Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Về lá thư của Nguyễn Ái Quốc gửi một mục sư người Pháp

Về lá thư của Nguyễn Ái Quốc gửi một mục sư người Pháp

Ngày 8/9/1921, Nguyễn Ái Quốc gửi thư bằng tiếng Pháp cho một mục sư người Pháp nói lên suy nghĩ của Người về tôn giáo và đấu tranh chống lại những nhận thức sai lầm về lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam. Bức thư được tác giả Kareem James Abu-Zeid dịch sang tiếng Anh và đăng trên Tạp chí nghiên cứu Việt Nam, Tập 7, Số 2, năm 2012, Đại học California, Mỹ. Bức thư chưa được công bố trong bộ Hồ Chí Minh: Toàn tập. Bản dịch tiếng Việt đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh, số 2/2021.

03:17 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Thưa ngài mục sư,

Cảm ơn ngài về tập sách và bức thư mà ngài đã có lòng gửi cho tôi. Tôi đã rất chăm chú đọc lời kêu gọi trong sách mà ngài đã gửi. Những công việc ngài đang thực hiện rất đáng khen ngợi và tôi chắc chắn rằng, những việc ấy sẽ được tất cả những con người có trái tim chấp thuận và khuyến khích.

Tuy nhiên, tôi muốn ngài chú ý đến một vài điểm trong những lời kêu gọi của ngài. Chúng dường như đi ngược lại với tư tưởng cốt lõi trong công việc ngài đang làm, chúng có thể làm cho những người mà dự án của ngài đang hướng tới trở nên đầy mâu thuẫn. 

Trước khi chỉ ra những điểm như vậy, tôi mong ngài tin rằng, tôi không viết những điều này từ quan điểm của tinh thần phê phán, và thậm chí tôi không áp dụng quan điểm của tinh thần luận chiến. Tôi là một người An Nam, tôi biết những người An Nam khác nghĩ gì, và tôi, với khả năng còn yếu, muốn giúp tất cả những người đang làm việc vì lợi ích của đồng bào tôi tránh những trở ngại có thể phát sinh. Đây là lý do tại sao tôi phải nói với ngài một cách chân thành, thẳng thắn, và tôi tin rằng, những điều tôi nói sẽ giúp ích cho ngài.

Những điều như lý tưởng hay tôn giáo không và không nên phân chia biên giới, và những người nhận nhiệm vụ truyền bá lý tưởng hay tôn giáo phải vượt ra khỏi giới hạn của ranh giới quốc gia và lợi ích chính trị. Đây là lý do tại sao, theo thiển kiến của tôi, từ “Đông Dương”, đứng riêng không kèm theo tính từ, mang hàm ý chỉ Người mà tất cả chúng ta cùng yêu mến, và là niềm hy vọng của những dân mà ông đang muốn truyền dạy lòng tôn kính Người. Nhưng tính từ “Pháp” được đặt trước “Đông Dương” [xứ Đông Dương của Pháp-ND], lại mang tới tác dụng hoàn toàn trái ngược với những gì ngài muốn và chúng tôi muốn; vì công việc của Đấng Chúa, như ngài nói, là công việc giải phóng và cởi trói, trong khi chủ nghĩa thực dân, bất kể dưới hình thức nào, là đàn áp và khuất phục. Đông Dương bị đàn áp không thể là Đông Dương theo Thiên chúa giáo một cách đích thực.

Dường như trường học Y.M.C.A. [Hiệp hội Thanh niên Cơ đốc giáo – ND] ở Đông Dương sẽ chỉ mở cửa cho binh sĩ, học sinh, và con trai của quan chức. Do đó, liệu trường có mở cửa cho dân thường hay không, mặc dù chỉ có họ là những người cần được an ủi và khai sáng nhất?

Lời kêu gọi của Thuyền trưởng  Monet [Mr. le Capitaine Monet] viết rằng: “dối trá và gian xảo là những kỹ năng nổi trội của người An Nam.” Tôi lấy làm tiếc rằng, thực tế là có một số người trong số những người An Nam có lỗi này - không may là những nhóm người như vậy tồn tại ở tất cả các quốc gia và tất cả các dân tộc. Nhưng những lỗi lầm này bị người An Nam cũng như những người nước khác ghét bỏ, và những người ở nước khác cũng có khả năng mắc sai lầm đó như người An Nam. Nói rằng, người An Nam coi những lỗi lầm này là những kỹ năng nổi trội, tức là nâng nó lên thành phẩm chất dân tộc, thì không đúng sự thật. Ông biết đấy, từ thời thơ ấu, người An Nam đã được học về chữ “trung” và chữ “tín” như những đức tính quan trọng hàng đầu chỉ sau tình yêu thương và lòng hiếu thảo.

Nói xa hơn một chút, lời kêu gọi còn nhận định rằng: “tính cách dối trá hay ích kỷ như vậy là hệ quả của các nguyên tắc thiết yếu trong Nho giáo và Phật giáo, v.v…” Tôi tin rằng, chỉ có một triết lý, một nguyên lý, một tôn giáo, tồn tại cho tất cả mọi người, bởi vì chỉ có một Chân lý tồn tại. Chúng ta chỉ được phép nhìn Chân lý này từ bất cứ khía cạnh nào mà chúng ta tự thấy, và chúng ta đặt tên cho Chân lý theo những gì chúng ta thấy và cách chúng ta có thể nhìn thấy nó: Khổng giáo hay Phật giáo cho người Phương Đông, và Thiên Chúa giáo cho người Phương Tây.

Đạo Phật + Đạo Khổng + Đạo Thiên Chúa = Lòng Nhân Hậu.

Vì chúng ta có may mắn được chiêm ngưỡng ba ánh sáng này cùng một lúc, sẽ tốt hơn chăng nếu ta yêu thương tất cả chúng và cố gắng dung hòa cả ba cho phù hợp với bản chất của chúng ta, để làm cho bản chất con người ta tốt hơn, thay vì đặt cả ba vào thế đối lập với nhau?

Thuyền trưởng Monet nói rằng “Những người theo đạo Thiên Chúa ở Pháp nên hiểu rằng, người An Nam đang bị áp bức về đạo đức và đang phải chịu đựng sự áp bức đó”. Tiết lộ này hoàn toàn chính xác, nhưng nó không đầy đủ, vì người An Nam bị áp bức cả về vật chất, xã hội và chính trị chứ không chỉ về mặt đạo đức. Người ta không thể làm cho họ trở thành những Cơ đốc tốt bằng cách chỉ giảm bớt một phần đau khổ của họ, cũng như người ta không thể làm cho một người đàn ông khỏe mạnh chỉ bằng cách chữa một phần bệnh tật của anh ta — trái lại, làm vậy có thể biến một người kém may mắn thành ra bại liệt. Tôi tin rằng, lợi ích đạo đức và lợi ích vật chất phải đi đôi với nhau, vì cái này không thể hoàn thành mà không có cái kia. Và tại sao những người như chúng ta, những người đang đấu tranh cho chân lý lại không nói toàn bộ sự thật?

Ở phần cuối lời kêu gọi, Thuyền trưởng Monet nói rằng 3000 tín đồ của đạo Cơ đốc chân chính và những người Pháp tốt phải cố gắng hết sức. Về mặt vật lý, một người hay một xã hội không thể hoàn thành hai sứ mệnh đối lập nhau cùng một lúc; một sứ mệnh tốt đẹp nhất và cao quý nhất, đó là Truyền giáo, nói với con người rằng hãy yêu mến Đức Chúa và những sứ giả của chúa của họ; sứ mệnh ngược lại là “chăn dắt” người dân và khuyến khích họ từ bỏ quê hương bản quán, ép họ yêu một đất nước khác với đất nước của họ.

Dù là sinh viên hay nông dân mù chữ, họ là người An Nam, và họ nên giữ cốt cách An Nam. Làm người An Nam tốt không ngăn họ trở thành tín đồ tốt của đạo Thiên Chúa. Hoàn toàn ngược lại. Không phải người tự do là người duy nhất được Đức Chúa công nhận; và Nhân loại không phải là quốc gia duy nhất mà chúng ta phải công nhận hay sao? Những ai là những con chiên ngoan ngoãn của các chủ nhân lúc này không xứng đáng là Người chăn cừu vĩnh cửu, và vì vậy, nếu ngài muốn tìm một người Cơ đốc thực sự ở Đông Dương, hãy tìm anh ta trong số những người Đông Dương tốt, chứ không ở đâu khác.

Thưa ngài mục sư, tôi biết rất rõ những gì các phái bộ Công giáo đã làm ở Đông Dương, và những gì các phái bộ Tin lành đã làm cho nước láng giềng của chúng tôi, Hàn Quốc, nhưng tôi không hết lòng hy vọng rằng, ông sẽ thành công trong việc truyền bá nhanh chóng tôn giáo mới vào đất nước tôi. Nhưng để thay đổi tinh thần của một dân tộc, và đặc biệt là của một dân tộc có phong tục, tập quán và có khả năng thấu cảm, tất cả đều được hình thành từ hàng nghìn năm lịch sử, trước tiên ngài phải thâm nhập vào tâm lý của dân tộc đó. Tôi cho phép bản thân được trân trọng gửi tới ngài lá thư này để giúp ngài thực hiện công việc ngài đang bắt đầu và để đáp lại thịnh tình [và tấm lòng cảm thông] mà ngài dành cho tôi. Tôi hy vọng rằng, ngài sẽ vui lòng bỏ qua sự thẳng thắn của tôi, và tôi hy vọng ngài sẽ chấp nhận, thưa mục sư, gửi tới ngài lời chào trân trọng của tôi.

Paris, ngày 8 tháng 9 năm 1921

Nguyễn Ái Quốc

Bức thư lưu trữ tại DÉFAP, Cơ quan Truyền giáo Tin lành (thư viện về lịch sử truyền giáo; các kho lưu trữ về xã hội truyền giáo của Paris), số 102 Đại lộ Arago, 75014 Paris, Pháp.

TS Mạch Lê Thu (dịch)

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh, số 2/2021

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục