Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, Tầm nhìn mới (Phần 1)

Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, Tầm nhìn mới (Phần 1)

03:12 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

 Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, Tầm nhìn mới

PGS, TS Lê Văn Toan*

Bàn về bối cảnh mới trong thế giới, tùy theo cách tiếp cận hoặc tùy vào vấn đề nghiên cứu chuyên sâu mà các học giả nhấn mạnh yếu tố này hoặc yếu tố khác như nhấn mạnh về văn hóa khi nghiên cứu văn hóa, nhấn mạnh về kinh tế khi nghiên cứu kinh tế. Trong bài viết này, chúng tôi tiếp cận ở góc độ chung nhất, tìm những tác động lớn, đa chiều nhất đến quốc gia dân tộc. Bối cảnh thế giới hiện nay đang có những biến đổi to lớn, sâu sắc, nhanh chóng, phức tạp và khó lường, ảnh hưởng mạnh mẽ, toàn diện đến mọi mặt đời sống xã hội của tất cả các quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam và Ấn Độ.

Cuộc cách mạng khoa học công nghệ phát triển ngày càng mạnh mẽ, đưa nhân loại bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học tiếp tục có những bước nhảy vọt, ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp thúc đẩy sự phát triển kinh tế, làm chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế và biến đổi sâu sắc các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tri thức và sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng, con người và tri thức ngày càng trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Cuộc cách mạng này càng khẳng định tính đúng đắn của C. Mác trong dự báo rằng, đến lúc nào đó, khoa học sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.

Quá trình tái cấu trúc các nền kinh tế và điều chỉnh các thể chế tài chính toàn cầu diễn ra mạnh mẽ, tác động của khủng hoảng còn để lại nhiều hậu quả, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, trở thành rào cản lớn cho thương mại quốc tế.

Toàn cầu hóa kinh tế ngày càng tăng, quá trình quốc tế hóa sản xuất và phân công lao động diễn ra ngày càng sâu rộng, vai trò của các công ty xuyên quốc gia ngày càng lớn. Việc tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu đã trở thành yêu cầu tất yếu đối với các nền kinh tế.

Những vấn đề chính trị - an ninh của thế giới đang trong thời kỳ có quá nhiều bất ổn. Mong muốn chung của các nước là phải giữ được hòa bình, ổn định, hợp tác, cùng phát triển. Thế nhưng, nhiều biến động phức tạp, đan xen nhiều xu hướng khác nhau, vừa cạnh tranh, vừa ảnh hưởng, vừa gia tăng phụ thuộc lẫn nhau giữa các cường quốc; sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn, những vấn đề tôn giáo, sắc tộc, an ninh, phát triển, tranh giành tài nguyên chiến lược, những vùng lãnh thổ nhạy cảm, tranh chấp trên biển, đặc biệt nổi lên hiện nay là vấn đề lực lượng Hồi giáo cực đoan, điển hình là nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, chiến tranh nóng ở Trung Đông và khủng hoảng ngoại giao giữa Qata và các nước Arập; căng thẳng giữa Nga – Mỹ, Nga – Liên minh Châu Âu; vấn đề Triều Tiên, Biển Đông đang gia tăng độ phức tạp. Hiện tượng bầu cử Tổng thống Mỹ với việc thắng cử của Donal Trump cũng như sự kiện Brexit ở Anh đã và đang chứng tỏ một khuynh hướng bảo hộ trở lại, chủ nghĩa dân túy nổi dậy tác động đến cơ cấu vận hành của các quan hệ quốc tế. Những vấn đề thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu, khủng hoảng di cư, dịch bệnh, tội phạm, bùng nổ dân số, đói nghèo,… đều là những thách thức đặt ra cho các thể chế toàn cầu trước yêu cầu bức xúc không thể không giải quyết.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nhiều biến đổi sâu sắc do quá trình quốc tế hóa và khu vực hóa. Các nhà khoa học đều khẳng định, khái niệm Thế kỷ Châu Á và khái niệm Thế kỷ Thái Bình Dương là những khái niệm có thực không hề phi thực tế, phản ánh sự năng động và phức tạp, có sức hút lớn về địa chính trị, địa kinh tế và địa văn hóa khu vực này. Biển mà ở đây là các biển trong khu vực châu Á, trong đó Vịnh Thái Lan có thể nói là tạm yên bình, biển Hoa Đông và Biển Đông, đặc biệt là Biển Đông ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị thế giới. Trong mối tương quan khu vực và thế giới, hiện nay Biển Đông đang thực sự bị khuấy động. Vấn đề là ở chỗ, khác với các vùng biển khác, kể cả Ấn Độ Dương và vùng Đông bắc Thái Bình Dương, khi Biển Đông bị khuấy động thì sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ, thậm chí làm thay đổi quan điểm chiến lược của một số nước, trong đó, Mỹ, Trung Quốc là những nước đạo diễn và trực tiếp tham gia diễn xuất trên sân khấu chiến lược.

Không phải ngẫu nhiên mà bước vào thế kỷ XXI, Trung Quốc đã coi thế kỷ XXI là kỷ nguyên của đại dương, đưa vấn đề biển và đại dương trở thành ưu tiên trong chiến lược phát triển và được chuẩn bị rất bài bản. Cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế, nỗ lực tăng cường hiện đại hóa quân đội, Trung Quốc ngày càng gia tăng yêu sách về chủ quyền, xâm lấn Biển Đông, yêu sách về “Đường lưỡi bò 9 đoạn”, bồi lấp các bãi đá cạn, thiết lập khu phi quân sự, không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc tại khu vực này, tất cả các chiêu thức đó là nhằm độc chiếm Biển Đông.

Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ, khi thực hiện chiến lược xoay trục sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các quan chức Mỹ, cuối năm 2011, đã chính thức tuyên bố, thế kỷ XXI sẽ là Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ. Lời tuyên bố chính thức cho chiến lược này được Hillary Clinton - Ngoại trưởng Mỹ - công bố chính thức tại Hội nghị Thượng đỉnh Khối APEC gồm các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, họp tại Honolulu ngày 10/11/2011. Tại Trung Quốc, ngày 5/9/2012, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định rõ, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực được Mỹ xem là động lực chính cho sự phát triển kinh tế và chính trị của thế giới trong thế kỷ XXI. Để hiện thực hóa chiến lược này, cùng với việc vận động các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Mỹ đã nâng cấp quan hệ quân sự, điều quân đội đến Biển Đông, tiến hành tập trận chung trên Biển Đông với các nước Nhật Bản, Philippines, Singapore, Australia, Ấn Độ,… những nước đang có tranh chấp với Trung Quốc.

Tinh thần Thế kỷ Thái Bình Dương được Mỹ liên tục đề cập trong các diễn đàn chính trị quốc tế và đang không ngừng triển khai trong thực tế. Dĩ nhiên, nền văn minh nhân loại sẽ dịch chuyển, như trước đây đã từng dịch chuyển từ La Mã cổ đại sang Hà Lan, Anh và Mỹ, và nếu tiến bộ xã hội đi đúng theo quy luật thì dù khó khăn, bất ngờ, khó đoán lường đến mấy, Thế kỷ Châu Á - Thái Bình Dương vẫn hiện hữu, hứa hẹn trong thế kỷ XXI[1].

Một số phác họa như trên về bối cảnh mới, cho dù chỉ là những nét chấm phá chính rất chưa đầy đủ, cũng đủ cho chúng ta thấy rằng, bối cảnh mới vô cùng phức tạp, khó lường. Trước bối cảnh mới, rất cần một tầm nhìn mới sâu rộng. Trước một thế giới biến đổi khó lường, tư duy phát triển phải bắt kịp với những biến đổi đó. (Xem tiếp phần 2)


* Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

[1] Xem thêm: GS, TS Hồ Sĩ Quý, “Vấn đề thế kỷ châu Á”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 10 (59), 2012.

Nguồn:

Cùng chuyên mục