Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Vấn đề thế kỷ châu Á (Phần 1)

Vấn đề thế kỷ châu Á (Phần 1)

02:20 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

 

Vấn đề thế kỷ châu Á

GS, TS Hồ Sĩ Quý*

Thế kỷ châu Á không phải là một khái niệm phi thực tế. Trong thế kỷ XXI chắc chắn Trung Quốc, Đông Á và Đông Nam Á sẽ tiếp tục phát triển và nhiều khả năng là thịnh vượng hơn. Vấn đề biển Đông đúng là một thế kẹt của tham vọng cường quốc; bởi Thế kỷ châu Á chỉ có thể trở thành hiện thực nếu ở biển Đông không có chiến tranh. Nhưng cho đến nay, tất cả các dự báo đều khá tin tưởng vào khả năng kiểm soát tình hình của của các đầu óc chiến lược. Nếu dự báo này không sai thì thế kỷ châu Á sẽ là kết quả của sự dịch chuyển đầu tiên của nền văn minh nhân loại từ phương Tây sang phương Đông.

Thế kỷ Thái Bình Dương cũng là khái niệm có thực, phản ánh sự năng động và phức tạp của trật tự địa chính trị vùng này. Do những ảnh hưởng thực tế của việc thực hiện chiến lược này, nên quan niệm về Thế kỷ Thái Bình Dương lại trở thành một phần của quan niệm về Thế kỷ châu Á. Biển, mà ở đây là biển Đông ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị thế giới. Trong tương lai gần, Biển Đông sẽ trở thành “nơi tập trận” của những quan điểm, những chiến lược, những phương pháp (bao gồm cả những thủ đoạn), và những thái độ (bao gồm cả sự nhân nhượng)… về tất cả các mặt kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao giữa các quốc gia có liên quan, mà trước hết là giữa các nước có liên quan trực tiếp.

Trong lộ trình hiện thực hóa quan điểm Thế kỷ Thái Bình Dương, chắc chắn Mỹ sẽ hiện diện mạnh mẽ hơn ở Biển Đông. Bởi vậy thực lực của Mỹ vốn vẫn mạnh lại buộc phải phát triển theo hướng mạnh hơn trong thế cạnh tranh chiến lược. Nghĩa là Mỹ chưa thể “phai tàn” như một số chiến lược gia trông đợi. Mỹ chưa thể “phai tàn”, nghĩa là phương Tây vẫn chưa cáo chung. Và quả thật phương Tây vẫn còn rất nhiều giá trị mà các nước đi sau vẫn cần thiết phải học hỏi để phát triển.

Về lý thuyết, Trung Quốc có thể phát triển theo một kịch bản khác nếu từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông. Và nếu như vậy rất có thể giấc mộng Trung Hoa sẽ không phải là cơn ác mộng do tính hài hòa ở mức nào đó của nó với lợi ích của các cường quốc khác và của các bên có liên quan. Nhưng Trung Quốc đã chọn và không có đường từ bỏ tham vọng này nên thế kẹt của tham vọng cường quốc cũng là một khái niệm có thực. Trung Quốc đang tự hạn chế khả năng trở thành cường quốc của mình. Khả năng này (trở thành cường quốc) hóa ra vẫn là một khả năng xa, nhường chỗ cho sự tác động, chi phối, gây sức ép, lừa vào bẫy… của Mỹ.

Nếu tiến bộ xã hội đúng là quy luật thì sự phát triển của loài người dù quanh co đến đâu, dù bất ngờ và khó đoán đến mấy, thế kỷ XXI vẫn là thế kỷ không thiếu hứa hẹn đối với châu Á và nhân loại.

I. Đặt vấn đề

Sau một thời gian không dài tăng trưởng kinh tế với tốc độ trung bình gần 10%/năm, Nhật Bản, từ chỗ thua kém tất cả các nước phương Tây, năm 1964 đã gia nhập khối OECD, năm 1968 vươn lên chiếm vị trí thứ hai về tổng GDP trong thế giới tư bản, và năm 1982 đạt ngưỡng GDP 10.000 USD đầu người/năm, trở thành cường quốc kinh tế đầu tiên ở châu Á. Không chỉ có Nhật Bản, ở châu Á, Đài Loan cán đích GDP 10.000 USD đầu người/năm năm 1987, Hồng Kông năm 1988, Singapore năm 1989, Hàn Quốc năm 1990. Năm 1996 Hàn Quốc gia nhập OECD. Hiện châu Á có 5 nước tham gia khối G 20 gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Indonesia[1].

Cả thế giới giật mình trước điều kỳ diệu châu Á - từ chỗ nghèo đói, quá trình “hóa rồng” của mấy nước NICs diễn ra chỉ chưa đầy 30 năm, trong khi hầu hết các nước tư bản châu Âu đi chặng đường này phải mất hàng trăm năm.

Nhưng không dừng ở các nước NICs, điều kỳ diệu châu Á dường như vẫn đang tiếp tục.

Nếu Trung Quốc vào năm 2000 có nền kinh tế đứng thứ 6 thế giới, thì đến năm 2010 đã có tổng GDP đạt tới 1.335 tỷ USD (tương đương 5.800 tỷ USD tính theo PPP[2]) vượt qua Nhật, Đức, Pháp và Anh, vươn lên hàng thứ hai thế giới, sau Mỹ. Các dự báo đều nói thời điểm Trung Quốc vượt Mỹ về tổng GDP sẽ diễn ra rất gần, có thể chỉ ngay vào những năm đầu thập niên sau. Chưa hết, ở châu Á, bên cạnh Trung Quốc còn có những nước khác cũng đã từng phát triển rất ngoạn mục và có lúc đã được dự báo sẽ sớm “cất cánh”. Philippines, Thái Lan, Malaysia... là những nước như vậy. Rồi ngay cả Việt Nam những năm 2000 cũng đã được kỳ vọng là “con hổ tương lai”.

Mặc cho từ năm 2008 nền kinh tế thế giới gặp khủng hoảng và sa sút, năm 2011, Ngân hàng ADB vẫn xuất bản cuốn sách “Châu Á 2050: hiện thực hóa thế kỷ châu Á” dự báo khá chi tiết lộ trình của “Thế kỷ châu Á”.

Đó là nội dung cơ bản của khái niệm “Thế kỷ châu Á”, nhìn từ phương diện kinh tế.

Nhưng vấn đề sẽ khác đi nếu “Thế kỷ châu Á” được nhìn từ phương diện xã hội hoặc văn hóa. Mức độ lạc quan sẽ giảm đáng kể nếu người ta chú ý đến những vấn nạn xã hội ở Trung Quốc, Philippines, Việt Nam và ở một số nước khác, như khoảng cách giàu nghèo và trình độ an sinh xã hội, tệ tham nhũng và khả năng khống chế lợi ích nhóm, công bằng xã hội và mức độ bình đẳng giới, nạn buôn người và tình trạng an ninh trật tự xã hội, trình độ quản lý và mức độ cởi mở xã hội, chất lượng giáo dục và việc thực hiện quyền con người, v.v… Một số nhà nghiên cứu đánh giá rằng, có thể khả năng đạt tới thịnh vượng của toàn châu Á vẫn còn khá xa, hoặc “Thế kỷ châu Á” ở mức độ nào đó, vẫn chỉ là khái niệm hoang tưởng[3].

Vấn đề còn phức tạp hơn và khó dự báo hơn, nếu “Thế kỷ châu Á” được nhìn từ phương diện địa chính trị. Ở đây, “Thế kỷ châu Á” hóa ra có liên quan rất chặt với “Thế kỷ Thái Bình Dương”[4], một quan niệm của các nhà chiến lược lược Mỹ đặt ra cho nước Mỹ, nhằm tránh sự suy giảm về vị thế quốc gia, về vai trò chi phối thế giới. “Mỹ tàn phai” (Fade Away) không chỉ là hình tượng kích thích tâm lý Mỹ ở các đầu óc chiến lược, mà còn là khái niệm được đặt ra từ năm 2011 để phân tích tương quan địa chính trị toàn cầu[5].

Trong chiến lược “Thế kỷ Thái Bình Dương”, vấn đề Biển Đông, không ngẫu nhiên và cũng không bất ngờ, đang giữ vị trí là vấn đề chủ yếu và đặc biệt quan trọng do sự biến động của tình hình khu vực. Biển Đông đã bị “khuấy động” (Stirring)[6] và rõ ràng là ngày càng nóng không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với khu vực châu Á và thế giới.

“Thế kỷ châu Á” chỉ có thể trở thành hiện thực nếu ở Biển Đông không có chiến tranh[7]. (Xem tiếp phần 2)

* Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Thông tin khoa học xã hội.


[1]. Các số liệu này do CIA, OECD, IMF và WB công bố. Chúng tôi chọn và soạn theo http://www.indexmundi.com.

[2]. Xem: Vinh Nguyễn (2010). Phía sau việc kinh tế Trung Quốc thăng hạng. http://vneconomy.vn/20100817113414261P0C99/phia-sau-viec-kinh-te-trung-quoc-thang-hang.htm.

[3]. Haruhiko Kuroda (2011). Is the Asian century upon us? http://www.chinadaily.com.cn/opinion/2011-05/10/content_12476305.htm. // Joshua Kurlantzick (2011). The Asean Century? Not Quite Yet. Current History - A Journal of Contemporary World Affairs. January.

[4] Xem: Hillary Rodham Clinton, Secretary of State (2010). Press Availability. National Convention Center. Hanoi, Vietnam. July 23,. http://www.state.gov/secretary/rm/2010/07/145095.htm.

[5] Xem: Robert Kagan (2012). Not Fade Away. The myth of American decline. The New Republic. January 11. http://www.tnr.com/article/politics/magazine/99521/america-world-power-declinism?id=FoZ4F7oMNWb7y04UpK20GKfyrbir7aLsgUrHpHEN0jQVczVWeQ0QSkXGLNwv2vj2.

[6] International Crisis Group (2012). Stirring up the South China Sea (I&II): Regional Responses. Asia Report N°223, 23 Apr 2012; N°229,. 24 Jul 2012. http://www.crisisgroup.org/~/media/Files/asia/north-east-asia/223-stirring-up-the-south-china-sea-i.pdf. http://www.crisisgroup.org/~/media/Files/asia/north-east-asia/229-stirring-up-the-south-china-sea-ii-regional-responses

[7] Xem: Robert D. Kaplan (2011). The South China Sea Is the Future of Conflict. Foreign Policy. Sept/Oct,. http://www.foreignpolicy.com/articles/2011/08/15/the_south_china_sea_is_the_future_of_conflic // CNAS. Cooperation from Strength: The United States, China and the South China Sea.(Edited by Patrick M. Cronin. Contributors: Patrick M. Cronin, Peter A. Dutton, M. Taylor Fravel, James R. Holmes, Robert D. Kaplan, Will Rogers and Ian Storey). January, 2012. http://www.cnas.org/files/documents/publications/CNAS_CooperationFromStrength_Cronin_1.pdf.

 

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục