Xung đột Biển Đông qua nhìn nhận của một số học giả và chính khách Mỹ và phương Tây (Phần 4)
Xung đột Biển Đông qua nhìn nhận của một số học giả và chính khách Mỹ và phương Tây
GS, TS Hồ Sĩ Quý*
II. Hà Nội 7/2010: Tuyên bố của Hillary Clinton và Chiến lược thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ
1. Đối diện với một Trung Quốc tham vọng quá lớn, từ vài năm gần đây Chiến lược “xoay trục về Châu Á” và “Thế kỷ Thái Bình Dương” của Mỹ đã được thực thi. Tuy nhiên, tư tưởng của Chiến lược này, không phải xuất phát từ sự “ấu trĩ, bốc đồng của các chính trị gia thời Obama-Clinton (Hillary)”, mà thật ra đã được hình thành từ trước và được bắt đầu thực thi dưới thời George W. Bush, nhưng sự kiện 911 (11/9/2001) ngay sau đó đã làm mờ đi kế hoạch này. Điều quyết định hơn, thái độ hung hăng của Trung Quốc trong gần hết thập niên đầu tiên của thế kỷ mới cũng chưa đến mức nguy hiểm như hiện nay. Còn mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc trong cái nhìn của người Mỹ và Phương Tây thì đã rõ ngay từ hi Trung Quốc còn nghèo đói.
2. Người đầu tiên trong số các bộ óc chiến lược Mỹ bày tỏ sự lo ngại về xung đột có thể xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông là Samuel Huntington, học giả nổi tiếng toàn thế giới với tác phẩm “Sự đụng độ của các nền văn minh” xuất bản bằng 39 thứ tiếng. Từ góc độ trật tự địa chính trị, năm 1993 ông đã cảnh báo các nhà chiến lược Mỹ về điều này trên tờ “Foreign Affairs” Vol. 72 số 3, nhưng do quan tâm nhiều hơn đến mối đe dọa Hồi giáo cực đoan nên lúc đó dường như không mấy ai chú ý. Phát triển tư tưởng này trong cuốn sách “Sự đụng độ của các nền văn minh” xuất bản năm 1996, ông viết rõ: “Sự bá quyền của Trung Quốc ở Đông Á khó có thể đưa đến sự bành trướng về kiểm soát lãnh thổ thông qua can thiệp quân sự trực tiếp” nhưng “Biển Đông là trường hợp ngoại lệ”[i]. Ngoại lệ - đây là điều thật đáng chú ý. Phân tích điều này, Huntington chỉ ra rằng: “Cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, và lực lượng hải quân hai bên đã từng đụng độ nhau trong các thập kỷ 70 và 80. Trong những năm đầu thập kỷ 90, tiềm năng quân sự của Việt Nam đã giảm sút tương đối so với Trung Quốc… trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, Hoa Kỳ có thể là nước sẵn lòng kiềm chế Trung Quốc hơn, song trong giữa thập kỷ 90, điều không rõ là Hoa Kỳ sẽ đi xa đến đâu trong việc chống lại sự đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông. Cuối cùng thì, đối với Việt Nam, sự lựa chọn ít tồi tệ hơn cả có thể là ủng hộ Trung Quốc”[ii]. Những dòng này Huntington viết trước năm 1995. Lý do, có thể không hoàn toàn như Huntington nói, nhưng Việt Nam quả thật đã lựa chọn phương thức gần giống với điều Huntington đã hình dung là “ủng hộ Trung Quốc”. Mặc dầu vậy, “việc lựa chọn điều ít tồi tệ hơn đối với Việt Nam”, từ đó đến nay, hóa ra cũng không ngăn cản nổi, và tệ hơn nữa, cũng gần như không tác động được gì đến việc Trung Quốc quyết tâm thực hiện độc chiếm Biển Đông. Huntington mất 12/2008, nhưng những điều ông viết vẫn rất sống động với thế giới hôm nay, với sự lựa chọn chiến lược của Nhà Trắng, không chỉ về vùng Trung Cận Đông, về thế giới Hồi Giáo, mà còn về quan hệ Mỹ Trung, Mỹ Nhật, và đặc biệt về Biển Đông và Việt Nam[iii].
3. Trong những diễn biến liên quan đến Biển Đông, cần thiết phải nhắc tới sự kiện ngày 23/7/2010, Hội nghị Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 17 được tổ chức tại Hà Nội. Đây là Hội nghị đánh dấu thái độ của Mỹ, của 27 nước thành viên ARF trong và ngoài ASEAN, và của cộng đồng thế giới về vấn đề Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ lúc đó, bà Hillary Clinton chính thức lên tiếng về “lợi ích quốc gia của Mỹ trong việc tự do hàng hải ở biển Đông”. Bà Clinton nói: “Mỹ tuyên bố hỗ trợ ngoại giao đối với các bên tranh chấp và lên án sự cưỡng ép, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực của bất kỳ nước nào”. Ngoại trưởng Mỹ còn nói rõ, “việc đòi chủ quyền đối với không gian biển phải bắt nguồn từ việc đòi chủ quyền hợp pháp với các đảo, đất, đá... trên biển”[iv]. Tuyên bố này ngay thời điểm đó đã gây chấn động mạnh. Hơn một nửa trong số 27 nước có mặt phát biểu ủng hộ. Dương Khiết Trì, ngoại trưởng Trung Quốc lúc đó, tức giận bỏ phòng họp và chính giới Trung Quốc khó chịu. Nhắc lại sự kiện này trong cuốn Hồi ký “Sự lựa chọn khó khăn” mới xuất bản 6/2014 của mình, bà Clinton kể lại, lúc đó “Trung Quốc đã đi quá đà và Việt Nam là cơ hội độc đáo chiến lược cho dù đầy thách thức”. “Tôi thấy Dương Khiết Trì giận tái mặt! Anh ta yêu cầu dừng phiên họp một tiếng đồng hồ trước khi trả lời. Khi trở lại, nhìn thẳng vào mắt tôi, Dương Khiết Trì bác hẳn chủ đề Biển Đông và cảnh báo mọi can thiệp từ bên ngoài. Rồi quay sang các nước láng giềng châu Á, anh ta nhắc lại rằng Trung Quốc “là một nước lớn, lớn hơn tất cả những nước có mặt ở đây cộng lại” (China is a big country, bigger than any other countries here). Trong khuôn khổ hội nghị này, đó không phải là một lý lẽ thuyết phục”[v]. Điều thú vị là, hiện nay cuốn sách này chính thức bị cấm phát hành ở Trung Quốc.
4. Không dừng ở đó, cuối năm 2011, Mỹ đã chính thức tuyên bố thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ. Phục vụ chiến lược này, Mỹ đã nâng cấp quan hệ quân sự và tiến hành tập trận chung với các nước như Philippines, Singapore, Australia, Ấn Độ… - những nước đang có tranh chấp với Trung Quốc. Kế hoạch cho sự có mặt dài lâu của quân đội Mỹ ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương cũng đã không ngần ngại được nói đến. Tinh thần “thế kỷ Thái Bình Dương” được Mỹ liên tục nhắc lại trong các diễn đàn chính trị quốc tế. Tại Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) diễn ra ở đảo Cook ngày 31/8/2012, ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh “Washington sẽ can dự lâu dài ở Nam Thái Bình Dương” vì Thái Bình Dương không phải là ao nhà của bất kỳ ai, mà “Khu vực Thái Bình Dương đủ rộng cho tất cả các nước, cho Mỹ và cho một Trung Quốc đang lên”[vi].
Thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ - lời tuyên bố chính thức cho chiến lược này được ngoại trưởng Mỹ công bố tại hội nghị thượng đỉnh khối APEC gồm 21 nước Châu Á - Thái Bình Dương nhóm họp tại Honolulu ngày 10/11/2011. Tuyên bố này sau đó được đăng lại trên tờ Foreign Policy số tháng 11/2011. Chắc chắn đây là một văn kiện quan trọng mà có thể nhiều thập niên sau người ta mới thấy hết ý nghĩa của nó. Với tuyên bố này, bà Clinton nói rõ: “Tương lai của các hoạt động chính trị sẽ được quyết định ở Châu Á, chứ không phải ở Apghanistan hay Iraq, và Mỹ sẽ ở trung tâm của những hành động đó… Châu Á có ý nghĩa quyết định đối với tương lai của nước Mỹ, một nước Mỹ can dự sẽ có ý nghĩa sống còn đối với tương lai của Châu Á. Mỹ là cường quốc duy nhất có mạng lưới liên minh rộng khắp trong khu vực, không tham vọng về lãnh thổ, và từ lâu đã có những thành tích trong việc mang lại lợi ích chung”[vii]. Sự can dự của Mỹ với truyền thống của một Đế quốc không tham vọng lãnh thổ luôn được các nước có liên quan coi là điều có sức thu hút[viii].
5. Có thể là để chuẩn bị cho Ngoại trưởng Hillary Clinton công bố chiến lược Thế kỷ Thái Bình Dương, tờ “Foreign Policy” số tháng 9 và tháng 10 năm 2011 đã cho ra mắt bài “Biển Đông: tương lai của xung đột” của R. Kaplan[ix], một bài viết vạch rõ những căn cứ lý luận, lịch sử và những tư tưởng nền tảng cho chiến lược Biển Đông của Mỹ. Tháng 1/2012, Kaplan cùng các tác giả khác của CNAS (Center for a New American Security, Trung tâm An ninh Mỹ) còn công bố bản phúc trình 115 trang mang tên “Phối hợp lực lượng: Mỹ, Trung Quốc và Biển Đông”, thực chất là tư tưởng về hoạch định Chiến lược của Mỹ đối với Biển Đông[x]. Bài viết “Biển Đông: tương lại của xung đột” cùng với Bản phúc trình “Phối hợp lực lượng” từ ngày đó đã gây được sự chú ý của giới nghiên cứu, giới quân sự, các nhà hoạt động xã hội và các chính khách ở khắp các diễn đàn liên quan tới tình hình Biển Đông, Việt Nam và Châu Á - Thái Bình Dương. (Xem tiếp phần 5)
*Viện Thông tin khoa học xã hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.
[i]. Huntington, Samuel P.(2005). Sự va chạm của các nền văn minh. Nxb. Lao động. tr.328.
[ii]. Huntington, Samuel P.(2005). Sđd. tr. 336-337.
[iii]. Xem: Flournoy, Michael, Ely Ratner (2014). China’s territorial advances must be kept in Check by the United States. Washington Post. July 4. http://www.washingtonpost.com/opinions/chinas-territorial-advances-must-be-kept-in-check-by-the-united-states/2014/07/04/768294dc-0230-11e4-b8ff-89afd3fad6bd_story.html.
[iv]. Clinton, Hillary R., Secretary of State (2010). Press Availability. National Convention Center. Hanoi, Vietnam. July 23,. http://www.state.gov/secretary/rm/2010/07/145095.htm
[v]. Xem: Clinton, Hillary R. (2014). Hard Choices. Pub.: Simon & Schuster.
[vi] Clinton, Hillary R., Secretary of State (2012). Commemorating U.S. Peace and Security Partnerships in the Pacific.Cook Islands, August 31. http://www.state.gov/secretary/rm/2012/08/197262.htm
[vii] Clinton, Hillary R. (2011). America's Pacific Century. Foreign Policy. November, 2011. http://www.foreignpolicy.com/articles/2011/10/11/americas_pacific_century?page=full.
[viii] Tổng Giám mục Giáo xứ Canterbury, Anh gay gắt hỏi Ngoại Trưởng Mỹ Colin Powell trong một cuộc họp báo, việc Mỹ đem quân đến Iraq và Afganistan có phải là thí dụ điển hình về tham vọng bành trướng lãnh thổ hay không? Colin Powel từ tốn trả lời: - Thưa Đức Cha, từ bao năm qua, Mỹ đã gửi không biết bao nhiêu nam thanh, nữ tú xuất sắc của mình dấn thân vào lửa đạn để tranh đấu cho tự do ngoài biên cương của Mỹ. Tham vọng về đất đai của chúng tôi, nếu có là chỉ xin vừa đủ đất để chôn những người tử trận không thể trở về. Xem: http://www.vids.org.vn/vn/asp/News_Detail.asp?tabid=1&mid=802&ID=2138.
[ix] Kaplan, Robert D. (2011). The South China Sea Is the Future of Conflict. Foreign Policy. Sept/Oct,.http://www.foreignpolicy.com/articles/2011/08/15/the_south_china_sea_is_the_future_of_conflict
[x] CNAS. Cooperation from Strength: The United States, China and the South China Sea. (Edited by Patrick M. Cronin. Contributors: Patrick M. Cronin, Peter A. Dutton, M. Taylor Fravel, James R. Holmes, Robert D. Kaplan, Will Rogers and Ian Storey). January, 2012. http://www.cnas.org/files/documents/publications/CNAS_CooperationFromStrength_Cronin_1.pdf
- Share
- Copy
- Comment( 0 )
Cùng chuyên mục