Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

Xung đột Biển Đông qua nhìn nhận của một số học giả và chính khách Mỹ và phương Tây (Phần 6)

Xung đột Biển Đông qua nhìn nhận của một số học giả và chính khách Mỹ và phương Tây (Phần 6)

02:22 26-08-2022 Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ

(Tiếp theo phần 5)

Xung đột Biển Đông qua nhìn nhận của một số học giả và chính khách Mỹ và phương Tây

GS, TS Hồ Sĩ Quý*

IV. Những hệ lụy

1. Chắc chắn là Trung Quốc đã tính toán rất kỹ và chuẩn bị từ lâu để đưa giàn khoan Haiyang 981 cùng các phương tiện quân sự vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Thời điểm mà Trung Quốc lựa chọn cũng thuộc loại hiếm hoi để Nga dẫu có định nói gì cũng phải im lặng[1] (sau cú gây chấn động địa chính trị ở Crimea và bắt tay với Trung Quốc để bán hàng trăm tỷ USD khí đốt trong suốt 30 năm). Mỹ đang có những vấn đề của mình ở Châu Âu và Trung Đông, trong khi Tổng thống Obama lại ở vào thời điểm bất lợi nhất về uy tín[2]. Nhật Bản đang “nín thở” để thực thi chính sách “quyền tự do nhiều hơn về quân sự” của mình. Philippines và Indonesia thì còn đang “ngơ ngác chưa hiểu Trung Quốc định làm gì” với các eo biển Malacca, Sunda, Blombok và Makascha[3]. Malaysia thì có thái độ bí ẩn đến nghi ngờ[4]. Thái Lan và Campuchia thì vô tình hoặc cố ý coi một vài bãi đá ở Thái Bình Dương là chuyện xa lạ. Lào thì lúng túng không biết thể hiện chính kiến như thế nào. Còn Việt Nam, “kẻ đối đầu hữu nghị” - đối tượng có ý nghĩa quyết định nhất cho việc thành bại của những âm mưu - thì thực lực quân sự vẫn chưa mạnh như dự kiến[5], kinh tế gặp nhiều khó khăn, đối nội và đối ngoại đều có những vấn đề lớn nhỏ. Một “cơ hội khó có thể tốt hơn” tương tự như lúc Trung Quốc đã đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974.

2. Cơ hội tốt, tiềm lực kinh tế vững, thực lực quân sự đủ mạnh, phương thức thừa tự tin để hiện thực hóa ý chí “Trung Hoa mộng”…, vậy bước đi này của Trung Quốc là đúng đắn hay sai lầm, có lợi hay có hại cho sự hình thành một Trung Hoa cường quốc vào những thập niên tới?

Dĩ nhiên Trung Quốc tự ca ngợi hành động của mình chính đáng và hơn thế nữa, còn là không quên “nỗi nhục trong lịch sử” (History of humiliation, như chính tập Cận Bình đã nói trước quân đội 27/6/2014[6]). Nhưng cũng không ít học giả, chính khách quốc tế, trong đó có cả học giả Trung Quốc, coi bước đi này của Trung Quốc là “dại dột”, “Cao Biền dậy non”, sai lầm, thậm chí sai lầm to lớn. Và, nếu thế thì đây mới là điều đặc biệt thú vị. Một Trung Quốc khôn ngoan, mưu lược, kỹ lưỡng đến từng chi tiết, ấp ủ mộng lớn tới hàng trăm năm… mà chẳng lẽ vẫn “dại dột”, và “về lâu dài lại gây tổn hại cho mình nhiều hơn”[7] hay sao.

Như trong tham luận “Thế kỷ châu Á và vấn đề Biển Đông” tại Hội thảo Việt Nam học lần thứ tư, Hà Nội, 11/2012[8], quan điểm của chúng tôi và của nhiều học giả quốc tế khác đã được trình bày, triển vọng về một Châu Á hưng thịnh trong thế kỷ XXI với cường quốc Trung Hoa đóng vai trò đầu tàu vĩ đại của sự tiến bộ, là triển vọng khá thực tế. Khó ai có thể ngăn trở hoặc phá vỡ được triển vọng này, ngoài chính Trung Quốc. Xin nhấn mạnh, Khó ai có thể ngăn trở hoặc phá vỡ được triển vọng này, ngoài chính Trung Quốc. Nghĩa là, nếu Trung Quốc biết kiềm chế tham vọng phi lý của mình và nếu Biển Đông không có chiến tranh, thì thế kỷ XXI sẽ là “Thế kỷ châu Á”, Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc có trách nhiệm và nhiều điều tốt đẹp khác sẽ đến với Châu Á và với thế giới.

Nhưng điều kỳ lạ đến khó tin là, trong đối ngoại, “Trung Quốc chỉ cảm thấy thoải mái khi hành xử theo cách của riêng mình” [9] (Rory Medcalf, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế thuộc Viện Lowy, thành viên cao cấp của Viện Chính sách đối ngoại Brookings đã nhận xét như vậy). Nếu đúng như thế thì có thể tâm lý Đại Hán dân tộc chủ nghĩa đã che khuất tầm nhìn sáng suốt của giới lãnh đạo Trung Quốc.

Theo dõi đánh giá của các học giả Mỹ, Phương Tây và các nước khác, trong chừng mực tài liệu mà chúng tôi bao quát được, về hệ lụy của hành động Trung Quốc làm nóng Biển Đông, chúng tôi thấy các phân tích thường khá tập trung ở những nội dung sau: 1/ Trung Quốc làm xấu đi hình ảnh của chính mình, tự coi mình là trường hợp dị thường, làm mất thêm niềm tin của cộng đồng quốc tế. 2/ Làm sống dậy chủ nghĩa dân tộc Đại Hán hẹp hòi, “to xác, xấu tính” [10] (chữ dùng chỉ Trung Quốc của David Pilling, Biên tập viên kỳ cựu của tờ Financial Times). 3/ Vô tình thúc đẩy Liên minh Nhật - Mỹ - Philippines, Liên minh Nhật - Mỹ - Hàn. 4/ Buộc ASEAN khá lỏng lẻo phải đồng thuận hơn. 5/ Làm cho EU và phương Tây e ngại sâu sắc hơn đối với Trung Quốc. 6/ Đẩy Việt Nam xích lại phía Mỹ gần hơn. 7/ Cuối cùng, biến mối quan hệ giữa 2 Đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam, vốn đã không nhiều tin tưởng, trở thành lạc lõng; vô hiệu hóa khẩu hiệu 4 tốt và 16 chữ vàng, mà Trung Quốc dùng để ràng buộc Việt Nam nhiều hơn là Việt Nam có thể yêu cầu gì ở phía Trung Quốc.

V. Kết luận

Mặc dù những hiện tượng dẫn ra trong bài đều là có thật và những đánh giá của các học giả và các chính khách Mỹ và Phương Tây về vấn đề đều rất khách quan, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng rằng, quy luật về sự tiến bộ trước sau vẫn là quy luật thép. Và nếu thế thì những hiện tượng khiến thế giới cảm nhận không mấy tốt đẹp về sự trỗi dậy của Trung Quốc chẳng qua chỉ là những biểu hiện không bản chất, những bước vấp váp, quanh co hoặc thụt lùi… sai lầm của một một cường quốc đang lên. “Quay đầu là bờ” – Trung Quốc rồi sẽ nhận ra hay buộc phải nhận ra sai lầm của mình. “Hạ lưu” không thể là phương thức để phát triển. Sự “trỗi dậy” trong thế kỷ XXI không thể bằng cách nào khác ngoài hòa bình, thân thiện và văn minh, nếu Trung Quốc muốn là con sư tử Trung Hoa. Thế kỷ XXI vẫn là thế kỷ của một Châu Á thịnh vượng.

* Viện Thông tin khoa học xã hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam


[1]. Căng thẳng biển Đông: Vì sao Nga im lặng? (Phỏng vấn Lucio Caracciolo 15/5/2014). http://plo.vn/thoi-su/cang-thang-bien-dong-vi-sao-nga-im-lang-468385.html // Trung Quốc đã tính kỹ thời điểm đặt giàn khoan trái phép http://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/trung-quoc-da-tinh-ky-thoi-diem-dat-gian-khoan-trai-phep-a32337.html#.U7oHg41_vlQ

[2]. Theo kết quả thăm dò toàn nước Mỹ được Đại học Quinnipiac, Connnecticut công bố ngày 2/7/2014 thì 33% người được hỏi đánh giá Obama là Tổng thống tệ nhất của Mỹ kể từ sau Thế chiến II. Xem: http://www.quinnipiac.edu/news-and-events/quinnipiac-university-poll/national/release-detail?ReleaseID=2056

[3]. Lê Ngọc Thống (2014). Nước cờ nào của Trung Quốc trên Biển Đông. http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/nuoc-co-nao-cua-trung-quoc-tren-bien-dong-3032788/

[4]. Quan hệ lạ thường Malaysia – Trung Quốc (2014). http://petrotimes.vn/news/vn/quan-doi-va-chien-tranh/quan-he-la-thuong-malaysia-trung-quoc.html.  Ngày 24/6/2014, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phải gửi tuyên bố tới tờ WSJ (The Wall Street Journal) để giải thích cho mối quan hệ “khó giải thích” của họ với Malaysia.

[5]. Perlez, Jane (2014). Q. and A.: Lyle Golstein on China and the Vietnamese Military. July 5. http://sinosphere.blogs.nytimes.com/2014/07/05/q-and-a-lyle-goldstein-on-china-and-the-vietnamese-military/?_php=true&_type=blogs&emc=edit_tnt_20140705&nlid=15975&tntemail0=y&_r=0

[6]. Xi Jinping stresses building strong frontier defense. http://english.sina.com/china/p/2014/0628/713605.html

[7]. “In the long run, the premature displays of confidence China has lately shown are likely to harm its interests more than advance them”. Rory Medcalf (2014). China's Premature Power Play Goes Very Wrong. National Interest June 3. http://nationalinterest.org/feature/chinas-premature-power-play-goes-very-wrong-10587 // Trần Ngọc Thêm (2014). “Cao Biền dậy nonhttp://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/05/140530_who_mediate_981_conflict.shtml

[8]. Xem: Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, ĐHQG Hà Nội (2014). Việt Nam học. Kỷ yếu Hội thảo lần thứ tư. Hà Nội, 26-28/11/2012. Tập VII. Nxb. KHXH. tr. 487-498.

[9]. “Chinese diplomacy seems comfortable only on a stage it manages”. Rory Medcalf (2014). Sđd.

[10]. David Pilling (2011) Asia’s quiet anger with ‘big, bad’ China. http://www.ft.com/intl/cms/s/0/da3396b6-8c81-11e0-883f-00144feab49a.html#axzz36mNae8Pi.

Nguồn:

Viết bình luận

Bình luận

Cùng chuyên mục