Vấn đề của G7 về Trung Quốc và sự tham gia của Ấn Độ vào B3W
Vợi sự tín nhiệm dành cho Tổng thống Mỹ Joe Biden, tình thế của G7 đã xoay chuyển và trở lại những nguyên tắc đầu tiên của các cam kết quốc tế, đó là đặt quyền lực trên nền móng những quan điểm đạo đức từng bị lãng quên trong thời gian trước đây, và nhấn mạnh việc thiết lập lại các giá trị đã bị suy thoái kể từ năm 2008.
Trong số sáu mục lớn trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Vịnh Carbis ngày 13/6/2021 không có gì nổi bật do nó tương tự như các chương trình trước đó, hoặc trùng với một số tuyên bố do G20 đã đưa ra, chỉ có nội dung cuối cùng (“nắm bắt giá trị của chúng ta”) thu hút sự chú ý đặc biệt. Năm mục khác là chấm dứt đại dịch và chuẩn bị cho tương lai, phục hồi nền kinh tế, đảm bảo sự thịnh vượng trong tương lai, bảo vệ hành tinh và củng cố quan hệ đối tác, đều là những tuyên bố thông thường và thường ít khi được hiện thực hóa.
Điều đó nói lên rằng, Biden đang có uy tín để tiếp tục những việc còn dang dở của người tiền nhiệm Donald J Trump, đặc biệt là trong việc ứng phó với vấn đề Trung Quốc. Có bốn gợi ý trực tiếp và một kế hoạch hành động gián tiếp để giúp các quốc gia ứng phó với vấn đề này.
Thứ nhất, về vấn đề đại dịch và cách Bắc Kinh có động thái cản trở nhiều cuộc điều tra mối liên hệ giữa các phòng thí nghiệm của họ với nguyên nhân gây ra COVID-19. G7 thẳng thắn trong ý kiến tiếp tục các cuộc điều tra về vai trò của Trung Quốc trong nguyên nhân của đại dịch. Tổ chức Y tế Thế giới cũng như các tạp chí khoa học đã bộc lộ năng lực điều tra còn hạn chế và dễ tổn thương khi bị mua chuộc. G7 hy vọng sẽ khắc phục những điểm yếu đó. Trích điều 16 (Thông báo chung G7, 6/2021): Tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, bao gồm nhắc lại cam kết của chúng ta về việc thực hiện đầy đủ và cải thiện việc tuân thủ Quy định Y tế Quốc tế 2005. Điều này bao gồm điều tra, báo cáo và ứng phó với các đợt dịch bệnh bùng phát không rõ nguồn gốc. Chúng ta cùng kêu gọi tiến hành giai đoạn 2 của nghiên cứu nguồn gốc COVID-19 dựa trên cơ sở khoa học, minh bạch, kịp thời. Nghiên cứu sẽ do WHO chủ trì và theo khuyến nghị của các chuyên gia. Nghiên cứu sẽ thực hiện tại Trung Quốc.
Thứ hai, G7 thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, thách thức “các chính sách và thông lệ phi thị trường” của Trung Quốc. Nói cách khác, G7 đang lên tiếng về chủ nghĩa tư bản chộp giật của Trung Quốc, ám chỉ việc Trung Quốc phát triển kinh tế nhờ vào tiếp cận thị trường phương Tây nhưng vẫn đóng cửa thị trường của họ một cách có chọn lọc và tìm cách để vốn của Nhà nước Trung Quốc áp đảo dòng vốn của khu vực kinh doanh (tư nhân) của phương Tây. Nhưng lên tiếng là một chuyện; xử lý nó lại là chuyện khác. Thông báo chung áp dụng cách tiếp cận tham vấn và tập thể nhiều quốc gia đa dạng, trong đó, một số nước có nhiều ràng buộc về tài chính với Trung Quốc có thể sẽ không áp dụng được. Đây có thể là mắt xích yếu nhất trong thông cáo. Điều khoản 49 nêu rõ: Chúng ta ý thức rõ trách nhiệm cụ thể của chúng ta, những quốc gia và nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong việc duy trì hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế. Chúng ta cam kết thực hiện vai trò của mình trong việc này, làm việc với tất cả các đối tác và với tư cách là thành viên của G20, Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn, đồng thời khuyến khích những quốc gia khác cũng làm như vậy. Chúng ta sẽ làm điều này dựa trên việc chia sẻ chương trình nghị sự và các giá trị dân chủ của chúng ta. Đối với Trung Quốc và sự cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, chúng ta sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến về các phương pháp tiếp cận tập thể đối với các chính sách và thực tiễn phi thị trường đầy thách thức làm suy yếu sự vận hành công bằng và minh bạch của nền kinh tế toàn cầu.
Thứ ba, G7 chỉ ra những vi phạm nhân quyền và bóp nghẹt các quyền tự do ở Trung Quốc. G7 vượt qua ranh giới màu hồng khi đề cập đến các quyền và tự do của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương của Trung Quốc, bị cho là không được tự do trong tôn giáo và bị cưỡng ép lao động giá rẻ. G7 cũng vượt qua ranh giới màu đỏ khi bàn về quyền tự chủ ở Hồng Kông.
Trong bối cảnh chúng ta có trách nhiệm trong hệ thống đa phương, chúng ta sẽ hợp tác vì lợi ích chung của chúng ta đối với các thách thức toàn cầu được chia sẻ, đặc biệt là giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học, vấn đề này đã bàn trong khuôn khổ COP26 và các cuộc thảo luận đa phương khác. Đồng thời và khi làm như vậy, chúng ta sẽ thúc đẩy các giá trị của mình, kêu gọi Trung Quốc tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, đặc biệt là trong vấn đề liên quan đến Tân Cương và những quyền, tự do và mức độ tự trị cao cho Hồng Kông được bảo vệ bởi cam kết trong Tuyên bố chung Trung Quốc -Anh và Luật cơ bản.
Và thứ tư, G7 vượt qua một lằn ranh đỏ khác khi chính thức ủng hộ Đài Loan (Trung Quốc) và các quốc gia xung quanh Biển Đông (Việt Nam), nơi mà Trung Quốc đã gây rối mà không bị xử phạt trong vài năm qua, và gây ra nhiều mối đe dọa an ninh.
Chúng ta nhắc lại tầm quan trọng của việc duy trì Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, bao trùm và dựa trên pháp quyền. Chúng ta nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan, đồng thời khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển. Chúng ta vẫn quan ngại nghiêm túc về tình hình ở Biển Đông (Việt Nam) và Biển Hoa Đông và phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng.
Có một kế hoạch cần bàn tới, tuy không nêu tên cụ thể là Trung Quốc, nhưng vấn đề nó đặt ra lại nhằm ứng phó với Trung Quốc. Đó là kế hoạch Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W), do Mỹ lên ý tưởng cho G7 thực hiện, nhằm cung cấp 40 nghìn tỷ USD cho nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển. Dưới sự dẫn dắt của Mỹ, G7 sẽ thúc đẩy các mối quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng mới trên toàn thế giới, nhằm đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đang trên đà thoái trào của Trung Quốc. G7 đã cam kết sẽ tăng cường giáo dục và đào tạo kỹ năng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia thị trường lao động và nắm bắt sự đa dạng về khu vực, giới tính, độ tuổi, khuyết tật, dân tộc, khuynh hướng tình dục hoặc tình trạng kinh tế.
B3W không chỉ đơn thuần là một biện pháp tài chính đối phó với BRI hoặc phản ứng với chính sách ngoại giao bẫy nợ trong tham vọng chính trị của Trung Quốc. Sự nghi ngờ về tính bất chính về địa chính trị xung quanh BRI đã thúc đẩy nhu cầu phải có mô hình phát triển mới để ứng phó. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ mô hình mới sẽ diễn ra như thế nào. Mô hình mới sẽ cần các tổ chức tài chính và công nghệ, sẽ liên quan đến các chính phủ và tập đoàn, nó sẽ ảnh hưởng đến người dân và cộng đồng. Một ý tưởng rất cần thiết nhưng lại phức tạp trong cách diễn đạt, đặc biệt vì tất cả các thành viên G7, bao gồm cả những quốc gia được mời đến họp cùng G7 ở thành phố Cornwall ở Anh (Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc và Nam Phi), đều là những nền dân chủ ồn ào, B3W nên thay thế BRI như một hệ thống các chiến lược phát triển.
Đây là phép thử đối với các mối liên kết của G7. Về cơ bản, làm thế nào các thành viên của G7 (Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ, cộng thêm EU) giải quyết các xung đột nội bộ ảnh hưởng đến các mối quan hệ kinh tế của từng nước với Trung Quốc, và phải liên kết trong những hành động tập thể, gắn bó. Các hành động của Đức sẽ được theo dõi chặt chẽ nhất, vì nước này không chỉ đơn thuần là đầu tầu kinh tế của châu Âu mà còn của EU, và nước này được coi là dễ thỏa hiệp, dễ đổi giá trị lấy tiền mặt; và nước này sẽ phải thay đổi, đặc biệt là luật mới áp dụng từ 9/6/2021, bắt buộc các quốc gia áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về khai thác lao động.
Mặt khác, lập trường của Mỹ rất rõ ràng, đó là hành động phản công và thúc đẩy cải cách ở Trung Quốc thông qua việc cô lập kinh tế. Bằng cách đặt cược tiền của Mỹ vào nơi Mỹ có ý định địa chính trị, chính quyền Biden đang tạo ra một lực lượng đối trọng với BRI của Tập Cận Bình và lợi nhuận tiềm năng cho các công ty tư nhân của Mỹ khi họ được xây dựng cơ sở hạ tầng. Giữa Đức và Mỹ là 5 quốc gia G7 khác. Còn hiện tại, sân chơi thuộc về Mỹ.
Ý tưởng của B3W là tìm kiếm sự cộng hưởng, đoàn kết của nhiều nước. Hiện tại, Ấn Độ đang nghiên cứu đề xuất B3W và có khả năng sẽ tham gia vào đề xuất này trong tương lai. Với nhận định rằng, New Delhi đi đầu trong việc phản đối BRI của Bắc Kinh, đặc biệt là vì BRI đi qua lãnh thổ của Ấn Độ bị Pakistan chiếm đóng ở Kashmir, và vì bản chất không rõ ràng của các thỏa thuận giữa Trung Quốc với các quốc gia tham gia BRI, việc Ấn Độ tham gia B3W, và là thành viên của Quad là bước đi đúng hướng của quốc gia có vị thế địa chính trị mới nổi như một lựa chọn thay thế.
Tác giả: Gautam Chikermane, Phó Chủ tịch Cơ quan Nghiên cứu Quan sát Ấn Độ ORF
Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ
Nguồn: https://www.orfonline.org/expert-speak/as-g7-takes-on-china-at-five-fronts-india-engages-with-b3w/
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ: Chứng khoán bùng nổ và cách bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ
Kinh tế 10:00 09-12-2024
Tập đoàn Vietravel mở rộng hoạt động tại Ấn Độ
Kinh tế 03:00 16-11-2024
Ấn Độ đạt kỷ lục trong xuất khẩu hàng hóa
Kinh tế 03:00 17-11-2024
Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và những tác động
Kinh tế 02:00 28-10-2024