Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Việt Nam và Ấn Độ tăng cường hợp tác kinh tế nông nghiệp lên tầm cao mới trong bối cảnh “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (Phần 1)

Việt Nam và Ấn Độ tăng cường hợp tác kinh tế nông nghiệp lên tầm cao mới trong bối cảnh “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (Phần 1)

03:41 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

TS Vũ Trọng Hùng*

TÓM TẮT

1. Quan hệ hợp tác Việt Nam và Ấn Độ - tình hữu nghị vượt thời gian

Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Ấn Độ đã có từ lâu đời và luôn được hai dân tộc dày công bồi đắp. Ngày 17-10-1954, Ấn Độ mở Tổng Lãnh sự quán tại Thủ đô Hà Nội. Năm 1956, Việt Nam lập Tổng Lãnh sự quán tại Thủ đô New Delhi. Ngày 7-1-1972, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 2007, Việt Nam và Ấn Độ xác lập quan hệ “Đối tác chiến lược”, tháng 9-2016, được nâng lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện”. Từ đó đến nay, nhiều cuộc tiếp xúc giữa hai nước thường xuyên diễn ra đã đưa quan hệ hợp tác lên tầm cao mới trong bối cảnh “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở rộng”.

2. Việt Nam - Ấn Độ tăng cường hợp tác kinh tế nông nghiệp lên tầm cao mới

Cả hai nước đều khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế nông nghiệp và đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương: Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến,… Việt Nam nhập khẩu thủy, hải sản, thịt trâu, rau quả, thức ăn chăn nuôi,… từ Ấn Độ; Ấn Độ nhập khẩu trái cây, rau quả, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, hải sản,… từ Việt Nam.

Tính đến hết năm 2017, tổng vốn đầu tư Ấn Độ vào Việt Nam đạt 756 triệu USD, với 168 dự án đầu tư, đứng thứ 28/126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực chế biến nông sản, khai khoáng, dầu khí, công nghệ thông tin,... Việt Nam hiện có 7 dự án đầu tư sang Ấn Độ với tổng vốn là 6,15 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực phân phối các sản phẩm thức ăn gia súc, phân phối vật liệu xây dựng, xuất khẩu mỹ phẩm, các sản phẩm tin học. Đến nay, hai nước đã trở thành đối tác thương mại quan trọng của nhau và đang hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 15 tỷ USD vào năm 2020./.

 

1. Quan hệ hợp tác Việt Nam và Ấn Độ - Tình hữu nghị vượt thời gian

Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Ấn Độ đã có từ lâu đời và luôn được hai dân tộc dày công bồi đắp. Ngày 17-10-1954, chỉ một tuần sau khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng, Thủ tướng Ấn Độ J. Nehru là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Việt Nam và mở Tổng Lãnh sự quán tại Thủ đô Hà Nội. Hai năm sau (1956), Việt Nam lập Tổng Lãnh sự quán tại Thủ đô New Delhi, Ấn Độ.

Ngày 7-1-1972, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó đến nay, quan hệ hợp tác “trong sáng không một gợn mây”[1] giữa hai nước ngày càng phát triển. Tháng 5-2003, Việt Nam và Ấn Độ ký “Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa hai nước bước vào thế kỷ XXI”, khẳng định bước tiến mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Với quyết tâm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện, Việt Nam và Ấn Độ chính thức xác lập quan hệ “Đối tác chiến lược”[2] (2007), sau đó được cụ thể hóa bằng việc ký kết 7 thỏa thuận hợp tác song phương khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang thăm Ấn Độ (10-2011). 

Tháng 11-2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Cộng hòa Ấn Độ và là chuyến thăm thứ ba liên tiếp của lãnh đạo cấp cao Việt Nam từ năm 2011 trong xu thế Ấn Độ đang đẩy mạnh “Chính sách hướng Đông” và Việt Nam tăng cường hội nhập quốc tế. Tiếp đó, Tổng thống Ấn Độ P. Mukherjee sang thăm Việt Nam (9-2014) và chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (10-2014). Điều này một lần nữa khẳng định quyết tâm đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Để nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược lên tầm cao mới, tháng 9-2016, quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ được nâng lên thành “Đối tác Chiến lược toàn diện” sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ N. Modi. Từ đó đến nay, Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục có những cuộc tiếp xúc cao cấp để quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả cao nhất. Trong đó, đáng chú ý là: Chuyến thăm hữu nghị chính thức Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (12-2016)[3]. Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sang Ấn Độ tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ, Lễ Kỷ niệm lần thứ 69 Ngày Cộng hòa Ấn Độ (24-1-2018)[4]. Đặc biệt là chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang (từ ngày 2 đến ngày 4-3-2018). Đây là dịp để lãnh đạo hai nước nhìn lại mối quan hệ “Đối tác Chiến lược toàn diện” và tìm ra những cơ hội hợp tác mới trong tương lai[5]. Kết thúc chuyến thăm, hai bên ra Tuyên bố chung, trong đó đề nghị các doanh nghiệp hai bên tìm kiếm những cơ hội đầu tư kinh doanh mới trong những lĩnh vực hợp tác ưu tiên còn nhiều tiềm năng, trong đó có kinh tế nông nghiệp[6] như tăng cường hợp tác, trao đổi kiến thức về tăng năng suất nông nghiệp, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và trao đổi thực tiễn về canh tác, kỹ thuật nông nghiệp,... Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã trao văn kiện Kế hoạch hợp tác nông nghiệp giai đoạn 2018-2020 giữa Hội đồng Nghiên cứu nông nghiệp Ấn Độ (ICAR) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam[7].

Qua các cuộc tiếp xúc, trao đổi, Việt Nam và Ấn Độ đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng mang tính chiến lược trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác kinh tế nông nghiệp. Quan hệ hợp tác giữa hai nước được nâng lên tầm cao mới trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở rộng.

2. Việt Nam - Ấn Độ tăng cường hợp tác kinh tế nông nghiệp lên tầm cao mới

Quan hệ hợp tác kinh tế nông nghiệp giữa Ấn Độ và Việt Nam đã có từ rất sớm. Sự ra đời Viện  Nghiên cứu lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long (CLRRI) năm 1977 và Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) năm 1994 là những minh chứng cho sự hợp tác hai bên. Qua những tổ chức này, Chính phủ Ấn Độ đã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp và hỗ trợ đào tạo cán bộ khoa học cho Việt Nam. Hai nước cũng tổ chức Hội nghị Việt Nam - Ấn Độ về nông nghiệp giữa Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) và ICAR. Từ đó, hai bên triển khai Trung tâm Tính toán hiệu năng cao của Ấn Độ hoạt động tại Hà Nội và Việt Nam hợp tác thành lập trang trại nuôi cá tra ở Ấn Độ,…

Quan hệ hợp tác kinh tế nông nghiệp giữa Ấn Độ và Việt Nam tiếp tục được củng cố và phát triển. Ngày 30-9-2015, phái đoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, do Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu đến thăm Ấn Độ, đã hội đàm với ông Sanjeev Balyan, Bộ trưởng Nông nghiệp Ấn Độ. Hai bên thống nhất thành lập nhóm công tác chung làm đầu mối xem xét các cơ hội hợp tác, rà soát lại các nội dung đã ký kết và tìm cách tháo gỡ những vướng mắc gây cản trở cho trao đổi nông sản giữa hai nước. Bộ trưởng Balyan nhấn mạnh: Nông nghiệp là thế mạnh của Ấn Độ và nhiều mặt hàng nông sản của Ấn Độ đã được xuất khẩu sang Việt Nam. Việt Nam và Ấn Độ có nhiều cơ hội hợp tác kinh tế nông nghiệp và Ấn Độ sẵn sàng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với Việt Nam. Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định: Nông nghiệp là ngành đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Trong thời gian qua, Việt Nam và Ấn Độ đã có nhiều chương trình hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và đào tạo nâng cao năng lực, song sự hợp tác giữa hai nước còn chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của chính phủ hai nước, đặc biệt là những cam kết và MoU mà hai bên đã ký kết. Ấn Độ có nhiều thế mạnh mà Việt Nam cần thúc đẩy để phát triển nông nghiệp như lĩnh vực chăn nuôi gia súc, nghiên cứu và sản xuất thuốc thú y, trong đó có vắcxin lở mồm long móng, vắcxin phòng dịch lợn tai xanh,… và mong muốn đưa quan hệ hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Ấn Độ lên tầm cao mới[8].

Đặc biệt, ngày 28-11-2017, Ấn Độ và Việt Nam phối hợp tổ chức thành công Hội thảo “Hợp tác nông nghiệp giữa Ấn Độ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long” tại Tiền Giang. Với chủ đề “Nhìn lại thực trạng phát triển của ngành nông nghiệp - thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cơ hội hợp tác với Ấn Độ trong phát triển nông nghiệp và thủy sản cùng các chính sách liên quan”, hội thảo là cơ hội để các đối tác tìm hiểu về môi trường đầu tư, kinh doanh, xúc tiến thương mại, những rào cản kỹ thuật, chính sách thuế quan của Ấn Độ và Việt Nam… để từ đó cùng nhau tháo gỡ, khắc phục khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy thương mại song phương vì sự phát triển chung của hai nước.  (Xem tiếp phần 2)


* TS Vũ Trọng Hùng, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

[1] Đánh giá của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

[2] Quan hệ“Đối tác chiến lược” dựa trên các trụ cột hợp tác: chính trị, kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội, các vấn đề khu vực và quốc tế.

[3] Chuyến thăm đã cụ thể hóa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh hai nước hướng tới kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập Quan hệ ngoại giao (7/1/1972 - 7/1/2017) và kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược (2007-2017).

[4] Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Narendra Modi thống nhất cần duy trì đều đặn các chuyến thăm cấp cao và các cấp; sớm tổ chức kỳ họp tiếp theo của Ủy ban Hỗn hợp cấp Bộ trưởng Ngoại giao ngay trong nửa đầu năm 2018 tại Hà Nội để rà soát các lĩnh vực hợp tác và đề ra các biện pháp cụ thể để triển khai Chương trình Hành động giai đoạn 2017-2020. Để đạt mục tiêu kim ngạch 15 tỷ USD vào năm 2020, hai Thủ tướng đề nghị cần đẩy mạnh nghiên cứu kết nối hàng không, hàng hải để rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa hai nước; từng bước xóa bỏ rào cản thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước.

[5] Nhận định của Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Parvathaneni Harish với báo Kinh tế & Đô thị tại buổi họp báo về chuyến thăm cấp nhà nước tới Ấn Độ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

[6] Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Ấn Độ về chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang (4-3-2018).

[7] Dẫn theo Dân Việt: “Tăng cường hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam với Ấn Độ và Bangladesh”, ngày 07-3-2018 (http://danviet.vn/nha-nong/tang-cuong-hop-tac-nong-nghiep-giua-viet-nam-voi-an-do-va-bangladesh-854652.html).

[8] Dẫn theo Báo Tin tức: “Việt Nam và Ấn Độ thúc đẩy hợp tác phát triển nông nghiệp”, ngày 30-9-2015 https://baotintuc.vn/nguoi-viet-4-phuong/viet-nam-va-an-do-thuc-day-hop-tac-phat-trien-nong-nghiep-20150930193027510.htm).

** Bài tham luận Hội thảo khoa học quốc tế "Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở" tổ chức tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày 24/8/2018.

Nguồn:

Cùng chuyên mục