Việt Nam mong muốn doanh nghiệp Ấn Độ thúc đẩy hợp tác đầu tư
Chiều 2/11/2016, phát biểu tại buổi tiếp Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ do ông Naushad Forbes - Chủ tịch Liên đoàn, đồng Chủ tịch Tập đoàn Forbes Mashall Pvt Ltd dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Ấn Độ tới đầu tư tại Việt Nam nhiều hơn nữa, nhất là khi Việt Nam là thành viên của 10 hiệp định thương mại tự do của các khu vực quan trọng trên thế giới.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn là điểm đến đầu tư của nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Mặc dù kinh tế thế giới phục hồi chậm và không đồng đều, trong nước gặp khó khăn vì thiên tai, biến đổi khí hậu, nhưng tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2016 vẫn tăng 6% và xuất khẩu vẫn tăng trưởng 8%, trong khi nhiều nền kinh tế tăng trưởng xuất khẩu thấp hoặc tăng trưởng “âm.”
Tại Việt Nam, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi) đang tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Chính phủ Việt Nam chủ trương phát triển 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Trong điều kiện như vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện tốt cho các nhà đầu tư cả trong nước và ngoài nước.
Phó Thủ tướng đánh giá các thành viên của Liên đoàn đều là các doanh nghiệp mạnh của Ấn Độ, đang tham gia đầu tư các lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên phát triển như điện năng, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin...
Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Ấn Độ thúc đẩy hợp tác, đầu tư các dự án tại sơ đồ điện 7 của Việt Nam, nhất là thúc đẩy dự án nhiệt điện Long Khánh. Ngoài ra, các doanh nghiệp Ấn Độ cũng có thể tham gia vào các chuỗi giá trị của Việt Nam trong lĩnh vực dệt may, da giày khi hiệp định TPP có hiệu lực trong thời gian tới.
Việt Nam cũng khuyến khích các hình thức hợp tác BOT, PPP, thậm chí cả nhượng quyền thu phí các tuyến đường cao tốc cho các đối tác nước ngoài khi đáp ứng được các yêu cầu cần thiết; khuyến khích đầu tư, chuyển giao công nghệ, máy móc tiết kiệm năng lượng trong chế tạo ô tô, công nghiệp xây dựng.
Ông Naushad Forbes cho biết, chuyến thăm, làm việc của Liên đoàn tới Việt Nam nhằm cụ thể hóa các nội dung làm việc của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng Chín vừa qua tại Hà Nội, thể hiện nội hàm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và Chính sách Hành động hướng Đông của Chính phủ Ấn Độ.
Các doanh nghiệp Ấn Độ hiện đang đầu tư, phát triển các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án nhiệt điện tại Việt Nam. Theo ông Naushad Forbes, qua diễn đàn doanh nghiệp hai nước, hai bên cũng quan tâm tìm kiếm cơ hội để đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhiều lĩnh vực khác.
Đại diện các doanh nghiệp thuộc Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ bày tỏ tin tưởng vào mối quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại tốt đẹp của hai quốc gia và cho rằng kim ngạch thương mại hai chiều hiện ở mức 5 tỷ USD vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên; khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại lâu dài giữa cộng đồng doanh nghiệp hai quốc gia trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp Ấn Độ mong muốn Chính phủ Việt Nam ủng hộ, tháo gỡ khó khăn cho các dự án hợp tác của hai bên trong đầu tư xây dựng, chuyển giao công nghệ tại một số nhà máy thủy điện, sản xuất lắp ráp ô tô (liên doanh giữa Tập đoàn Tata và Tập đoàn TMT), đầu tư hệ thống bơm hút chống ngập tại các đô thị, dược phẩm, cơ sở hạ tầng giao thông./. (Theo TTXVN)
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục
Ấn Độ: Chứng khoán bùng nổ và cách bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ
Kinh tế 10:00 09-12-2024
Tập đoàn Vietravel mở rộng hoạt động tại Ấn Độ
Kinh tế 03:00 16-11-2024
Ấn Độ đạt kỷ lục trong xuất khẩu hàng hóa
Kinh tế 03:00 17-11-2024
Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và những tác động
Kinh tế 02:00 28-10-2024