sau vụ ám sát Gandi. Thuyết âm mưu còn đưa ra luận điệu vô căn cứ rằng, Patel không ủng hộ Nehru, và rằng, Patel đáng lẽ ra đã là Thủ tướng, chứ không chỉ dừng lại ở vị trí Phó Thủ tướng.
Sardar Patel sẽ mãi mãi được ghi nhớ trong trái tim và khối óc của nhân dân Ấn Độ như người chiến sĩ đấu tranh cho độc lập, tự do, thống nhất Ấn Độ, người biết lắng nghe từ con tim, biết thuyết phục và đối thoại với cả những người đối lập.
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục