Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Việt Nam - Ấn Độ: Tập trung gỡ bỏ rào cản, tăng cường trao đổi thương mại

Việt Nam - Ấn Độ: Tập trung gỡ bỏ rào cản, tăng cường trao đổi thương mại

Kỳ họp lần thứ 4 của Tiểu ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ, do Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng và Thứ trưởng Bộ Công Thương Ấn Độ Anup Wadhawan chủ trì, diễn ra từ ngày 22-23/1/2019 tại Hà Nội nhằm góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.

06:30 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Tại kỳ họp, hai bên đã trao đổi các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hợp tác thương mại, đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hoạt động. Hai bên đã trao đổi các định hướng và giải pháp để tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa hai nền kinh tế, giúp mở rộng thị trường cho sản phẩm xuất khẩu của nhau, tranh thủ thế mạnh và nguồn lực của mỗi nước để bổ sung cho nhu cầu phát triển của mỗi nước.

Tại cuộc họp, thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho rằng, hai nước còn có nhiều tiềm năng để mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư. Đồng thời tin rằng, với tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại như hiện nay, hai bên sẽ sớm đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại 15 tỷ USD vào năm 2020 theo mục tiêu đã đề ra.

Về đầu tư, ngoài lĩnh vực năng lượng mà hai bên đang triển khai hợp tác khá thành công, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng mong muốn phía Ấn Độ xem xét mở rộng đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực Ấn Độ có thể mạnh như dệt may, gia dày, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin, nông nghiệp chế biến ...

Bên cạnh đó, việc có đường bay trực tiếp giữa Việt Nam - Ấn Độ là điều kiện rất thuận lợi để tăng cường thương mại giữa hai nước nên Thứ trưởng cũng đề nghị phía Ấn Độ xem xét tạo điều kiện thuận lợi cho hãng hàng không Vietjet của Việt Nam triển khai đường bay này.

Tại kỳ họp, phía Việt Nam đề nghị Ấn Độ xem xét không áp dụng biện pháp chống trợ cấp đối với các sản phẩm ống thép không gỉ và dây đồng nhập khẩu từ Việt Nam, đồng thời xem xét dừng không gia hạn áp dụng biện pháp chống bán phá giá với các vụ việc đang trong giai đoạn áp thuế khi biện pháp này hết thời hạn áp dụng; Đề nghị phía Ấn Độ đẩy nhanh quy trình cấp phép nhập khẩu cho các loại trái cây tươi của Việt Nam, trước mắt là nhãn, bưởi, chôm chôm, và sầu riêng, sau đó là các loại trái cây khác như bơ, dừa.... Bên cạnh đó, Việt Nam cũng bày tỏ quan ngại trước việc áp dụng quy định trị giá nhập khẩu tối thiểu của Ấn Độ (MIP) đối với mặt hàng hồ tiêu và đề nghị Ấn Độ sớm rút lại biện pháp này và tuân thủ các quy định trong WTO và Hiệp định AITIGA; Đề nghị Ấn Độ tiếp tục hỗ trợ các đoàn Việt Nam tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại Ấn Độ cũng như khuyến khích các doanh nghiệp Ấn Độ sang Việt Nam tìm hiểu, đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực có thể mạnh; phối hợp chặt chẽ trong các cơ chế hợp tác song phương và đa phương...

Đồng tình với quan điểm của Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Ấn Độ cũng cho rằng, tiềm năng hợp tác kinh tế thương mại giữa hai bên còn rất lớn và đề xuất lập ra một đầu mối liên lạc cụ thể giữa Bộ Công Thương Việt Nam và cơ quan phòng vệ thương mại của Ấn Độ để tránh sự nhầm lẫn, sai sót thông tin về phòng vệ thương mại của hai bên.

Thứ trưởng Anup Wadhawan cũng đề nghị phía Việt Nam cấp phép nhập khẩu cho các mặt hàng ngô, lúa mì và thức ăn chăn nuôi của Ấn Độ. Đồng thời cam kết Ấn Độ sẽ lập bộ quy tắc tiêu chuẩn cho ba mặt hàng này để đảm bảo chất lượng và không vi phạm các biện pháp kiểm dịch của Việt Nam.

Bên cạnh đó, hai bên cũng đã trao đổi một số vấn đề phía Ấn Độ quan tâm như việc cấp phép đăng ký cho các cơ sở sản xuất, chế biến thịt trâu của án Độ để xuất khẩu sang Việt Nam; rà soát Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA); dự thảo các Thông tư về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô....

Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại Việt Nam - Ấn Độ đạt 10,7 tỷ USD năm 2018, tăng 39% so với năm 2017, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD, tăng 75%, kim ngạch nhập khẩu đạt 4,1 tỷ USD, tăng 5,2% s với năm 2017. Tính đến nay, Ấn Độ có 208 dự án FDI tại Việt Nam với vốn đăng ký khoảng 878 triệu USD, đứng thứ 26/129 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp tiêu biểu của Ấn Độ đã có mặt tại Việt Nam như TATA, ONGC, Essar, Bank of India (BOI...)

Nguồn: https://congthuong.vn/viet-nam-an-do-tap-trung-go-bo-rao-can-tang-cuong-trao-doi-thuong-mai-115109.html

Nguồn:

Cùng chuyên mục