Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Xung đột Biển Đông qua nhìn nhận của một số học giả và chính khách Mỹ và phương Tây (Phần 1)

Xung đột Biển Đông qua nhìn nhận của một số học giả và chính khách Mỹ và phương Tây (Phần 1)

02:39 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Xung đột Biển Đông qua nhìn nhận của một số học giả và chính khách Mỹ và phương Tây

GS, TS Hồ Sĩ Quý*

Lời mở đầu

Biển Đông thực ra đã nóng lên từ vài chục năm trước, ít ra là từ năm 1974 khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, rồi sau đó, năm 1988 khi Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma. Nhưng xung đột tại một vài hòn đảo hoặc bãi đá là khác về chất (tính chất nguy hiểm, mức độ ảnh hưởng…) so với xung đột trên toàn Biển Đông. Từ tháng 3/2014 đến nay, Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt hành vi gây hấn trên toàn Biển Đông, từ cửa ngõ Vĩnh Bắc Bộ đến tận đảo Gạc Ma trên quần đảo Trường Sa. Tại vị trí cách đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi 120 hải lý về phía đông, nơi hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, từ 1/5/2014 đến nay, Trung Quốc đã đưa giàn khoan khổng lồ Haiyang 981 đi kèm hàng trăm tàu hộ tống và hàng chục máy bay quân sự, hàng ngày thực hiện các hành vi xâm phạm chủ quyền, đâm chìm tàu cá, bắt giữ ngư dân, cản trở lực lượng chấp pháp Việt Nam thực thi công vụ. Tình huống của xung đột từ 5/2014 đến nay đã làm cho trật tự địa chính trị liên quan đến Biển Đông ở vào trạng thái nguy hiểm.

Mặc dù sự nhẫn nại gìn giữ hòa bình của Việt Nam được cả thế giới chứng kiến hàng ngày, nhưng nếu mưu đồ độc chiếm Biển Đông được Trung Quốc tính toán và thực hiện như hiện nay, thì hệ lụy của xung đột Biển Đông thật khó dự báo, không chỉ đối với Việt Nam, cũng không chỉ đối với giấc mộng cường quốc Trung Hoa, mà còn đối với trật tự hòa bình và phát triển của tất cả các quốc gia quanh Thái Bình Dương, nếu chưa muốn nói là toàn thế giới.

Độ nóng của Biển Đông nhìn từ phía Việt Nam có thể là tương đối rõ. Nhưng nhìn từ bên ngoài, vấn đề thể hiện như thế nào. Với bài viết này, tác giả, người đã nhiều năm theo dõi khá sát những nghiên cứu về Biển Đông, sẽ cung cấp cho bạn đọc: các học giả và các chính khách Mỹ và Phương Tây nhìn nhận như thế nào về mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, mưu đồ này có liên quan gì đến cái gọi là “Sự trỗi dậy hòa bình” và “Giấc mộng Trung Hoa” và tại sao R. Kaplan lại nhận định rằng, “Thực tế là, không có quốc gia nào bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc bằng Việt Nam” (The fact is, no country is as threatened by China’s rise as much as Vietnam).

Bài viết gồm 4 phần: I. Khi con sư tử Trung Hoa thức dậy. II. Hà Nội 7/2010: Tuyên bố của Hillary Clinton và Chiến lược thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ. III. Biển Đông – “vạc dầu châu Á” qua phân tích của Robert D. Kaplan và nhóm chiến lược gia CNAS. và IV. Những hệ lụy. (Xem tiếp phần 2)

* Viện Thông tin khoa học xã hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

Nguồn:

Cùng chuyên mục